Thất bại của ông Putin trong việc cố gắng khôi phục Nga thành một cường quốc
Ông Vladimir Putin đang đứng trước nguy cơ to lớn của việc bị thất bại hoàn toàn.
Sau khi phương Tây chiến thắng mà không đổ máu trong Chiến Tranh Lạnh, cùng với sự kiện chủ nghĩa cộng sản quốc tế sụp đổ và Liên Xô tan rã, ông Putin đã nổi lên từ cuộc đấu đá nội bộ diễn ra trên khắp Điện Kremlin, hậu quả của việc Liên Xô tan đàn xẻ nghé. Khi lên nắm quyền kiểm soát nước Nga đã bị thu hẹp, ông phải đối mặt với một sự lựa chọn rõ ràng: Ông có thể cố gắng cho nước Nga hạ cánh mềm khi quốc gia này xuống dốc từ vị trí siêu cường thế giới đồng hạng với Hoa Kỳ để giữ một vị trí nổi bật hạng nhì trong số các siêu cường hàng đầu thế giới, hoặc ông có thể từ chối công nhận tính hợp pháp của các nước Cộng hòa Liên Xô cũ đã ly khai để bắt tay tái thiết Nga, toan giẫm lên vết xe đổ của Peter Đại đế và Joseph Stalin.
Khi lựa chọn phương án thứ hai, tức là tái thiết một nước Nga vĩ đại hơn và Liên Xô, ông đã tạo ra sự thất bại thảm hại nhất trong thời buổi hiện đại mà lẽ ra ông nên chọn phương án thứ nhất: tụt từ hàng đầu xuống vị trí hạng hai.
Ví dụ điển hình về một sự giáng hạ tao nhã từ vị thế đệ nhất xuống thứ bậc đệ nhị trong các siêu cường là Anh quốc vào thời hai vị cố thủ tướng Winston Churchill và Margaret Thatcher: một danh hiệu Nữ hoàng (Gloriana) để kỷ niệm những phụng sự to lớn của Đế quốc Anh đối với chiến thắng của phe Đồng minh trong các cuộc Thế chiến và sự trao trả lại dù ít dù nhiều nền độc lập cho nhiều thuộc địa cũ một cách tự nguyện, trong đó có sáu quốc gia của Đế quốc Ấn Độ thuộc Anh.
Thủ tướng Churchill — nhà lãnh đạo lãng mạn vĩ đại, Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị — người kiến lập thiết thực Khối thịnh vượng chung, và bà đầm thép Thatcher — qua việc trở thành một đồng minh tiếp thêm sinh lực, hỗ trợ, và có ảnh hưởng với Hoa Kỳ và khẳng định các đặc quyền của Đế quốc Anh ở Quần đảo Falkland, đã cho phép Anh quốc thoái bước với phẩm giá không hề suy suyển, thậm chí còn là một điểm sáng của niềm kiêu hãnh khải hoàn. [Trong khi đó], ông Putin, khi tìm cách đi ngược lại bài học lịch sử, đã gây ra một thất bại khủng khiếp, thảm họa tồi tệ nhất của Nga kể từ cuộc chiến với Nhật Bản năm 1905.
Dường như đã có lúc ông Putin đang làm một công việc tốt để thiết lập nước Nga ở vị trí hàng đầu trong nhóm các cường quốc hạng hai trên thế giới, giống như tất cả các quốc gia khác trên thế giới, sau Hoa Kỳ. Nhưng có sự mơ hồ tiếp diễn về những gì được gọi là “vùng gần như ngoại quốc (“near abroad”), hay các nước cộng hòa khác ngoài Nga đã tách khỏi sự cai trị của Điện Kremlin: Ukraine, Belarus, Moldova, và ba nước vùng Baltic, ba nước vùng Caucasus (vùng dãy Cáp-ca), và năm nước cộng hòa Á Châu. Các quốc gia ly khai này có tổng dân số xấp xỉ 150 triệu dân, gần như ngang bằng với dân số của chính nước Nga, và họ đã dần dần bị Nga thâu tóm nhờ nỗ lực của các lãnh đạo tham vọng cũng như do việc Stalin chiếm các quốc gia Baltic theo Hiệp ước Liên Xô-Đức Quốc Xã năm 1939, một hiệp ước mà các nước đồng minh phương Tây đã không nghiêm túc trong việc ra sức thuyết phục Stalin xóa bỏ, vì xét đến việc trong Đệ nhị Thế chiến, Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết (USSR) đã có những hy sinh và đóng góp to lớn trên mặt trận phía Đông.
