Sự kiện diễn hành ở New York nêu bật cuộc chiến của ĐCSTQ đối với đức tin
Một học viên Pháp Luân Công hồi tưởng lại việc tham gia vào một cuộc thỉnh nguyện lịch sử ở Bắc Kinh, sự kiện mà cô không hề hay biết vào thời điểm đó rằng có thể báo trước một chiến dịch đàn áp tàn bạo mà ngày nay vẫn còn diễn ra khốc liệt
NEW YORK — Hai mươi bốn năm về trước, hàng ngàn công dân Trung Quốc đã tập trung bên ngoài Trung Nam Hải, trụ sở chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCTSQ) ở trung tâm Bắc Kinh.
Những người này đều là học viên Pháp Luân Công. Họ có mặt ở đó trong ôn hòa để kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản chấm dứt cuộc đàn áp và sách nhiễu của chính quyền địa phương đối với những học viên tu cùng môn với họ. Chưa đầy ba tháng sau, nhà cầm quyền đã phát động một chiến dịch đàn áp toàn diện đối với môn tu luyện tinh thần này.
Chủ Nhật tuần trước (23/04) tại Flushing, New York, khoảng bốn ngàn người đã tham gia cuộc diễn hành để tưởng nhớ cuộc thỉnh nguyện lịch sử tại Trung Nam Hải, cũng như để kêu gọi ĐCSTQ chấm dứt cuộc đàn áp vẫn còn đang tiếp diễn đối với Pháp Luân Công.
Một người trong số đó là cô Elsie He, một cư dân New York khoảng chừng 40 tuổi. 24 năm trước, cô là một trong những người đã tập trung tại Bắc Kinh.
Ngoảnh đầu nhìn lại cô cũng thấy được vai trò của mình trong đó, giống như là nhân chứng của lịch sử.
Biểu tình ôn hòa
Đối với cô He, khi đó còn là sinh viên đại học năm thứ nhất, thì ngày Chủ Nhật thường là một ngày để đọc sách, học bài, hoặc ngồi thiền.
Vậy mà, vào ngày 25/04/1999 âm u đó, trong bộ trang phục thường ngày với chiếc áo khoác cotton mỏng, quần dài sẫm màu, và giày thể thao, cùng với mái tóc đen dài buộc đuôi ngựa, cô sinh viên này đã nhảy lên một chiếc xe đạp cùng ba người bạn vào buổi sáng sớm. Điểm đến của họ là Trung Nam Hải.
Lúc đó là khoảng 7 hoặc 8 giờ sáng, còn quá sớm để cô He ra khỏi ký túc xá của trường vào một ngày nghỉ, và có rất ít người đi bộ trên đường. Đó là cho đến khi cô đến đường Phúc Hữu, con đường dẫn đến khu phức hợp này. Rất nhiều người đã đứng sẵn ở đó và còn nhiều người hơn nữa đang tấp nập kéo đến. Họ nói chuyện nhỏ nhẹ, xếp thành một hàng dài trên vỉa hè và cẩn thận tránh bước xuống đường hoặc cản trở giao thông. Hầu hết mọi người đứng đó trong im lặng. Một số người thì ngồi thiền hoặc đọc sách, còn một số người thì truyền nhau túi ni lông để thu gom rác.
Đến cuối ngày hôm đó, ngày 25/04/1999, khoảng 10,000 người đến từ khắp nơi trên cả nước để thỉnh nguyện với hy vọng nhà cầm quyền có thể cho họ một môi trường được tự do tập luyện Pháp Luân Công, môn tu luyện tinh thần được nhiều người chứng nghiệm là đã giúp họ cải thiện cả về thể chất lẫn tinh thần. Sự kiện này đã trở thành cuộc biểu tình ôn hòa lớn nhất ở Trung Quốc kể từ khi nhà cầm quyền điều động xe tăng và súng xuống đường để thanh trừng những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn gần đó mười năm về trước.
