Tổng thống Biden: Ukraine không thể gia nhập NATO trừ phi đáp ứng ‘các tiêu chuẩn chung’ của khối
Hôm 17/06, Tổng thống (TT) Hoa Kỳ Joe Biden cho biết Ukraine sẽ không có đường nào nhanh để trở thành thành viên NATO, ngay cả khi các quốc gia trong khối liên minh này đã cung cấp cho Ukraine các nguồn lực quan trọng kể từ khi xung đột với Nga nổ ra.
Tại một cuộc vận động tranh cử với các quan chức nghiệp đoàn, ông Biden đã được các ký giả hỏi liệu ông có giúp Ukraine gia nhập liên minh quân sự này dễ dàng hơn hay không.
“Không,” ông trả lời. “Bởi vì họ phải đáp ứng các tiêu chuẩn tương tự [như các quốc gia khác]. Vì vậy, chúng ta sẽ không giúp để dễ dàng gia nhập.”
Ông cho biết Ukraine, một lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ và cũng không phải là thành viên của Liên minh Âu Châu, có “khả năng phối hợp quân sự” giữa cuộc xung đột kéo dài suốt một năm. Nhưng quốc gia Đông Âu này phải “đáp ứng mọi tiêu chuẩn” để gia nhập NATO một cách toàn diện.
TT Biden nêu ra các vấn đề tham nhũng trong chính phủ và trong quân đội Ukraine, một thực tế vốn bị các quan chức NATO báo động.
“Tôi nghĩ họ đã làm mọi thứ liên quan đến việc thể hiện khả năng phối hợp quân sự, nhưng có một vấn đề không suy chuyển là: Hệ thống của họ có tin cậy được không? Họ có không tham nhũng không? Họ có đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn mà mọi quốc gia khác trong NATO đều đáp ứng không?” ông nói. “Tôi nghĩ họ sẽ làm được. Tôi nghĩ họ có thể. Nhưng điều đó không tự động diễn ra.”
Những bình luận của ông Biden được đưa ra vài ngày sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định rằng Kyiv đã “tiến gần hơn” tới NATO trong bối cảnh xảy ra giao tranh. Ông đã đưa ra những bình luận đó tại Brussels sau một cuộc họp đã định của các bộ trưởng quốc phòng NATO.
Ông Stoltenberg nói: “Tất cả chúng tôi đều đồng ý rằng Ukraine đã xích lại gần NATO hơn trong thập niên qua. Chúng tôi đồng ý rằng cánh cửa của NATO đang rộng mở — rằng Ukraine sẽ trở thành một thành viên của liên minh và đây là một quyết định mà các đồng minh và Ukraine sẽ đưa ra. Nga không có quyền phủ quyết.”
Nhận xét mới nhất của ông Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin từ lâu đã nói rằng việc Kyiv gia nhập NATO là một kế hoạch không thành công và đấy là một trong những lý do dẫn đến cuộc xâm lược hồi năm 2022.
Trong bài diễn thuyết trước công chúng hồi tuần trước, ông cho biết có “nguy cơ nghiêm trọng” là NATO sẽ bị kéo vào cuộc xung đột nếu các thành viên của liên minh này tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.
“Điều chúng tôi đang nói ở đây là NATO, tất nhiên, đang bị lôi kéo vào cuộc chiến ở Ukraine,” ông Putin nói hôm 16/06 trong một diễn đàn ở St. Petersburg, Nga. “Hoạt động cung cấp khí tài quân sự hạng nặng cho Ukraine đang diễn ra, họ hiện đang xem xét cung cấp cho Ukraine các phản lực cơ.”
Trong những tuần gần đây, xe tăng Leopard 2 của Đức, xe tăng Challenger 2 của Anh, và xe tăng Bradley và Stryker của Hoa Kỳ đã được gửi cho quân đội Ukraine. Ông Putin cho biết quân đội của ông đã phá hủy các loại khí tài và xe tăng đó, bao gồm cả những chiếc Leopard.
“Và nếu những vũ khí đó có nguồn gốc ngoại quốc nhưng được sử dụng trong chiến đấu, thì chúng ta sẽ nghiên cứu cách tấn công chúng và vị trí mà chúng ta có thể tấn công những vũ khí được sử dụng để chống lại chúng ta trong chiến đấu đó,” ông Putin nói. “Đây là một nguy cơ nghiêm trọng kéo NATO vào cuộc xung đột quân sự này gần hơn nữa.”
Trong bài diễn văn, nhà lãnh đạo Nga một lần nữa gợi ý rằng nguồn cung cấp vũ khí hạt nhân được cho là khổng lồ của Moscow có thể bảo đảm an ninh cho họ. Ông lưu ý rằng số lượng vũ khí hạt nhân mà Nga sở hữu vượt trội hơn nhiều so với số vũ khí mà các quốc gia NATO sở hữu.
Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí cho biết Nga sở hữu khoảng 6,250 đầu đạn hạt nhân tính đến tháng 01/2021, trong khi Hoa Kỳ có 5,500 đầu đạn. Theo NATO, Anh và Pháp có tổng cộng khoảng 500 đầu đạn hạt nhân.
“Vũ khí hạt nhân được tạo ra để bảo đảm an ninh của chúng ta theo nghĩa rộng hơn và sự tồn tại của nhà nước Nga,” ông Putin nói, theo bản dịch của CNN. “Nhưng trước tiên là, chúng tôi không có nhu cầu [sử dụng loại vũ khí này]; và thứ hai là, rất thực tế về chủ đề này là khả năng hạ thấp ngưỡng sử dụng các loại vũ khí như vậy.”
“Ngoài ra, chúng ta có nhiều vũ khí như thế này hơn các nước NATO. Họ biết điều đó, và họ tiếp tục tiến tới đàm phán về việc cắt giảm.”
Sứ mệnh hòa bình của châu Phi
Tại các cuộc đàm phán ở Petersburg hôm 17/06, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã trình bày với ông Putin một sáng kiến hòa bình gồm 10 điểm của 7 quốc gia Phi Châu và nói với ông rằng đã đến thời điểm Nga và Ukraine bắt đầu đàm phán để chấm dứt chiến tranh. Ông Putin cảm ơn ông Ramaphosa vì “sứ mệnh cao cả” của ông, trong khi các hãng thông tấn Nga dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng ông Putin đã thể hiện sự quan tâm đến kế hoạch này, nhưng đề xướng đó sẽ “khó thành hiện thực.”
Tại Kyiv ngày trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói với phái đoàn Phi Châu — phái đoàn đầu tiên kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp riêng biệt với cả hai nhà lãnh đạo về sáng kiến hòa bình của họ — rằng việc cho phép đàm phán lúc này sẽ “làm đóng băng cuộc chiến tranh”, đóng băng nỗi thống khổ của người dân Ukraine.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times