‘Hãy cứ thoải mái đi’ hay thử kiềm chế bản thân hơn một chút?
Có lẽ đã đến lúc chúng ta gác lại câu nói “Hãy cứ thoải mái đi” và biết kiềm chế bản thân hơn…
Khoảng 15 năm trước, tôi đang mua sắm tại cửa hàng tạp hóa địa phương ở Waynesville, Nam Carolina thì một người đàn ông từng sở hữu một cửa hàng cổ gần hiệu sách của tôi trên đường Main Street đã gửi lời chia buồn về cái chết của vợ tôi. Trong vòng 2 phút sau, ông ấy chuyển hướng câu chuyện và bắt đầu kể về một cuộc hoan lạc tại cửa hàng của ông sau giờ làm việc. Tôi sẽ không kể chi tiết cho các bạn, nhưng đến gần nửa câu chuyện, ông ấy dừng lại, tỏ vẻ khó hiểu và nói: “Tôi không biết tại sao tôi lại kể cho anh nghe chuyện này,” và sau đó tiếp tục câu chuyện của mình. Tôi đã rất lịch sự và quá choáng váng để có thể chặn ngang và nói rằng ông ấy hãy dừng lại.
Khi ông ấy vẫn còn đang thao thao bất tuyệt thì tôi cũng thắc mắc như ông ấy: Tại sao người đàn ông này lại kể cho tôi những chuyện đó?
Có lẽ chúng ta sẽ giải thích tình huống này với 5 từ: “Hãy cứ thoải mái đi” (Let it all hang out).
Chỉ có cảm xúc mà không có lý trí
Sau đây là định nghĩa về cụm từ “Let it all hang out” trong từ điển Collins trực tuyến: “Nếu bạn vui tới bến, có nghĩa là bạn hoàn toàn thư giãn và tận hưởng bản thân mình mà không phải lo lắng về việc che đậy cảm xúc hay hành xử lịch sự.”
Tôi coi câu nói “Let it all hang out” và định nghĩa cẩu thả của nó như một câu “tục ngữ” của nền văn hóa hiện đại và là quả bóng tàn phá nền văn minh, thờ ơ trước những lời đàm luận và phá hủy sự thật.
Từ những buổi tọa đàm trên tivi cho đến những lời thô tục mà các chính trị gia và người biểu tình sử dụng, từ những chương trình radio “phát ngôn gây sốc” đến những lời thú nhận của những người quen mà chúng ta chưa từng nghe, chúng ta cảm thấy bị dẫn dụ bởi những cảm xúc không kiểm soát của người khác. Nền văn hóa của chúng ta giờ đây được tiếp thêm sức mạnh bởi cảm xúc và đam mê hơn là lý trí và sự chiêm nghiệm. Kết quả, những cuộc hội thoại nơi công cộng và hành vi của chúng ta ngày càng nông nổi và thiếu chín chắn.
Ngay cả những người hoàn toàn xa lạ đôi khi cũng xả hết tâm can với chúng ta. Có một lần, một khách hàng bước vào hiệu sách của tôi. Trong vòng vài phút, anh ta kể cho tôi nghe rằng chính quyền vừa mới buộc tội anh ta bạo hành trẻ em. Anh phản bác lời buộc tội đó, khẳng định rằng anh ấy vô tội và sau đó rời cửa hàng, không bao giờ quay trở lại nữa. Có lẽ, giống như một linh mục và người pha chế trong quán bar, những người chủ hiệu sách bất đắc dĩ trở thành người lắng nghe những lời thú tội.
Phàn nàn và than vãn
Phàn nàn là chất xúc tác khiến chúng ta mong muốn trút bỏ mọi suy nghĩ và cảm xúc của mình. Chúng ta thoải mái trút bỏ những bất hạnh của mình lên người khác mà không nhận ra rằng chúng ta đang gieo rắc nỗi đau khổ của bản thân. Đây là một ví dụ nhỏ. Tôi có một số người quen đáp lại câu hỏi xã giao “Mọi việc thế nào rồi?” bằng các bài hồi tưởng dài, liên quan đến các vấn đề gia đình hoặc sức khỏe mới nhất của họ như: đau lưng, viêm khớp, nuôi dưỡng con cái, động cơ xe ô tô. Điều gì đã xảy ra với câu trả lời lấy lệ: “Tôi ổn, cảm ơn. Còn bạn thì sao?”
Một người bạn thân của tôi, một người đàn ông đã ở quãng cuối của những năm 50 tuổi, đã chia sẻ về một vài vấn đề sức khỏe của ông. Sau đó, ông ấy dừng lại và đề cập đến cha ông ấy, một quân nhân trong Thế chiến II và là một nhân viên kế toán đã qua đời nhiều năm trước. Cha ông cũng gặp phải những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trong những năm cuối đời. “Nhưng anh biết không?” bạn tôi hỏi. “Tôi chưa bao giờ nghe thấy cha tôi phàn nàn. Không một lần nào. Còn tôi thì ngồi ở đây liên tục nói về lượng cholesterol, chế độ ăn và cả cái lưng đau.”
