Một lá thư gửi muộn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc sau hơn 40 năm
Một bức thư được gửi đi sau hơn 40 năm, bày tỏ lòng biết ơn không thể diễn tả hết.
Một thời gian trước đây, có người nhắn tin riêng cho tôi trên Facebook, viết rằng: “Chào ông Đới! Tôi xin mạo muội hỏi một chút. Có phải cô giáo Cung Lệ Khanh là mẹ của ông không? Có phải cô ấy đã từng công tác tại trường tiểu học Đạm Thủy Trúc vào năm Dân Quốc thứ 66 không? … Nếu đúng như vậy, tôi là học trò của cô! Nếu không phải, vậy thì thật xin lỗi vì đã làm phiền!”
Nhận được tin nhắn, tôi trả lời đối phương: “Vâng, đúng vậy.”
Người đó lập tức hồi âm: “Ông Đới, tôi vui quá! Khi tôi học lớp 4, nhà tôi nuôi vịt, tôi là một đứa trẻ nông thôn dơ dáy, vẻ ngoài xấu xí. Tôi học không tệ lắm, nhưng lại lười biếng làm bài tập về nhà …
Tôi muốn cảm ơn cô giáo Cung vì đã không đánh giá người khác qua vẻ ngoài. Cô đã nhìn thấy những ưu điểm sau cái vẻ bề ngoài của tôi. Năm đó, cô giáo Cung đã chọn tôi làm học sinh gương mẫu, tôi nhận được một tờ giấy khen… Tờ giấy khen này, cha tôi vẫn luôn đặt trong một cái hộp sắt giữ gìn giúp tôi. Cho đến ba năm trước đây khi cha tôi qua đời, lúc tôi sắp xếp di vật của ông thì tôi mới phát hiện. Nó đã khơi dậy ký ức và hoài niệm trong tôi về cô giáo Cung…”
Người này nói mình họ Kha. Ông ấy gửi cho tôi tấm ảnh tờ giấy khen đã ố vàng mà ông nhận được khi đạt học sinh gương mẫu vào năm Dân Quốc 66 (năm 1977).
Tôi nói với ông Kha rằng, mẹ tôi đang bị bệnh phải nằm viện, hơn nữa đang trong thời kỳ dịch bệnh, nên không thuận tiện đến thăm …
Ông Kha tiếp tục nói với tôi: “Một học sinh, sau hơn 40 năm, vẫn muốn lên mạng tìm kiếm người giáo viên thời tiểu học của mình, cho thấy anh ấy không quên người giáo viên đó…”
Về sau, tôi gửi một tấm ảnh của mẹ tôi chụp gần đây nhất cho ông ấy.
Ông ấy trả lời: “Thời tiểu học đã qua lâu lắm rồi, nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ hình dáng và dung mạo của cô giáo Cung. Khi nhìn thấy tấm ảnh này của cô, tôi vẫn có thể hình dung được hình ảnh của cô giáo ngày ấy.”
Ông Kha lại nói tiếp: “Tôi sẽ luôn ghi nhớ cô giáo Cung, không hẳn là vì cô đã để cho tôi nhận được ‘giấy khen học sinh gương mẫu’… Thời học tiểu học, tôi đã học với năm vị giáo viên, có giáo viên phát âm giọng địa phương khiến tôi nghe không hiểu, cũng có giáo viên nặng lời xúc phạm một đứa trẻ nông thôn như tôi, chế nhạo cha mẹ tôi đã sinh tám người con …
Tuy nhiên, chỉ có cô giáo Cung khiến tôi cảm nhận được sự ấm áp. Bởi vì cô không chê bai và phân biệt đối xử với tôi chỉ vì tôi mặc đồ rách rưới, dơ bẩn.
Bài tập về nhà thường bị tôi gian dối cắt xén bớt, nhưng cô cũng không trách mắng, cô chỉ nhẹ nhàng nói “đừng bỏ sót bài” mà thôi!
Cô giáo Cung là giáo viên chủ nhiệm của tôi từ lớp ba đến lớp bốn. Phiếu điểm của tôi là do cô giáo Cung đánh giá, tất cả đều có điểm ‘A’, chỉ có môn viết chữ là có điểm ‘B’. Chữ viết của tôi không đẹp, đó là sự thật, việc học tập của tôi không tệ cũng là sự thật, nhưng cô giáo Cung luôn đối xử với chúng tôi thật ấm áp và công bằng…”
Về sau ông Kha cố gắng vươn lên, học hành chăm chỉ. Ông tốt nghiệp Đại học Y dược Trung Quốc, sau đó làm nghề y giúp đời. Hiện nay, ông Kha là một bác sĩ Trung y.
Khi tôi đến thăm mẹ ở bệnh viện, tôi đã kể cho mẹ nghe về chuyện này. Thế nhưng, mẹ đã nằm trên giường bệnh suốt một thời gian dài, mắt của mẹ đã yếu, chỉ đờ đẫn nhìn tôi … Có lẽ mẹ không còn nhớ rõ nữa, đây là chuyện cũ đã trôi qua gần nửa thế kỷ rồi.
Giáo dục không cần điều gì khác, chỉ cần “tình yêu và tấm gương tốt”
Tôi cảm ơn ông Kha vì đã kể cho tôi “câu chuyện về mẹ” mà trước nay tôi không hay biết.
“Trở thành người khiến người khác tưởng nhớ đến” vẫn luôn là mục tiêu mà tôi tự nhắc nhở bản thân mình.
Tôi cũng nhắn lại với ông Kha rằng: “Xin hãy chuyển tiếp sự khích lệ và tình yêu thương mà mẹ tôi dành cho ông đến gia đình, bạn bè và người thân của ông…”
“Đoạn bút ký cảm động”
Cả đời mẹ tôi dạy học ở trường tiểu học nơi vùng xa xôi, câu chuyện nhỏ này là do học trò cũ của mẹ chủ động liên lạc với tôi khi mẹ nằm viện trong những ngày bệnh nặng cuối cùng. Khi đó, tôi mới biết về câu chuyện ấm áp giữa mẹ tôi với người học trò của mình.
Thực ra, mẹ tôi đã qua đời vào tháng Tư năm 2022, nhưng điều làm cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất về bà, đó là khi mẹ nói chuyện với người khác, bà luôn nói nhỏ nhẹ, mỉm cười. Mẹ thích chủ động “quan tâm, giúp đỡ người khác. Mẹ thường đến bệnh viện làm tình nguyện viên, đến buồng bệnh thăm hỏi, quan tâm chăm sóc, ngâm thơ hát nhạc và truyền cảm hứng cho bệnh nhân.
Mẹ đã từng nói với tôi rằng: “Chủ động quan tâm, ân cần thăm hỏi người khác, thì tình cảm giữa người với người sẽ càng thêm ấm áp.” Quả thực là như vậy, mẹ tôi luôn tin rằng, sứ mệnh của cuộc đời bà, chính là ở tín ngưỡng, ở việc dạy học, giúp đỡ người khác. Lời nói và việc làm của mẹ luôn tràn đầy hơi ấm tình thương yêu.
Nhà văn Nga Macxim Gorki từng nói: “Mọi vinh quang và tự hào trên thế giới đều bắt nguồn từ mẹ.” Thật vậy, trong cuộc đời của một người, nếu có những thành tựu và thành tích đáng tự hào, thì điều cần phải cảm ơn nhất chính là mẹ đã “không oán không hối tiếc, không ngại gian lao cực nhọc, một đời vất vả vì chúng con.”