Đằng sau việc tăng lãi suất là hàng ngàn tỷ trái phiếu mà Fed cần bán
Giảm bảng cân đối 9 ngàn tỷ USD có thể sẽ làm chậm nền kinh tế hơn nữa
Điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện hôm 07/03, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết ông sẵn sàng đẩy nhanh việc tăng lãi suất trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và tình trạng thiếu lao động tiếp tục thúc đẩy lạm phát.
Trong khi đó, Fed vẫn đang ngồi trên đỉnh một danh mục đầu tư trái phiếu rất lớn trị giá 8.4 ngàn tỷ USD mà họ đã mua thông qua các chương trình kích thích kinh tế. Danh mục đầu tư này hiện cần được thanh lý khi Fed chuyển từ kích thích sang chính sách tiền tệ hạn chế hơn để chống lạm phát.
Ông Powell nói với các thượng nghị sĩ, “Dữ liệu kinh tế mới nhất mạnh hơn dự kiến, cho thấy mức lãi suất cuối cùng có thể sẽ cao hơn dự tính trước đó,” báo hiệu rằng Fed có thể quay trở lại mức tăng lãi suất 50 điểm căn bản trong năm nay.
Kể từ ngày 07/03, lãi suất ngắn hạn của Fed đã là 4.57%.
Kèm theo các hành động về lãi suất của Fed là dư âm của đợt mua trái phiếu chưa từng có của ngân hàng trung ương này, vốn đã bắt đầu trong cuộc khủng hoảng thế chấp năm 2008 và sau đó tăng tốc trong đại dịch COVID.
Bảng cân đối kế toán của Fed tăng vọt từ mức dưới 1 ngàn tỷ USD của hồi tháng 08/2008 lên mức kỷ lục 9 ngàn tỷ USD xảy ra vào tháng 04/2022.
Diễn biến bảng cân đối kế toán của Fed
Nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế đang lao đao bằng cách mua trái phiếu và qua đó bơm thêm tiền mặt vào nền kinh tế được gọi là nới lỏng định lượng (QE).
Khi Fed lần đầu tiên thực hiện QE vào năm 2008, thì biện pháp này là “một trong những công cụ chính sách tiền tệ độc đáo lúc bấy giờ mà Fed sử dụng để ứng phó với cuộc Đại Suy Thoái,” theo một báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang.
“Khi biện pháp này trở lại trong thời kỳ đại dịch, QE dường như đã trở thành một phần chính thường hơn trong bộ công cụ giải quyết khủng hoảng của Fed.”
Fed thực hiện nới lỏng định lượng như một thử nghiệm khi công cụ khác của họ để kích thích nền kinh tế — việc giảm lãi suất ngắn hạn thông qua hệ thống ngân hàng — đạt đến giới hạn; lãi suất ngắn hạn trong năm 2008 gần như bằng không.
Ngân hàng trung ương cũng đã bắt tay vào việc mua trái phiếu để cố gắng giảm lãi suất dài hạn trên thị trường trái phiếu.
Chủ tịch Fed đương thời Ben Bernanke đã châm biếm rằng “vấn đề với QE là biện pháp này hoạt động trên thực tế, nhưng nó không hoạt động trên lý thuyết.” Fed có lý do để tin rằng việc nới lỏng định lượng sẽ kích thích nền kinh tế nhưng các nhà kinh tế không đồng thuận về mức độ kích thích của biện pháp này.
Đảo ngược việc mua trái phiếu
Giờ đây khi các mục tiêu chính sách đã chuyển sang chống lạm phát, Fed đã đảo ngược chương trình mua trái phiếu của mình.
Tính đến tháng Hai, Fed đã giảm tỷ lệ nắm giữ trái phiếu xuống còn 8.4 ngàn tỷ USD và dần dần thu hẹp tỷ lệ này mỗi tháng kể từ tháng 09/2022 trong một quy trình gọi là thắt chặt định lượng (QT).
Tuy nhiên, việc giảm tỷ lệ nắm giữ trái phiếu vẫn còn một chặng đường dài phía trước vì Fed mới chỉ giảm được 5% những gì ngân hàng này đã mua.
