Tổng thống Putin: Nga sẽ đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus
Quan chức Tòa Bạch Ốc nói rằng không có dấu hiệu nào cho thấy ông Putin đã ‘làm tròn lời cam kết này’
Hôm Chủ nhật (26/03), một quan chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ khai triển vũ khí hạt nhân ở Belarus sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra một tuyên bố công khai về việc này một ngày trước đó.
“Chúng tôi chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ông ấy làm tròn lời cam kết này, hoặc di chuyển bất kỳ vũ khí hạt nhân nào,” điều phối viên truyền thông chiến lược của Tòa Bạch Ốc John Kirby nói với chương trình “Face the Nation” của hãng thông tấn CBS khi được hỏi về những tuyên bố của ông Putin.
Mặc dù không bất ngờ, nhưng kế hoạch này là một trong những tín hiệu hạt nhân rõ ràng nhất của Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine 13 tháng trước, và các quan chức Ukraine đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tổ chức một cuộc họp để đưa ra hành động đáp trả. Trong khi Hoa Thịnh Đốn, siêu cường hạt nhân khác của thế giới, không đánh giá cao những lo ngại về tuyên bố của ông Putin, thì NATO lại chỉ trích cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân của Moscow và nói rằng mô tả của ông [Putin] về việc Hoa Kỳ khai triển các loại vũ khí ở ngoại quốc là quá đỗi hoang đường.
“Đề cập của Nga về việc NATO chia sẻ hạt nhân là hoàn toàn sai lầm. Các đồng minh NATO hành động với sự tôn trọng đầy đủ các cam kết quốc tế của họ,” phát ngôn viên của NATO Oana Lungescu nói với Reuters hôm Chủ nhật (26/03), đồng thời cho biết thêm, “Nga đã liên tục phá vỡ các cam kết kiểm soát vũ khí của mình.”
Trong một sự kiện truyền hình nhà nước, ông Putin đã tiết lộ các kế hoạch đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, nằm cạnh Nga, Ba Lan, Ukraine, Latvia, và Lithuania. Nhà lãnh đạo Nga này đã nói rằng quân đội của ông sẽ có quyền kiểm soát bất kỳ loại vũ khí nào được bố trí tại Belarus, vốn được lực lượng Nga sử dụng một phần để giúp dàn dựng cuộc xâm lược Ukraine hồi năm ngoái.
“Chúng tôi đang làm những gì mà họ đã và đang làm trong nhiều thập niên, họ khai triển [lực lượng] ở một số quốc gia đồng minh, chuẩn bị các bệ phóng và huấn luyện các đội quân,” ông Putin cho biết hôm tối thứ Bảy (25/03), theo The Associated Press và các hãng thông tấn khác. “Chúng tôi cũng sẽ làm điều tương tự.”
Vũ khí hạt nhân chiến thuật đề cập đến những loại vũ khí được sử dụng để đạt được các lợi ích cụ thể trên chiến trường hơn là những vũ khí có khả năng phá hủy hoàn toàn các thành phố. Không rõ Nga sở hữu bao nhiêu loại vũ khí như vậy, vì đây là một lĩnh vực vẫn còn là bí mật của Chiến tranh Lạnh.
Ông Putin nói với Russia 24TV rằng cơ sở chứa vũ khí hạt nhân ở Belarus sẽ sẵn sàng hoạt động vào ngày 01/07. Ông không nói chính xác khi nào những vũ khí này sẽ được gửi đến Belarus.
Tuy nhiên, Hoa Thịnh Đốn dường như không thấy sự thay đổi nào trong khả năng Moscow sẽ sử dụng các vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến ở Ukraine, và Hoa Kỳ cũng như NATO cho biết tin tức này sẽ không ảnh hưởng đến lập trường hạt nhân của chính họ.
“Chúng tôi chưa thấy bất kỳ thay đổi nào trong lập trường hạt nhân của Nga khiến chúng tôi phải điều chỉnh lập trường của mình,” bà Lungescu nói.
Tuy nhiên, giới chức Ukraine đã gióng lên hồi chuông cảnh báo và nói rằng tuyên bố gần đây của ông Putin làm suy yếu các nỗ lực giải trừ hạt nhân trong nhiều thập niên cũng như “toàn bộ hệ thống an ninh quốc tế,” theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ukraine hôm Chủ nhật (26/03).
“Ukraine kêu gọi xã hội Belarus ngăn chặn việc thực hiện các ý định tội phạm nhằm khai triển các loại vũ khí hạt nhân ở Belarus trái với nghĩa vụ của nước này theo Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân, vốn sẽ chỉ tiếp tục biến đất nước này thành con tin của Điện Kremlin và gây ra những hậu quả thảm khốc cho tương lai của quốc gia này,” Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết. Bộ cũng đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tổ chức một cuộc họp về hoạt động khai triển hạt nhân tiềm tàng này.
“Chúng tôi đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lập tức triệu tập một cuộc họp đặc biệt vì mục đích này,” bộ này tuyên bố, đồng thời cho biết thêm rằng chính phủ Kyiv đang kêu gọi “tất cả các thành viên của cộng đồng quốc tế truyền đạt sự không thể chấp nhận rõ ràng” đối với các kế hoạch hạt nhân của Nga.
Hôm thứ Bảy (25/03), ông Putin nói rằng Tổng thống lâu năm của Belarus Alexander Lukashenko đã yêu cầu việc khai triển này từ lâu. Ông Lukashenko hiện vẫn chưa trả lời công chúng.
Mặc dù quân đội Belarus chưa chính thức tham chiến ở Ukraine, nhưng Minsk và Moscow có mối liên hệ quân sự mật thiết. Không rõ liệu Belarus có từng gửi bất kỳ binh sĩ nào của mình tới Ukraine hay không.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times