Nằm mộng thấy kiếp trước, tiếp nối mối thân duyên
Từ xưa đến nay, giấc mộng luôn là một chủ đề được nhiều người quan tâm và khám phá. Có người trong mộng được khai mở trí huệ, không thầy mà tự thông. Có người được Thần linh điểm hóa trong mộng, kịp thời tránh được tai họa. Có người thì nhìn thấy vận mệnh cả đời trong giấc mộng; có người trong giấc mộng được thưởng thức một bữa ăn ngon, hơn nữa còn biết được kiếp trước kiếp này, điều đặc biệt hơn nữa là sau khi người đó tỉnh dậy, trong miệng vẫn còn mùi thơm phảng phất. Trong những giấc mộng kỳ lạ này, nhục thân giống như một “quán trọ” nơi nguyên thần trú ngụ, khi nhục thân say giấc, nguyên thần bắt đầu thi thố tài năng, và kết quả thường khiến người ta kinh ngạc.
Câu chuyện luân hồi chuyển thế của Hoàng Đình Kiên thời Bắc Tống đã được không ít sổ sách ghi chép lại. Năm Hoàng Đình Kiên 26 tuổi, ông được lệnh của triều đình đến Vu Hồ làm Tri châu. Một hôm đang ngủ trưa, ông mơ thấy mình bước ra khỏi cửa lớn của nha phủ và đi đến một gia đình. Ông nhìn thấy một bà lão đang đứng khấn trước bàn thờ, trên bàn có một đĩa mì xào cần tây. Cầm trong tay nén nhang, bà lão gọi to: “Con à, trở về ăn mì đi”. Hoàng Đình Kiên trong mộng không nhịn được, bèn cầm đĩa mì xào cần tây lên ăn, ăn xong thì trở về phủ. Khi tỉnh dậy, ông phát hiện trong miệng vẫn còn mùi cần tây.
Ngày hôm sau khi ngủ trưa, trong giấc mơ ông lại đến chỗ gia đình đó, sau khi tỉnh dậy, ông vẫn còn thấy mùi cần tây trong miệng. Hoàng Đình Kiên nhanh chóng mặc y phục, đi dọc theo con đường trong giấc mộng và quả nhiên tìm thấy gia đình đó. Sau khi gõ cửa, vừa nhìn một cái, Hoàng Đình Kiên rất ngạc nhiên vì đó chính là bà lão mà ông đã thấy trong giấc mơ.
Hóa ra hôm qua là ngày giỗ con gái bà lão, con gái bà vốn thích ăn mì xào cần tây, nên ngày giỗ năm nào bà lão cũng cúng một đĩa mì xào cần tây, gọi con trở về dùng bữa.
Điều trùng hợp là, ngày con gái bà lão qua đời chính là ngày sinh của Hoàng Đình Kiên. Hơn nữa, con gái của bà lão đã mất được 26 năm, và Hoàng Đình Kiên năm đó cũng vừa vặn 26 tuổi.
Sau một hồi trò chuyện, Hoàng Đình Kiên biết được rằng con gái bà lão thích đọc sách. Có rất nhiều bản thảo được lưu giữ trong tủ gỗ, tất cả đều do cô viết khi còn sống. Hoàng Đình Kiên vừa thấy chúng thì vô cùng kinh ngạc, những bài văn mà ông viết trong kỳ thi khoa khảo (vòng sơ khảo của kỳ thi đình) ở đời này đều giống với những bản thảo đó, không khác một chữ.
Hoàng Đình Kiên chợt hiểu ra rằng bà lão này chính là mẹ của mình ở kiếp trước, vì vậy liền đưa bà lão đến nha phủ để chăm sóc, đồng thời ông cũng bước vào con đường tu Thiền.