Ngày xửa ngày xưa
Đã từng có thời kỳ chúng ta ngưỡng mộ những người biết kiềm chế cảm xúc. Nếu chúng ta trở lại Hollywood những ngày đó, chúng ta sẽ không tìm thấy một John Wayne khóc bên ly rượu vì Jimmy Stewart đã kết hôn với người anh ta yêu thương trong bộ phim “The Man Who Killed Liberty Valance”.
Nhà truyền giáo cứng rắn do Katherine Hepburn thủ vai trong “The African Queen” (Nữ hoàng Phi Châu) không cảm thấy bắt buộc phải chia sẻ mọi suy nghĩ và cảm xúc của mình với Charlie Allnutt do Humphrey Bogart thủ vai. Ngay cả những bộ phim ca ngợi sự kiềm chế và một thái độ khắc kỷ với nỗi đau cũng đã “mất tích” trong xã hội ngày nay. Khi lính Đức bắn hạ sĩ Horvath hai lần xuyên qua ngực trong “Saving Private Ryan”, và đội trưởng hỏi anh ta rằng anh ta có ổn không, Horvath trả lời rằng: “Chỉ như gió thổi thôi mà” trước khi tắt hơi thở cuối cùng.
Nam giới từng đặc biệt ngưỡng mộ sự thận trọng như vậy nhưng giờ không còn nữa. Trong 30 năm qua, nhiều người trong nền văn hóa của chúng ta đã gièm pha sự trầm tĩnh của nam giới, và khuyến khích các chàng trai và những người đàn ông sở hữu các bộ kỹ năng từng gắn liền với phụ nữ truyền thống như: nhạy cảm, cởi mở và nhận thức cảm xúc tốt hơn.
Cái chết của người trưởng thành
Khẩu hiệu “Hãy cứ thoải mái đi” và sự chấp nhận của xã hội đã khiến chính trị và văn hóa Mỹ thay đổi sâu sắc nhưng họ thường không công nhận điều này. Ví dụ, để điều chỉnh cho phù hợp với văn hóa hàn gắn của mình, chúng ta đã thay thế các đức tính cổ điển — công bằng, thận trọng, tiết độ và can đảm — bằng các đức tính của công bằng xã hội như: chấp nhận các lối sống khác nhau, sự đa dạng, bình đẳng và “quyền con người”.
Những “đức tính” này chiếm thế thượng phong trong các trường đại học, chính phủ và các công ty của chúng ta, chúng được thực thi bởi nỗi sợ hãi, bằng cách dập tắt quyền tự do ngôn luận, bằng những lời đe dọa không lời về những gì sẽ xảy ra với ai vượt qua ranh giới của “đúng đắn chính trị”.
Trong cuốn sách “Cái chết của người trưởng thành” (The Death of the Grownup), Diana West viết: “Tâm lý bỏ quên sự trưởng thành để có một tuổi trẻ vĩnh viễn đã tạo ra nền văn hóa ‘trẻ mãi không già’, nhưng giờ đây có thể thấy rõ rằng điều này không tương đương với việc đạt được một nền văn hóa dài lâu. Câu hỏi đặt ra là nếu trẻ mãi không già lại có hại thì sao?”
Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần thay đổi lớn.
Hãy biết kiềm chế
Chúng ta cần gác lại câu nói “Hãy cứ thoải mái đi” và trở nên thận trọng, biết kiềm chế hơn.
Lần tới khi nhân viên giao dịch ngân hàng hỏi hôm nay chúng ta thế nào, chúng ta có thể nói: “Vẫn tốt. Còn bạn?” thay vì kể chi tiết về một đêm chúng ta mất ngủ. Lần tới khi chúng ta muốn trút bỏ những rắc rối của mình với một ai đó, thậm chí là bạn của chúng ta, chúng ta có thể dừng lại và tự hỏi bản thân rằng chia sẻ thông tin đó có ích lợi gì không. Chúng ta có thể cảm thấy tốt hơn sau cuộc trò chuyện, nhưng bạn của chúng ta sẽ thấy thật tồi tệ. Lần tới khi muốn chỉ trích người bạn đời vì không làm việc nhà, chúng ta hãy cố gắng kiềm chế và tìm ra chút hài hước trong tình huống đó.
Trong bộ phim “Finding Forrester” (Đi tìm Forrester), một nhà văn lớn tuổi nói với người bảo trợ trẻ tuổi của mình rằng: “Bạn có thể học được một chút gì đó về việc biết kiềm chế.”
Do Jeff Minick thực hiện
Thiên An biên dịch
Qúy vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times