Thế hệ bùng nổ dân số, ‘Chú Sam’ cần quý vị: Những bậc cao niên có thể giúp khôi phục nền văn minh
“Ai được ban cho nhiều, thì bị đòi hỏi nhiều.” Câu Kinh thánh được trích dẫn thường xuyên này áp dụng cho tất cả chúng ta, những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số (sinh khoảng năm 1946 đến năm 1964), đặc biệt là ở thời điểm hiện nay.
Trong quân đội của Hoàng đế Napoleon Bonaparte, Đội Cận vệ Già (Old Guard) có chỗ đứng riêng biệt. Họ là những chiến binh kỳ cựu có ít nhất 10 năm phụng sự, lận lưng ba chiến dịch, có kinh nghiệm chiến đấu, và đáp ứng được yêu cầu về chiều cao trên trung bình. Đổi lại, họ mặc những bộ quân phục đặc biệt, nổi bật nhất là đội mũ da gấu để trông cao hơn, đồng thời nhận được nhiều đặc quyền và mức lương cao hơn.
Họ đóng vai trò là những hình mẫu quân sự xuất sắc cho đồng đội và là những chiến binh có mặt trong kế sách cuối cùng, khi lòng dũng cảm và kinh nghiệm của họ có thể chuyển bại thành thắng.
Trong bối cảnh xung đột chính trị và văn hóa thời nay, với sự chia rẽ gay gắt về chủng tộc, giai cấp, tôn giáo .v.v., tôi chợt nhận ra rằng có lẽ người Mỹ chúng ta có thể dùng đến Đội Cận vệ Già (Vieille Garde) của riêng mình. Những người lính này sẽ không cần mặc quân phục, và chiều cao của họ cũng không quan trọng, nhưng lý tưởng là, họ sẽ là những chiến binh kỳ cựu trong các cuộc xung đột cam go, những người đã học được nhiều điều để truyền lại cho các thế hệ còn lại của chúng ta.
Thật may mắn, trong thời đại hỗn loạn hiện nay, toàn thể Đội Cận vệ Già luôn sẵn sàng đáp lại lời kêu gọi này.
Chúng ta là ai
Từ “Cựu chiến binh” có nguồn gốc từ tiếng Latin “vetus,” có nghĩa là già. Ở Hoa Kỳ, người cao niên, hay nói thẳng thắn hơn là người già, thường dùng để chỉ những người từ 65 tuổi trở lên. Cuộc điều tra dân số năm 2020 cho thấy nhóm người này, mà tôi cũng là thành viên được 7 năm, chiếm gần 17% dân số. Một số người trong chúng ta đã về hưu; một số tiếp tục làm việc. Số ít sống trong những căn biệt thự, hầu hết đã có nhà riêng hoặc thuê nhà, và một số người bất hạnh sống chật vật trên hè phố. Phần lớn những người cao niên này đều có con cháu.
Nhiều người trong số họ, cũng như tôi, nhớ đến Cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba năm 1962, khi thế giới chao đảo bên bờ vực chiến tranh hạt nhân. Chúng ta nhớ mình đã ở đâu khi nghe tin Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát. Một số người trong chúng ta từng chiến đấu ở Việt Nam, trong khi một số khác phản đối cuộc chiến đó ở nhiều thành phố và trong khuôn viên các trường đại học. Chúng ta đã kinh ngạc theo dõi người Mỹ bước đi trên mặt trăng và sửng sốt khi 20 năm sau Liên Xô sụp đổ. Chúng ta từng trải qua các thời kỳ bùng nổ và suy thoái kinh tế, chúng ta từng chứng kiến nhiều kiểu mốt xuất hiện rồi biến mất, và chúng ta được hưởng lợi từ những điều kỳ diệu của y tế và công nghệ mà chỉ một thế kỷ trước đó ta còn chưa thể tưởng tượng được.
Nói tóm lại, giống như Đội Cận vệ Già của Napoleon, những người cao niên chúng ta là những người lính dày dặn kinh nghiệm. Như người ta thường nói, chúng ta đã từng trải nghiệm nhiều, và không chỉ một lần.
Và ngay lúc này đây, những công việc cộng đồng của chúng ta đang thực sự cấp thiết.
Chúng ta đang sống trong sự hỗn loạn
“Đừng hỏi tổ quốc có thể làm gì cho ta,” cựu Tổng thống Kennedy từng nói trong lễ nhậm chức vào năm 1961. “Mà hãy hỏi rằng ta có thể làm gì cho tổ quốc của mình.”
Cùng năm đó, ngài Ronald Reagan cũng đưa ra nhận định này về tự do, những cảm xúc mà sau này ông đã bày tỏ trong một số bài phát biểu quan trọng:
“Tự do chưa bao giờ cách xa sự diệt vong quá một thế hệ. Chúng ta đã không truyền nó vào dòng máu của con cháu mình. Cách duy nhất để con cháu chúng ta có thể kế thừa sự tự do mà chúng ta đã biết là, chúng ta chiến đấu vì nó, bảo vệ nó, phòng hộ nó, và sau đó trao lại cho con cháu chúng ta cùng những bài học khó khăn quý giá để chúng biết cách phải làm những điều tương tự như thế trong đời. Và nếu bạn và tôi không làm điều này, thì chúng ta có thể sẽ phải dành những năm tháng cuối đời để kể cho con cháu mình nghe rằng Mỹ quốc đã từng như thế nào khi người dân có được tự do.”
Sự thiếu vắng lý tưởng mà hai vị cựu tổng thống đã nêu ra — phục vụ đồng bào, thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do — là tâm điểm cho sự hỗn loạn về văn hóa và chính trị thời nay. Chúng ta trở nên quá mải mê trong vòng xoáy của các sự kiện hàng ngày đến mức mà có thể hoàn toàn quên mất bức tranh toàn cảnh — những sự thật thiết yếu quan trọng nhất đối với chúng ta.
