Moody’s hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc từ ổn định xuống tiêu cực
Thêm vào mối lo ngại ngày càng tăng trên toàn cầu về nền kinh tế đang suy thoái của Trung Quốc, hôm thứ Ba (05/12), các chuyên gia xếp hạng tín nhiệm nợ đã hạ thấp kỳ vọng của họ về sự phục hồi của Trung Quốc, khiến Bắc Kinh thất vọng. Giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn luôn cho rằng nền kinh tế nước này “có khả năng phục hồi.”
Moody’s đã hạ bậc xếp hạng tín dụng từ ổn định xuống tiêu cực đối với chính quyền Trung Quốc do nợ chính quyền địa phương ngày càng tăng và cuộc khủng hoảng nhà đất ngày càng lan rộng trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Theo Moody’s, việc hạ bậc phản ánh bằng chứng ngày càng tăng cho thấy chính quyền Trung Quốc có thể phải viện trợ tài chính thêm cho các chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhà nước đang nặng gánh nợ nần, một tình trạng đặt ra những nguy cơ to lớn đối với sức mạnh tài khóa, kinh tế, và thể chế của Trung Quốc.
Đồng thời, trong Ghi chú Nghiên cứu Trung Quốc Đại lục (Greater China Research Note) hôm thứ Ba mà The Epoch Times truy cập được, công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia Úc ANZ cho biết với các tai ương trong lĩnh vực địa ốc và tình trạng giảm phát, họ dự kiến Trung Quốc sẽ hạ cánh nhẹ vào năm 2024.
Báo cáo của ANZ cho biết, “GDP thực của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng 4.2% vào năm 2024 và 4.0% vào năm 2025. Nhưng tăng trưởng danh nghĩa có thể sẽ chỉ ở mức 3.8%. Áp lực giảm phát vẫn ở mức cao với chênh lệch sản lượng (giữa GDP thực và tiềm năng GDP) âm.”
Tuy nhiên, Moody’s vẫn giữ nguyên xếp hạng nhà phát hành nội tệ và ngoại tệ dài hạn ở mức A1 cho Trung Quốc vào hôm thứ Ba, khi khẳng định rằng nền kinh tế này vẫn có khả năng hấp thụ cao đối với các tác động tiêu cực. Nhưng hãng xếp hạng này dự báo tăng trưởng GDP hàng năm sẽ giảm xuống 4.0% vào năm 2024 và 2025, và đạt mức trung bình 3.8% từ năm 2026 đến năm 2030.
Đây là lần đầu tiên Moody’s hạ bậc xếp hạng triển vọng đối với Trung Quốc kể từ năm 2017, khi hãng này hạ xếp hạng của nước này xuống một bậc ở mức A1 với lý do tăng trưởng chậm lại và nợ tăng lên.
Moody’s cho biết: “Sự thay đổi về triển vọng phản ánh rủi ro gia tăng ở Trung Quốc liên quan đến tăng trưởng kinh tế trung hạn thấp hơn một cách cố hữu và mang tính cấu trúc.”
Tuy nhiên, Bộ Tài chính Trung Quốc không đồng ý với hành động này, đáp lại rằng họ “thất vọng” trước việc Moody’s hạ triển vọng xếp hạng của nước này, và rằng nền kinh tế “sẽ duy trì xu hướng phục hồi tích cực.”
Bộ cho biết, “Những lo ngại của Moody’s về triển vọng tăng trưởng kinh tế, tính bền vững tài khóa, và các khía cạnh khác của Trung Quốc là không cần thiết. Tác động của sự suy thoái trên thị trường địa ốc đối với ngân sách công của địa phương và ngân sách chính phủ nói chung là mang tính cấu trúc và có thể kiểm soát được.”
Bắc Kinh cũng tỏ ra không hài lòng khi việc hạ bậc xếp hạng diễn ra trước Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương thường niên vào giữa tháng Mười Hai, trong đó Bắc Kinh dự kiến sẽ công bố mục tiêu tăng trưởng ổn định cho năm 2024 và các biện pháp kích thích hơn nữa.
Rủi ro đối với tăng trưởng
Theo các chuyên gia xếp hạng, sự phục hồi của Trung Quốc đã bị cản trở vì niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp thấp, cuộc khủng hoảng nhà đất kéo dài, tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục ở thanh niên, và nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc giảm do suy thoái kinh tế toàn cầu.
Và khi cuộc khủng hoảng nhà đất trở nên nghiêm trọng hơn và sự phục hồi sau các quy định nghiêm ngặt về COVID-19 tỏ ra kém mạnh mẽ hơn dự đoán, nền kinh tế Trung Quốc đã khó lấy lại động lực trong năm nay. Trong tháng Mười Một, dữ liệu cho thấy cả hoạt động sản xuất và dịch vụ đều giảm, củng cố thêm ý kiến cho rằng chính quyền cần can thiệp nhiều hơn để trợ giúp cho quá trình phục hồi đang chững lại.
