Nga tuyên bố thắng các cuộc trưng cầu dân ý ở Ukraine giữa cáo buộc về phá hoại đường ống
Các nguồn tin chính thức của Nga công bố hôm 28/09, bốn tỉnh của Ukraine đã bỏ phiếu áp đảo đồng ý sáp nhập Liên bang Nga sau năm ngày trưng cầu.
Hầu hết các thủ đô của phương Tây mô tả các cuộc trưng cầu dân ý là “giả tạo” và nói rằng họ sẽ không công nhận kết quả.
Theo các hãng truyền thông Nga, 99% cử tri ở vùng Donetsk, 98% ở Luhansk, 93% ở Zaporizhzhia, và 83% ở Kherson đã bỏ phiếu ủng hộ việc sáp nhập với Nga.
Trong những ngày gần đây, các quan chức Nga cho biết việc sáp nhập của bốn khu vực này vào Nga có thể được chính thức phê chuẩn sớm nhất là vào ngày 30/09. Một khi điều đó xảy ra, Moscow đã nói rõ rằng họ sẽ coi các khu vực này là một phần của Nga và các cuộc tấn công vào các khu vực đó — do quân đội Ukraine hay các lực lượng khác thực hiện — đều sẽ được hiểu là các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên vào ngày cuối cùng của cuộc trưng cầu: “Tình hình sẽ thay đổi hoàn toàn từ góc độ pháp lý và từ góc độ luật pháp quốc tế, với tất cả các hậu quả liên quan nhằm mục đích bảo vệ các khu vực này.”
Hôm 21/09, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo về việc triệu tập 300,000 quân dự bị có kinh nghiệm chiến đấu tham gia nghĩa vụ quân sự.
Về phần mình, Kyiv và các đồng minh phương Tây cho rằng những hành động của Moscow tương đương với việc Nga trên thực tế đang “thôn tính” bốn khu vực.
“Trò hề này ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng thậm chí không thể được gọi là bắt chước một cuộc trưng cầu dân ý,” Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong một bài diễn văn qua video sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố.
Hoa Kỳ được cho là có kế hoạch đưa ra dự thảo nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhằm lên án các cuộc trưng càu dây ý nói trên, kêu gọi các quốc gia thành viên không công nhận những thay đổi đối với tình trạng lãnh thổ của Ukraine và yêu cầu Nga rút toàn bộ quân đội khỏi nước này.
“Chương trình trưng cầu giả tạo của Nga, nếu được chấp nhận, sẽ mở ra một chiếc hộp Pandora mà chúng ta không thể đóng lại,” bà Linda Thomas-Greenfield, đặc phái viên của Hoa Thịnh Đốn tại Liên Hiệp Quốc, cho biết hôm 27/09.
Quân Nga và các đồng minh địa phương của họ hiện nắm giữ khoảng 60% lãnh thổ của Donetsk, nơi vẫn còn là chiến địa giao tranh khốc liệt, và gần như toàn bộ vùng Luhansk. Moscow đã công nhận cả hai vùng lãnh thổ tạo nên vùng Donbas nói tiếng Nga này là các nước cộng hòa độc lập.
Các lực lượng Nga hiện cũng kiểm soát nhiều vùng rộng lớn của khu vực phía nam Zaporizhzhia và gần như toàn bộ vùng Kherson lân cận.
Bốn khu vực này chiếm khoảng 15% tổng lãnh thổ của Ukraine.
Năm 2014, khu vực Hắc Hải của Ukraine là Crimea đã bỏ phiếu áp đảo để sáp nhập Nga trong một cuộc trưng cầu dân ý tương tự. Kết quả của cuộc thăm dò đó vẫn chưa được toàn thế giới công nhận, chỉ trừ một số rất ít các quốc gia.
‘Cố ý làm gián đoạn’ các đường ống?
Ngày cuối cùng của các cuộc thăm dò ở Ukraine đi kèm với các báo cáo về những vụ rò rỉ khí đốt dọc theo đường ống Nord Stream 1 và 2 của Nga, nguyên nhân của sự cố này vẫn là ẩn đố.