Mang theo một chiếc ba lô vải bạt nhỏ đựng cuốn “Chuyển Pháp Luân” – cuốn sách chính của môn tu luyện này, cùng với chiếc bánh mì vừng phòng khi đói bụng, ngay sau khi đến nơi cô He đã bị lạc mất các bạn. Cô đợi giữa đám đông cho đến khi trời tối, rời đi khi có thông tin rằng Thủ tướng đương thời Chu Dung Cơ (Zhu Rongji) đã gặp một số vị đại diện cho học viên Pháp Luân Công ở đó và trấn an họ bằng sự ủng hộ của ông.
Nhưng một cuộc đàn áp toàn quốc diễn ra ba tháng sau đó đã cho thấy rằng những lời hứa của chính quyền này chẳng là gì ngoài những lời nói suông.
‘Chúng tôi biết các cô không làm gì sai’
Với các nguyên lý cốt lõi là chân, thiện, và nhẫn, cùng với bộ công pháp tĩnh tại, Pháp Luân Công đã được lưu truyền rộng rãi trong những năm 1990. Theo một số ước tính năm 1999, trong số 1.3 tỷ dân của Trung Quốc lúc bấy giờ, cứ 13 người thì có một người chọn học môn tu luyện này. Cũng trong năm đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vô thần đã xem nhóm người này là kẻ thù mới nhất của nhà nước.
Trong những năm tháng trước khi cuộc đàn áp bắt đầu, các học viên Pháp Luân Công cảm thấy ngày càng có nhiều hạn chế đối với các quyền tự do của họ. Vài ngày trước khi họ thỉnh nguyện tại Trung Nam Hải, chính quyền đã đánh đập và bắt giữ hàng chục học viên Pháp Luân Công ở siêu đô thị Thiên Tân, đề nghị các học viên khác đến Bắc Kinh thỉnh nguyện nếu họ muốn những người bị giam giữ này được trả tự do. Truyền hình và báo chí nhà nước đã lan truyền nội dung phỉ báng môn tu luyện này.
“Bởi vì chúng tôi hành xử theo chân, thiện, và nhẫn, nên chúng tôi luôn đối đãi với mọi người bằng thiện niệm, kể cả chính quyền,” cô He bày tỏ.
“Chúng tôi nghĩ rằng các vụ bắt giữ ở Thiên Tân và toàn bộ việc đưa tin có thành kiến đó là do họ thực sự chưa liễu giải được chúng tôi. Chúng tôi muốn cho họ một cơ hội để hiểu chúng tôi, để cho họ thấy mọi thứ. Nhóm người chúng tôi là như vậy đấy.”
Cô He tin rằng lòng tốt và sự tin tưởng mà họ thể hiện ngày hôm đó là “vĩnh viễn bất biến” — ngay cả sau khi trở thành nạn nhân của một chiến dịch đàn áp tàn bạo.
“Chính ĐCSTQ đã chọn trở thành những người phản đối chân, thiện, nhẫn. Họ đã đẩy một nhóm người như vậy sang phía đối lập.”
Kể từ tháng 07/1999, chính quyền đã dồn toàn bộ sức lực để xóa sổ môn tu luyện này. Từ đó các học viên đã trở thành nạn nhân của việc giam giữ tùy tiện, tra tấn dã man, các khoản phạt nặng, lao động khổ sai, và phân biệt đối xử xã hội. Vô số người đã trở thành nạn nhân của hoạt động sát nhân để lấy nội tạng do nhà nước hậu thuẫn, hay còn gọi là thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Cô He mô tả trải nghiệm của mình trong cuộc đàn áp như là một bức tranh thu nhỏ về những gì các gia đình khác đã trải qua ở những nơi khác trong nước. Tại một thời điểm vào khoảng năm 2001, ba thành viên trong gia đình cô – cô He, anh trai cô, cũng là sinh viên đại học, và mẹ cô, một giáo sư đại học – bị giam giữ vào cùng một thời điểm tại các trường đại học nơi họ học tập hoặc làm việc.
