Trung Quốc nghi binh trước Đài Loan trong khi để mắt đến Úc?
Cơ quan quốc phòng Úc lo ngại nước này có thể là mục tiêu quân sự dễ dàng hơn và cần thiết hơn Đài Loan.
Trong khi các nhà hoạch định quân sự ở Hoa Kỳ và Nhật Bản nghĩ đi nghĩ lại về cách bảo vệ Đài Loan trước sự xâm lược của Trung Quốc cộng sản, thì các nhà hoạch định quốc phòng Úc lại có những lo ngại khác. Mối quan tâm hàng đầu của họ là chủ nghĩa ái quốc trỗi dậy của chính quyền Trung Quốc và việc nhanh chóng xây dựng hải quân được nhắm đến họ y như vậy, nếu không muốn nói là nhiều hơn Đài Loan.
Người Úc dần nghi ngờ Trung Quốc
Theo một cuộc thăm dò mới đây của Viện Lowy, nỗi lo sợ của họ không phải là vô căn cứ. Giống như năm 2022, khoảng 75% người Úc cho rằng Trung Quốc đặt ra mối đe dọa quân sự đối với Úc ít nhất trong vòng 20 năm tới.
Nhưng một số chiến lược gia, trong đó có một số người ở Úc, tin rằng điều đó có thể đến sớm hơn nhiều.
Cách nghĩ về các kế hoạch quân sự của chính quyền Trung Quốc đối với Đài Loan và khu vực Á Châu-Thái Bình Dương là khác nhau ở mỗi quốc gia. Chẳng hạn, Nhật Bản đã liên kết an ninh của mình với an ninh của Đài Loan. Chính sách của chính phủ Nhật Bản là một cuộc tấn công vào Đài Loan nghĩa là tấn công Nhật Bản và Nhật Bản sẽ đáp trả bằng quân sự để bảo vệ Đài Loan.
Mặt khác, Hoa Kỳ lại gặp khó khăn trong việc duy trì chính sách “mơ hồ chiến lược” liên quan đến việc bảo vệ Đài Loan trước sự xâm lược của Trung Quốc. Có những câu hỏi đặt ra là liệu trên thực tế, Hoa Kỳ có còn khả năng bảo vệ Đài Loan trước sự giao tranh quân sự áp đảo của Trung Quốc hay không, bao gồm sự hiện diện hải quân vượt trội về số lượng và phi đạn chống hạm siêu thanh.
Bắc Kinh cần một chiến thắng
Ở Bắc Kinh, chiến lược này đã được vạch ra — nếu như mệnh lệnh của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình yêu cầu quân đội sẵn sàng xâm lược Đài Loan chậm nhất là vào năm 2027 là đáng tin cậy. Một tuyên bố như vậy khiến người Úc lo lắng. Ngoài ra, một chuyên gia quân sự Trung Quốc nói với hãng truyền thông nhà nước Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) rằng trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Đài Loan, thì Úc sẽ là một trong những nước đầu tiên bị tấn công.
Có nhiều lý do chính đáng để tin rằng lời tuyên bố đó là chân thật. Giống như phần còn lại của thế giới phát triển, lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc phụ thuộc vào khả năng tiếp cận vi mạch máy điện toán do Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan sản xuất. Vả lại, với trạng thái chống Trung Quốc gia tăng ở châu Âu, Hoa Kỳ, và Argentina, cùng với nền kinh tế sụp đổ ở trong nước thậm chí còn tồi tệ hơn như được báo cáo, ông Tập cần một chiến thắng. Ông ấy đã thể hiện ý định của mình trong cuộc gặp vừa qua với Tổng thống Joe Biden khi tuyên bố rằng “hiện trạng [với Đài Loan] không thể kéo dài mãi mãi.”
Bắc Kinh tăng cường xâm nhập quân sự vào Đài Loan
Ông Tập đang chứng minh cho những tuyên bố đó bằng hành động. Trong những tháng gần đây, ĐCSTQ đã làm xáo trộn hiện trạng xung quanh Đài Loan bằng các cuộc xâm nhập quân sự trên không và trên biển ở những mức độ chưa từng có cũng như can thiệp vào chính trị Đài Loan.