Về sau, ông đã xây dựng một khu vườn trong hậu viên của nha phủ, trong đó có một bức tượng của chính ông. Hoàng Đình Kiên đã tự đề lên một tấm bia đá rằng:
“Tự tăng hữu phát
Tự tục thoát trần
Tố mộng trung mộng
Ngộ thân ngoại thân”
(Tạm dịch:
Giống tăng có tóc
Giống tục thoát trần
Nằm mộng trong mộng
Ngộ thân ngoại thân)
Dưới sự điểm hóa của giấc mộng, Hoàng Đình Kiên đã biết được kiếp trước của mình, hơn nữa còn nối tiếp mối thân duyên với người mẹ ở kiếp trước.
Trong câu chuyện luân hồi này, trong giấc mộng, Hoàng Đình Kiên đã được ăn một bữa rất ngon, sau khi tỉnh dậy thì trong miệng vẫn còn lưu lại mùi thơm. Điều này nghe có vẻ khó tin, nhưng trong ghi chép của giới văn nhân, thì đó lại không phải là trường hợp cá biệt.
Những điều này phải chăng là minh chứng cho phong tục thờ cúng của Trung Quốc cổ đại, rằng những truyền thống cổ xưa đó có thể câu thông với thời không khác, và thực sự phát huy tác dụng trong không gian khác? Trong ghi chép vào thời nhà Thanh cũng có những trường hợp tương tự, đồng thời còn có những bài thơ về giấc mộng.
Cao Vân Lư sống vào thời nhà Thanh có một người em gái tên là Lan, thiên tư thông minh, có thể đọc được Ngũ kinh của Nho gia (tên gọi chung của “Thi Kinh”, “Thượng Thư”, “Lễ Ký”, “Chu Dịch” và “Xuân Thu”), hơn nữa còn giỏi thư pháp. Cô là người trầm ổn cẩn thận, kiệm lời ít nói. Năm 19 tuổi, Lan từng cùng với chú của mình là Liên Y Công đến phủ Hành Dương.
Khi ấy đang là lễ Vu Lan, Lan đang ngủ trưa thì mơ thấy một bà lão nói với mình rằng: “Mừng Thái phu nhân trở về cố hương”, đồng thời giục nàng nhanh chóng lên kiệu, sau đó họ nhẹ nhàng phiêu phiêu đi đến một ngôi trạch viện.
Trong giấc mơ, Lan nhìn thấy dòng chữ “Hạ thị đệ” trên tấm bảng trước trạch viện. Hóa ra cô đã đến dinh thự của gia đình họ Thị trong giấc mơ. Cô đi qua các hành lang và lối đi, cảm thấy như thăm lại nơi cũ, nhưng lại có cảm giác trống rỗng và hoang vắng như thể đã lâu không có ai ở đây.
Cô còn nhìn thấy bên ngoài bậc cửa có trồng cây ngô đồng. Khi gió thổi qua, cây ngô đồng già phát ra âm thanh xào xạc. Trong đại sảnh có bày yến tiệc, hương nến trên yến tiệc vẫn còn đang cháy.
Lan ngồi vào chiếc ghế tôn quý nhất, bà lão đứng ở một bên hầu hạ, dưới bậc thềm có một người hầu đang dập đầu khấn vái, nói: “Chủ nhân đi làm quan ở xa, hôm nay vừa vặn là ngày giỗ 20 năm Thái phu nhân qua đời, lão nô đã bày tiệc rượu thịnh soạn, hy vọng Người có thể thưởng thức”.
Sau khi người hầu khấn xong, ông ấy đổ hết số tiền vàng giấy bạc ra và bắt đầu đốt chúng. Bà lão kia vội vàng lấy một ít bỏ vào trong tay áo, số tiền giấy còn lại thì tản khắp sàn. Sau đó, Lan lại ngồi lên kiệu và được đưa về. Giấc mơ đến đây thì Lan tỉnh giấc.
Lan kể lại giấc mơ cho người nhà nghe và nói: “Con không ăn đồ cúng nào khác, chỉ ăn một ít dưa hấu thôi.” Đột nhiên, cô cảm thấy tức ngực buồn nôn, thậm chí còn nôn ra cả cùi dưa chưa tiêu hóa hết.
Theo “Lý Viên Tùng Thoại”, quyển 22
Đỗ Nhược thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