Các cuộc bỏ phiếu ở Ukraine kết thúc giữa sự chia rẽ chính sách ngày càng tăng ở Âu Châu
Các cuộc trưng cầu dân ý tại bốn khu vực do Nga quản lý của Ukraine đã kết thúc hôm 27/09 trong bối cảnh Kyiv cảnh báo rằng các công dân Ukraine tham gia tổ chức cuộc bỏ phiếu có thể phải đối mặt với án tù.
“Chúng tôi đang nói về hàng trăm cộng tác viên,” cố vấn tổng thống Ukraine Mikhailo Podolyak nói. “Họ sẽ bị truy tố vì tội phản quốc.”
Cuộc bỏ phiếu bắt đầu hôm 23/09 sẽ quyết định liệu cư dân của các khu vực Donetsk, Luhansk, Kherson, và Zaporizhzhia của Ukraine muốn vẫn thuộc Ukraine hay gia nhập Liên bang Nga.
Theo các nguồn tin của Nga, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu tính đến hôm 26/09 đạt 87% ở Donetsk; 84% ở Luhansk; 64% ở Kherson; và 66% ở Zaporizhzhia.
Hôm 27/09, hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời thị trưởng thân Nga của Donetsk cho biết, khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, thành phố Donetsk đã hứng chịu những trận pháo kích lớn của Ukraine.
Về phần mình, Kyiv và các quốc gia phương Tây ủng hộ nói rằng những cuộc thăm dò đại diện cho việc Nga trên thực tế đang “thôn tính” các vùng lãnh thổ và tuyên bố sẽ không công nhận kết quả.
Quân đội Nga và các đồng minh địa phương của họ hiện nắm giữ khoảng 60% Donetsk và gần như toàn bộ Luhansk. Moscow đã công nhận cả hai lãnh thổ này, vốn cùng nhau tạo thành vùng nói tiếng Nga Donbas của Ukraine, là các nước cộng hòa độc lập.
Quân Nga hiện cũng kiểm soát nhiều vùng rộng lớn ở khu vực phía nam Zaporizhzhia và gần như toàn bộ khu vực Kherson lân cận.
Theo các quan chức bầu cử Nga, việc bỏ phiếu kết thúc lúc 4 giờ chiều theo giờ địa phương hôm 27/09, sau đó các phiếu bầu sẽ được kiểm đếm và công bố kết quả sơ bộ vào cuối ngày.
Hầu hết các nhà quan sát đều dự đoán chiến thắng nghiêng về phe thân Nga. Truyền thông Nga đã đưa tin rằng 93% số phiếu bầu trong ngày bỏ phiếu đầu tiên ở Zaporizhzhia ủng hộ sự hội nhập của khu vực với Nga.
Năm 2014, khu vực Biển Đen của Ukraine, Crimea đã bỏ phiếu áp đảo để gia nhập Nga trong một cuộc trưng cầu dân ý tương tự. Kết quả của cuộc thăm dò đó vẫn chưa được công nhận bởi tất cả các quốc gia, chỉ trừ một số.
Các quan chức Nga đã nói rằng sự hợp nhất của bốn khu vực này vào Liên bang Nga — nếu họ bỏ phiếu ủng hộ — có thể được nhà nước Nga chính thức phê chuẩn sớm nhất là vào ngày 30/09.
Các quan chức Ukraine cho biết cư dân của bốn khu vực do Nga nắm giữ đã bị ép buộc để tham gia vào một cuộc bỏ phiếu bất hợp pháp. Về phần mình, Moscow và các đồng minh ở Ukraine phủ nhận tuyên bố về việc cưỡng ép từ phía Kyiv.
Sự chia rẽ chính sách ở EU
Các đồng minh phương Tây của Ukraine đã phản ứng với những gì họ mô tả là các cuộc trưng cầu dân ý “giả” này bằng cách tăng gấp đôi sự ủng hộ của họ đối với Kyiv.
Hôm 26/09, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua khoản viện trợ bổ sung 12 tỷ USD cho Ukraine.
Cùng ngày, Vương quốc Anh đã công bố một loạt các biện pháp trừng phạt mới, các mục tiêu được cho là bao gồm các quan chức Nga tham gia tổ chức những cuộc thăm dò này.
Cũng trong hôm đó Hà Lan đã thể hiện sự ủng hộ mới đối với Ukraine, với việc Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tweet: “Thêm vũ khí [cho Ukraine], nhiều lệnh trừng phạt hơn, cô lập Nga nhiều hơn.”
Tuy nhiên, không phải tất cả các lãnh đạo Âu Châu đều tỏ ra ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn như vậy đối với cuộc xung đột vừa bước sang tháng thứ tám.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã nói rằng các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga đã “phản tác dụng” vì đã đẩy giá năng lượng lên — gây tổn hại cho nền kinh tế Âu Châu.
Ông Orban cũng lặp lại lời kêu gọi ngừng bắn giữa các bên tham chiến.
Trong một diễn biến liên quan, việc Serbia quyết định tổ chức “các cuộc tham vấn chính sách ngoại giao” với Moscow được cho là đã thu hút sự phẫn nộ từ phía Brussels, vốn hy vọng các nước muốn gia nhập EU hạn chế tiếp xúc với Nga.
Serbia, cùng với Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ, hiện nằm trong danh sách các nước ứng cử viên của EU.
Diễn biến thực địa
Sau khi chiếm lại một số vị trí ở khu vực đông bắc Kharkiv vào đầu tháng này, quân đội Ukraine dường như đã vấp phải sự kháng cự cứng rắn hơn nhiều của Nga gần sông Oskil.
Hơn nữa, những trận mưa trái mùa dự kiến vào tháng tới có khả năng cản trở đáng kể các hoạt động phản công của Ukraine — ít nhất là trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, các cuộc giao tranh lẻ tẻ và những lần pháo kích qua lại vẫn tồn tại dọc theo chiến tuyến dài 1,000 km, cùng với các tin tức về giao tranh gần các thị trấn chiến lược Bakhmut và Krasny Liman ở Donetsk.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã mô tả tình hình chiến sự ở Donetsk là “đặc biệt nghiêm trọng.”
“Chúng tôi đang làm mọi thứ để ngăn chặn hoạt động của phía địch,” ông Zelensky cho biết trong một bài diễn văn qua video hôm 26/09. “Đây là mục tiêu số 1 của chúng tôi lúc này, vì Donbas vẫn là mục tiêu số 1 của những kẻ xâm lược.”
Hôm 27/09, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết tình hình ở Donbas — trọng tâm chính của “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga — dự kiến sẽ “thay đổi hoàn toàn” sau cuộc bỏ phiếu.
Ông Peskov nói với các phóng viên: “Tình hình sẽ thay đổi hoàn toàn từ góc độ pháp lý và từ góc độ luật pháp quốc tế, với tất cả các hậu quả liên quan cho mục đích bảo vệ những khu vực này.”
Trước đó một ngày, ông Anatoly Vyborny, Chủ tịch Ủy ban an ninh của Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga), nói rằng một “chiến dịch chống khủng bố” có thể được kích hoạt ở các khu vực chọn sáp nhập vào Nga.
“Một chiến dịch chống khủng bố có thể cần thiết ở các khu vực mới của Nga để chống lại các cuộc tấn công khủng bố từ chính quyền Kiev và các lực lượng vũ trang Ukraine,” TASS dẫn lời ông Vyborny cho biết.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times