Lòng biết ơn có thể cải thiện tâm linh và thế giới
Các nghiên cứu khoa học đã xác nhận rằng: Lòng biết ơn làm giảm huyết áp, ngủ sâu hơn và kéo dài tuổi thọ. Nếu bày tỏ lòng biết ơn là tốt như vậy, tại sao thường khó nhìn thấy?
Những người biết ơn ít bị trầm cảm hơn, chịu đựng được chấn thương và có khả năng kiểm soát căng thẳng tốt hơn. Một số yếu tố tâm lý ngăn cản chúng ta biết ơn nhiều hơn, may mắn thay, bây giờ chúng ta bắt đầu hiểu làm thế nào để vượt qua chúng.
Giáo sư tâm lý học Thomas Gilovich tại Đại học Cornell đã phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về lòng biết ơn chí thiện (Greater Good Gratitude Summit) vào năm 2013. Ông nói, một trở ngại lớn đối với lòng biết ơn là cách trí óc của chúng ta hoạt động như thế nào. Chúng ta thường nhớ những điều đã trở ngại chúng ta, nhưng lại có xu hướng quên đi những khoảnh khắc mà cuộc sống đã ban cho chúng ta.
Ông cho rằng, “Vì chúng ta là những sinh vật luôn nỗ lực để đạt được mục tiêu và giải quyết vấn đề, nên chúng ta được định hướng một cách tự nhiên bởi những trở ngại mà chúng ta phải vượt qua.”
Ông cũng nói rằng: “Điều đó thật tuyệt vời cho sự tồn tại vật chất của chúng ta, nhưng nó cũng tạo ra một vấn đề rõ ràng, đó là khiến chúng ta không nhận thức được mọi thứ đang hỗ trợ chúng ta trong suốt chặng đường.”
Tìm kiếm điều tốt đẹp
Một cách để tìm kiếm những điều tốt đẹp, đó là ghi lại chúng.
Ví dụ, cô Susan Fox, một nghệ sĩ và là luật sư đã nghỉ hưu có thói quen ghi nhật ký về lòng biết ơn.
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng viết ra lời biết ơn của bạn 15 phút trước khi ngủ có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ, và mang đến cảm giác hạnh phúc hơn.
Cô Fox nói: “Nỗi sợ hãi trong lòng chúng ta ngày càng lớn, nhưng khi ngồi xuống và nghĩ về những gì chúng ta biết ơn – những điều tốt đẹp xung quanh chúng ta, nó sẽ xua tan một số nỗi sợ hãi”.
“Bạn sẽ thấy, không phải mọi thứ đều rối tung với bạn. Có rất nhiều thứ xung quanh bạn — lớn, nhỏ, xinh đẹp.”
—Susan Fox, nghệ sĩ
Kể từ năm 1997 đến nay, cô Fox vẫn luôn có thói quen giữ một cuốn nhật ký tri ân. Trong mỗi bài viết nhật ký, cô thường ghi lại 5 điều mà bản thân mình cảm thấy biết ơn. Gần đây, cô nhìn lại một số điều hạnh phúc mà cô đã viết ra. “Rất nhiều chuyện này tôi không nhớ rõ lắm, nhưng khi đọc lướt qua tôi cũng có thể cảm nhận được.”
Cô Fox nói: Cố gắng tỏ ra biết ơn sẽ giúp bạn có thể giữ đúng góc nhìn về mọi thứ. “Bạn sẽ thấy, không phải mọi thứ đều rối tung với bạn. Có rất nhiều thứ xung quanh bạn – lớn, nhỏ, xinh đẹp”, cô nói.
“Lòng biết ơn giúp chúng ta thấy được sức ảnh hưởng của bản thân mình trong một mạng lưới các mối quan hệ rộng lớn và phức tạp.”
— Robert Emmons, giáo sư tại Đại học California, Davis
Biết ơn và phản hồi
Lòng biết ơn giúp chúng ta có cảm giác tốt đẹp, đồng thời truyền cảm hứng cho chúng ta làm điều tốt đẹp. Các nhà khoa học xã hội nghiên cứu lòng biết ơn, một phần là để thu thập bằng chứng chắc chắn rằng nó củng cố đạo đức xã hội.
Theo Robert Emmons, giáo sư tại Đại học California tại Davis, đồng thời một học giả cấp cao về lòng biết ơn, “lòng biết ơn giúp chúng ta thấy được sức ảnh hưởng của bản thân mình trong một mạng lưới quan hệ rộng lớn và phức tạp.”
Lòng biết ơn là một phần quan trọng của tương tác cho và nhận. Trong cuốn sách “Gratitude Works: A 21-Day Program for Creating Emotional Prosperity” (Tạm dịch: Công việc tri ân: Chương trình 21 ngày để tạo ra sự thịnh vượng về tình cảm), ông Emmons viết, “Nó cũng truyền cảm hứng cho người nhận để làm điều tốt đẹp trong tương lai.”
Một nghiên cứu đang được thực hiện cũng cho thấy lòng biết ơn có thể khuyến khích các doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội như thế nào, mang lại cho các cá nhân ý thức về mục đích và khiến chúng ta có nhiều khả năng “đền đáp xứng đáng” (pay it forward).
Ba năm trước, cô Stephanie Walkenshaw suýt qua đời. Là một nhà báo truyền thông và là mẹ của hai người con, cô vẫn biết ơn những người đã hy sinh bản thân và cứu sống cô.
Mười ngày sau khi sinh đứa con thứ hai, cô Walkenshaw bắt đầu chảy nhiều máu. Sau khi nhập viện, tình trạng của cô ngày càng xấu đi. “Nó khá là đáng sợ”, cô nhớ lại. “Mẹ tôi ở đó, càng lúc càng sợ hãi… Bà ấy nhìn tôi không còn giọt máu trên mặt, môi tôi hoàn toàn xám xịt. Bà ấy nghĩ rằng tôi sẽ chết trước mặt bà.”
Walkenshaw vẫn biết ơn những người đã hiến máu để cứu sống cô, một trải nghiệm khiến cô muốn đền đáp.
Khi các bác sĩ phát hiện cô có một khối u xơ tử cung rất lớn, có thể đã phát triển trong quá trình mang thai, và máu đã ngừng chảy khi khối u được bóc tách. Nhưng trong quá trình hồi phục, cô Walkenshaw phải đối mặt với một vấn đề khác: Mỗi khi đứng dậy đi vệ sinh, cô lại bị ngất xỉu. “Tôi sẽ hôn mê trong nhiều giờ”, cô nói, “Họ nói với tôi rằng tôi cần được truyền máu.”
Các bác sĩ phát hiện ra rằng cô Walkenshaw đã mất 1/4 lượng máu trong cơ thể. Sau khi mất 3 pint (1,4 lít) máu, cô cuối cùng đã có thể về nhà.
“Đó là một trải nghiệm đáng sợ, mãi sau khi về đến nhà tôi mới dám nghĩ về nó. Nhưng mẹ tôi có lẽ vẫn chưa làm được điều đó một cách dễ dàng”, cô nói.
Cô Walkenshaw vẫn luôn biết ơn những người đã hiến máu để cứu sống cô, một trải nghiệm khiến cô muốn đền đáp. “Lòng biết ơn khiến bạn cảm thấy được kết nối,” cô nói, “Đó không phải là một thỏa thuận. Nó vượt thời gian, nó không bị giới hạn, nó cũng không phải là nợ nần. Tôi có lòng biết ơn trong trái tim mình, và tôi luôn mang nó theo bên mình.”
Mạt Lỵ biên tập
Mai Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