Một loạt các buổi tọa đàm tại Đại học Harvard tiết lộ chân tướng về việc ĐCSTQ thu hoạch nội tạng sống
“Tất cả chúng ta đều cần cố gắng hết sức để trợ giúp những người bị bắt cóc và bị sát hại vì tiền hoặc vì người nắm quyền,” ông Phạm Văn Nam (Nam Pham) tại Đại học Harvard cho hay.
Hôm 08/03, sau khi tham gia buổi hội thảo “Thu hoạch nội tạng cưỡng bức: Một mối đe dọa đối với nhân loại” (Forced Organ Harvesting: A Threat to Humanity) tại Học viện Y học thuộc Đại học Harvard, ông Nam bày tỏ mong muốn ngăn chặn hành vi tội ác đó.
Hôm 07/03 và 08/03, ba đoàn thể sinh viên tại Đại học Harvard đã tổ chức một loạt các hoạt động tại trường. Họ mời các nhà nghiên cứu cấp cao đưa ra bằng chứng liên quan đến việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thu hoạch nội tạng sống của những tù nhân vô tội, dẫn tới các cuộc thảo luận ở cả trong và ngoài trường.
“Chủ đề này không dễ thảo luận, nhưng thảo luận về nó là điều rất cần thiết. Tôi hy vọng chúng ta có thể tìm ra cách để ngăn chặn hành vi phản nhân loại của những người xấu xa đó,” ông Phạm Văn Nam, một người tốt nghiệp tại Học viện Kennedy thuộc Đại học Harvard và từng là Phó Quốc vụ khanh Thương mại Quốc tế Massachusetts, cho hay.
Có rất nhiều bằng chứng về nạn thu hoạch nội tạng sống
Buổi diễn giảng đầu tiên đã được tổ chức hôm 07/03 tại thư viện Harvard-Yenching. Vào buổi chiều, ban tổ chức đã chiếu bộ phim “Nội tạng nhà nước” (State Organs) tại Trung tâm Khoa học Harvard, đồng thời mời nhà sản xuất Cindy Song và các vị khách khác tọa đàm với khán giả. Chiều ngày hôm sau, các vị khách cũng đã đến Học viện Y học thuộc Đại học Harvard để thảo luận về bằng chứng liên quan đến nạn thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ, cũng như ý tưởng để ngăn chặn tội ác này.
“Đây (nạn thu hoạch tạng sống) không chỉ là mối đe dọa đối với Pháp Luân Công, chúng tôi còn thấy vấn nạn này lan sang cả người Duy Ngô Nhĩ,” luật sư nhân quyền Canada David Matas, người được đề cử giải Nobel Hòa bình, cho biết, “Những điều chúng tôi thảo luận không chỉ liên quan đến Pháp Luân Công, mà là một mối đe dọa đối với nhân loại.”
Trong phần trình bày của mình, ông Matas đã nói về các bằng chứng mà ông thu thập được trong nhiều năm điều tra kể từ khi nạn thu hoạch nội tạng sống lần đầu tiên được phơi bày vào năm 2006. Ông đã giới thiệu một số bằng chứng được liệt kê trong cuốn báo cáo điều tra “Thu hoạch đẫm máu” (Bloody Harvest), bao gồm hồ sơ phỏng vấn của các nhà điều tra với một số bác sĩ tại bệnh viện cấy ghép ở Trung Quốc, sự gia tăng bất thường về số ca phẫu thuật ghép tạng, cũng như hồ sơ phỏng vấn của các điều tra viên với một số bệnh nhân đã đến Trung Quốc để cấy ghép, v.v.
“ĐCSTQ và bằng hữu của họ đã phủ nhận điều này, thông thường là thông qua phương thức xúc phạm tôi và các điều tra viên khác. Nhưng bản thân bằng chứng không thể chối cãi,” ông Matas nói.
Một vị khách khác của chuỗi sự kiện này là ông G. Weldon Gilcrease, Phó Giáo sư Học viện Y học thuộc Đại học Utah. Ông đã nhắc đến nghiên cứu của mình về dữ liệu ghép tạng của Trung Quốc và một số trường hợp ví dụ.
Ông đặc biệt đề cập rằng, sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát vào năm 2020, các bác sĩ Trung Quốc đã công bố một luận văn mang tính học thuật có tên “Ghép phổi cho bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh viêm phổi do COVID-19 ở giai đoạn cuối” (Lung Transplantation for Elderly Patients with End-stage COVID-19 Pneumonia.) Luận văn này nhắc đến hai trường hợp, một phụ nữ 66 tuổi ghi danh cấy ghép vào ngày 26/02 và được tiến hành phẫu thuật vào ngày 01/03; một người đàn ông 70 tuổi khác ghi danh cấy ghép vào ngày 05/03 và được tiến hành phẫu thuật vào ngày 08/03.