Sự căng thẳng tột độ về tinh thần đã khiến tóc cha cô bạc trắng chỉ sau một đêm.
Hàng ngày, thay vì đến lớp, cô He sẽ báo cáo với văn phòng Bí thư Đảng ủy của trường. Bí thư Đảng ủy thậm chí còn ra lệnh cho một người bạn cùng lớp kết bạn với cô nhằm bí mật thu thập thông tin tình báo về môn tu luyện này, mãi đến nhiều năm sau cô He mới biết chuyện.
“Pháp Luân Công không bao giờ có bất kỳ bí mật nào. Chúng tôi luyện công và học các bài giảng như thế nào, tất cả mọi thứ về mọi người, họ đều biết rõ ràng. Nhưng họ vẫn muốn sử dụng các chiến thuật như vậy. Cứ như thể họ muốn bịa ra một số cáo buộc chống lại chúng tôi,” cô cho biết.
Tuy nhiên, nếu xét đến số lượng sinh viên hàng đầu tại các trường ưu tú của Trung Quốc như Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh đã thiệt mạng hoặc bị tâm thần sau cuộc đàn áp của nhà cầm quyền, thì cô He cảm thấy mình vẫn còn may mắn.
Cuối năm 2012, sau khi phát hiện nhà mình bị lục soát sau một cuộc đột kích của công an khiến vợ mình bị bắt lần nữa, bố của cô He bỗng nhiên bị đột quỵ và không bao giờ tỉnh lại. Ông qua đời khoảng bảy tuần sau đó, vào ngày lễ Giáng Sinh.
“Chúng tôi biết các cô không làm gì sai, nhưng chúng tôi có thể nhận được tiền khi bắt giữ các học viên Pháp Luân Công,” cô He nhớ lại lời viên công an nói với cô khi cô cầu xin họ thả mẹ cô ra. “Con trai tôi sắp kết hôn và tôi cần kiếm ít tiền đưa cho con. Cứ bắt được một học viên Pháp Luân Công thì tôi được 4000 nhân dân tệ [khoảng 640 USD vào thời điểm đó].”
“Họ đang bán rẻ linh hồn của mình để đối lấy tiền, thậm chí đánh đổi mạng sống vì tiền,” cô He nói, và cho biết thêm rằng cô thấy những người đó thật đáng thương. “Họ có thể bán đứng lương tâm của mình chỉ vì số tiền ít ỏi đó.”
‘Một sự kiện quan trọng’
Hôm nay trời lại âm u khi cô He kể lại câu chuyện của mình ở New York, nơi cô hiện đang sống, trước một buổi tập hợp để kỷ niệm 24 năm cuộc thỉnh nguyện ở Trung Nam Hải, mà sau này Bắc Kinh mô tả trong tuyên truyền của họ là một cuộc “bao vây” như một cái cớ để biện minh cho cuộc đàn áp.
Nhưng “bất chấp những gì ĐCSTQ muốn quý vị tin với tư cách là một nhà nước vô thần duy vật,” thì chiến dịch đàn áp này, trong mắt nhà phân tích Trung Quốc James Gorrie, thực sự là một “cuộc chiến tinh thần chống lại cái ác và các thế lực tà ác.”
“Người dân tìm thấy sức mạnh ở một điều gì đó không thể bị dập tắt bởi một viên đạn hay một bản án tù,” ông Gorrie, tác giả của cuốn “Cuộc khủng hoảng Trung Quốc” và là một cộng tác viên của The Epoch Times, nói với NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống của ấn phẩm này. “Và đó là lý do tại sao Trung Quốc sợ Pháp Luân Công. Đó là lý do tại sao họ thực sự sợ môn tu luyện này. Các chế độ bất hợp pháp sợ mọi thứ.”
