Lưu giữ ký ức về vụ thảm sát Thiên An Môn: ‘Biểu tượng của sự bất khuất’
Cậu bé Hồ Dương (Hu Yang), khi đó mới 5 tuổi, còn quá nhỏ không thể tham gia phong trào ủng hộ dân chủ năm 1989 tại Quảng trường Thiên An Môn, mà phong trào này sau đó đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dùng xe tăng và súng đàn áp bằng bạo lực. Tuy nhiên, điều đó đã không ngăn cậu cố gắng gìn giữ cho ký ức đó được tồn tại.
Hồi năm ngoái (2022), chỉ hai ngày trước ngày tưởng niệm vụ thảm sát này, ông Hồ đứng bên ngoài một tòa nhà chính quyền địa phương ở quê hương ông, thành phố lịch sử Tây An ở tây bắc đất nước. Ông cầm một tấm biển có nội dung “Đừng lãng quên sự kiện Lục Tứ, hãy chấm dứt chế độ độc tài.”
Vợ của ông Hồ đã ở đó để chụp ảnh cuộc biểu tình này. Thông qua một người bạn ở bên ngoài Trung Quốc, ông Hồ sau đó đã đăng bức ảnh đó lên Twitter, vốn bị cấm ở Trung Quốc. Ông Hồ mong muốn đại diện cho những tiếng nói ủng hộ dân chủ từ bên trong đất nước, vì điều mà ông cảm thấy vô cùng đau xót khi không có một làn sóng các sự kiện trên khắp thế giới bắt đầu để tang cho cuộc đổ máu vào ngày tưởng niệm này.
Ông không biết rằng điều đó sẽ thay đổi cuộc đời ông mãi mãi.
Ông Hồ đã cẩn thận không để lại bất kỳ thông tin nhận dạng nào trong bức ảnh. Ông che mặt và sử dụng một công cụ chỉnh sửa ảnh để xóa tên quận trên các tấm biển xây dựng. Tuy nhiên, công an Trung Quốc đã truy ra ông.
Vài giờ sau khi bức ảnh được đăng lên mạng, chung cư của ông Hồ bất ngờ bị tắt đèn. Mạo hiểm ra cửa để kiểm tra sự việc, ông Hồ choáng váng khi thấy hơn chục người đang đợi bên ngoài. Một người đàn ông đã trấn áp ông Hồ xuống trong khi dí súng vào eo ông. Những người thì khác lao vào nhà.
“Người đàn ông trong bức ảnh đó — có phải là ông không?” một người khác hỏi ông Hồ, tay cầm một bản sao của bức ảnh mà ông Hồ đã đăng lên Twitter.
Chỉ một tiếng “phải” từ ông Hồ là những người đàn ông đó bắt đầu lục soát nhà của ông. Cậu con trai 7 tuổi của ông Hồ, không hiểu chuyện gì đang xảy ra, bắt đầu gào khóc.
Những người đàn ông, không nêu danh tính, đã còng tay và thẩm vấn ông Hồ suốt đêm trước khi giam giữ ông trong một trại tạm giam đã được chuyển đổi chức năng từ một khách sạn. Ở đó, ông liên tục nhận được những lời đe dọa và buộc phải ký vào hai văn bản thừa nhận tội danh “gây rối trật tự xã hội” và “gây gổ và kích động phá rối” — cả hai cáo buộc mơ hồ này thường được Bắc Kinh sử dụng để bịt miệng những người bất đồng chính kiến.
Ngay cả sau khi được tại ngoại, ông Hồ vẫn phải báo cáo các hoạt động của mình với công an địa phương. Công an cảnh báo ông rằng, nếu xảy ra một vụ tương tự như thế này nữa thì ông có thể bị buộc tội nghiêm trọng hơn đó là “lật đổ chính quyền nhà nước,” với hình phạt tối đa là chung thân.
Những ký ức bị cấm chỉ
Đúng một năm sau cuộc bố ráp đó, vào đêm trước ngày tưởng niệm sự kiện Lục Tứ, ông Hồ đã có mặt ở California để kể câu chuyện của mình. Hiện tại ông đang lưu vong khỏi đất nước do Cộng sản cai trị đó, nơi mà ông đã mất hết niềm tin.
Ông nói về nhiều đêm mất ngủ, về nỗi ám ảnh bởi những cơn ác mộng rằng công an sẽ trùm đầu và đưa ông đi trước mặt những đứa con đang kêu khóc. Ông đã phải uống thuốc ngủ để vượt qua những đêm đó.
Vỡ mộng với chế độ này và không thấy tương lai cho mình ở Trung Quốc, ông Hồ, cùng với vợ và hai con, bắt đầu một cuộc hành trình 50 ngày gian khổ để trốn sang Hoa Kỳ qua ngả châu Mỹ Latinh. Việc ông đào thoát khỏi Trung Quốc không khác gì những gì mà nhiều người biểu tình ở Thiên An Môn đã phải trải qua hơn 30 năm trước khi chính quyền bắt đầu truy lùng những người tham gia phong trào này.
