Biết hổ thẹn chính là biết giữ gìn danh dự
Theo truyền thuyết, Thánh Tông đồ Peter đang trên đường bôn tẩu khỏi thành La Mã để thoát khỏi cuộc bức hại tín đồ Cơ Đốc Giáo của Hoàng đế Nero thì lại gặp Chúa Jesus đang đi hướng ngược lại về phía kinh thành. “Domine, quo vadis?” (Lạy Đức Chúa, Ngài đi đâu vậy?) Thánh Peter ngạc nhiên hỏi. Chúa Jesus đáp: “Ta đang đi vào thành La Mã để chịu đóng đinh một lần nữa,” rồi Ngài biến mất.
Vì cảm thấy hổ thẹn trước sự hèn nhát và sự phản bội đức tin của mình, Thánh Peter quay lại thành La Mã và chẳng bao lâu sau ông đã bị đóng đinh trên thập tự giá.
Văn hóa hổ thẹn đã được đề cập từ rất sớm trong lịch sử của văn hóa phương Tây. Chẳng hạn, những bà mẹ Spartan được cho là đã gửi gắm lời chia tay này đến những người con đang chinh chiến ngoài xa trường, “Hãy trở về với chiếc khiên của con hoặc là tử trận cùng với nó,” ý tứ của câu này là người mẹ mong con trở về trong vinh quang bằng không thì đừng trở về nữa. Họa sĩ thời Phục hưng Masaccio đã miêu tả một cách chân thực nỗi tủi nhục mà Adam và Eva cảm thấy khi bị đày khỏi Vườn Địa Đàng. Những người lính ở cả hai phía của cuộc Nội chiến Hoa Kỳ thường phục vụ bên cạnh những bằng hữu và những người hàng xóm của mình, tạo thêm động lực mạnh mẽ để họ thực hiện nghĩa vụ của mình.
Hổ thẹn theo một hình thức nào đó lại trở thành một nhân tố phá hoại. Trong cuốn sách “Daring Greatly: How the Courage to Be Vulnerable Transforms the Way We Live, Love, Parent, and Lead” (Sự Táo Bạo Cao Thượng: Việc Đủ Can Đảm để Trở Thành Người Dễ Bị Tổn Thương Đã Thay Đổi Cách Chúng Ta Sống, Yêu Thương, Làm Cha Mẹ, và Lãnh Đạo Như Thế Nào), giáo sư và tác giả Brené Brown viết, “Chúng ta sống trong một thế giới mà hầu hết mọi người vẫn tin rằng sự hổ thẹn là một phẩm chất tốt để thế nhân giữ được đạo làm người, hành xử đúng mực. Điều này không chỉ sai lầm mà còn nguy hiểm. Cảm giác mất thể diện đó vô hình trung lại có mối tương quan chặt chẽ với chứng nghiện ngập, bạo lực, hung hãn, trầm cảm, rối loạn ăn uống, và bắt nạt.”
Tuy nhiên, chuyện gì sẽ xảy ra khi một xã hội dường như đang muốn xóa đi hết cảm giác hổ thẹn của một người? Cụ thể là, điều gì sẽ xảy ra khi cảm giác hổ thẹn của một cá nhân, thứ mà chúng ta có thể sử dụng để kiềm chế bản thân, không còn nữa?
Anh Aidan Maese-Czeropski, một viên chức của Thượng viện, mới bị sa thải sau đoạn phim tự quay lại cảnh anh đang khỏa thân và có hành vi dâm ô với một người đàn ông khác trong phòng điều trần của Thượng viện, vậy mà trước hành động vô cùng bại hoại và dại dột của mình, chàng trai trẻ này lại không hề ăn năn hối lỗi, cũng chẳng có chút ngượng ngùng nào trên khuôn mặt.
Thái độ thiếu ăn năn này dường như chỉ là một dấu hiệu nữa của một xã hội mà trong đó sự hổ thẹn dường như chỉ là một di vật cổ xưa. Ví dụ, những kẻ tham nhũng trong chính phủ của chúng ta hiếm khi tỏ ra lúng túng, càng ít khi tỏ ra hối hận khi bị bắt vì tội lỗi của mình. Hàng triệu người Mỹ thường xuyên xem nội dung khiêu dâm trên mạng, sự tục tĩu chốn công cộng được tôn vinh, và những ngôn từ từng được xem là vượt quá khuôn phép giờ đây đã trở thành chuẩn tắc ứng xử.
Trong cuộc sống riêng tư cũng vậy, một số người hành xử rất tồi tệ mà không hề tỏ ra ân hận. Lấy một bút danh và cứ thế họ bôi nhọ người khác trên mạng xã hội. Một số người lấy trộm đồ dùng ở nơi công sở rồi cười trừ: “Ai cũng làm vậy mà.” Một số người xem tình dục như một thú vui tiêu khiển và chẳng mảy may nghĩ về những người bị họ làm tổn thương.
Cảm giác hổ thẹn ngày càng tiêu biến này là triệu chứng của sự mục ruỗng văn hóa ngày càng lún sâu hơn: sự thiếu vắng một chuẩn mực đạo đức và đức hạnh phổ quát. Nhiều người (cả đàn ông và phụ nữ), có thể nói là đa số, đang tuân theo một số thước đo truyền thống về hành vi đúng đắn, tuy nhiên xã hội nói chung đã bỏ đi rất nhiều lời răn dạy về đạo đức và cách hành xử sao cho phải đạo mà tổ tiên chúng ta để lại. Đạo đức học của Aristotle, bốn đức tính căn bản, Mười Điều Răn, Quy tắc Vàng: Những điều này và những giá trị đạo đức căn bản khác trong quá khứ hiện nay không được xem trọng và cũng ít được truyền đạt lại. Thay vào đó là nền văn hóa “vị kỷ” tập trung vào các quyền cá nhân không bị ràng buộc bởi trách nhiệm cá nhân, được thúc đẩy bởi một triết lý được gọi đại khái là chủ nghĩa tương đối. Con tàu này đã ra khơi cách đây nhiều năm, và rất ít người trong chúng ta có đủ nguồn lực, kỹ năng, hoặc vị thế chính trị nổi bật để khiến nó quay đầu lại.
Tuy nhiên, chúng ta có thể từ chối đi trên con tàu không bánh lái này. Thay vào đó, chúng ta có thể tự hỏi mình câu hỏi mà Leon Kass đặt ra cho độc giả trong cuốn “Leading a Worthy Life: Finding Meaning in Modern Times” (Sống Một Cuộc Đời Đáng Sống: Hành Trình Đi Tìm Ý Nghĩa Cuộc Đời Trong Thời Hiện Đại): “Phải sống thế nào để cuộc đời này có ý nghĩa đây?” Lấy câu hỏi đó làm chiếc la bàn đạo đức, chúng ta có thể vượt qua biển cả và giông bão của cuộc đời bằng việc tuân theo lẽ phải và các giá trị đạo đức được kiểm chứng qua thời gian vốn đã xây dựng nên nền văn minh của chúng ta.
Với sự chỉ dẫn của kim chỉ nam đức hạnh này, chúng ta có thể sống có danh dự và phẩm cách, không phải cúi đầu hổ thẹn, và soi sáng một con đường để con em chúng ta tiếp bước.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times