Nga bắt đầu rút lực lượng gìn giữ hòa bình khỏi khu vực tranh chấp của Azerbaijan
Theo các quan chức Azerbaijan và Nga, lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đã bắt đầu rút khỏi khu vực Nagorno-Karabakh của Azerbaijan sau 4 năm khai triển.
Ông Hikmet Hajiyev, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, cho biết hôm 17/04: “Việc rút quân sớm của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga… đã được lãnh đạo hai nước quyết định.”
Hãng thông tấn nhà nước Azerbaijan dẫn lời ông cho biết rằng: “Quá trình này đã bắt đầu.”
Ông Hajiyev cho biết Bộ Quốc phòng Nga và Azerbaijan đã thực hiện “các biện pháp thích hợp để thực thi quyết định này.”
Ông Viktor Bondarev, phó chủ tịch ủy ban an ninh của Quốc hội Nga, cũng xác nhận rằng việc rút quân đang được tiến hành.
Ông Bondarev cũng bày tỏ hy vọng rằng cuộc xung đột trong khu vực — trong nhiều thập niên đã khiến Azerbaijan chống lại nước lân bang Armenia — giờ đây sẽ được coi là đã chấm dứt.
Azerbaijan và Armenia, cả hai đều là các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, vẫn đối địch nhau kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào đầu những năm 1990.
Năm 1994, các nhóm ly khai người Armenia — được quân đội Armenia hậu thuẫn — đã giành quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh, cùng với các khu vực lân cận.
Kể từ đó, Nagorno-Karabakh là nơi sinh sống chủ yếu của người sắc tộc Armenia, mặc dù khu vực này được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan.
Vào năm 2020, hai quốc gia Nam Caucasus này đã xảy ra cuộc chiến kéo dài 6 tuần ở Nagorno-Karabakh khiến hàng trăm người ở cả hai bên thiệt mạng.
Với sự trợ giúp của Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan đã giành chiến thắng trong cuộc xung đột và kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn do Moscow làm trung gian.
Như một phần của thỏa thuận ngừng bắn, Nga đã khai triển một lực lượng gìn giữ hòa bình đáng kể, với quân số khoảng 2,000 quân, tới khu vực này.
Dù thỉnh thoảng xảy ra xung đột, hòa bình vẫn được duy trì cho đến tháng 09/2023, khi Azerbaijan tiến hành cuộc tấn công kéo dài 24 giờ vào Nagorno-Karabakh để giải giáp lực lượng ly khai người Armenia và đặt khu vực này dưới sự kiểm soát hoàn toàn của họ.
Cuộc tấn công này, vốn cũng kết thúc bằng lệnh ngừng bắn do Moscow làm trung gian, đã khiến hàng chục ngàn người sắc tộc Armenia trong khu vực phải rời đến Armenia gần đó.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã đổ lỗi cho Nga — và lực lượng gìn giữ hòa bình của nước này — vì không ngăn chặn được cuộc tấn công, bất chấp tư cách thành viên lâu năm của Armenia trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).
Mặc dù Azerbaijan không phải là thành viên CSTO nhưng nước này vẫn có mối quan hệ chặt chẽ với Nga, quốc gia luôn tìm cách môi giới một nền hòa bình lâu dài giữa những địch thủ lâu năm này
Vào tháng Hai, ông Pashinyan thông báo rằng đất nước của ông trên thực tế đã đình chỉ quan hệ với CSTO.
Trong bình luận với giới truyền thông phương Tây, ông tuyên bố rằng việc Nga không ngăn chặn được cuộc tấn công của Azerbaijan đã “đưa chúng tôi đến quyết định rằng chúng tôi cần đa dạng hóa các mối quan hệ của mình trong lĩnh vực an ninh.”
Moscow đã đáp lại những lời chỉ trích của ông Pashinyan bằng cách lưu ý rằng tuyên bố chủ quyền của Azerbaijan đối với khu vực Nagorno-Karabakh đã được quốc tế công nhận — ngay cả các quan chức Armenia cũng công nhận điều đó.
Các quan chức Nga nói thêm rằng nghĩa vụ phòng thủ chung của CSTO không áp dụng cho Nagorno-Karabakh, vốn nằm ngoài lãnh thổ Armenia.
Phương Tây muốn lôi kéo Yerevan
Dưới thời ông Pashinyan, Armenia đã tìm cách xây dựng mối quan hệ thân thiết hơn với các cường quốc phương Tây — một chính sách đã gây ra những phản ứng giận dữ từ Moscow.
Đầu tháng này, lãnh đạo Armenia đã gặp Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken ở Brussels.
Ông Blinken nói với các phóng viên sau cuộc họp hôm 05/04: “Chúng tôi cam kết tăng cường hơn nữa sự ủng hộ của chúng tôi đối với khả năng phục hồi dân chủ và kinh tế của Armenia.”
Ông cũng công bố kế hoạch tăng cường viện trợ tài chính của Hoa Kỳ cho Armenia — lên 65 triệu USD trong năm nay.
Về phần mình, bà Von der Leyen cho biết Liên minh Âu Châu và Armenia đang “ngày càng phù hợp về giá trị và lợi ích.”
Bà cũng nhấn mạnh những nỗ lực liên tục của EU nhằm giúp nâng cao khả năng an ninh của Armenia “để bảo đảm rằng các thiết bị và công nghệ sát thương không rơi vào tay quân đội Nga.”
Bà Von der Leyen tiếp tục tiết lộ gói viện trợ tài chính trị giá 270 triệu euro (khoảng 290 triệu USD) cho Armenia sẽ được phân bổ trong 4 năm tới.
Bà nói: “Châu Âu và Armenia chia sẻ một lịch sử lâu dài và chung, và đã đến lúc viết nên một chương mới.”
Vào thời điểm đó, Bộ Ngoại giao Nga gọi cuộc gặp ở Brussels là “một nỗ lực khác của phương Tây nhằm kéo phía nam dãy Kavkaz vào cuộc đối đầu địa chính trị.”
Bộ cho biết, Hoa Thịnh Đốn và Brussels “đang đưa ra những lời hứa khó nắm bắt để khiến Armenia rút khỏi CSTO … và loại bỏ căn cứ quân sự của Nga [ở Armenia] và lực lượng biên phòng Nga.”