Sức mạnh chữa lành của lòng biết ơn
Trao lời cảm ơn giúp gia tăng sức khỏe tinh thần, cảm xúc, và thể chất
Lòng biết ơn có tác động mạnh mẽ đến thể chất của chúng ta — đặc biệt nếu chúng ta học cách thực hành tốt hơn nữa lòng biết ơn trong cuộc sống hàng ngày.
Tất cả chúng ta đều có thể sử dụng sổ tay nhắc nhở để tạm dừng và bày tỏ sự biết ơn tất cả những gì chúng ta đang có vì bản chất con người là tập trung vào những thứ chúng ta không có.
Chúng ta đang sống trong nền văn hóa bị bao vây bởi những thông điệp rằng chúng ta nên sở hữu nhiều hơn, làm nhiều hơn, và được nhiều hơn. Bị thúc đẩy mạnh mẽ bởi mạng xã hội và các quảng cáo, chúng ta có cơ sở để tin rằng những gì chúng ta sở hữu là chưa đủ. Đó là công thức dẫn đến sự bất mãn, trầm cảm, và tuyệt vọng.
Đó cũng là lý do tại sao việc nuôi dưỡng lòng biết ơn trong cuộc sống của chúng ta lại quan trọng đến vậy.
Là một chuyên gia sức khỏe tâm thần trong 35 năm qua, tôi đã cố vấn cho hàng trăm người đang vật lộn với chứng lo âu, trầm cảm, nghiện ngập, các vấn đề về mối quan hệ, và những thử thách nghiêm trọng khác. Hầu như khi nào cũng vậy, thực hành lòng biết ơn luôn được nhấn mạnh trong điều trị như một bước hướng tới sự khỏe mạnh.
Tôi tin rằng lòng biết ơn là liều thuốc giải độc cho mọi điều độc hại xảy ra trong cuộc sống của chúng ta. Nói một cách đơn giản, lòng biết ơn thúc đẩy sự lạc quan, tăng thêm niềm hy vọng. Dù cuộc sống của bạn có đang gặp phải những khó khăn nghiêm trọng hay đang ổn định, thực hành lòng biết ơn chắc chắn sẽ làm phong phú cuộc sống của bạn. Dưới đây là một số lý do tại sao.
Khoa học về lòng biết ơn
Lòng biết ơn thúc đẩy sức khỏe theo nhiều cách khác nhau. Trong vài thập niên qua, các nhà khoa học xã hội đã thu thập rất nhiều nghiên cứu chứng minh lòng biết ơn giúp nâng cao hạnh phúc như thế nào: tự tin hơn, ngủ ngon hơn, tăng cường khả năng miễn dịch, giảm trầm cảm, giảm lo lắng, các mối quan hệ bền chặt hơn, và nhiều thứ khác nữa.
Hai nhà nghiên cứu hàng đầu về lòng biết ơn, ông Robert Emmons và ông Michael McCullough, đã nghiên cứu về lợi ích của việc biết ơn những phước lành đến với chúng ta hàng ngày.
Ông Emmons nói: “Khi người ta biết ơn, họ trải nghiệm ‘năng lượng bình tĩnh’—họ cảm thấy tỉnh táo, sống động, thích thú, nhiệt tình hơn.”
Nghiên cứu của ông Emmons và ông McCullough bao gồm việc yêu cầu những người tham gia nghiên cứu viết nhật ký về lòng biết ơn, mỗi ngày ghi lại ít nhất ba điều mà họ cảm tạ. Kết quả cho thấy những người gắn bó với hoạt động này đạt điểm cao hơn 25% trong các cuộc khảo sát đo lường mức độ hạnh phúc, ngủ lâu hơn nửa giờ trong hầu hết các đêm, và tập thể dục nhiều hơn 33% mỗi tuần so với những người không thực hành lòng biết ơn hàng ngày.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard đã tiến hành phân tích nhiều nghiên cứu và kết luận: “Trong nghiên cứu về tâm lý học tích cực, lòng biết ơn gắn liền chặt chẽ và nhất quán với việc hạnh phúc hơn. Lòng biết ơn giúp con người có những cảm xúc tích cực hơn, tận hưởng những trải nghiệm tốt đẹp, cải thiện sức khỏe, đối diện với khó khăn nghịch cảnh, và xây dựng các mối quan hệ bền chặt.”
Lòng biết ơn là điều chúng ta có thể kiểm soát trong cuộc sống. Lòng biết ơn không đơn giản là một phản ứng mà chúng ta cảm thấy khi mọi việc diễn ra suôn sẻ. Đó là một thái độ có chủ ý mà chúng ta lựa chọn ngay cả khi mọi việc không diễn ra như mong muốn. Đó là quyết định thừa nhận một cách có ý thức rằng nhiều điều tốt đẹp, thú vị, và hữu ích trong cuộc sống của chúng ta. Bởi vì, dù hoàn cảnh của bạn đang phải cố gắng đến đâu, vẫn luôn có điều gì đó để lưu tâm và trân trọng.
Có nhiều điều trong cuộc sống mà chúng ta kiểm soát được rất ít hoặc không thể như: lạm phát, bị cắt giảm công việc, một chẩn đoán bất ngờ, và xung đột chính trị và xã hội. Có rất nhiều điều nằm ngoài tầm kiểm soát của cá nhân chúng ta — nhưng với lòng biết ơn thì không như vậy. Đó là vấn đề đưa ra lựa chọn, một cách nhất quán và chân thành.
Lòng biết ơn “chiêu mộ” những cảm xúc tích cực khác. Khi chọn lòng biết ơn, chúng ta thường thấy rằng niềm hy vọng, lòng can đảm, và những cảm xúc hữu ích khác cùng làm cho chúng ta vững vàng. Khi chúng ta dành thời gian để biết ơn, niềm vui và sự hài lòng cũng xuất hiện. Những cảm xúc tiêu cực — chẳng hạn như giận dữ, ghen tị, tham lam, và sợ hãi — chúng đều mất đi sức mạnh khi đối đầu với lòng biết ơn.
Những cảm xúc giống nhau có xu hướng quy tụ lại với nhau. Hãy chọn lòng biết ơn và bạn sẽ sớm nhận thấy rằng thái độ này nâng đỡ nhiều cảm xúc khác.
Lòng biết ơn chuyển sự tập trung của chúng ta từ tiêu cực sang tích cực. Tất cả chúng ta đều có nhiều điều để biết ơn hơn những gì chúng ta có thể nhận ra. Các vấn đề rắc rối thường gây ồn ào trong cuộc sống của chúng ta, do đó chúng ta chiếm lĩnh sự quan tâm. Nuôi dưỡng lòng biết ơn một cách có chủ đích sẽ nhanh chóng chứng minh rằng rắc rối không phải là tất cả những gì chúng ta gặp phải.
Khi bị tổn thương, suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta bị cuốn theo nguồn gốc của nỗi đau, giống như những mảnh sắt bị hút vào nam châm. Chúng ta tập trung vào những điểm yếu, những quyết định sai lầm và những thất vọng của chính mình. Tuy nhiên, việc chọn cách biết ơn sẽ kéo suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta ra khỏi nỗi đau khổ và thay thế bằng những phước lành chúng ta đang có.
Lòng biết ơn bộc lộ mặt tươi sáng trong những lúc khó khăn. Lòng biết ơn thực sự còn sâu sắc hơn nhiều so với những câu nói sáo rỗng như “Trong cái rủi lại có cái may” hay “Chiếc ly nửa đầy, chứ không nửa vơi”. Ngay cả những hoàn cảnh ảm đạm nhất và những tình huống khó khăn nhất cũng có lý do tốt lành để biết ơn. Hãy trân trọng những phước lành dù là nhỏ nhất cũng giúp bạn chống chọi với nỗi đau của sự cô đơn, những mối quan hệ tan vỡ, và những giấc mơ dang dở.
Chúng ta có thể chọn nói: “Tôi sẽ bực bội” hoặc “Tôi sẽ vui vẻ”. Quyết định của chúng ta tạo nên sự khác biệt giữa việc tự do tiến về phía trước hay bị dính mắc vào những cay đắng. Khi nắm bắt cơ hội để bày tỏ lòng biết ơn, chúng ta nắm giữ một vũ khí giúp chúng ta vượt qua oán giận và thất vọng.
Lòng biết ơn có thể mở rộng theo cấp số nhân. Tôi đã vô số lần nhận thấy rằng những người trầm cảm có xu hướng tìm kiếm những điều khiến họ chán nản. Đâu đâu, họ cũng thấy thêm nhiều nhiều lý do để chán nản. Nguyên tắc tương tự cũng áp dụng cho những người đang vật lộn với sự lo lắng và những thử thách cảm xúc khác.
Rất may, điều ngược lại cũng đúng. Chúng ta càng chủ ý thực hành lòng biết ơn, chúng ta sẽ càng thấy biết ơn hơn. Những lựa chọn chúng ta đưa ra và những điều chúng ta tìm kiếm sẽ tạo động lực cho những điều tích cực hoặc tiêu cực. Hãy tìm thì bạn sẽ gặp
Khái niệm này có mối liên hệ với sinh lý của chúng ta. Nhà nghiên cứu Alex Kolb đã xem xét một số nghiên cứu khoa học về mối liên hệ giữa lòng biết ơn và sức khỏe tinh thần và kết luận như sau: “Cảm giác biết ơn kích hoạt trực tiếp các vùng não liên quan đến chất dẫn truyền thần kinh dopamine [một loại chất ‘cảm thấy dễ chịu’]. … Lòng biết ơn có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống của bạn vì nó đưa bộ não của bạn vào một vòng tròn đạo đức. … Và dopamine cũng củng cố điều đó. Vì vậy, một khi bạn bắt đầu nhìn thấy những điều đáng biết ơn, trí óc của bạn sẽ bắt đầu tìm kiếm nhiều điều hơn để biết ơn. Đó là cách mà vòng tròn đạo đức được tạo ra.”
Nuôi dưỡng lòng biết ơn
Đôi khi những rắc rối cá nhân khiến bạn khó có thể bày tỏ lòng biết ơn. Ngoài ra, không phải lúc nào cũng dễ dàng thực hành lòng biết ơn hàng ngày trong bối cảnh văn hóa căng thẳng, bận rộn và bất mãn. Nếu bạn muốn nâng cao mức độ biết ơn trong cuộc sống của mình, hãy bắt đầu với những ý tưởng sau:
Chú ý những khoảnh khắc nhỏ mang lại niềm vui.
Hãy thử nói lời cảm ơn bộ phim yêu thích của bạn, những chiếc lá khô trong một ngày mùa thu, hương vị của loại trà yêu thích, cuộc điện thoại từ người bạn thân nhất của bạn, tiếng cười khúc khích trẻ thơ hoặc cơ hội được ngủ nướng vào sáng thứ bảy.
Duy trì viết nhật ký biết ơn.
Hãy dành vài phút mỗi ngày để liệt kê ba điều may mắn trong cuộc sống của bạn và mô tả chúng đã giúp cuộc sống của bạn trở nên phong phú như thế nào. Đặt tên cho những điều bạn biết ơn mỗi ngày sẽ khiến bạn ngày càng nhìn thấy nhiều hơn.
Có cái nhìn mới mẻ về bạn bè và gia đình.
Những người gần gũi nhất với chúng ta đôi khi được xem là điều hiển nhiên. Hãy gửi lời chúc phúc của bạn đến những người yêu thương và ủng hộ bạn.
Tôn vinh sự sáng tạo.
Mỗi ngày, cuộc sống của chúng ta được cải thiện nhờ sự hiện diện của nghệ thuật – âm nhạc, văn học, điện ảnh và sân khấu. Hãy biết ơn vì bạn được sống trong một nền văn hóa sáng tạo phong phú như vậy.
Khiến cho các hoạt động hàng ngày trở nên đặc biệt.
Bạn hãy ngồi và thưởng thức cà phê buổi sáng thay vì uống cạn khi bạn phải vội vã ra khỏi cửa. Nếu việc dắt chó đi dạo khiến bạn nhàm chán, hãy thay đổi suy nghĩ và để ý xem chú chó của bạn đang vui vẻ đến mức nào.
Nhìn thế giới qua đôi mắt của trẻ thơ.
Trẻ em không ưu tư về tương lai, cũng như không sống hoài trong quá khứ. Chúng yêu thích khoảnh khắc hiện tại, với tất cả những cơ hội và niềm hân hoan của chúng.
Dành lời khen ngợi cho ai đó.
Bằng cách suy nghĩ về người nào đó và điều gì bạn sẽ khen ngợi, bạn đang trân trọng cá nhân đó và những phẩm chất khiến bạn ngưỡng mộ.
Cầu nguyện hoặc thiền định.
Những thực hành này giúp loại bỏ thế giới huyên náo và tập trung suy nghĩ của bạn vào một sức mạnh lớn hơn chính bạn rất nhiều. Hãy làm cho lòng biết ơn trở thành một phần quan trọng trong thời gian cầu nguyện hoặc thiền định của bạn.
Quỳnh Chi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times