Ông Gregory Copley, chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế và là một cộng tác viên của The Epoch Times, nói thêm rằng ông nhận thấy hành động kháng nghị của [các học viên] Pháp Luân Công thực sự truyền cảm hứng.
Ông nói với NTD: “Một trong những điểm nổi bật của toàn bộ triết lý Pháp Luân Công là đưa tâm tính của mỗi cá nhân thăng hoa lên đến một cảnh giới của sự cao thượng, nhẫn nại, và kiên định.”
“Điều này sẽ rất khó để bất kỳ tổ chức nào giống như Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp.”
Ông cho rằng những người theo dõi Trung Quốc và cộng đồng Pháp Luân Công nên “tưởng nhớ và kỷ niệm” cuộc thỉnh nguyện ngày 25/04 như “một điều gì đó mang tính biểu tượng.”
“Thật đáng để viết câu chuyện về cuộc biểu tình đó theo cách được xem như là một sự kiện quan trọng trong lịch sử Trung Quốc, một sự kiện sẽ đánh dấu bước khởi đầu cho ngày tàn của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Đâu là lựa chọn của phương Tây?
Dân biểu Gus Bilirakis (Cộng Hòa-Florida) kêu gọi thế giới hành động trước cuộc đàn áp kéo dài gần 24 năm, vi phạm “điều căn bản nhất trong tất cả các quyền của con người” này.
Ông nói với The Epoch Times: “Chúng ta có nghĩa vụ phải lên tiếng thay mặt cho những người mà tiếng nói của họ đã bị buộc phải im lặng quá lâu, vì nếu chúng ta im lặng trước những vi phạm này, thì chúng ta sẽ gây nguy hiểm cho xã hội dân sự.”
Giống như ông Bilirakis, cô He và những người khác tại sự kiện hôm Chủ Nhật ở Flushing đã kêu gọi thế giới tự do thể hiện lập trường rõ ràng hơn.
Bà Triệu Nhược Khê (Zhao Ruoxi), một cựu ký giả đến từ Thiên Tân đã chứng kiến các vụ bắt giữ dẫn đến cuộc thỉnh nguyện ngày 25/04, nói trong bài diễn văn tại một cuộc biểu tình sau cuộc diễn hành hôm Chủ Nhật rằng: “Người ta thường nói rằng ‘sự mù quáng có chọn lọc’ của những người quan sát là một phần lý do tại sao cái ác có thể hoành hành.”
“Có thể một số người nghĩ rằng tôi không đàn áp Pháp Luân Công và do đó tôi không phải chịu trách nhiệm. Nhưng sự im lặng và không làm bất cứ điều gì của quý vị đang tạo điều kiện cho những hành vi lạm dụng như vậy xảy ra. Đó là lý do chính khiến cuộc đàn áp này có thể tiếp tục diễn ra một cách tùy tiện cho đến ngày nay.”
Ngay cả đối với những học viên đã tìm được nơi nương náu ở Hoa Kỳ, nhưng họ vẫn lo sợ cho sự an toàn của những người thân yêu của họ ở Trung Quốc cộng sản.
Tại cuộc biểu tình, cô Vương San San, người đã đào thoát khỏi Trung Quốc mười năm về trước để giữ được đứa con mà chính sách một con của nhà cầm quyền không cho giữ, đã cầu xin sự giúp đỡ cho mẹ của cô, bà Lưu Ái Hoa (Liu Aihua), người đã bị bắt giữ 11 lần và gần đây bị kết án bốn năm tù vì đức tin vào Pháp Luân Công của bà. Cô cũng kêu gọi trả tự do cho ông Chu Đức Dũng (Zhou Deyong), có vợ và con trai là cư dân Florida. Ông Chu bị kết án tám năm tù hôm 20/04.
Cô He cho biết trước những hành vi lạm dụng đang diễn ra của chính quyền này, mọi người cần phải tự mình đưa ra lựa chọn.