Năng lực điều tiết cảm xúc của cha mẹ có tác động lớn đến trẻ
Nếu bạn muốn có năng lực điều tiết cảm xúc lành mạnh, điều kiện đầu tiên là phải trau dồi nhận thức về cơ thể, tức là thiết lập một dòng liên kết mạnh mẽ giữa não bộ và cơ thể, đặc biệt là não phải. Ngoài ra, chúng ta còn phải biết cách đánh giá cảm xúc và trạng thái tinh thần của mình, hoạt động này dựa vào vỏ não nằm phía sau trán.
Khi thân và tâm chúng ta vượt quá khả năng dung nạp, tâm trí và cảm xúc của chúng ta sẽ mất đi sự linh hoạt, lúc đó chúng ta sẽ có những phản ứng không thích hợp, rối loạn và cứng nhắc. Đây là những trạng thái tạm thời, xảy ra lặp đi lặp lại trong quá trình tương tác giữa con người với nhau. Một số người sẽ ngay lập tức khôi phục trạng thái bình thường, nhưng cũng có người sẽ tiếp tục trong một khoảng thời gian.
Bất luận là ở trạng thái nào, khả năng đồng cảm và năng lực giải quyết vấn đề của bạn đều suy giảm, và bạn sẽ bắt đầu lơ đãng, liều lĩnh, tự cho mình là trung tâm hoặc thờ ơ, hờ hững. Khi cơ chế điều tiết cảm xúc bị mắc kẹt giữa trạng thái bị kích thích quá mức và quá thấp, nó sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta “sống trong thực tại” và sự tương tác của chúng ta với người khác. Trạng thái như vậy sẽ khiến chúng ta làm mọi việc một cách tự động và vô tình làm tổn thương trái tim của trẻ. Khi chúng ta bị mắc kẹt trong trạng thái nội tâm của mình, chúng ta không thể nhận ra được cảm xúc của trẻ, và trẻ không thể trở lại trạng thái cân bằng nội tâm. Khi cảm xúc bị mất cân bằng, chúng ta thường suy nghĩ tiêu cực về hành vi của trẻ thay vì đưa ra những lời giải thích hợp lý và đầy sự đồng cảm, dẫn đến rạn nứt tình cảm giữa cha mẹ và con cái.
Trẻ sẽ cảm nhận cảm xúc của bạn
Chúng ta phản chiếu cảm xúc của nhau một cách vô thức. Con người bẩm sinh có thói quen đồng bộ với cơ thể và não bộ của người khác. Chúng ta quan sát ngữ điệu, độ co của cơ mặt cũng như những biểu hiện cảm xúc nhỏ trên nét mặt của đối phương, tiếp đó chúng ta sẽ phát giác ra những thay đổi nhỏ trong trạng thái nội tâm của chúng ta, vì vậy cảm xúc có thể lây lan.
Khi bạn có những cảm xúc mạnh mẽ trong lòng, nó sẽ phản ánh lên khuôn mặt và các cơ trên cơ thể bạn. Một cách vô thức, nó lây lan từ não phải của chúng ta sang não phải của người khác. Trẻ sẽ phản ứng khi cảm nhận được cảm xúc của cha mẹ, chẳng hạn như nhịp tim nhanh hơn hoặc chậm hơn, cơ giãn ra hoặc bó chặt lại. Trẻ sẽ mơ hồ nhận ra được liệu bạn có thật sự thư giãn không hay bạn có đang lơ đãng không. Kiểu giao tiếp này diễn ra trong vòng vài mili giây và hoàn toàn không cần bất cứ lời nói nào cả.
Ngôn ngữ cơ thể được truyền đi nhanh chóng và mạnh mẽ hơn lời nói. Sự lây nhiễm cảm xúc hoặc đồng bộ hóa cảm xúc xảy ra rất nhanh, con người thông thường khó ý thức rõ ràng được và không thể kiểm soát trước được nó. Nhưng sau khi quá trình đó xảy ra, chúng ta có thể tự phát giác ra được dựa vào ngữ điệu trong lời nói của chúng ta với trẻ.
