Làm thế nào để hạnh phúc và trường thọ? Những người cao niên ở Mỹ quốc chia sẻ bí quyết
Rất nhiều người mong muốn có cuộc sống vui vẻ và trường thọ, nhưng có thể họ lại không biết bí quyết là gì. Một học giả đã tiến hành nghiên cứu dài hạn đối với những người cao niên ở Mỹ quốc để rút ra những kinh nghiệm và bí quyết của họ, đồng thời viết thành sách chia sẻ với mọi người. Những kinh nghiệm cuộc sống vô giá này rất xứng đáng để mọi người đọc và tham khảo.
Doanh nhân kiêm tác giả người Mỹ Shane Parrish đã viết một bài báo trên trang web CNBC, cho biết ông đã từng phỏng vấn nhà xã hội học kiêm bác sĩ lão khoa Karl Pillemer của Đại học Cornell để tìm hiểu những thành quả nghiên cứu quý báu của ông.
Bác sĩ Pillemer là tác giả của cuốn sách “30 Lessons for Living: Tried and True Advice from the Wisest Americans” (30 Bài học Cuộc sống – Lời khuyên Chân thành Từ Những người Thông thái nhất Mỹ quốc). Nhiều nghiên cứu mà ông từng quan sát cho thấy những người lớn tuổi trên 70 hoặc 80 tuổi sẽ hạnh phúc hơn so với những người trẻ tuổi.
Bác sĩ Pillemer cho biết ông vẫn tiếp tục gặp gỡ những người cao niên. Rất nhiều người trong số họ đã mất đi người thân, đang gặp khó khăn trong cuộc sống hoặc gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, nhưng họ vẫn có thể đạt được mục tiêu cá nhân và tận hưởng cuộc sống. Điều này khiến ông cảm thấy vô cùng khó hiểu.
Ông Pillemer chợt nghĩ, có lẽ những người cao niên này đã nhìn thấy và hiểu được những điều mà lớp người trẻ tuổi không thể nào hiểu được. Nhưng ông ngạc nhiên là chưa có ai thực hiện nghiên cứu nào về lời khuyên của người lớn tuổi dành cho người trẻ. Để đạt được mục tiêu này, ông đã thực hiện một nghiên cứu kéo dài bảy năm.
Cuộc đời rất ngắn ngủi, đừng lãng phí thời gian để hối tiếc
Tác giả Parrish viết rằng, ông Pillemer đã có được bài học từ cuộc nghiên cứu này: muốn có một cuộc sống hạnh phúc và trường thọ hơn, thì bài học đầu tiên chính là – Thời gian có hạn, đừng lãng phí thời gian để hối tiếc về mọi thứ.
Trong nghiên cứu của mình, ông Pillemer phát hiện khi những người lớn tuổi được phỏng vấn, họ thường có xu hướng nói rằng cuộc đời chớp mắt liền trôi qua. Tuy cuộc sống thật sự rất ngắn ngủi, nhưng họ vẫn không hề bi quan. Họ hy vọng những quan điểm này có thể truyền cảm hứng giúp mọi người đưa ra quyết định tốt hơn và biết ưu tiên xem xét những sự việc thực sự quan trọng.
Và điều mà họ hối tiếc nhất chính là họ đã từng lo lắng về những điều chưa thực sự xảy ra. Một ông lão nói: “Lo lắng sẽ làm lãng phí cuộc đời của quý vị.”
Một người đàn ông nói với ông Pillemer rằng, ông ước gì mình biết được điều này ở độ tuổi 30 thay vì ở độ tuổi 60, như vậy thì ông đã có thể có nhiều thời gian hơn để tận hưởng cuộc sống.
Bạn nên làm những điều có giá trị nhất
Dựa trên các cuộc phỏng vấn của ông Pillemer với những người cao niên này, dưới đây là những điều mà họ cho rằng quý giá nhất và mọi người có thể dành thời gian để thực hiện:
- Làm công việc mà quý vị yêu thích.
- Hãy lựa chọn bạn đồng hành một cách cẩn thận, không nên vội vàng.
- Dành nhiều thời gian nhất có thể để bên cạnh cha mẹ và con cái.
- Tận hưởng niềm vui cuộc sống mỗi ngày thay vì trông chờ vào việc chi số tiền lớn mua sắm để đạt được hạnh phúc.
- Ngay bây giờ hãy nói chuyện với những người mà bạn đang quan tâm, cho dù chỉ là nói lời cảm ơn, cầu xin sự tha thứ hay chỉ là thăm hỏi về điều gì đó.
Hạnh phúc là sự lựa chọn, không phải là điều kiện
Ông Pillemer cho rằng, những người cao niên được phỏng vấn trong nghiên cứu của ông là “những chuyên gia đáng tin cậy nhất, bởi họ biết cách để lạc quan và hài lòng với cuộc sống trong thời gian khó khăn.”
Ông từng hỏi một người cao niên vì sao bà có thể mãn nguyện và hạnh phúc như vậy. Bà suy nghĩ một lúc rồi nói: “Trong 89 năm cuộc đời, tôi đã học được rằng, hạnh phúc là sự lựa chọn chứ không phải điều kiện.”
Ông Pillemer cho biết những người cao niên này rất giỏi phân biệt giữa ngoại lực từ sự việc bên ngoài mà họ gặp phải và thái độ bên trong của họ đối với hạnh phúc.
Ông nói: “Hạnh phúc không phải là một điều kiện thụ động bị phụ thuộc bởi các sự kiện bên ngoài, cũng không phải là vấn đề về tính cách – Tức là [không phải] con người khi sinh ra là đã hạnh phúc. Thay vào đó, hạnh phúc đòi hỏi phải có sự thay đổi có ý thức từ trong quan điểm, nghĩa là mỗi ngày nên chọn sự lạc quan thay vì bi quan, và hy vọng thay vì tuyệt vọng.”