Nga rút khỏi hiệp ước hạn chế khai triển lực lượng ở châu Âu thời Chiến Tranh Lạnh
Duma Quốc gia, hạ viện của Quốc hội Liên bang Nga, đã thông qua một dự luật mở đường cho việc Moscow rút khỏi Hiệp ước về các Lực lượng Vũ trang Thông thường ở châu Âu (CFE).
Được ký kết hồi năm 1990, hiệp ước CFE tìm cách hạn chế khối liên minh NATO của phương Tây cũng như khối Hiệp ước Warsaw thời Liên Xô khai triển các lực lượng quân sự thông thường ở châu Âu.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói tại phiên họp toàn thể của Duma hôm 16/05, “Chúng tôi đã từ bỏ [hiệp ước này]. Đó là tàn tích của quá khứ.”
“Các quốc gia khác [đã ký kết] sẽ làm gì là do họ quyết định,” ông nói thêm.
Dự luật này đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin giới thiệu vào tuần trước. Ông đã chỉ định ông Ryabkov đại diện cho mình tại các cuộc thảo luận của Quốc hội về vấn đề này.
Ông Dmitry Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga và là một cựu tổng thống, cho biết hành động này sẽ cho phép Nga khai triển các lực lượng bất cứ nơi nào cần thiết để bảo đảm an ninh của mình.
“Duma Quốc gia đã rút khỏi hiệp ước CFE. Thật là nhẹ gánh,” ông nói trên kênh Telegram của mình. “Tài liệu này đã trở nên không liên quan đối với chúng tôi vào năm 2007.”
Ông nói thêm: “Giờ đây, không một cam kết quốc tế nào bị đình chỉ trước đây có thể ngăn cản chúng tôi đặt vũ khí của mình ở bất cứ nơi nào chúng tôi muốn … kể cả các khu vực của Nga ở châu Âu.”
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với The Epoch Times rằng hành động này “càng thể hiện sự xem thường của chính phủ Nga đối với việc kiểm soát vũ khí và là hành động mới nhất trong một loạt các hành động nhằm phá hoại cấu trúc an ninh của châu Âu.”
Hoa Thịnh Đốn: Hành động này ‘không thay đổi được gì’
Lúc đầu, hiệp ước CFE nhằm duy trì sự cân bằng lực lượng ở châu Âu giữa các thành viên của NATO và các quốc gia thuộc Hiệp ước Warsaw.
Hiệp ước Warsaw là một hiệp ước phòng thủ tập thể giữa Liên Xô và bảy nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa ở Đông và Trung Âu. Hiệp ước ra đời vào năm 1955 – sáu năm sau khi thành lập NATO – ở đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh.
Năm 1991, ngay trước khi Liên Xô tan rã, Hiệp ước Warsaw chính thức bị hủy bỏ. Tuy nhiên, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), một liên minh quân sự sáu nước do Moscow đứng đầu, đã kế tục hiệp ước này.
Ngoài Nga, các thành viên CSTO hiện tại bao gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, và Tajikistan.
Năm 2007, Moscow tuyên bố tạm ngừng thực hiện các điều khoản trong hiệp ước CFE. Vào năm 2015, Moscow cũng đã đình chỉ việc tham gia vào Nhóm Tham vấn Chung về hiệp ước CFE, trong khi vẫn là một bên tham gia hiệp ước – mặc dù chỉ trên danh nghĩa.
Kể từ đó, Belarus, một đồng minh chủ chốt của Nga, đã đại diện cho các lợi ích của Moscow tại các cuộc họp của Nhóm Tham vấn Chung.
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, việc Moscow quyết định rút khỏi hiệp ước “không thay đổi điều gì trên thực tế.”
Phát ngôn viên này cho biết: “Kể từ năm 2007, Nga đã ‘đình chỉ’ việc thực thi hiệp ước CFE mà không có một cơ sở pháp lý hợp lệ.”
Phát ngôn viên này nói thêm: “Và nước này đã không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo hiệp ước ngay cả trước khi họ ‘đình chỉ.’”
Các lực lượng Hoa Kỳ ‘có khả năng đe dọa St. Petersburg’
Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời ông Ryabkov cho biết, theo các điều khoản của hiệp ước này, quá trình rút khỏi hiệp ước sẽ mất khoảng sáu tháng.
Ông nói, “Bước đầu tiên là thông báo cho tất cả các quốc gia thành viên về ý định rút khỏi hiệp ước của chúng tôi.”
Ông nói thêm, ba tuần sau khi có thông báo, một hội nghị thượng đỉnh của các quốc gia thành viên CFE sẽ được triệu tập để “xem xét các vấn đề liên quan đến việc rời đi.”
Nhà ngoại giao này nói, “Ở đó, một lần nữa chúng tôi sẽ nhắc lại … rằng chính phương Tây, bằng những hành động phá hoại của họ, đã khiến cam kết của chúng tôi với CFE không thể thực hiện được.”
Theo ông Ryabkov, việc gần đây Phần Lan gia nhập NATO — và việc nước này sẵn sàng tiếp nhận các lực lượng Hoa Kỳ trên lãnh thổ của mình — “đã làm xấu đi đáng kể tình hình quân sự và chính trị ở châu Âu.”
Ông Ryabkov nói thêm, “Giờ đây, các lực lượng của Hoa Kỳ và NATO sẽ có khả năng đe dọa St. Petersburg — không chỉ từ phía tây nam … mà còn từ phía tây bắc.” Ông cũng lưu ý rằng các hoạt động khai triển của Hoa Kỳ ở Phần Lan không bị hạn chế theo hiệp ước CFE.
Hồi tháng Tư, Phần Lan đã chính thức trở thành thành viên thứ 31 của NATO.
Đầu tháng này (05/2023), đã có các báo cáo rằng Hoa Thịnh Đốn và Helsinki đang đàm phán một thỏa thuận hợp tác quốc phòng cho phép Hoa Kỳ khai triển quân đội và thiết bị trên lãnh thổ Phần Lan.
Nga và Phần Lan có chung đường biên giới dài khoảng 830 dặm.
Thụy Điển cũng đang trong quá trình gia nhập liên minh phương Tây và đang chờ sự chấp thuận của thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ.
Mở rộng về phía Đông
Ông Ryabkov cũng tuyên bố Moscow đã có bằng chứng cho thấy một số “quốc gia Đông Âu” — mà ông không nêu đích danh — đã “vi phạm trực tiếp” các điều khoản của hiệp ước CFE.
Trong những trường hợp này, ông nói thêm, “ngay cả việc duy trì chính thức tư cách của Nga như là một bên tham gia hiệp ước … cũng đi ngược lại lợi ích an ninh quốc gia của chúng tôi.”
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, việc Moscow quyết định rút khỏi hiệp ước thời Xô Viết này “trái ngược với những nỗ lực của các đồng minh [NATO] nhằm duy trì hiệp ước CFE.”
Phát ngôn viên này nói thêm: “Các lập luận của Nga nhằm cố gắng biện minh cho việc rút khỏi hiệp ước có liên quan đến tình hình ở Ukraine, hoặc việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, là không đáng tin cậy.”
Đầu năm ngoái (2022), Nga đã xâm lược Ukraine, quốc gia cũng mong muốn gia nhập liên minh NATO. Kyiv và các đồng minh của nước này lên án cuộc xâm lược của Nga là phi lý và vô cớ.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times