Động Tiên: Đi vào nửa ngày, ở nhân gian đã mấy chục năm trôi qua
Nhân gian có thời không song song gọi là Tiên cảnh. Nơi đây, nếu con người ngẫu nhiên mở được cửa vào, thì cũng ngẫu nhiên tiến nhập vào một thế giới cách xa trần thế trong chớp mắt. Những chuyện như vậy đã từng xảy ra vào các thời đại khác nhau.
Động Tiên Cô đầu thời nhà Thanh
Trong cuốn “Hiếu Cảm huyện chí” viết vào năm Khang Hy thứ 34 thời nhà Thanh, có ghi chép lại một sự việc miêu tả về động thiên ở thế giới khác – động Tiên Cô. Huyện chí là những ghi chép lịch sử trực tiếp do chính quyền địa phương tổ chức biên soạn. Các nhân sỹ sở tại lấy tư liệu có nguồn gốc tại địa phương nên độ khả tín rất cao.
Động Tiên Cô nằm ở phía đông trấn Phương Phán, huyện Đại Ngộ, thành phố Hiếu Cảm, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Đây là hang động rất sâu, kéo dài quanh co khúc khuỷu, biến đổi lúc rộng lúc hẹp. Bên trong động có rất nhiều trụ đá được hình thành từ thạch nhũ, ánh sáng rực rỡ, long lanh, hình thù kỳ lạ. Động này nguyên ban đầu được gọi là động Hiếu Cảm, còn được người dân địa phương gọi là “Động Tiên Cô.” Tên gọi này bắt nguồn từ đâu? Có một câu chuyện xảy ra vào cuối thời nhà Minh. Trong thời chiến loạn, có một gia đình vô tình đi vào động Hiếu Cảm, không ngờ đã tiến nhập vào một không gian khác.
Sách cổ “Thu đăng tùng thoại” thời nhà Thanh có chép: Vào cuối thời nhà Minh, để tránh chiến loạn khi triều đại thay đổi, một gia đình họ Dương đã trốn vào hang động này. Họ men theo con đường đá quanh co uốn khúc, cao thấp, nhấp nhô lên xuống một lúc lâu. Đột nhiên, họ thấy phía trước có cánh cửa đá. Cửa đá mở ra, xuyên qua cửa đá mơ hồ có thể thấy được ánh sáng. Họ vô cùng hiếu kỳ, liền tiến vào bên trong cửa đá. Họ tiếp tục đi về phía trước khoảng một dặm, ánh sáng càng lúc càng sáng hơn, như thể đang tiến gần đến lối ra ở đầu bên kia. Cuối cùng, họ đến một nơi có ánh mặt trời chiếu sáng rực rỡ. Xa xa, lâu đài đình các nối tiếp huy hoàng tráng lệ. Khắp nơi đều là chim ca hoa nở, vô cùng diễm lệ khác hẳn phàm trần. Tiếp đó, ở phía trước, họ nhìn thấy một thiếu nữ ngồi trên chiếc giường bằng đá. Thiếu nữ nói với người nhà họ Dương: “Trên thế gian kiếp nạn chiến loạn đã qua rồi. Nơi này không phải nhân gian, các ngươi không thể ở lâu, nếu không sẽ không thể quay về.”
Người nhà họ Dương kinh hãi khi nghe thấy điều này. Thế là, họ lập tức quay lại theo con đường cũ. Khi ra khỏi động và ngước nhìn, họ phát hiện diện mạo quê hương đã biến đổi rất nhiều so với trước kia. Người nhà họ Dương hỏi người dân thì biết được rằng triều đại đã thay đổi rồi, bây giờ đang là giữa thời Khang Hy nhà Đại Thanh. Họ cảm giác từ lúc bước vào động đến lúc bước ra khỏi động chỉ mất một ngày, nhưng tại nhân gian đã hơn bốn mươi năm trôi qua. Sau khi câu chuyện này được lan truyền, mọi người cho rằng người mà họ gặp trong động hẳn là một Tiên nữ. Vì vậy, người dân bèn gọi động này là “Động Tiên Cô.”
Vào năm Khang Hy thứ 34 thời nhà Thanh, sự việc này đã được chép lại trong “Hiếu Cảm huyện chí.” Câu chuyện này rất giống với chuyện không gian song song xảy ra ở thời hiện đại.
Người nhà họ Dương từ trong động trở về hiện thực, sau đó được người dân địa phương ghi chép câu chuyện về họ trong “huyện chí.” Sự việc khiến người đời có thể hoàn toàn tin rằng, sự tồn tại của thế giới Thần Tiên không phải là hư ngôn! Vậy không biết rằng trên Trái Đất này có bao nhiêu cánh cổng thời không như vậy?
Người thời nhà Hạ trong động Tiên
Vào thời cổ đại, huyện Nguyên Lăng, thành phố Hoài Hóa, tỉnh Hồ Nam ngày nay, là vị trí của huyện Thần Khê, thuộc quyền quản hạt của Thần Châu. Cách Thần Châu một trăm dặm về phía thượng nguồn, có thôn Đằng nằm ở bờ bắc con sông. Vào năm Nguyên Gia thứ 26 thời Tống Văn Đế, ở thôn Đằng có một người tên là Văn Quảng Thông. Một ngày nọ, có con heo rừng đi vào ruộng của anh ta ăn sạch hoa màu, và bị anh bắt gặp. Văn Quảng Thông lập tức lấy cung tên bắn trúng con heo khiến nó bị thương và bỏ chạy. Anh lần theo vết máu của con heo, đi hơn mười dặm. Cuối cùng, vết máu biến mất trước một cửa động. Anh không cam lòng “xôi hỏng bỏng không,” liền tiến vào huyệt động.
