Hoa Kỳ: Mức trần nợ là gì và quan trọng như thế nào?
Hôm 01/02, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) đã gặp nhau để thảo luận về việc nâng mức trần nợ của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nhiều người Mỹ có thể không nắm bắt được toàn bộ mức trần nợ là gì, mặc dù kỳ lạ là rất nhiều người có ý kiến về những gì nên làm với mức trần nợ đó.
Chẳng hạn, một cuộc thăm dò mới đây do RMG Research thực hiện cho thấy 79% người Mỹ nghĩ rằng nên tăng mức trần nợ, nhưng lại bị chia rẽ về việc liệu điều đó có đi kèm với việc cắt giảm chi tiêu hay không.
Trong số 1,000 cử tri đã ghi danh được khảo sát, 45% cho biết việc cắt giảm chi tiêu phải là điều kiện tiên quyết để tăng giới hạn nợ, và 24% cho biết nên tăng giới hạn này mà không cắt giảm chi tiêu của chúng ta.
Một cuộc thăm dò năm 2013 từ National Journal cho thấy 62% người Mỹ nghĩ rằng việc tăng mức trần nợ sẽ cho phép chính phủ vay thêm tiền để chi tiêu trong tương lai, nhưng thực tế không phải vậy.
Mức trần nợ là gì?
Mức trần nợ, đôi khi được gọi là giới hạn nợ, là tổng số nợ mà chính phủ liên bang được phép có tại một thời điểm. Giới hạn đó do Quốc hội đặt ra và không thể vượt quá nếu không có sự chấp thuận của quốc hội.
Mức trần nợ hiện tại của Hoa Kỳ là hơn 31 ngàn tỷ USD một chút. Nói chính xác hơn, đó là khoảng 31,381,000,000,000 USD.
Việc vượt mức trần nợ này cũng giống như chạm đến giới hạn trên một thẻ tín dụng. Nếu quý vị không có tiền mặt, quý vị phải ngừng tiêu tiền, ngay cả đối với những thứ quý vị đã mua, như điện hoặc dịch vụ điện thoại.
Nước Mỹ lẽ ra đã đạt mức trần nợ vào ngày 19/01 nếu Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen không thực hiện “các quy định đặc biệt” để duy trì cho các hóa đơn của quốc gia được thanh toán trong 5 tháng nữa hoặc lâu hơn.
Làm thế nào mà chúng ta đã có khoản nợ 31.4 ngàn tỷ USD?
Câu trả lời ngắn gọn là chúng ta đã tiêu nhiều tiền hơn số tiền chúng ta nhận được từ thuế và các khoản thu khác trong một thời gian dài, rất dài.
Hoa Kỳ bắt đầu vay nợ trong thời kỳ Cách mạng Hoa Kỳ và đã tích lũy khoản nợ 75 triệu USD vào đầu năm 1791. Chúng ta mắc nợ kể từ đó.
Trong lịch sử, món nợ quốc gia này tăng cao nhất trong thời chiến. Món nợ này đã tăng 2.7 tỷ USD trong Nội Chiến, đạt 22 tỷ USD sau Đệ nhất Thế chiến, và lên tới 4 ngàn tỷ USD vào cuối Đệ nhị Thế chiến.
Từ đó, món nợ quốc gia này quay trở lại mức khoảng 3 ngàn tỷ USD và duy trì ở mức đó cho đến những năm 1970.
Phần còn lại của khoản nợ 31.4 ngàn tỷ USD này của chúng ta được tạo ra từ năm 1982 đến nay. Trong khoảng thời gian đó, món nợ quốc gia này đã tăng gấp đôi sau mỗi bảy năm.
Một số khoản gia tăng đó là do các trường hợp bất thường đòi hỏi phải chi tiêu khẩn cấp, chẳng hạn như đại dịch.
Thường xuyên hơn, nợ từng tăng lên vì Quốc hội được bầu để vận hành đất nước này với một khoản ngân sách thâm hụt. Điều đó có nghĩa là chúng ta đã lập một kế hoạch chi tiêu vượt quá thu nhập của mình một cách có chủ ý, rồi trù hoạch vay tiền để trang trải phần chênh lệch đó.
Đó là tình huống trong tất cả, trừ 4 trong số 52 năm qua. Kể từ năm 1970, chúng ta đã tiêu nhiều tiền hơn khoảng 90% số chúng ta có.
Chúng ta không thể cắt giảm chi tiêu trong tương lai sao?
Việc nâng mức trần nợ tức là trả tiền cho quá khứ, chứ không phải cấp tiền cho tương lai.
Nếu muốn sửa sang lại nhà bếp của mình, quý vị có thể thuê một nhà thầu để thực hiện công việc này. Giả sử, quý vị sẽ ký một hợp đồng trị giá 5,000 USD. Nếu nhà thầu tin tưởng quý vị, quý vị có thể trả trước mọi thứ.
Nhưng khi nhà thầu hoàn thành công việc, quý vị phải trả tiền. Nếu không có tiền mặt, quý vị có thể thanh toán bằng một thẻ tín dụng.
Đó thực chất là những gì xảy ra khi Quốc hội thông qua một dự luật chi tiêu thâm hụt. Dự luật này bắt buộc quốc gia phải chi tiền trong tương lai cho một cam kết của ngày hôm nay.
Vì vậy, khi Quốc hội đồng ý chi 1.7 ngàn tỷ USD vào năm 2023, các nghị sĩ biết rằng việc này sẽ đòi hỏi phải vay tiền vào một thời điểm nào đó.
Và 1.7 ngàn tỷ USD đó không phải là tất cả những gì chính phủ cam kết chi trong năm nay. Nhiều cam kết chi tiêu đã được đưa ra từ nhiều năm trước, nhưng sẽ đến hạn trong những tháng tới. Điều đó bao gồm những thứ như trợ cấp An sinh Xã hội, thanh toán Medicare, lương nhân viên, các hợp đồng quốc phòng, và nhiều nghĩa vụ khác.
Điều gì xảy ra khi chúng ta chạm mức trần nợ?
Khi đạt đến giới hạn trên thẻ tín dụng của mình, quý vị có ba lựa chọn. Quý vị có thể thanh toán mọi hóa đơn bằng tiền mặt, yêu cầu ngân hàng tăng hạn mức, hoặc ngừng tiêu tiền.
Chính phủ cũng vậy. Nhưng vì chính phủ dự trù chi tiêu nhiều hơn thu nhập nên việc trả tiền mặt cho mọi thứ không phải là một lựa chọn. Hoặc Quốc hội phải tăng giới hạn nợ hoặc Bộ Ngân khố Hoa Kỳ phải ngừng chi trả cho một số thứ.
Tổng thống Biden đã nói rằng ông sẽ không xem xét bất kỳ cuộc đàm phán nào về vấn đề mức trần nợ này, bởi vì nếu không nâng mức trần nợ thì “uy tín và niềm tin trọn vẹn” của Hoa Kỳ sẽ gặp rủi ro.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện McCarthy và các thành viên Đảng Cộng Hòa khác quyết tâm tận dụng dịp này để khiến cả hai đảng chính trị ngừng chi tiêu quá mức thu nhập của quốc gia, hoặc chí ít là chi tiêu ít hơn.
Tổng thống sẽ công bố ngân sách đề nghị của mình vào ngày 09/03.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times