Nga, Trung Quốc ký các hiệp ước kinh tế giữa sự chỉ trích của phương Tây
BẮC KINH – Hôm thứ Tư (24/05), Thủ tướng Nga đã ký một loạt các thỏa thuận với Trung Quốc trong chuyến công du tới Bắc Kinh, mô tả mối quan hệ song phương ở mức cao chưa từng thấy, bất chấp những chỉ trích ở phương Tây về mối bang giao của hai nước này khi cuộc chiến ở Ukraine kéo dài.
Thủ tướng Mikhail Mishustin, quan chức cấp cao nhất của Nga đến thăm Bắc Kinh kể từ khi Moscow gửi hàng ngàn quân tới Ukraine hồi tháng 02/2022, đã hội đàm với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Cường.
Với cuộc chiến ở Ukraine đã bước sang năm thứ hai và Nga ngày càng cảm thấy sức nặng của các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Moscow đang dựa vào Bắc Kinh để được trợ giúp. Sự phụ thuộc này lớn hơn nhiều so với việc Trung Quốc dựa vào Nga để được đáp ứng nhu cầu dầu mỏ và khí đốt.
Áp lực từ phương Tây không có dấu hiệu giảm bớt, với các tuyên bố cuối tuần qua của Nhóm G7 (G-7) chỉ trích cả hai nước này về một loạt các vấn đề, trong đó có Ukraine. G-7 đã đồng ý thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow và kêu gọi Trung Quốc gây áp lực buộc Nga phải rút quân khỏi Ukraine.
“Ngày hôm nay, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đang ở mức cao chưa từng thấy,” ông Mishustin nói với ông Lý trong cuộc họp của họ.
Các biên bản ghi nhớ đã ký kết bao gồm một thỏa thuận tăng cường hợp tác đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ thương mại, một hiệp định xuất cảng nông sản sang Trung Quốc, và một thỏa thuận khác về hợp tác thể thao.
Các chuyến hàng năng lượng của Nga sang Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 40% trong năm nay, và hai nước này đang thảo luận về việc cung cấp thiết bị công nghệ cho Nga, hãng thông tấn Interfax đưa tin.
“Với việc các lệnh trừng phạt Nga mang lại những cơ hội mới cho Trung Quốc, thì không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc vui vẻ tích cực hợp tác, nếu không muốn nói là chủ động, với Nga về kinh tế, miễn là bất kỳ mối quan hệ nào mà họ tạo dựng sẽ không kích hoạt các lệnh trừng phạt thứ cấp đối với Trung Quốc,” ông Steve Tsang, giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Trường Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi (SOAS) ở London, cho biết.
“Chính sách của Trung Quốc đối với cuộc chiến ở Ukraine là một chính sách ‘tuyên bố trung lập, ủng hộ ông Putin và không phải trả giá’, và chuyến thăm này tái khẳng định điều đó, đặc biệt là yếu tố ủng hộ ông Putin,” ông Tsang nói.
Chuyến công du Nga của ông Tập
Hồi tháng Ba, ông Tập đã đến thăm Nga và hội đàm với “người bằng hữu thân thiết” Tổng thống Vladimir Putin, sau khi cam kết về một mối quan hệ đối tác “không giới hạn” ngay trước cuộc tấn công của Nga vào Ukraine năm 2022, mà Moscow gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm “phi quốc xã hóa” nước láng giềng của mình.
Bắc Kinh đã bác bỏ những nỗ lực của phương Tây nhằm liên kết quan hệ đối tác với Moscow của họ với Ukraine, khẳng định mối quan hệ này không vi phạm các chuẩn mực quốc tế.
Trung Quốc và Nga nên tìm cách “nâng cấp mức độ hợp tác kinh tế, thương mại, và đầu tư”, ông Tập nói với ông Mishustin, với năng lượng là một lĩnh vực mà họ có thể mở rộng hợp tác.
Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev cho biết việc thắt chặt quan hệ với Trung Quốc là một hướng đi chiến lược của Moscow. Hôm thứ Hai (22/05), ông Patrushev đã hội đàm với ông Trần Văn Thanh (Chen Wenqing), ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), người giám sát cảnh sát, các vấn đề pháp lý, và tình báo.
Bắc Kinh đã kiềm chế không công khai lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Nhưng kể từ tháng Hai, ông Tập đã thúc đẩy một kế hoạch hòa bình, kế hoạch này gặp phải sự hoài nghi từ phương Tây và được Kiev đón nhận một cách thận trọng.
Tuần trước, ông Lý Huy (Li Hui), đại diện đặc biệt của Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu, đã đến thăm Ukraine và gặp Tổng thống Volodymyr Zelenskiy trong một chuyến công du Âu Châu mà Bắc Kinh thông báo là nỗ lực thúc đẩy đàm phán hòa bình và thỏa thuận chính trị của họ.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times