Moody’s nhận xét: “Trong ngắn hạn, rủi ro tốc độ tăng trưởng giảm vẫn còn, vì xu hướng lĩnh vực địa ốc thu hẹp là một quá trình chuyển dịch cơ cấu lớn đang diễn ra đối với các động lực thúc đẩy tăng trưởng của Trung Quốc và có thể là lực cản lớn hơn đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của Trung Quốc so với mức độ đánh giá hiện nay.”
Đồng thời, hãng xếp hạng này cũng nhận định rằng ngược lại, tốc độ tăng trưởng chậm lại rõ rệt hơn trong ngắn hạn và trung hạn sẽ khiến vấn đề thâm hụt ngân sách và nợ của chính quyền địa phương càng thêm nghiêm trọng.
Các chính quyền địa phương chịu áp lực
Trung Quốc đã chuyển trọng tâm sang kích thích tài khóa do thị trường địa ốc xấu đi, với việc tăng cường vay mượn trở thành công cụ chính để hậu thuẫn nền kinh tế. Tình hình đó làm dấy lên lo ngại về mức nợ của nước này, đặc biệt vì Bắc Kinh dự kiến sẽ phát hành nhiều trái phiếu hơn bao giờ hết trong năm nay để trợ giúp nền kinh tế.
Khi thâm hụt ngân sách của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong vòng 30 năm vào tháng Mười, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát đi tín hiệu rằng nước này sẽ không khoan nhượng với tình trạng tăng trưởng chậm lại nghiêm trọng hoặc nguy cơ giảm phát dai dẳng. Theo Bloomberg, tỷ lệ tăng nợ ròng trên GDP (deficit to GDP) hiện tại là 3.8%, cao hơn đáng kể so với mức giới hạn 3% có thể chấp nhận được.
Suy thoái đã buộc chính quyền trung ương phải bán thêm số trái phiếu chính quyền trị giá 1 ngàn tỷ nhân dân tệ (140 tỷ USD) trong năm nay, khoản tiền mà theo họ sẽ được hướng tới các dự án xây dựng và cứu trợ thiên tai, cũng như giảm một số khoản nợ ngoại bảng có chi phí cao hơn.
Các chính quyền địa phương cũng đang ráo riết bán trái phiếu tái cấp vốn đặc biệt như một nguồn thu thay thế để bù đắp sự phụ thuộc vào doanh thu bán đất trong bối cảnh lĩnh vực địa ốc suy thoái.
Theo dữ liệu gần đây nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nợ chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã tăng từ 62.2% năm 2019 lên 76% sản lượng kinh tế vào năm 2022, đạt 92 ngàn tỷ nhân dân tệ (12.6 ngàn tỷ USD).
Do đó, với dự đoán điều kiện tài khóa của chính quyền địa phương sẽ tiếp tục xấu đi vào năm 2024, ANZ dự kiến một số hình thức vỡ nợ đối với các phương tiện tài trợ của chính quyền địa phương (LGVF), ít nhất là trong cái gọi là thỏa thuận nợ tư nhân không theo quy chuẩn.
Moody’s cho biết, “Việc thay đổi triển vọng sang tiêu cực phản ánh bằng chứng ngày càng tăng rằng chính quyền sẽ cung cấp hậu thuẫn tài chính cho khu vực công rộng hơn gồm các chính quyền khu vực và địa phương cũng như các doanh nghiệp nhà nước đang gặp khó khăn về tài chính, gây rủi ro suy giảm lớn đối với sức mạnh tài khóa, kinh tế, và thể chế của Trung Quốc.”
Chính sách tiền tệ nới lỏng
Bất chấp các vấn đề cấu trúc liên quan đến việc cải tổ, chẳng hạn như các khoản nợ rất lớn, nhu cầu giảm, và giảm phát, các nhà phân tích xếp hạng vẫn ước đoán rằng những cải tổ mang tính cấp tiến sẽ vẫn tiếp tục.
Ghi chú của ANZ cho biết, “Chính sách của chính quyền sẽ vẫn mang tính nới lỏng về mặt cấu trúc nhằm trợ giúp chuyển đổi công nghiệp và chế ngự rủi ro tài chính mang tính hệ thống. Chính quyền sẽ cung cấp viện trợ có mục tiêu cho chính quyền địa phương và lĩnh vực địa ốc. Chúng tôi [cũng] kỳ vọng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ sử dụng nhiều công cụ khác nhau để chứng minh quan điểm nới lỏng của họ.”
Moody’s cho biết: “Chính quyền Trung Quốc trước đây đã từng khai triển hiệu quả các nguồn lực rất lớn của mình để đáp ứng những thách thức về chính sách.”
Mặc dù vậy, các nhà đầu tư ngoại quốc bi quan tin rằng các vấn đề của Trung Quốc là quá lớn trong khi những biện pháp khắc phục đã được công bố cho đến nay lại là quá nhỏ để có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể.
Theo báo cáo từ Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc mà Bloomberg trích dẫn, dòng vốn ròng chảy ra ngoại quốc của Trung Quốc đạt 53.9 tỷ USD vào tháng 10/2023, mức cao nhất hàng tháng kể từ tháng 01/2016. Báo cáo cũng cho biết gần 54 tỷ USD đã được chuyển ra ngoại quốc thay mặt cho khách hàng ngân hàng, điều đang gây áp lực giảm giá lên đồng nhân dân tệ.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times