Cả hai đường ống này đều chạy dưới biển Baltic, nối các mỏ khí đốt ở Nga với Đức và các thị trường năng lượng Âu Châu khác.
Hôm 26/09, các nhà chức trách Đan Mạch thông báo về một vụ rò rỉ khí đốt phát ra từ Nord Stream 2. Ngay sau đó, các nhà chức trách Thụy Điển đã báo cáo hai vụ rò rỉ tương tự dọc theo Nord Stream 1.
“Sự cố vỡ đường ống dẫn khí đốt là vô cùng hiếm gặp,” người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Đan Mạch được trích dẫn là đã nói như vậy, khi lưu ý rằng mức độ chuẩn bị sẵn sàng đã được nâng lên để ứng phó với các sự cố.
Sau những cảnh báo trên, phi cơ và tàu được lệnh duy trì khoảng cách ít nhất 5 hải lý tính từ vùng lân cận rò rỉ. Tin tức này đã khiến giá khí đốt ở Âu Châu tăng 12% vào ngày 28/09.
Cả hai đường ống đều có mối liên hệ sâu sắc với cuộc xung đột đang tiếp diễn giữa Nga và Ukraine, vốn đã bước sang tháng thứ tám hồi tuần trước (19-25/09).
Trước đó vào hôm 31/08, Nga đã cắt các luồng khí đốt qua Nord Stream 1, viện lý do “các vấn đề kỹ thuật” do các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra. Hành động này đã làm tăng giá năng lượng trên khắp Âu Châu, đặc biệt là ở Đức, dẫn đến cáo buộc rằng Nga đang “vũ khí hóa” năng lượng xuất cảng của mình.
Công trình xây dựng Nord Stream 2, nhằm tăng cường cung cấp khí đốt của Nga cho Âu Châu, vẫn chưa hoàn tất. Sau khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/02, Đức đã tạm dừng dự án.
Các nhà địa chấn học ở Đan Mạch và Thụy Điển tuyên bố đã ghi nhận hai vụ nổ mạnh hôm 26/09, một trong số đó đo được ở mức 2.3 độ Richter, ở những khu vực mà sau đó đã có báo cáo về các vụ rò rỉ.
Các báo cáo đã đưa ra cảnh báo trên báo chí Đức về “một cuộc tấn công có chủ đích vào cơ sở hạ tầng khí đốt và thị trường khí đốt của Âu Châu.”
Hôm 28/09, người đứng đầu chính sách ngoại giao của EU Josep Borrell cho biết, “Tất cả các thông tin hiện có cho thấy những vụ rò rỉ đó là kết quả của một hành động có chủ đích” và rằng “bất kỳ hành động cố ý làm gián đoạn” cơ sở hạ tầng năng lượng của Âu Châu nào đều sẽ được đáp trả bằng một “phản ứng mạnh mẽ và thống nhất.”
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Morten Bodskov, sau cuộc họp với lãnh đạo NATO tại Brussels, cho biết: “Nga có sự hiện diện quân sự đáng kể ở khu vực Biển Baltic; chúng tôi dự liệu là họ sẽ tiếp tục hành động đe dọa quân sự của mình.”
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov mô tả những tuyên bố rằng Nga phải chịu trách nhiệm cho các vụ rò rỉ là “có thể lường trước” và “ngu ngốc.”
“Quý vị có nhớ những tuyên bố của Tổng thống Hoa Kỳ hồi đầu tháng Hai không?” ông hỏi. “Hồi đó ai đã hứa sẽ loại bỏ Nord Stream 2?”
Hôm 07/02, Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ ngừng hoạt động của Nord Stream 2 nếu Nga xâm lược Ukraine.
Vào thời điểm đó, ông Biden đã nói rằng nếu Nga xâm lược, “thì sẽ không còn… Nord Stream 2 nào nữa. Chúng ta sẽ đặt dấu chấm hết cho dự án này. Chúng ta sẽ làm được, tôi hứa với quý vị là chúng ta sẽ làm được.”
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times