Lạc vào ‘chốn đào nguyên’
“Đào hoa nguyên ký” của nhà văn Đào Uyên Minh thời Đông Tấn kể câu chuyện một ngư dân vô tình lạc vào Đào hoa nguyên và nhìn thấy miền lạc thổ bên ngoài trần thế, nơi con người được tự do tự tại. Trong “Dật sử” cũng có một câu chuyện tương tự như vậy: hai người có mong muốn ẩn cư lánh đời cũng đi lạc vào nơi Tiên cảnh.
Ở Tín Châu có một Viên ngoại tên là Lý Ngu. Ông và tú tài Dương Lăng đều có chí nguyện muốn ẩn cư lánh đời. Hai người thường kết bạn đồng hành. Mỗi khi đến một nơi yên tĩnh, hai người sẽ dừng chân chiêm ngưỡng cảnh đẹp và ngâm vịnh thi ca rồi mới lên đường rời đi. Họ từng đến núi Hoa Sơn và gần như dạo quanh khắp sơn cốc.
Có một lần, hai người cùng nhau ra ngoài, khởi hành không lâu thì đến một hang động nhỏ cao mấy thước. Chỉ sau ba, bốn bước chân, hai người đã đi vào bên trong. Chiều cao trong động đột nhiên trở nên rất lớn, đường đi bằng phẳng và dễ di chuyển. Lúc này hai người rất thích thú, dự định đi hết cả quãng đường để khám phá.
Đi được khoảng bốn, năm dặm, hai người định quay lại nhưng không được. Thế là Lý Ngu và Dương Lăng động viên nhau tiếp tục tiến về phía trước. Đi thêm hai, ba dặm nữa, ánh sáng trở nên sáng rõ hơn một chút. Không lâu sau, thời gian lúc này khoảng năm, sáu giờ tối, họ đến được một cửa động khác. Hai người nhìn thấy cảnh tượng núi sông cây cối, nhưng không giống như ở nhân gian, hơn nữa còn nhìn thấy người dân đang làm ruộng.
Khi những người nông dân nhìn thấy Lý Ngu và Dương Lăng, họ vô cùng ngạc nhiên, hỏi rằng: “Làm thế nào mà hai vị lại đến được đây?” Lý Ngu và Dương Lăng bèn kể lại toàn bộ quá trình vào động cho họ nghe. Sau đó, hai người lại đi thêm hơn hai dặm nữa thì nhìn thấy một Phật đường, bên trong có vài người đang uống trà. Dương Lăng tiến lên xin chỗ tá túc, một người trong đó nói: “Chuyện này phải báo với động chủ mới được.”
Không lâu sau, xuất hiện một người đàn ông mặc áo tím cưỡi ngựa đi đến, theo sau là bốn, năm người tháp tùng. Người này hành lễ và cử chỉ rất tao nhã, sau đó hỏi tùy tùng rằng làm sao Lý Ngu và Dương Lăng có thể đến được đây? Sau khi tùy tùng giải thích cặn kẽ toàn bộ câu chuyện, người mặc áo tím nói với Lý Ngu và Dương Lăng rằng: “Nơi này vô cùng đơn sơ hẻo lánh, xin mời hai vị đến chỗ ở của ta.”
Lý Ngu và Dương Lăng đi theo người mặc áo tím đến một phủ đệ. Bên trong hầu hết đều là các gian nhà, phòng ở và ghế ngồi được làm bằng tre, rất gọn gàng và sạch sẽ, còn có rất nhiều quan lại khác. Lúc này, người mặc áo tím tự giới thiệu rằng: “Ta họ Đỗ, tên Tử Hoa, vì tránh chiến loạn nên ẩn cư trong sơn lâm, tình cờ gặp được các vị Thần Tiên. Ta đã sống ở đây mấy trăm năm rồi.”
Trước sự hiếu khách của Đỗ Tử Hoa, Lý Ngu và Dương Lăng đã ở lại, đồ ăn thức uống ở đây vô cùng tinh mỹ và phong phú. Hai người còn nhìn thấy ở đó có một con vật tên là “đà thiên” trông rất giống con trâu. Đỗ Tử Hoa cùng hai người trò chuyện suốt ngày đêm, thỉnh thoảng còn hỏi thăm chuyện triều đình đương thời.
Vài ngày sau, Đỗ Tử Hoa đưa cho mỗi người Lý Ngu và Dương Lăng vài món đồ bằng bạc, sau đó sai thuộc hạ dẫn họ ra khỏi núi. Trước khi từ biệt, Đỗ Tử Hoa hỏi hai người: “Nơi này rất thích hợp để ẩn cư, hai ông có muốn ở lại không?” Hai ông Lý, Dương đều lộ vẻ khó xử. Đỗ Tử Hoa thấy vậy, thản nhiên mỉm cười, nắm tay họ cáo biệt, còn đặc biệt dặn dò: “Những gì nhìn thấy ở đây xin đừng nói cho ai biết.”
Không lâu sau, Lý Ngu và Dương Lăng đã thuận lợi trở về nhà.
Về sau, có mấy lần Dương Lăng quay lại chỗ cũ để tìm kiếm hang động đó, nhưng làm thế nào cũng không tìm thấy. Về sau Dương Lăng đổi tên thành Kiệm, làm quan đến chức Ngự sử, sau đó bị biếm chức đến làm quan ở Phiên Ngu và qua đời ở đó. Còn Lý Ngu thì phiêu bạt khắp nơi.