Nhưng Trung Quốc cũng phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên thiên nhiên của Úc. Chẳng hạn, năm 2022, Trung Quốc đã nhập cảng 69% quặng sắt từ Úc, gấp ba lần so với Brazil, nhà cung cấp lớn thứ hai của Trung Quốc. Quặng sắt không chỉ là thành phần quan trọng để sản xuất thép và phát triển kinh tế chung mà còn quan trọng nếu Trung Quốc muốn tiếp tục xây dựng các đội chiến hạm và tàu ngầm hải quân như họ đã và đang làm như vậy. Than, dầu mỏ, và ngũ cốc cũng như vậy.
Tham vọng hải quân của ĐCSTQ trước tiên là ngăn chặn sự thống trị của Hoa Kỳ ở Biển Đông, đặc biệt là đối với Đài Loan, sau đó mở rộng ra khu vực Á Châu-Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Từ góc độ hải quân, mục tiêu đầu tiên đó là trong tầm tay, nếu không phải là đã trở thành hiện thực. Ngoài ra, các nhà hoạch định Úc biết rằng với phi đạn tầm xa và khả năng kiểm soát các tuyến đường vận chuyển của chính quyền Trung Quốc, đặc biệt là eo biển Malacca, thì khoảng cách và đại dương không còn là vùng đệm phòng thủ như trước đây.
Đó là lý do tại sao các thỏa thuận AUKUS và Quad lại quan trọng như vậy đối với Úc. An ninh tập thể và vai trò trợ giúp trên thực tế của nước này đối với quân đội Hoa Kỳ là hy vọng chính của Úc để ngăn chặn sự thống trị của ĐCSTQ. Điều đó nói lên rằng, không có thỏa thuận nào đủ mạnh để bảo vệ Úc một cách đầy đủ.
Úc là một mục tiêu quân sự hợp lý
Từ quan điểm của Bắc Kinh, Úc là một mục tiêu quân sự hợp lý và được cho là dễ dàng hơn, đặc biệt kể từ khi nước này tham gia vào các cuộc tập trận mùa xuân năm ngoái mà Hoa Kỳ, Pháp, và Nhật Bản tổ chức ở Biển Đông. Các nhà tuyên truyền của Thời báo Hoàn Cầu đã cảnh báo Úc rằng quân đội của nước này “yếu” và “không đáng kể” và các lực lượng của Úc sẽ là nơi “bị tấn công đầu tiên” trong bất kỳ cuộc xung đột có thể có nào đối với Đài Loan.
Ngoài ra, Bắc Kinh không nhất thiết phải xâm lược Úc để “tấn công nước này.” Các cuộc tấn công mạng và phi đạn có thể phải mất một chặng đường dài để vô hiệu hóa nước này như một đồng minh nổi bật cho sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực này, trong khi việc ngăn chặn giao thông hàng hải có thể nhanh chóng làm tê liệt nền kinh tế Úc, khiến nước này một lần nữa phải phụ thuộc vào xuất cảng sang Trung Quốc, vốn đã như vậy rồi.
Hoặc là không phải như vậy.
Tại sao Trung Quốc tích trữ thực phẩm, nhiên liệu, và vàng?
Kiểu tình huống đó hoàn toàn không chỉ là suy đoán mà là mối lo ngại lớn đối với Úc, vì Trung Quốc đã và tiếp tục dự trữ thực phẩm, nhiên liệu, và vàng. Một cách giải thích là Trung Quốc đang thực hiện hành động chuẩn bị để bảo đảm cho mình nguồn cung cấp nhu yếu phẩm trong 18 tháng để khắc phục tình trạng thiếu hụt do chiến tranh.
Chuyện đó còn phải xem đã. Nhưng từ một góc độ chiến lược, hành động thông minh theo quan điểm của Bắc Kinh có thể là tấn công Hoa Kỳ ở những nơi mà nước này không có mặt, buộc Hoa Thịnh Đốn phải phân chia lực lượng ở Thái Bình Dương hoặc phải lựa chọn phòng thủ bên này hay bên kia.
Người Úc đang dõi theo Trung Quốc sát sao, ngay cả khi họ không thể làm được nhiều điều như mong muốn vào thời điểm này.
Trong mọi trường hợp, có vẻ rõ ràng rằng với hành vi gây hấn với Hoa Kỳ, cũng như với các nước lân bang trong khu vực, bao gồm Philippines, Việt Nam, và đặc biệt là Đài Loan, quỹ đạo chính sách đối ngoại của ĐCSTQ chắc chắn không phải là hòa bình.
Cẩm An lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times