Khi trẻ ở cùng bạn, nếu con thường xuyên phải đối mặt với sự mất kiểm soát cảm xúc của bạn, con sẽ hình thành một mô thức điều tiết cảm xúc cố định, nếu không con sẽ không thể tương tác với bạn một cách thoải mái. Ví dụ, trẻ sẽ bắt đầu đóng chặt tâm nhĩ, hoặc luôn quấy rầy bạn, hoặc khuếch đại cảm xúc để đòi hỏi sự quan tâm. Tệ hơn nữa, nếu bạn bị mất kiểm soát cảm xúc đến mức cực hạn, con bạn sẽ đẩy cảm xúc đó trở lại bạn, và bạn sẽ càng khó hồi phục khả năng dung nạp của thân và tâm. Nó tựa như việc một chiếc thuyền bơi ngược dòng vậy.
Phản ứng của trẻ phản ánh trạng thái nội tâm của bố mẹ
Khi bạn bị mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn của các rối loạn cảm xúc, bạn thường phải đợi cho đến khi nó nghiêm trọng mới phát hiện ra. Khi đó, cảm xúc của bạn sẽ được phản ánh trực tiếp vào hành vi của trẻ. Mỗi khi đứa trẻ bắt đầu cãi lại, chỉ trích, phàn nàn hoặc thậm chí có chút khó dạy bảo, tôi đều phản tỉnh bản thân. Đúng như dự đoán, lịch sinh hoạt của tôi xuất hiện một chút vấn đề, khiến tôi lơ đễnh và không chú ý đến con mình. Có thể tôi không ngủ đủ giấc, ôm đồm nhiều việc, có khi bận rộn với việc nào đó, hoặc cũng có lúc tôi lo lắng về vô số việc phải làm trong vài tuần tới. Bản thân tôi không cảm thấy áp lực, và nó được giải quyết rất dễ dàng, nhưng cơ thể của tôi sẽ tiết lộ tâm tư tiềm ẩn của tôi, chính loại ngôn ngữ tiềm ẩn này khiến trẻ cảm thấy không thích hợp.
Tôi có thật tâm trả lời hay không, liệu tôi có hoàn toàn chú ý hay không, những điều này có thể được nhận thấy trong ngữ điệu và tốc độ lời nói của tôi. Ví dụ, khi tôi ở cạnh con, tôi cố gắng nhìn thẳng vào mắt con và nói chậm lại.
Những thay đổi của cha mẹ thường mang tính tiêu cực, chẳng hạn như càng nhìn vào lời nói và hành động của con mình thì tôi càng cảm thấy không vừa lòng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cách tôi nhìn nhận hành vi của trẻ và liệu tôi đưa ra những lời giải thích nhân từ hay tiêu cực. Đứa trẻ chắc chắn có thể nhận ra sự khác biệt. Ví dụ, một câu là “Con đôi khi mắc lỗi, nhưng điều đó không quan trọng”, và câu còn lại là “Con làm sao vậy? Sao lại khó dạy thế? Tại sao vẫn không chịu thay đổi? Để mẹ yên, đi ra ngoài, để mẹ có không gian riêng…” Tôi không bao giờ nói ra những lời này, nhưng chỉ cần cha mẹ buột miệng nói ra, thì dù cảm xúc nhỏ đến đâu, trẻ em cũng nhận thấy sự căng thẳng và tức giận, vì vậy chúng sẽ trở nên ngày càng xa cách, tăng sự phòng vệ, cảm thấy xấu hổ và buồn bã.
Lúc này, hãy cố gắng thư giãn và điều chỉnh lại tâm trí, tư duy và cơ thể, để trẻ cảm thấy thoải mái và vui vẻ khi ở cạnh bạn. Đôi khi tôi làm rất tốt và tôi cảm nhận được điều đó, bởi vì việc dạy dỗ sẽ trở thành một nhiệm vụ vui vẻ mà không mất chút sức lực nào. Thái độ của con trẻ sẽ thân thiện và hòa nhã hơn, sẵn sàng tuân thủ các quy tắc để làm hài lòng tôi hơn.
Lê Vy biên tập
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