Mây đen đang kéo đến thị trường công khố phiếu Hoa Kỳ?
Thị trường công khố phiếu Hoa Kỳ đã sụt giảm trong năm nay. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên.
Giữa các đợt tăng lãi suất và thắt chặt định lượng của Cục Dự trữ Liên bang, lợi suất công khố phiếu kỳ hạn 10 năm đã tăng từ 1.6% lên hơn 4.0% từ đầu năm cho đến nay. (Lợi tức trái phiếu có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với giá trái phiếu).
Nhưng diễn biến này không giống như một thị trường trái phiếu giá xuống thông thường. Trong khi thị trường trái phiếu có vẻ bình lặng trên bề mặt, ngày càng có nhiều người nói về một “cuộc khủng hoảng thanh khoản” xảy ra vì có quá nhiều động lực cùng khởi tác dụng. Nói cách khác, một thị trường đang hoạt động — bất kể nó đi theo hướng nào — cần cả người mua và người bán tích cực. Thị trường ngày nay biến động khôn lường, với tính thanh khoản rất thấp (có nghĩa là rất, rất ít người mua ở bất kỳ mức giá nào) và độ biến động cao. Và đó có thể là một tin xấu không chỉ đối với thị trường công khố phiếu, mà còn đối với các thị trường tài chính khác.
Đầu tháng này Mười, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã bày tỏ lo ngại rằng bà “lo lắng về việc mất khả năng thanh khoản thích hợp.” Hôm 20/10, nhân viên của bà Yellen thậm chí còn hỏi Ủy ban Đấu giá Công khố Phiếu (một tập hợp các ngân hàng đầu tư điều hành các cuộc đấu giá trái phiếu) rằng liệu Bộ Ngân khố Hoa Kỳ có nên bắt đầu mua một số trái phiếu ít thanh khoản hơn để cung cấp thanh khoản hay không. Đó là một yêu cầu bất thường và đáng lo ngại.
Chỉ số ICE BofAML MOVE, thước đo trên thực tế về sự biến động của thị trường trái phiếu, đang ở mức cao nhất kể từ giữa năm 2009 — thời kỳ đỉnh cao của cuộc khủng hoảng tài chính gần đây nhất. Lợi suất của cả trái phiếu kỳ hạn 2 năm và 5 năm đều ở mức cao nhất trong nhiều thập niên.
Hãy nhanh chóng xem xét những gì đã xảy ra. Thanh khoản đã giảm kể từ khi Fed bắt đầu tăng lãi suất. Việc Fed kết thúc nới lỏng định lượng — việc mua trái phiếu — và bắt đầu thắt chặt định lượng đã làm suy giảm tính thanh khoản khi loại bỏ một trong những nhà mua trái phiếu lớn nhất trên thị trường. Nhiều đợt tăng lãi suất dự kiến sẽ đến.
Đồng USD sẽ tiếp tục mạnh lên khi Fed tăng lãi suất để chống lạm phát. Điều đó sẽ khiến các quốc gia khác can thiệp và bảo vệ đồng tiền của họ. Để làm như vậy, họ sẽ cần phải bán công khố phiếu của Hoa Kỳ, gây thêm áp lực giảm giá lên trái phiếu.
Về mặt lý thuyết, những chuyển động này đều có ý nghĩa riêng. Nhưng tất cả các hoạt động bán này hội tụ cùng một lúc có thể sẽ làm đóng băng thị trường công khố phiếu. Hãy nhớ rằng: Một cuộc mua bán chỉ có thể xảy ra giữa hai bên có thiện chí. Không rõ ai sẽ là người mua.
Financial Times cũng chỉ ra một vấn đề về cấu trúc thị trường ít được biết đến mà vẫn chưa trải qua thách thức.
“Trước đây, các đại lý chính (tức các ngân hàng lớn) giữ cho thị trường công khố phiếu có được thanh khoản trong một thời kỳ khủng hoảng bằng cách đóng vai trò là những nhà tạo lập thị trường. Nhưng sau năm 2008, một loạt các cải tổ quy định đã khiến việc thực hiện vai trò này trở nên tốn kém,” tờ báo tài chính này đã ghi nhận trong một bản tin hôm 20/10. “Kết quả là, giao dịch của các đại lý chính hiện chỉ chiếm 2% thị trường, giảm từ 14% trong năm 2008.”
Trong một lưu ý gửi các khách hàng, các nhà phân tích của Bank of America nói rằng tính thanh khoản của thị trường trái phiếu là “mong manh và dễ bị xáo động.”
Có rất nhiều rủi ro mà các thị trường ngày nay đang đối diện. Lạm phát dai dẳng, lãi suất tăng liên tục, nền kinh tế Hoa Kỳ và toàn cầu, thách thức địa chính trị ở Âu Châu (Nga-Ukraine) và Đông Á (Trung Quốc), và các tác động của những vấn đề này đối với doanh nghiệp, việc làm, và cuối cùng là các thị trường tài chính.
Đồng USD tăng mạnh cũng đang đe dọa một nguồn nhu cầu có tính truyền thống đối với các tài sản được mệnh giá theo đồng tiền của Hoa Kỳ. Trước đây, các quỹ đầu tư quốc gia và quỹ hưu trí ngoại quốc là những bên mua lớn đối với các tài sản của Hoa Kỳ, cả cổ phiếu lẫn trái phiếu. Nhưng thị trường giá xuống ở cả hai loại tài sản này, cùng với một đồng dollar rất mạnh, đã làm giảm nhu cầu của ngoại quốc. Các quốc gia ngoại quốc hiện cần bán các tài sản có mệnh giá tính theo đồng USD để bảo vệ đồng tiền của mình. Đây là một nguồn thanh khoản ít được chú ý khác đang dần cạn kiệt.
Với gần 24 ngàn tỷ USD, thị trường công khố phiếu Hoa Kỳ có quy mô rất lớn. Nhưng nếu thị trường này chững lại và đóng băng, thì các hậu quả có thể xảy ra trên diện rộng và khó có thể chuẩn bị trước.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times