Nga tiến hành ‘tập trận chiến thuật chung’ với đồng minh chủ chốt Belarus
Hai đồng minh chiến lược Nga và Belarus đã bắt đầu tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung trên quy mô lớn hôm 16/01, theo tuyên bố chính thức của cả hai nước này.
Các cuộc tập trận này, dự kiến sẽ tiếp tục cho đến ngày 01/02, có thể sẽ làm dấy lên lo ngại về khả năng Nga sẽ tấn công Kyiv, nơi chỉ cách biên giới Belarus 140 km về phía nam.
Theo Bộ Quốc phòng Belarus, “các cuộc tập trận chiến thuật chung” này nhằm cải thiện “khả năng tương thích tác chiến trong việc đạt được các mục tiêu huấn luyện chiến đấu tập thể.”
Bộ cho biết trong một tuyên bố rằng cụ thể hơn, những cuộc tập trận này sẽ nhằm mục đích diễn tập trinh sát trên không, tuần tra chung trên không, cung cấp hỗ trợ trên không cho các hoạt động trên bộ, đổ bộ tấn công chiến thuật và vận chuyển quân trang.
Tuần trước, các quan chức quân đội Belarus cho biết “bộ phận không quân” của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã đến nước này để tham gia các cuộc tập trận theo lịch trình kể trên.
Hôm 11/01, Moscow đã tổ chức lại cơ cấu chỉ huy của “chiến dịch quân sự đặc biệt” đang diễn ra ở Ukraine, vốn sẽ sớm bước sang tháng thứ 12.
Tướng Valery Gerasimov được bổ nhiệm làm tư lệnh tối cao các chiến dịch, thay thế Tướng Sergey Surovikin, người đã trở lại vai trò trước đây là chỉ huy Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga.
Một ngày sau cuộc cải tổ này, Tướng Oleg Salyukov, Tổng tư lệnh mới được bổ nhiệm của Lực lượng Lục quân Nga, đã đến thăm Belarus để kiểm tra quân đội và thiết bị của Nga được khai triển tại nước.
Lo ngại về một cuộc tấn công xuyên biên giới của Nga
Ông Pavel Muraveiko, một quan chức quốc phòng cao cấp của Belarus, cho biết loạt cuộc tập trận kéo dài hai tuần này hoàn toàn “có tính chất phòng thủ.”
“Đây là một loạt các biện pháp nhằm chuẩn bị cho lực lượng không quân Belarus và Nga thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu liên quan,” ông Muraveyko cho biết trong một tuyên bố hôm 15/01 trên tài khoản Telegram của Bộ Quốc phòng Belarus.
Tuy nhiên, sự hợp tác giữa Moscow và Minsk đã làm dấy lên mối lo ngại ở Kiev rằng Belarus có thể được sử dụng làm bàn đạp cho một cuộc tấn công xuyên biên giới của Nga, như đã thấy trong những tuần đầu tiên của cuộc xung đột này.
Theo các chuyên gia quân sự, một cuộc tấn công của Nga ở phía nam từ lãnh thổ Belarus có thể đe dọa nguồn cung vũ khí đến Ukraine từ nước láng giềng Ba Lan.
Điều này cũng sẽ buộc Kiev phải chuyển các nguồn lực rất cần thiết ra khỏi mặt trận phía nam và phía đông, nơi giao tranh ác liệt vẫn đang tiếp diễn.
Các lực lượng Nga gần đây đã chiếm thị trấn Soledar ở vùng Donetsk và hiện được cho là đang tiến vào Bakhmut gần đó, một trung tâm vận chuyển quan trọng cho quân đội và thiết bị của Ukraine.
Tuần trước, sau chuyến thị sát đến khu vực Lviv phía tây Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cảnh báo rằng Kiev “phải sẵn sàng” để chống lại một cuộc xâm lược có thể xảy ra của Nga từ lãnh thổ Belarus.
Hôm 11/01, quân đội Ukraine đã tổ chức các cuộc tập trận riêng gần biên giới với Belarus, nơi quân đội Ukraine được cho là đã thực hành các kỹ thuật phục kích và tác chiến đô thị.
Ông Muraveyko đã mô tả tình hình dọc theo đường biên giới dài 675 dặm là “không yên bình lắm” và cáo buộc quân đội Ukraine dàn dựng “các hành động khiêu khích” gần lãnh thổ Belarus.
The Epoch Times không thể xác minh các tuyên bố này.
Minsk cảnh báo về ‘phản ứng tập thể’
Từ năm 1999, Nga và Belarus đã bị ràng buộc bởi một hiệp ước “Nhà nước Liên minh” nhằm tăng cường quan hệ kinh tế và quân sự giữa hai nước này.
Tuy nhiên, bất chấp quan hệ đối tác chiến lược lâu dài của họ, Belarus vẫn chưa đóng vai trò tích cực trong cuộc giao tranh đang diễn ra giữa các lực lượng Nga và Ukraine.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã nhiều lần nói rằng ông không có ý định điều động quân đội Belarus tới Ukraine để chiến đấu cùng với các đối tác Nga.
Tuy nhiên, một quan chức ngoại giao cao cấp của Nga mới đây cho biết rằng việc Kiev “sử dụng vũ lực” chống lại Nga hoặc Belarus sẽ dẫn đến một “phản ứng tập thể” từ cả hai nước này.
Theo các điều khoản của hiệp ước Nhà nước Liên minh, “bất kỳ việc sử dụng vũ lực nào của chính phủ Kiev, hoặc một cuộc xâm lược quân sự của Ukraine vào Belarus hoặc Nga, sẽ đủ để dẫn đến một phản ứng tập thể,” quan chức Bộ Ngoại giao Nga Alexey Polishchuk nói với hãng thông tấn nhà nước Nga TASS hôm 13/01.
“Nhưng sẽ tùy thuộc vào lãnh đạo chính trị và quân sự của hai nước để quyết định có đáp trả hay không và theo cách nào,” ông nói.
Hồi tháng 10/2022, Moscow đã gửi hàng ngàn binh sĩ — và một lượng lớn thiết bị quân sự — đến lãnh thổ Belarus.
Ngay sau đó, Lực lượng Không quân Nga bắt đầu tổ chức các chuyến bay tuần tra thường xuyên qua biên giới Belarus-Ukraine.
Cuối tháng trước, các quan chức Belarus đã xác nhận rằng các hệ thống hỏa tiễn Iskander và hệ thống phòng không S-400 do Nga khai triển đã hoạt động trên lãnh thổ Belarus.
Hôm 19/12/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến công du hiếm hoi tới Minsk, nơi ông đã có cuộc hội đàm kín với ông Lukashenko.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times