Huyệt động này sâu thăm thẳm, Quảng Thông đã đi hơn ba trăm bước mà vẫn không tới đáy. Đột nhiên, trước mắt anh có một luồng ánh sáng bừng lên, hàng trăm ngôi nhà bỗng hiện ra. Trên đường có người đi lại, nhìn thấy như giống nhau, nhưng quang cảnh ở đây rất u nhã và yên tĩnh. Bình sinh trong đời anh chưa bao giờ gặp cảnh đẹp như vậy. Anh không khỏi cảm thán, quả thực là “thế ngoại đào nguyên” (thế giới tách biệt với trần thế)! Nhìn thấy con heo rừng chạy vào chuồng của một gia đình nào đó trong thôn, Quảng Thông liền vội chạy tới đó xem.
Khi bước vào ngôi nhà đó, một ông lão bất ngờ bước ra và nói với anh: “Anh là người đã bắn trúng con heo của tôi phải không?” Anh đáp: “Không phải vô duyên vô cớ mà tôi làm nó bị thương. Con heo đó đã ăn hoa màu của tôi.” Ông lão nói: “Việc con vật làm hại hoa màu của người khác là sai, nhưng vì vậy mà muốn cướp lấy nó lại thì càng sai hơn.” Văn Quảng Thông được lão nhân điểm ngộ, lập tức khấu đầu tạ lỗi. Ông lão nói: “Biết lỗi mà có thể sửa, vậy là được rồi. Trong mệnh của con heo này đáng bị quả báo như vậy. Ngươi không cần phải xin lỗi.”
Lúc này, ông lão lịch sự mời Quảng Thông vào nhà. Anh nhìn thấy bên trong là một phòng khách chất đầy sách, có mười mấy thư sinh, họ đều ăn mặc theo kiểu Nho sinh, đầu đội mũ Chương phủ, mình mặc áo đơn tay rộng. Trên một chiếc giường xoay hướng Nam, có một ông lão đang giảng “Lão Tử.” Cùng lúc đó, tiếng đàn cầm từ bên cạnh truyền đến, giai điệu rất dịu dàng êm ái. Rất nhanh, có một thiếu niên bưng rượu đến, ông lão mời Quảng Thông cùng uống rượu, thưởng nhạc. Anh ăn uống no say, cảm thấy thân thể thập phần khoan khoái.
Văn Quảng Thông nhân cơ hội, liền hỏi cậu bé canh cổng: “Rốt cuộc đây là chỗ nào vậy?” Cậu bé đáp: “Những thư sinh trong phòng đều là các bậc hiền nhân. Họ đến đây vào cuối thời nhà Hạ để thoát khỏi sự cai trị của bạo quân Hạ Kiệt, và học Đạo thành Tiên. Vị Bác sĩ đang giảng ‘Lão Tử’ chính là Hà Thượng Công [1]. Còn tôi là người gốc Sơn Dương thời nhà Hán, tên là Vương Phủ Tự. Tôi đến đây để thỉnh giáo Hà Thương Công vài nghi vấn trong sách ‘Lão Tử.’ Tôi đã làm người hầu quét dọn trong nhà của Hà Thượng Công 120 năm. Bây giờ mới được làm người gác cổng, nhưng tôi vẫn không cách nào đắc được yếu quyết của Đạo kinh!”
Văn Quảng Thông muốn ở lại nơi đây nhưng ông lão đã từ chối. Ông sai người gác cửa dẫn Quảng Thông rời đi, đồng thời, nhắc nhở đóng cửa không cho người ngoài vào. Khi Văn Quảng Thông đi theo cậu bé Vương Phủ Tự đến cửa hang, anh lưu luyến không muốn chia tay, năm lần bảy lượt nói lời cáo biệt với cậu bé. Anh thầm nghĩ sau lần chia tay này, sẽ vĩnh viễn không bao giờ gặp lại nữa.
Khi Văn Quảng Thông bước ra khỏi động, anh phát hiện cung tên mang theo bên mình đã trở nên cũ kỹ một cách khác thường. Sau khi trở về làng, dân làng kinh ngạc khi nhìn thấy anh, còn người nhà thì vui mừng khôn xiết. Hóa ra anh đã mất tích 12 năm, gia đình sớm đã lo liệu tang sự cho anh rồi. Trong chuyến lữ hành ngắn ngủi đến động Tiên, thời gian bên ngoài động vùn vụt trôi như một mũi tên, trong chốc lát đã 12 năm trôi qua.
Ngày hôm sau, Văn Quảng Thông và một số dân làng hiếu kỳ tiếp tục đi tìm động Tiên. Họ đi đến cửa động thì thấy một tảng đá rất lớn chặn cửa động, dù làm thế nào cũng không mở ra được.
(Câu chuyện dựa theo “Thần Tiên cảm ngộ truyện”).
Chú thích của dịch giả: