Khi nào mới biết là đủ?
Thay vì luôn theo đuổi những điều tốt nhất, hãy học cách hạnh phúc và biết ơn những gì mình có.
Gần đây, tôi đi xem một trận đấu bóng rổ nho nhỏ ở trường đại học cùng con trai và cháu trai. Con trai tôi là huấn luyện viên của một đội bóng trong đó, và tôi đi chơi cùng cháu trai 6 tuổi của mình, bé Hank. Ngoại trừ việc đội bóng bị thua trong trận đấu ra, thì tất cả mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ, và chúng tôi đã trở về nhà con trai tôi.
Bé Hank chạy vào nhà, trong khi tôi đi bộ ra xe thì cháu trai thứ hai, 5 tuổi, đang lê bước trên bãi cỏ hướng về phía tôi với đôi vai buông thõng.
Tôi nghĩ rằng cháu không vui vì bị bỏ ở nhà với mẹ, tôi mỉm cười vui vẻ và hỏi cháu: “Con bị sao thế, anh bạn nhỏ?” Cháu dừng lại cách tôi vài bước chân, nhìn tôi, và nói với đôi mắt ngấn lệ, “Anh Hank có kẹo cao su.”
“Đi với ông nào,” tôi nói, và khi ra đến xe, tôi đưa cho cháu gói kẹo cao su mà tôi đã mở đưa cho Hank. Cháu bé lấy một thanh kẹo, đưa cho tôi giấy gói, và cháu đút thanh kẹo cao su bạc hà vào miệng. Vài giây sau, nụ cười đã xua tan mây mù trên khuôn mặt của cháu.
Đây chỉ là một chuyện nhỏ nhặt phải không? Một chuyện vụn vặt. Chỉ với thanh kẹo cao su và niềm vui đã trở lại. Ấy vậy mà, khoảnh khắc này cứ hiện lên trong tâm trí tôi suốt cả buổi tối hôm đó. Ban đầu, tôi cười khúc khích, mong rằng tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống đều có thể được giải quyết dễ dàng đến vậy. Chỉ với thanh kẹo cao su chữ nhật, có hương vị giá 15 xu, và tất cả mọi thứ trong thế giới của cháu đều trở lại bình thường.
Nhưng dòng suy nghĩ của tôi không dừng lại ở đó.
Mua niềm hạnh phúc
Tôi chợt nhận ra rằng, nhiều người trong chúng ta có thể dành cả đời để theo đuổi thanh kẹo cao su, nói ẩn dụ là vậy. Chúng ta truy cầu các món hàng hóa và dịch vụ, tài phú, niềm vui, và những món đồ xa xỉ, tin rằng việc tích lũy và sở hữu chúng sẽ mang lại hạnh phúc. Nếu chúng ta có thể đổi ngôi nhà giản dị có ba phòng ngủ ở thành phố để lấy ngôi nhà có năm phòng ngủ được xây trên ba mẫu đất ở miền quê, thì cuộc sống sẽ được cải thiện đáng kể. Nếu chúng ta có thể đạt được thành tựu to lớn trong sự nghiệp của mình, tiền lương tăng gấp đôi và trở thành hình mẫu cho sự thành công của công ty, thì cuộc sống sẽ như một giấc mơ.
Và một số người đã có được thanh kẹo cao su đó. Chúng ta mua nhà ở miền quê, và thậm chí là mua thêm một ngôi nhà nghỉ dưỡng cạnh bờ biển. Chúng ta đặt mua trang phục mà trước đây không có khả năng mua, khoác nó vào, và cảm thấy hết sức vui vẻ, đặc biệt là sau khi mua những phụ kiện phối kèm. Chúng ta ký một tấm chi phiếu kếch xù cho tổ chức thiện nguyện địa phương và cảm thấy ngây ngất trong tiếng vỗ tay khen ngợi. Mỗi ngày chúng ta đều xem lại các trương mục ngân hàng, khoản tiết kiệm, và cổ phiếu của mình, và tự nhủ rằng cuối cùng thì mình đã thành công.
Nhưng có thật là vậy không? Hay trường hợp này cũng giống như thanh kẹo cao su của cháu tôi, cuối cùng thì của cải không còn sức lôi cuốn, và chúng ta ngày càng cần nhiều hơn các kích thích vật chất để khiến mình hạnh phúc và vui vẻ?
Vòng xoáy khoái lạc
Vòng xoáy khoái lạc (hedonic treadmill), còn được gọi là sự thích ứng khoái lạc (hedonic adaptation), là thuật ngữ dùng để mô tả xu hướng con người quay trở lại mức hạnh phúc cá nhân tiêu chuẩn ngay khi sự kiện tích cực nào đó không còn vẻ hào nhoáng ban đầu nữa. Một cô gái mới tốt nghiệp đại học hiện có đủ tiền lương để chi trả phí hội viên phòng tập thể dục. Trong vài tuần đầu tiên, cô có cảm thấy thật đặc biệt mỗi khi bước vào phòng tập đó, nhưng cuối cùng thì, cảm giác mới lạ cũng phai nhạt, và việc tập thể dục trở thành thói quen thường lệ, làm nền cho một ngày của cô.
Điều nguy hiểm là khi niềm vui mới trở thành thói quen, một số người cảm thấy buộc phải tìm kiếm thanh kẹo cao su khác, có thể nói, là tìm kiếm một hương vị khác. Thay vì trân quý những gì mình có, chúng ta sẽ cần những thứ cao hơn, thú vị hơn. Chẳng hạn như, khi được thăng chức tại nơi làm việc, có được nhiều tiền và đặc quyền hơn, chúng ta sẽ hân hoan với chức vị mới này trong giây lát. Tuy nhiên, khi bắt đầu quen với các nhiệm vụ mới, thì chúng ta sẽ sớm nghĩ đến nấc thang tiếp theo, thay vì biết ơn những gì mình đã đạt được.
Trong bài viết “Wanting Other Things” (Mong muốn những thứ khác), ông Andy Puddicombe phơi bày về sự thích ứng khoái lạc khi ông viết: “Tâm trí như một chú chó phấn khích, vẫy đuôi và chờ đuổi theo trái banh tiếp theo. Hoặc tệ hơn nữa, giống như chú chó tự đuổi theo cái đuôi của mình! Kết quả là, tâm trí tập trung vào những gì có khả năng hoặc có thể xảy ra, hơn là [tập trung vào] những gì thực sự đang xảy ra ngay bây giờ. Vì vậy, chúng ta bỏ lỡ hiện tại trong khi theo đuổi tương lai.”
Các biện pháp khắc phục
Nhiều trang web trực tuyến có các chuyên gia và những người khác thảo luận về vòng xoáy khoái lạc này. Nhiều người trong đó khuyến nghị các phương thuốc giải độc giống nhau để ngăn chặn những thứ có thể trở thành độc tố cho tinh thần. Chẳng hạn như, gần như mọi các nhà tư vấn này đầu tiên đều chỉ ra lòng biết ơn là biện pháp để chế ngự ham muốn có được nhiều hơn. Dẫu đó là một ngôi nhà đẹp, công việc vừa ý, bạn bè thân thiết, hoặc hôn nhân tốt đẹp đi chăng nữa, nhưng khi chúng ta mỗi ngày đều dừng lại để cảm kích những điều tốt đẹp trong cuộc sống của mình, thì hành động hài lòng có chủ ý đó thường có thể giúp chúng ta thoát khỏi ham muốn cháy bỏng ra ngoài để mua thêm nhiều thứ.
Việc so sánh bản thân với người khác cũng có thể khuyến khích dục vọng muốn nhiều hơn nữa. Trên mạng xã hội, chúng ta thường thấy những người dường như “có tất cả,” con cái của họ giành được học bổng và cúp thể thao, họ thường đi nghỉ đông ở Hawaii, họ được thăng chức và nhận tiền thưởng trên cả mức chúng ta có thể hình dung. Những hình ảnh này có thể khiến chúng ta nổi lòng đố kỵ.
Trong bài viết “Never Compare Yourself to Others: 6 Reasons Why” (6 Lý do đừng bao giờ so sánh bản thân với người khác), ông Alex Loredo viết rằng khi khuất phục trước cảm giác tật đố này, thì chúng ta vĩnh viễn không bao giờ biết đủ:
“Nếu chúng ta thấy ai đó có thứ gì tốt hơn, thì đột nhiên những thứ chúng ta đang có dường như không đủ tốt nữa. Vấn đề với vòng tuần hoàn này sẽ không chấm dứt. Khi chúng ta so sánh, chúng ta vĩnh viễn truy cầu thêm nữa.”
Lời khuyên từ ông Loredo và những người khác là hãy ngừng so sánh và tập trung vào bản thân cũng như cuộc sống của riêng mình.
Điều tối quan trọng
Chúng ta nên ghi nhớ rằng, tác giả của những bài viết nêu trên thường đang đề cập đến tài sản vật chất, những thanh kẹo cao su mà một số người khao khát. Còn việc muốn có cuộc sống tốt hơn và trở thành người tốt hơn là một vấn đề hoàn toàn khác. Mong muốn cải thiện bản thân và thế giới xung quanh kỳ thực là một trong những khát vọng đáng quý nhất và cao cả nhất của nhân loại, khi nó khuyến khích khả năng sáng tạo, lòng trắc ẩn, và việc phụng sự người khác.
Tất nhiên, việc chú trọng vào tâm trí và tinh thần như một con đường dẫn đến hạnh phúc thay vì tích lũy tài phú và của cải này không phải là điều mới mẻ. Ví như, trong cuốn sách “Aristotle: Người Tiên Phong của Hạnh Phúc” (Aristotle: Pioneer of Happiness), các tác giả trích dẫn hai đoạn văn ngắn từ tác phẩm “Nicomachean Ethics” của triết gia Hy Lạp này. Đầu tiên là lời dạy khá nổi tiếng “Hạnh phúc là hoạt động của linh hồn phù hợp với đức hạnh” (Happiness is an activity of the soul in accordance with virtue). Trong đoạn trích thứ hai, Aristotle lặp lại tư tưởng này nhưng bao gồm tài sản vật chất vào công thức của mình: “Anh ta hạnh phúc khi sống phù hợp với đạo đức toàn vẹn và được trang bị đủ của cải bên ngoài, không phải trong một giai đoạn ngẫu nhiên mà là trong suốt cuộc đời” (He is happy who lives in accordance with complete virtue and is sufficiently equipped with external goods, not for some chance period but throughout a complete life).
“Được trang bị đủ” là điểm then chốt ở đây. Một khi các nhu cầu căn bản trong cuộc sống được đáp ứng, chúng ta có thể bắt đầu tách biệt “nhu cầu” vật chất khỏi “mong muốn” vật chất. Thỉnh thoảng chúng ta vẫn có thể chiều chuộng bản thân, thoải mái chi trả cho món đồ nào đó như điện thoại hay chiếc váy mới, nhưng chúng ta đã thoát khỏi vòng xoáy khoái lạc mệt mỏi vô tận đó, không còn bị của cải ám ảnh, không còn chạy theo thanh kẹo cao su tiếp nữa.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times