“Điều cần lưu ý trong luận văn này là, việc đồng ý và tự nguyện quyên góp nội tạng của người hiến tạng không được đề cập trong đó. Họ cũng không đề cập đến các tiêu chuẩn đạo đức (cấy ghép) được quốc tế công nhận,” ông Gilcrease cho hay.
Học viên Pháp Luân Công Hàn Vũ (Han Yu) đã tham gia các buổi thảo luận với tư cách là người nhà của nạn nhân. Cô nói rằng, vào năm 2004, cha cô là ông Hàn Tuấn Khanh (Han Junqing) đã bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công. Ông đã tử vong trong trại tạm giam hai tháng sau đó. Khi cô và người nhà kiểm tra thi thể của ông, cô nhìn thấy một vết khâu dày từ cổ họng đến bụng. Tuy nhiên, họ đã bị cảnh sát ngăn lại khi muốn kiểm tra thi thể một cách cẩn thận.
“Tôi có rất nhiều nghi vấn về sự qua đời của ông ấy, nhưng tôi không nhận được câu trả lời. Mãi đến ba năm sau, tôi mới biết được sự thật. Hàng ngàn tù nhân vô tội đã bị ĐCSTQ sát hại và thu hoạch nội tạng sống. Nhìn thấy báo cáo này, toàn thân tôi run rẩy. Tôi không thể tin nổi có một sự tà ác như vậy tồn tại,” cô Hàn Vũ nói.
Hôm 01/03, Hạ viện Hoa Kỳ ở Utah đã đồng thuận thông qua “Đạo luật S.B.262,” lên án hành vi đẫm máu thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ. Điều này đưa Utah trở thành tiểu bang thứ hai sau Texas thực thi các biện pháp tương tự. Hồi tháng 06/2023, Texas đã đưa “Đạo luật Ngăn chặn Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức” vào luật pháp tiểu bang. Trước đó vào năm 2019,Tòa án độc lập điều tra Trung Quốc China Tribunal ở London, Anh, cũng cho thấy rằng ĐCSTQ luôn sát hại các tù nhân vô tội “trên quy mô lớn,” chẳng hạn như bức hại các học viên Pháp Luân Công.
Ban tổ chức nhận được sự chú ý trong và ngoài trường Đại học Harvard
Chuỗi hội thảo liên quan đến nạn thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ được đồng tổ chức bởi Câu lạc bộ Pháp Luân Công Harvard Griffin GSAS (Falun Dafa Club Harvard Griffin GSAS,) Hiệp hội đoàn kết người Duy Ngô Nhĩ sinh viên Harvard (Harvard College Students for Uyghur Solidarity,) Hiệp hội văn hóa Tây Tạng Đại học Harvard, và được tài trợ bởi Trung tâm châu Á của Đại học Harvard.
“Trong môi trường học thuật, chúng ta vẫn chưa thảo thuận đầy đủ về vấn đề thu hoạch nội tạng sống,” anh Anh Cao, chủ tịch Câu lạc bộ Pháp Luân Công cho hay. Anh nói rằng mặc dù có rất nhiều bằng chứng và nghiên cứu đã chứng minh tội ác thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ, tuy nhiên anh thấy ở Harvard có một số giáo viên và học sinh vẫn không tin điều này. Một số người biết sự thật thì sợ ĐCSTQ và không dám nói về điều đó.
Vì vậy, anh Cao hy vọng mời các nhà điều tra có kinh nghiệm đến Harvard để “trình bày bằng chứng một cách có hệ thống” để mọi người biết. Anh cho biết có hơn một trăm người ghi danh trực tuyến trước khi sự kiện diễn ra. Trong hội trường có các sinh viên và giảng viên Harvard, các chuyên gia nghiên cứu Đông Á. Ngoài ra còn có các nhà khoa học đến từ các trường ngoài Đại học Harvard như MIT và những người ủng hộ nhân quyền khác, v.v..
“Tất cả những người tham gia diễn đàn ngày hôm qua đều đồng ý rằng chúng tôi có bằng chứng xác thực và vững chắc. Nhưng làm thế nào để thu hút mọi người đến, làm thế nào để vòng tròn học thuật tiếp xúc với những bằng chứng này, điều này vẫn là một thách thức,” anh Cao cho hay.
Hôm 07/03, cô Maya Mitalipova, một người Duy Ngô Nhĩ và là nhà sinh vật học tại MIT, đã tham dự buổi hội thảo và buổi chiếu phim “Nội tạng nhà nước.” Cô nói rằng, mặc dù bộ phim chỉ cho thấy câu chuyện của một vài gia đình bị bức hại, nhưng điều đó cho thấy thực tế là hàng triệu người có tín ngưỡng và các nhóm dân tộc thiểu số đã bị tàn sát.