Phương Tây đã mời Nga tham gia G-7 và biến tổ chức này thành G-8, thậm chí đã có một số cuộc thảo luận về việc Nga gia nhập NATO. Nổi tiếng là sự kiện cựu Tổng thống George H.W. Bush đã khuyên Nghị viện Ukraine xem xét những lợi ích của việc tiếp tục bang giao với Nga. Điều này bị mắng nhiếc là “bài diễn văn hèn nhát gửi tới Kiev” (“Chicken Kiev speech”) hồi tháng 08/1992, nhưng vào thời ông George H.W. Bush, Hoa Kỳ đang nghiêng về việc mời Ukraine gia nhập NATO.
Ông Putin đã công khai nhắc đến tấn bi kịch của việc nước Nga và Liên bang Xô Viết cũ tan rã, để rồi cảm thấy bản thân điều này là bất công và là một nhân tố gây bất ổn định nghiêm trọng trên đại địa Á-Âu rộng lớn. Năm 2008, ông đã chiếm hai tỉnh của Georgia khi đất nước đó cũng đang đánh tiếng về việc gia nhập NATO, và khi ấy ông Putin đã có thể viện dẫn lời phàn nàn khi xưa của Hitler về sự đối xử bất công, mà trong trường hợp này, là đối với các nhóm thiểu số Nga ở các nước cộng hòa Liên Xô cũ.
Thời điểm phương Tây chấm dứt xoa dịu Điện Kremlin và ông Putin tiến tới một nỗ lực dứt khoát nhằm lấy lại một số biểu trưng về tư cách của Nga để vẫn được xem là một đối thủ của Hoa Kỳ là khi Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Ukraine để thúc đẩy ông Viktor Yanukovych trở thành tổng thống vào năm 2010, một kết quả bác bỏ mối bang giao ngày càng ấm nồng trước đó giữa Ukraine với Liên minh Âu Châu dưới thời Tổng thống thân phương Tây Viktor Yushchenko. Phương Tây đã can thiệp, xâm nhập vào Ukraine và giúp kích động một cuộc chính biến để phế truất ông Yanukovych rồi đưa ông Petro Poroshenko lên nắm quyền. Đây là nguyên nhân thực tế khiến ông Putin đánh chiếm Crimea hồi năm 2014, dẫn đến việc Nga bị loại khỏi khối G-8, và nhóm này trở lại là khối G-7.
Tất cả các cường quốc đã cùng nhau bảo đảm nền độc lập và biên giới cho Ukraine khi nước này giao nộp vũ khí hạt nhân mà nước này, cùng với Belarus và Kazakhstan, đã thừa hưởng từ Liên Xô, tuy nhiên dễ thấy rằng sự bảo đảm của các cường quốc đã tham gia ký kết này, trong đó có Nga và Hoa Kỳ, là vô giá trị.
Kể từ thời điểm đó, do không thể thu hồi mũi tên đã bắn khỏi dây cung, nên ông Putin đang hướng tới mục tiêu khôi phục quyền lực và vị thế của Liên Xô. Ông đã ngừng theo đuổi các mối bang giao hữu hảo hơn với phương Tây, và bắt đầu cố gắng làm thân với Bắc Kinh. Có một chút võ đoán ở đây, nhưng có vẻ như ông đã có động lực để hành động như vậy với Ukraine sau thất bại ê chề của Hoa Kỳ khi rút quân khỏi Afghanistan, bỏ lại hàng ngàn nhân viên của mình, ngoài ra còn để hàng tỷ dollar khí tài quân sự lọt vào tay Taliban, đồng thời gây ra căng thẳng to lớn và hoàn toàn không thể tránh khỏi cho các nước đồng minh phương Tây.
