Ông Sullivan: Hoa Kỳ sẵn sàng đàm phán hạt nhân với Nga, Trung Quốc mà ‘không cần điều kiện tiên quyết’
Một quan chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc cho biết, Hoa Kỳ đang tìm cách đưa Nga và Trung Quốc vào bàn đàm phán nhằm ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới.
Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan cho biết chính phủ Tổng thống (TT) Joe Biden sẵn sàng theo đuổi các cuộc đàm phán hạt nhân với một trong hai cường quốc mà “không cần điều kiện tiên quyết.”
Ông nói, những cuộc đàm phán như vậy là cần thiết nhằm ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới và nỗi ám ảnh hủy diệt hạt nhân đã đè nặng lên thế giới kể từ khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc.
Ông Sullivan nói trong một cuộc họp hôm 02/06 của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, “Hôm nay, chúng ta đang đứng trước điều mà tổng thống của chúng ta sẽ gọi là ‘bước ngoặt’ trong sự ổn định và an ninh hạt nhân của chúng ta.”
“Đó là thời điểm đòi hỏi các chiến lược mới để đạt được cùng một mục tiêu mà chúng ta đã đạt được kể từ Chiến Tranh Lạnh — nhằm giảm nguy cơ xung đột hạt nhân.”
Ông nói thêm rằng chính phủ TT Biden sẽ vẫn làm mọi thứ trong khả năng của mình để buộc Nga và Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về bất kỳ hành vi xâm lược bằng hạt nhân nào hoặc việc không tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực quốc tế.
Hoa Kỳ tạm dừng chia sẻ dữ liệu
Nhận định của ông Sullivan được đưa ra chỉ một ngày sau khi Hoa Kỳ tuyên bố đình chỉ việc trao đổi một số dữ liệu hạt nhân với Nga.
Ngoài ra, thông báo đó được đưa ra để đáp lại quyết định của Moscow về việc đơn phương đình chỉ tham gia hiệp ước New START năm 2010, vốn giới hạn số lượng vũ khí hạt nhân mà mỗi quốc gia có thể khai triển.
Là một bên liên quan đến việc đình chỉ này, Hoa Kỳ sẽ không còn gửi thông tin cập nhật hàng ngày cho Nga về vị trí phi đạn và bệ phóng của mình, cũng như dữ liệu về lộ trình bay của phi đạn trong các cuộc thử nghiệm.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thông báo cho Nga về các vụ phóng hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và hỏa tiễn đạn đạo chiến hạm ngầm (SLBM), cũng như các cuộc tập trận chiến lược đang diễn ra, phù hợp với các hiệp ước khác mà hai quốc gia này duy trì.
Ông Sullivan cho biết các bước này là cần thiết để duy trì sự có qua có lại với Nga sau khi nước này đình chỉ hiệp ước một cách trái với thỏa thuận và có các hành động thiếu thận trọng khác, trong đó có cuộc tấn công vào một nhà máy hạt nhân của Ukraine hồi năm ngoái (2022) và việc gần đây nước này quyết định cung cấp vũ khí hạt nhân cho Belarus.
Ông Sullivan nói, “Một số thiếu sót lớn trong nền tảng hạt nhân của chúng ta đã bắt nguồn từ Nga.”
“Những bước này sẽ giúp bảo đảm rằng Nga không nhận được các lợi ích từ một hiệp ước mà họ từ chối tuân thủ, và rằng nguyên tắc có qua có lại… được duy trì.”
Ông Sullivan đã nhấn mạnh rằng quyết định này không có nghĩa là Hoa Kỳ rời khỏi bàn đàm phán. Ông nói, chính phủ TT Biden vẫn cam kết hợp tác với Nga để quản lý các vấn đề hạt nhân một cách có trách nhiệm, nhưng sẽ tìm cách “đàm phán kiểm soát vũ khí từ thế mạnh và sự tự tin.”
