New Zealand kêu gọi giải trừ hạt nhân toàn cầu, lên án cuộc xâm lược của Nga tại LHQ
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã kêu gọi một lệnh cấm vũ khí hạt nhân toàn cầu và lên án cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine trong tuyên bố của bà tại kỳ họp thứ 77 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ).
Bà nói: “Cách duy nhất để bảo đảm với người dân của chúng ta rằng họ sẽ được an toàn trước những hậu quả nhân đạo thảm khốc của vũ khí hạt nhân là để chúng không tồn tại.”
“Đó là lý do tại sao Aotearoa New Zealand kêu gọi tất cả các quốc gia có chung tín điều này cùng tham gia Hiệp ước Cấm Vũ khí Hạt nhân.”
Các bình luận trên được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ám chỉ việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh.
“Nếu có một mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng tôi và để bảo vệ người dân của chúng tôi, chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng mọi vũ khí mà mình có,” ông Putin nói và cho biết thêm, “Đó không phải là lời nói suông.”
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cũng nói rõ ràng rằng vũ khí hạt nhân “có thể được sử dụng cho mục đích bảo vệ này.”
Bà Ardern cho biết việc Nga ngăn chặn tiến trình thực hiện Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân thể hiện một bước lùi đối với nỗ lực của mọi quốc gia thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân.
Mặc dù thừa nhận rằng giải trừ vũ khí hạt nhân sẽ là một “thách thức to lớn” ở giai đoạn hiện tại, nhưng bà Ardern cho biết bà sẽ chọn đương đầu với thách thức hơn là đối diện với hậu quả của “một chiến lược răn đe thất bại dựa trên vũ khí.”
Bà nói: “Chúng tôi sẽ vẫn là một quốc gia ủng hộ mạnh mẽ và nhiệt thành cho những nỗ lực giải trừ các loại vũ khí cũ cũng như vũ khí mới.”
Bà Ardern cũng chỉ trích chiến dịch của Nga ở Ukraine là một cuộc chiến “bất hợp pháp” và “vô đạo đức”, là một “cuộc tấn công trực tiếp” vào hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ.
Bà nói: “Gợi ý của ông Putin rằng bất cứ lúc nào Nga cũng có thể tùy ý khai triển thêm vũ khí mà họ sở hữu tiết lộ lý giải sai lệch mà dựa trên đó họ đã thực hiện cuộc xâm lược của mình.”
Thủ tướng New Zealand ủng hộ những thay đổi về quyền phủ quyết của LHQ
Trong bài diễn văn của ông trước đại hội đồng LHQ, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden bày tỏ sự ủng hộ đối với việc tăng cường số đại diện thường trực có quyền phủ quyết và đại diện không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
“Các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, trong đó có Hoa Kỳ, nên nhất quán duy trì và bảo vệ Hiến chương Liên Hiệp Quốc và kiềm chế — không sử dụng quyền phủ quyết, trừ những trường hợp hiếm hoi, bất thường, để bảo đảm rằng Hội đồng vẫn đáng tin cậy và hoạt động hiệu quả,” ông nói.
Tuy nhiên, bà Ardern đã đi một bước xa hơn và kêu gọi bãi bỏ hoàn toàn quyền phủ quyết của các thành viên thường trực.
Bà nói: “Những thể chế [đa phương] này là trụ cột mà chúng ta cần, nhưng đó là một trụ cột đòi hỏi hiện đại hóa, phù hợp với môi trường đầy biến động mà tất cả chúng ta phải đang đối diện.”
“Quyền phủ quyết phải được bãi bỏ, và các thành viên thường trực phải thực hiện trách nhiệm của mình vì lợi ích của hòa bình và an ninh quốc tế, thay vì theo đuổi lợi ích quốc gia.”
Bà Ardern đề cập đến khi Nga phủ quyết một nghị quyết yêu cầu Điện Kremlin ngừng ngay lập tức cuộc xâm lược Ukraine hồi tháng Hai.
Bà nói: “[Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc] đã không hoàn thành nhiệm vụ của mình vì một thành viên thường trực sẵn sàng lạm dụng vị trí đặc quyền của mình.”
Việc trục xuất Đại sứ Nga đang được xem xét
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Nanaia Mahuta đã chỉ ra rằng tình trạng của Đại sứ Nga tại New Zealand đang được “tích cực xem xét.”
Bà nói rằng đại sứ vẫn chưa bị trục xuất vì quan điểm của New Zealand trong việc giữ các kênh ngoại giao cởi mở “để giảm leo thang tình hình.”
Việt Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times