Cuộc tấn công của ông Putin vào Ukraine thật kỳ lạ: do thám trên không của Mỹ công bố cho toàn thế giới biết việc Nga tập trung tàu hỏa tiếp tế và một số lượng lớn xe tăng và xe bọc thép chở binh sĩ. Trước cảnh tượng diễn ra hàng ngày này, nhiều nhà bình luận và trong đó có tôi đã viết rằng đây là một phương pháp điên rồ để chuẩn bị gây chiến, cũng như, vì quân Nga có thể được nhìn thấy là chỉ có khoảng 150,000 binh sĩ gây chiến với hàng ngàn người ủng hộ, nên không thể nào ông Putin lại nghiêm túc với việc nỗ lực chiếm đóng một đất nước có hơn 40 triệu dân bằng một lực lượng tấn công ít ỏi như vậy.
Giờ thì chúng ta đã biết rằng các sĩ quan chỉ huy quân sự của ông từng tưởng rằng những người ủng hộ trung thành trước đây của họ trong chính phủ ông Yanukovych có thể tổ chức một cuộc đảo chính ở Kyiv, rồi giao thủ đô của Ukraine cho quân xâm lược Nga trong vòng vài ngày, và sự kháng cự sẽ nhanh chóng không còn khi nước này trở nên bất ổn như ở Crimea hồi năm 2014. Tình báo Nga lẽ ra phải biết rằng một số quốc gia NATO đã dày công huấn luyện một đội quân toàn diện gồm 200,000 quân nhân Ukraine và một lực lượng dân quân trừ bị được đào tạo kỹ lưỡng với khoảng 300,000 người khác, và lẽ ra họ phải tiên liệu được rằng NATO sẽ hỗ trợ cho Ukraine rất nhiều vũ khí và đạn dược.
Người Mỹ có lẽ xứng đáng được ghi công khi chậm rãi nâng cao mức độ và tính phức tạp của việc ủng hộ chính phủ ông Zelensky ở Ukraine, đồng thời tránh leo thang đột ngột. Nga hiện đã đến bước đường cùng khi phải mua vũ khí từ Bắc Hàn. Nếu ông Putin leo thang cuộc tấn công vào thường dân Ukraine, và đặc biệt là nếu ông sử dụng vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ, thì đó bằng như một lời mời gọi cho một sự leo thang quyết liệt — một cuộc chiến không quân và pháo binh chống lại Nga. Còn ông Volodymyr Zelensky, vị tổng thống đương nhiệm của Ukraine, không thể nào được phép lôi kéo phương Tây vào bất kỳ vai trò gì giống như trong cuộc chiến với Crimea 165 năm trước (mà không có một lữ đoàn kỵ binh hạng nhẹ hoặc thi hào Tennyson thời Victoria để mô tả về cuộc chiến đó).
Ông Putin có thể tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý ở các khu vực nói tiếng Nga của Ukraine, trong đó có Crimea. Nhưng đó là tất cả những gì ông sẽ phải thể hiện cho nỗ lực vụng về và thất bại này nhằm hồi sinh vinh quang cho nước Nga. Cuộc xâm lược Ukraine là một thất bại, và theo đó nỗ lực của Nga để giành lại vị trí cường quốc hàng đầu thế giới cũng đã tan thành mây khói. Điều tốt nhất mà ông Putin hay bất kỳ nhà lãnh đạo Nga nào có thể làm lúc này là thoát khỏi cuộc chiến, hy vọng rằng Nga sẽ thắng trong một số cuộc trưng cầu dân ý ở các tỉnh có chung biên giới ở Georgia và Ukraine, và thay thế chương trình thanh trừng các nhà tài phiệt chính trị đang diễn ra hầu như hàng tuần hiện nay bằng một nỗ lực nghiêm túc nhằm mang lại cho Nga điều mà nước này chưa lần nào có được trong toàn bộ lịch sử của mình: một chính phủ tử tế.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times