Các cơ quan lập pháp của Idaho và Arizona thông qua dự luật chống hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức của ĐCSTQ
Hiện chưa rõ khi nào Thống đốc Idaho Brad Little và Thống đốc Arizona Katie Hobbs sẽ ký các dự luật tương ứng của họ thành luật.
Cơ quan lập pháp của các tiểu bang Arizona và Idaho đã thông qua đạo luật chống lại hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức khủng khiếp ở Trung Quốc cộng sản, nơi nhiều tù nhân lương tâm bị sát hại để lấy nội tạng nhằm cấy ghép kiếm lời.
Dự luật của Idaho (H0670) và dự luật của Arizona (HB2504) hiện đang chờ được các thống đốc của hai tiểu bang ký thành luật. Các đạo luật này nhằm mục đích ngăn cản người dân ở cả hai tiểu bang tìm cách thực hiện phẫu thuật ghép tạng ở Trung Quốc, nơi các bệnh viện thường cung cấp thời gian chờ đợi ngắn đến mức đáng báo động để có được nội tạng phù hợp.
Mặc dù vẫn chưa rõ khi nào Thống đốc Idaho Brad Little, thành viên Đảng Cộng Hòa và Thống đốc Arizona Katie Hobbs, thành viên Đảng Dân Chủ, sẽ ký các dự luật tương ứng của họ thành luật, nhưng Texas và Utah đã thông qua những đạo luật tương tự. Tiểu bang Ngôi Sao Đơn Độc (Texas) là tiểu bang đầu tiên đề ra giải pháp cho vấn đề này khi ban hành luật có hiệu lực từ ngày 01/09/2023.
Dự luật của Idaho đã được nhất loạt thông qua ở cả hai viện trong Cơ quan Lập pháp của tiểu bang này vào hôm 02/04 và 03/04.
Hạ viện tiểu bang Arizona đã thông qua đạo luật của tiểu bang hôm 02/04, sau cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 16 phiếu thuận-14 phiếu chống. Hai ngày sau, Thượng viện của tiểu bang cũng đã tổ chức bỏ phiếu thông qua luật này với tỷ lệ 34 phiếu thuận–25 phiếu chống.
Idaho
Nếu được ban hành, đạo luật của Idaho sẽ cấm các công ty bảo hiểm y tế chi trả cho ca phẫu thuật cấy ghép nội tạng hoặc liệu trình chăm sóc hậu phẫu được thực hiện ở Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào khác được biết đến là từng tham gia vào hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Đạo luật này cũng sẽ ngăn cản các công ty bảo hiểm y tế chi trả cho một ca cấy ghép nội tạng được thực hiện ở Idaho nếu nội tạng đó đến từ Trung Quốc hoặc các quốc gia bị cấm khác.
Theo như ngôn ngữ quy định trong đạo luật này, thì luật của Idaho nhằm “ngăn chặn người dân Idaho vô tình liên quan đến hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức.”
“Dự luật này thực sự là một dự luật nhân đạo, cũng như một dự luật về quyền riêng tư về sức khỏe,” Dân biểu tiểu bang Idaho Jordan Redman nói trong một cuộc họp ủy ban của Thượng viện hôm 19/03.
Tại cuộc họp vào tháng Ba, bà He Hui, một học viên Pháp Luân Công sống ở Boise, Idaho, đã nói về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã biến Trung Quốc thành “điểm đến hàng đầu cho ngành du lịch ghép tạng” như thế nào.
“Các học viên Pháp Luân Công là nạn nhân chính của hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc,” bà He cho biết, đồng thời lưu ý rằng người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dễ bị tổn thương khác cũng đã trở thành nạn nhân của “hành vi tàn bạo” này của ĐCSTQ.
Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tâm linh được truyền ra công chúng ở Trung Quốc vào năm 1992. Đây là một pháp môn khuyến khích người thực hành sống theo nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Theo ước tính chính thức, tính đến năm 1999, môn tu luyện này đã trở nên vô cùng phổ biến ở Trung Quốc, với từ 70 đến 100 triệu người theo học.
Xem sự phổ biến cũng như việc tập trung vào các giá trị đạo đức của Pháp Luân Công là mối đe dọa đối với quyền lực chính trị của mình, năm 1999, ĐCSTQ đã phát động một cuộc đàn áp trên toàn quốc nhắm vào môn tu luyện này. Kể từ đó, hàng triệu người đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động, và các cơ sở khác, với hàng trăm ngàn người bị tra tấn trong khi bị giam giữ và vô số người bị sát hại, theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp.
Bà He cho biết mẹ bà, một giáo sư đại học đã về hưu cũng tham dự cuộc họp, là nạn nhân của cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ. Mẹ bà bị giam trong một trung tâm tẩy não trong năm tháng vào năm 2008.
Năm 2019, tòa án độc lập điều tra về Trung Quốc China Tribunal, do một hội đồng chuyên gia độc lập ở London đứng đầu, đã kết luận rằng ĐCSTQ đã cưỡng bức thu hoạch nội tạng của các tù nhân lương tâm trong nhiều năm “trên quy mô lớn,” trong đó các học viên Pháp Luân Công là “nguồn chính” của nội tạng cấy ghép.