Trên đường đi, ông Hồ và vợ từng lạc mất đứa con trai trong một thời gian ngắn khi băng qua những khu rừng nhiệt đới rậm rạp và ngồi giữa những cơn sóng bão trên một chiếc thuyền cao tốc thiếu các thiết bị bảo vệ cơ bản.
Ông cảm thấy vô cùng may mắn vì đã vượt qua được mặc dù gặp phải nhiều nguy hiểm. Ông cho biết rằng khi ngày tưởng niệm này đến gần, chính quyền Trung Quốc đã sách nhiễu, đe dọa, hoặc giam giữ một số nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng trong nước để bảo đảm không có điều gì xảy ra trong dịp tưởng niệm này.
“Đảng Cộng sản luôn muốn xóa bỏ phần lịch sử này để có thể tiếp tục lừa dối người dân. Đó là lý do tại sao việc ghi nhớ sự kiện đó càng quan trọng hơn,” ông Hồ nói với The Epoch Times.
Các nhà phân tích nhận thấy vụ thảm sát Thiên An Môn vẫn là một trong những chủ đề bị kiểm duyệt nhiều nhất ở Trung Quốc, cùng với các chủ đề cấp bách khác như cuộc đàn áp môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công. Theo một báo cáo của Citizen Lab, ngay từ đầu năm 2018, WeChat, một trong những ứng dụng truyền thông xã hội được sử dụng rộng rãi nhất ở Trung Quốc, đã có các thuật toán để lọc các hình ảnh có chứa những từ ngữ trong danh sách đen hoặc những từ trông giống với những gì mà chế độ này cấm.
“Quý vị không thể nhìn thấy bất cứ điều gì ở Hoa lục, không một lời nào về vụ việc này,” ông Hồ nói.
Một tinh thần bất khuất vĩnh cửu
Tuy nhiên, nếu chế độ này muốn khiến mọi người quên đi, thì có những cộng đồng ngoài kia xác định rằng họ sẽ không thể đạt được điều đó.
Hôm 02/06, Triển lãm Tưởng niệm Sự kiện Lục Tứ đã khai mạc tại Thành phố New York.
Nằm trong một không gian văn phòng chật chội trên Đại lộ số Sáu ở Manhattan, đây là triển lãm thường trực duy nhất trên thế giới dành riêng cho các cuộc biểu tình ở Thiên An Môn sau khi một bảo tàng tương tự ở Hồng Kông bị đóng cửa dưới áp lực của chính quyền. Địa chỉ của địa điểm này, 894 Đại lộ số Sáu, trùng với ngày xảy ra sự kiện này.
“Đó là một biểu tượng của sự bất khuất,” ông Dư Đại Vệ (David Yu), giám đốc điều hành của cuộc triển lãm cho biết, đồng thời nói thêm rằng ông hy vọng địa điểm tổ chức này có thể giúp người dân trong nước phân biệt Trung Quốc với chế độ cộng sản cầm quyền.
“Nhiều người Mỹ sẽ ngay lập tức liên tưởng người Trung Quốc với Đảng Cộng sản,” ông nói với The Epoch Times. “Tuy nhiên, khi có cuộc Triển lãm Tưởng niệm Sự kiện Lục Tứ ở đây, họ có thể hỏi về điều đó và nhận ra rằng điều đó là không đúng. Đây là những người Trung Quốc, nhưng họ phản đối chủ nghĩa toàn trị cộng sản. Họ là những người tranh đấu cho tự do.”
Triển lãm trưng bày nhiều hiện vật được lưu giữ từ thời đó, bao gồm các bức ảnh, chiếc áo sơ mi vấy máu của một phóng viên Trung Quốc bị cảnh sát vũ trang đánh đập khi cố gắng đưa tin về cuộc đàn áp này, và một chiếc lều được quyên góp từ Hồng Kông là nơi ở của các sinh viên ủng hộ dân chủ sống những ngày cuối cùng của họ trên Quảng trường Thiên An Môn.
Ông Dư cho biết các biểu ngữ màu đen với các khẩu hiệu phổ biến trong các cuộc biểu tình rầm rộ ở Hồng Kông năm 2019 chống lại sự xâm lấn của Bắc Kinh, cùng với các video và bích chương từ phong trào này, được trưng bày trong một căn phòng đặc biệt để thể hiện “những lý tưởng chung” của người dân Hoa lục và Hồng Kông.
Năm 1989, khi ông Dư đang giảng dạy tại Đại học Dartmouth trong khi đang theo học tiến sĩ kinh tế tại Đại học Princeton thì xe tăng tấn công Quảng trường Thiên An Môn. Trong nhiều năm sau đó, ông đã tham gia vào công việc ủng hộ dân chủ, thậm chí trì hoãn việc hoàn thành luận án tiến sĩ trong hơn một thập niên.
“Tôi nghĩ mình là một người khá kiên trì,” ông nói khi ngẫm nghĩ về công việc vận động ủng hộ của mình trong ba thập niên qua. “Một khi tôi đã quyết định điều gì đó cần phải làm, tôi sẽ tiếp tục mà không có nhiều thay đổi.”
Ông Hồ, dù không thể có mặt ở đó để dự lễ khai mạc triển lãm, nhưng ông nói rằng ông chắc chắn sẽ ghé thăm khi có dịp.