Điều này đưa tôi đến với những người trong số chúng ta đây, những người cao niên.
“Ai được ban cho nhiều, thì bị đòi hỏi nhiều.” Câu Kinh thánh được trích dẫn thường xuyên này áp dụng cho tất cả chúng ta, những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số, đặc biệt trong thời điểm hiện nay. Chúng ta là một thế hệ đã nhận được vô số cơ hội, sự giàu có, và phước lành. Giờ đây, chúng ta có may mắn tuyệt vời là được sống trong một thời điểm và ở nơi mà chúng ta có thể trả lại phần nào đó cho những lợi thế mà chúng ta đã được hưởng bấy lâu.
Và bằng cách đó, chúng ta có thể trở thành chất kết dính gắn kết [người dân] Hoa Kỳ lại với nhau.
Tích tiểu thành đại
Tất nhiên, nhiều người Mỹ cao niên đang thực hiện những bước đi để biến thế giới này và quốc gia của mình thành nơi tốt đẹp hơn. Họ dạy cờ vua cho học sinh lớp năm, tư vấn cho các cặp vợ chồng trẻ ở nhà thờ, làm giám sát viên trong những ngày bầu cử, và thực hiện vô số công việc thiện nguyện khác. Một số người có thể dùng chút tiền của mình để quyên góp cho những mục đích chính đáng. Đa phần trong chúng ta làm các công việc riêng để giúp đỡ cho gia đình, bạn hữu, và hàng xóm, chẳng hạn như trông cháu khi cha mẹ chúng đi làm, hoặc đưa một người hàng xóm đau ốm đến cửa hàng bách hóa.
Những công việc thiện nguyện nhỏ này được tích lũy dần trong nền văn hóa. Chúng là những chiếc đai ốc và bu lông, [tuy] chỉ là những bộ phận của máy móc, nhưng khi gộp lại hóa ra còn lớn hơn các phần khác. Khi chúng ta cống hiến hết mình cho những nỗ lực này, dù nhỏ nhoi thôi, chúng ta cũng đang góp phần tạo nên một nền văn hóa hào hiệp và thậm chí là tình yêu thương.
Hơn nữa, cho dù chúng ta dùng các nguồn lực về thời gian và của cải của mình cho người khác như thế nào, thì chúng ta đều có thể là hình mẫu văn minh [cho xã hội] thông qua thái độ của chính mình. Chúng ta có thể chỉnh trang lại cách diện trang phục, kiềm chế ngôn ngữ khiếm nhã, và đón chào thế giới mà chúng ta gặp hàng ngày bằng tinh thần vui vẻ. Chúng ta có thể dẫn dắt người khác bằng cách làm gương cho họ.
Có lẽ điều quan trọng nhất trong tất cả, là chúng ta có thể yêu thương thế hệ trẻ — những người dưới 40 tuổi. Chúng ta có thể làm như vậy bằng cách tránh hoài nghi và bỏ đi những lời chỉ trích tiêu cực mang tính thế hệ. Những ông lão gắt gỏng và những bà lão khó chịu có thể là nhân vật hài hước trên phim, nhưng ngoài đời, họ hầu hết đều khó ưa. Các bậc cha mẹ tuổi 30 không cần lời than phiền liên tục của người bà rằng, “Mẹ ghét việc phải nuôi con trong thời đại này,” và không ai thấy một thông điệp tích cực nào trên miếng dán ở thanh cản xe hơi loan báo rằng, “Tôi đang tiêu xài tài sản thừa kế của con tôi.”
Có thể chúng ta không nhận ra, nhưng giới trẻ cũng thường bối rối và trằn trọc trước những biến động văn hóa tương tự như chúng ta. Những bậc cao niên đã đủ tuổi lãnh An sinh Xã hội hoặc về hưu có trí huệ, đều nhìn thấy ở người trẻ — cho dù đó là những chiếc khuyên, hình xăm, sự hoang dã, hay niềm tin chưa được kiểm chứng — một tâm hồn con người khao khát được kết nối và sự thật.
Hãy nhìn cả hai phương diện
Trong cuốn sách “The true soldier” (Người Lính Đích Thực) của nhà văn GK Chesterton viết vào năm 1911, có câu rằng, “[Một người lính đích thực] chiến đấu không phải vì anh ta ghét những gì ở trước mặt, mà vì anh ta yêu những gì ở sau lưng.”
Nếu chúng ta làm một phép ẩn dụ cho câu nói của nhà văn Chesterton, thì có thể nói rằng, hầu hết chúng ta, bất kể quan điểm chính trị của chúng ta là gì, đều muốn bảo vệ những điều mà chúng ta yêu quý trong quá khứ và muốn thấy chúng được mang tới hiện tại và tương lai.
Đối với việc định hình tương lai đó, chúng ta nên chiến đấu không phải vì hận thù hay sợ hãi, mà vì hy vọng, mong muốn biến thế giới này thành một nơi tốt đẹp hơn cho những người đến sau chúng ta. Đúng là, hầu hết chúng ta sẽ tranh đấu như những người lính trong các cuộc giao tranh nhỏ, những cá nhân cố gắng làm cho cuộc sống thường nhật trở nên dễ chịu hơn một chút, văn minh hơn một chút — để biến tương lai này thành hiện thực.
Tuy nhiên, hãy chiến thắng đủ trong các cuộc giao tranh nhỏ này, và chúng ta sẽ chiến thắng cả cuộc chiến.
Lê Đào biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times