Một phần khác của đạo luật Idaho cấm các cơ sở nghiên cứu và y tế trong tiểu bang sử dụng máy móc hoặc phần mềm giải trình tự gene đến từ các đối thủ ngoại quốc như Trung Quốc.
“Nhà sản xuất trình tự gene lớn nhất là một công ty Trung Quốc tên là BGI. Và chính quyền Trung Quốc yêu cầu BGI chia sẻ DNA mà họ thu được với chính quyền Trung Quốc,” Thượng nghị sĩ tiểu bang Idaho Brian Lenny cho biết tại cuộc họp ủy ban vào tháng Ba. “Vì vậy, quý vị có thể hình dung ra được rằng nếu chúng ta sử dụng thiết bị đó ở Mỹ, sau đó các dữ liệu này được gửi lại và chính quyền Trung Quốc nói, ‘Để chúng tôi xem các vị có những gì.’”
“Đạo luật bảo vệ DNA của người dân Idaho không bị chính quyền và quân đội Trung Quốc đánh cắp và thu thập.”
Arizona
HB2504 có tên chính thức là Đạo luật Chấm dứt Thu hoạch Nội tạng của Arizona. Luật sẽ cho phép các công ty bảo hiểm và Hệ thống Kiểm soát Chi phí Chăm sóc Sức khỏe Arizona (AHCCCS) giới hạn phạm vi bảo hiểm cho người ghi danh ghép tạng hoặc chăm sóc sau ghép tạng nếu ca cấy ghép được thực hiện ở Trung Quốc hoặc Hồng Kông.
Luật của Arizona cũng sẽ hạn chế phạm vi bảo hiểm cho việc giải trình tự gene nếu thiết bị thực hiện hoạt động này được sản xuất bởi một công ty có trụ sở tại các đối thủ ngoại quốc như Trung Quốc.
“Chúng tôi muốn bảo đảm rằng chúng tôi đã gửi đi thông điệp. Tôi biết Quốc hội hiện đang làm điều gì đó tương tự,” Dân biểu tiểu bang Arizona Leo Biasiucci nói trong một sự kiện của ủy ban Thượng viện hôm 18/03. “[Chúng tôi muốn] gửi một thông điệp tới phần còn lại của đất nước và thế giới rằng chúng tôi sẽ không tham gia vào hoạt động tàn ác này.”
Vào tháng 03/2023, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua một dự luật mang tính bước ngoặt để xử phạt bất kỳ ai dính líu đến thu hoạch nội tạng cưỡng bức và yêu cầu chính phủ báo cáo hàng năm về các hoạt động như vậy diễn ra ở ngoại quốc. Phiên bản luật của Thượng viện Hoa Kỳ đã không được Ủy ban Ngoại giao Thượng viện thông qua kể từ khi luật này được đưa ra vào năm 2023.
Bà Diana Molovinsky, một thành viên của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp thành phố Phoenix, Arizona, đã gọi tội ác thu hoạch nội tạng cưỡng bức của ĐCSTQ là một “cuộc diệt chủng y tế” trong một sự kiện của ủy ban được tổ chức vào tháng Ba.
“Hiện tại ở Arizona, chúng tôi có một số chương trình đào tạo ghép tạng nổi tiếng hợp tác và đào tạo sinh viên từ khắp nơi trên thế giới,” bà Molovinsky cho biết. “Dự luật như HB2504 sẽ là một công cụ mạnh mẽ giúp các bác sĩ và chương trình của chúng tôi không đồng lõa trong việc đào tạo và hợp tác với các trung tâm cấy ghép của Trung Quốc, những nơi được biết đến là một phần của nạn diệt chủng y tế này.”
Một học viên Pháp Luân Công họ Từ (Xu Zhuoyun), sống ở Tucson, Arizona, đã nói chuyện tại sự kiện của ủy ban về việc anh và cha đều là học viên Pháp Luân Công, nhưng cha anh là ông Từ Vĩnh Thanh (Xu Yongqing) lại hiện đang bị giam ở Trung Quốc vì đức tin của ông như thế nào. Anh Từ bày tỏ lo ngại rằng cha anh cũng có thể trở thành nạn nhân của hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức của ĐCSTQ.
“Vào tháng 11/2017, ông ấy đã bị kết án bất công hai năm tù chỉ vì gửi một vài lá thư kèm theo những tài liệu làm sáng tỏ cuộc bức hại,” anh cho biết. “Trong thời gian bị giam giữ, ông ấy đã bị kiểm tra thể chất, bao gồm cả xét nghiệm máu, trong khi các tù nhân khác thì không.”
Anh Từ cho biết mục đích của việc khám sức khỏe cho cha anh là để tìm nội tạng tương thích. Các học viên Pháp Luân Công không hút thuốc hay uống rượu, khiến họ trở thành mục tiêu lý tưởng của việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
“Cuối năm 2021, ông ấy lại bị bắt và bị kết án 4 năm tù. Đến ngày hôm nay, ông ấy vẫn ở trong tù,” anh nói. “Gia đình tôi rất lo lắng cho sự an nguy của ông ấy. Rất nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến mất đi sinh mạng ở Trung Quốc, gồm cả những người bị thu hoạch nội tạng khi họ vẫn còn sống. Cha tôi có thể trở thành một nạn nhân tương tự vào một ngày nào đó.”
Anh bày tỏ hy vọng HB2504 có thể trở thành luật.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times