Việc giảm bảng cân đối kế toán này có nghĩa là có một động lực thứ hai đang diễn ra, vốn chỉ mới bắt đầu và sẽ bổ sung vào các đợt tăng lãi suất mà Fed đang tiến hành để hạ nhiệt nền kinh tế Mỹ.
Việc loại bỏ Fed, vốn là bên mua trái phiếu chính trong những ngày kích thích kinh tế, khỏi thị trường trái phiếu sẽ làm giảm nhu cầu, khiến giá trái phiếu giảm và đẩy lãi suất lên cao.
Hành động này sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế với mức độ và tốc độ như thế nào vẫn là điều chưa chắc chắn vì hai lý do. Đầu tiên, Fed chưa bao giờ có một lượng tài sản tích lũy lớn như vậy phải bán; thứ hai, Fed đang loại bỏ những tài sản này theo một cách khác.
Khi thông báo về việc chuyển từ QE sang QT, ông Powell tuyên bố, “Tôi chỉ muốn nhấn mạnh về mức độ không chắc chắn của tác động từ việc thu hẹp bảng cân đối kế toán.”
Theo báo cáo của Fed, “Giữa các nhà kinh tế vẫn tồn tại tranh luận về cách thức và mức độ hoạt động của [QE]. Và khi nói đến quá trình đảo ngược việc thu hẹp bảng cân đối kế toán của Fed, thường được gọi là thắt chặt định lượng [QT], thì các nhà kinh tế thậm chí còn biết ít hơn.”
Ông William Luther, giám đốc Dự án Tiền tệ Lành mạnh của Viện Nghiên cứu Kinh tế Hoa Kỳ (AIER), nói với The Epoch Times, thay vì chỉ bán bớt tài sản, Fed đã cho phép tài sản đáo hạn với giới hạn về lượng tài sản mà họ sẽ gia hạn.
Ông Luther nói, “Những gì họ đang làm là họ có một giới hạn là 60 tỷ USD đối với công khố phiếu và 35 tỷ USD đối với chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp, và đó là số tài sản nhiều nhất mà họ sẽ gia hạn trong một tháng. Vì vậy, nếu có 65 tỷ USD công khố phiếu đáo hạn, họ sẽ gia hạn hơn 60 tỷ USD và giảm 5 tỷ USD đối với lượng mà họ đang nắm giữ trong loại tài sản này.”
‘Biến động cho thị trường trái phiếu’
Ông Luther nói, “Bởi vì họ có kế hoạch hoàn trả này, nên khi có nhiều công khố phiếu hoặc chứng khoán bảo đảm thế chấp đáo hạn trong tháng đó, thì quý vị sẽ có một mức giảm lớn trong bảng cân đối kế toán và tương ứng là, một mức giảm mạnh về nhu cầu đối với những tài sản đó trên thị trường mở, bởi vì Fed là một bên tham gia lớn trong các thị trường này.”
“Vì vậy, đó là một yếu tố gây biến động cho thị trường trái phiếu mà bình thường chúng ta không có.”
Đồng thời, mặc dù Fed liên tục tăng lãi suất ngắn hạn, nhưng lãi suất thực, được tính bằng lãi suất danh nghĩa trừ đi tỷ lệ lạm phát, vừa mới vượt qua vùng dương, nghĩa là lãi suất danh nghĩa đang cao hơn lạm phát.
Theo Fed, lãi suất thực tính đến tháng Hai là 1.58%.
Đây là một tin tương đối tốt đối với những người tiết kiệm vì, lần đầu tiên kể từ năm 2009, với một số trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, họ có thể kiếm được một khoản lãi dương nhỏ từ khoản tiết kiệm của mình so với những gì họ mất đi do lạm phát. Điều này đã đưa các khoản đầu tư lợi tức cố định trở lại thịnh hành khi các nhà đầu tư một lần nữa nhận thấy có lợi nhuận dương từ các chứng khoán rủi ro thấp như công khố phiếu Hoa Kỳ.
“Trong những tình huống như thế này, luôn luôn dễ nói rằng, ‘Ồ, có tia hy vọng này,’” ông Luther nói. “Nhưng nếu có thể tránh được thảm họa lạm phát này và tránh được các mức lãi suất cao hơn cần thiết để giảm lạm phát, thì chắc chắn chúng ta sẽ muốn được như thế hơn.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times