Tuy nhiên, ông giải thích rõ rằng Hoa Kỳ sẽ không tìm cách phát triển một kho vũ khí vượt trội về số lượng so với Nga, thay vào đó sẽ tập trung vào phát triển các năng lực về vũ khí thông thường mới để tăng cường khả năng răn đe.
Ông nói, Hoa Kỳ đã biết quá rõ những rủi ro do một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân gây ra nếu lại tham gia vào cuộc chạy đua này.
Ông Sullivan nói, đề cập đến Chiến Tranh Lạnh, “Chúng ta đã đi qua điều này. Chúng ta đã học được bài học đó.”
Trung Quốc ‘không sẵn sàng tham gia’ đàm phán
Ông Sullivan nói rằng Nga không phải là mối đe dọa hạt nhân duy nhất. Trên thực tế, chế độ cộng sản của Trung Quốc có thể đặt ra một thách thức nghiêm trọng và lâu dài hơn đối với hòa bình và ổn định toàn cầu.
“Không chỉ có Nga. Chúng tôi cũng đã thấy một sự thay đổi trong cách tiếp cận từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,” ông Sullivan nói, sử dụng tên chính thức của Trung Quốc cộng sản.
“Đến năm 2035, Trung Quốc đang trên đà sở hữu tới 1,500 đầu đạn hạt nhân.”
Ông Sullivan lưu ý rằng chương trình hiện đại hóa và mở rộng hạt nhân quy mô lớn của chế độ cộng sản này đang gây bất ổn cho các mối quan hệ quốc tế. Đồng thời, ông cho biết, cho đến nay, chế độ này đã từ chối tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân hoặc kiểm soát vũ khí.
Ông Sullivan nói, “Cho đến nay, CHND Trung Hoa đã chọn không tham gia vào bàn đối thoại thực chất về kiểm soát vũ khí.”
“Nói một cách đơn giản, chúng tôi chưa thấy CHND Trung Hoa sẵn lòng tách sự ổn định chiến lược ra khỏi các vấn đề rộng lớn hơn của mối bang giao này.”
Tuy nhiên, ông nói, Hoa Kỳ sẽ vẫn cam kết đưa chế độ này vào bàn đàm phán, vẫn sẵn sàng đối thoại mà không cần điều kiện tiên quyết.
Ông Sullivan nói, “Chúng tôi cũng sẵn sàng tham gia đàm phán với Trung Quốc mà không cần điều kiện tiên quyết, giúp bảo đảm rằng cạnh tranh được quản lý và cuộc cạnh tranh đó không dẫn đến xung đột.”
“Việc tham gia vào một cuộc cạnh tranh không có giới hạn về các lực lượng hạt nhân chiến lược không có lợi cho quốc gia nào trong chúng ta cả.”
Ông Sullivan nói thêm rằng, mặc dù Hoa Kỳ đã sẵn sàng thảo luận với Trung Quốc và Nga về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, nhưng họ vẫn sẽ tìm cách buộc hai chế độ phải này chịu trách nhiệm về các hành động của mình.
Nói trong một cuộc họp báo sau đó trong ngày, Điều phối viên phụ trách Truyền thông Chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby dựa trên nhận định của ông Sullivan, nói rằng chế độ cộng sản Trung Quốc “không sẵn sàng tham gia theo cách có ý nghĩa.”
Mô tả tình hình quốc tế hiện nay là một “kỷ nguyên hạt nhân mới,” ông Kirby đã nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sẽ theo đuổi cuộc đối thoại có ý nghĩa với Nga và Trung Quốc, nhưng cũng để “bắt các cường quốc hạt nhân này phải chịu trách nhiệm thích đáng về hành vi của họ trong lĩnh vực hạt nhân.”
Ông Kirby nói, “Trung Quốc chưa trở nên minh bạch. Họ vẫn chưa sẵn sàng đàm phán. Họ chưa sẵn sàng chia sẻ. Họ chưa sẵn sàng tham gia bất kỳ loại thỏa thuận đa phương nào.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times