Lực lượng cảnh sát chống khủng bố của Anh đang xem xét các tiền đồn cảnh sát Trung Quốc ở London
Hôm thứ Tư (02/11), Sở Cảnh sát Đô thành London (Metropolitan Police, hay MET Police) xác nhận rằng các sĩ quan thuộc lực lượng cảnh sát chống khủng bố đang xem xét một báo cáo tiết lộ các tiền đồn không chính thức của cảnh sát Trung Quốc ở thành phố này.
Các chuyên gia nói với The Epoch Times rằng cơ quan chuyên môn này có liên quan vì họ chịu trách nhiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến an ninh quốc gia và hoạt động chặt chẽ với các cơ quan an ninh của Vương quốc Anh, đặc biệt là MI5 (cơ quan tình báo, phản gián và bảo đảm an ninh của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland).
Trong một bức thư điện tử gửi tới The Epoch Times hôm thứ Tư, phát ngôn viên của Sở Cảnh sát Đô thành London cho biết: “Chúng tôi có nghe nói về một báo cáo gần đây của một tổ chức phi chính phủ cáo buộc sự hiện diện của các ‘đồn cảnh sát hải ngoại’ của Trung Quốc ở nhiều quốc gia khác nhau, trong đó ở London có hai đồn. Các sĩ quan từ Bộ Chỉ huy Chống Khủng bố của chúng tôi đang đánh giá vấn đề này để xác định xem liệu có bất kỳ hoạt động bất hợp pháp tiềm ẩn nào đòi hỏi phải điều tra sâu hơn hay không.”
Hành động này xảy ra sau khi Cảnh sát Đô thành Anh cho biết các sĩ quan của họ đang xem xét vấn đề này “cùng với các đối tác địa phương và quốc gia” liên quan đến một đồn cảnh sát như vậy ở Glasgow.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Tom Tugendhat cũng nói với các nghị viên hôm thứ Ba (01/11) rằng cả cảnh sát và chính phủ đều đang đánh giá báo cáo này.
Chính phủ Ireland và Hà Lan đã ra lệnh đóng cửa các đồn này. Nhà chức trách Trung Quốc phủ nhận các đồn cảnh sát ở hai quốc gia này là đồn cảnh sát, nói rằng những địa điểm này được thành lập nhằm mục đích giúp công dân Trung Quốc gia hạn giấy tờ.
Đồn cảnh sát
Báo cáo của tổ chức phi chính phủ do Safeguard Defenders công bố hôm 13/09 đã tiết lộ hàng chục “đồn” cảnh sát Trung Quốc ở hải ngoại trên khắp thế giới, bao gồm hai đồn ở London và một đồn ở Glasgow.
Số điện thoại của đồn cảnh sát ở Glasgow trùng với địa chỉ của một nhà hàng Trung Quốc trong khi hai đồn cảnh sát ở London lại có cùng địa chỉ với địa điểm giao đồ ăn Croydon và đại lý bất động sản Hendon.
Các “đồn cảnh sát” không chính thức này được thiết lập nhằm mục đích hỗ trợ Hoa kiều ở hải ngoại gia hạn giấy phép lái xe và tố giác hành vi tội phạm của người Hoa như lừa đảo ở cả trong lẫn ngoài Trung Quốc.
Safeguard Defenders cho biết chương trình thí điểm này do một sở cảnh sát khu vực của Trung Quốc điều hành, được thiết lập sau khi khởi động “một chiến dịch lớn trên toàn quốc nhằm chống lại vấn nạn gian lận viễn thông và gian lận ngày càng tăng của công dân Trung Quốc sống ở hải ngoại” vào năm 2018.
Các nhà chức trách của nhà cầm quyền cộng sản tuyên bố rằng, trong khoảng thời gian từ tháng 04/2021 đến tháng 07/2022, có 230,000 công dân Trung Quốc đã được “thuyết phục trở về nước” để đối mặt với các thủ tục tố tụng hình sự ở Trung Quốc.
Tổ chức Safeguard defenders đã nhấn mạnh một trường hợp trong đó một cá nhân được cho là “bị thuyết phục” trở về Trung Quốc từ Madrid. Một người thân ở Trung Quốc đã có mặt trong cuộc họp video “thuyết phục” nghi phạm, người đang bị truy nã vì đã đầu tư vào một nhà máy được cho là đã vi phạm các quy định về môi trường.
Không rõ liệu các đồn cảnh sát ở Anh có tham gia vào việc gây sức ép buộc những người bị cáo buộc là tội phạm trở về Trung Quốc hay đe dọa những người bất đồng chính kiến hay không.
MI5 có khả năng dẫn đầu cuộc điều tra
Ông David Lowe, cựu sĩ quan cảnh sát kiêm nghiên cứu viên cao cấp tại Trường Luật của Leeds Beckett chuyên về chống khủng bố, an ninh, trị an, và luật hình sự, nói với The Epoch Times rằng lý do mà Bộ Chỉ huy Chống Khủng bố (CTC) tham gia vào quá trình điều tra các tiền đồn không chính thức của cảnh sát Trung Quốc không “phải là để chống khủng bố,” mà bởi vì bộ phận cảnh sát này chịu trách nhiệm khi “có một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia,” bao gồm cả các mối đe dọa đối với sự an toàn của công dân Vương quốc Anh cũng như công dân ngoại quốc đang cư trú tại nước này.
Ông cũng cho biết CTC là cơ quan phù hợp để giải quyết vụ việc này nhờ mối liên hệ của họ với MI5.
Ông nói: “Khi cơ quan an ninh sẽ điều tra các báo cáo hoặc thông tin tình báo đến với họ, thì sau đó họ sẽ phải xem xét đến việc thu thập bằng chứng để bắt giữ, v.v. đó chính là lúc các bộ phận chống khủng bố của [lực lượng cảnh sát] hành động.”
Chuyên gia an ninh và chống khủng bố Will Geddes nói với The Epoch Times rằng rất có thể các cơ quan an ninh, trong trường hợp này là MI5, đang dẫn đầu cuộc điều tra vì họ chịu trách nhiệm xác định xem “người nào đang thực sự làm việc cho cơ quan an ninh nhà nước từ Trung Quốc vốn chưa được công bố.”
Ông nói, mặt khác, CTC sẽ có khả năng hỗ trợ MI5 trong “các hoạt động giám sát, hoạt động thu thập thông tin tình báo,” v.v.
Khi được hỏi những tội phạm tiềm ẩn mà cảnh sát có thể đang tìm kiếm là gì, ông Lowe nói rằng các quốc gia nơi có những tiền đồn không chính thức này sẽ cần phải tìm hiểu xem liệu các đặc vụ đó có “bắt cóc công dân vào những cơ sở này và sau đó họ biến mất” hay không, bởi vì “có một mối quan tâm đó là: Đây có phải là một cách khác để bắt những người bất đồng chính kiến Trung Quốc không?”
Ông nói rằng chúng ta đang ở trong một “tình huống bất thường” bởi vì mặc dù Bắc Kinh nói rằng các tiền đồn này là trung tâm phục vụ thủ tục hành chính, nhưng nếu theo chuẩn tắc quốc tế thì các nhiệm vụ hành chính này sẽ do phía đại sứ quán và lãnh sự quán thực hiện.
“Và nghi vấn lớn ở đây là: Tại sao các vị muốn [thiết lập] những cơ sở này? Tôi nghĩ đó là mối lo ngại lớn nhất,” ông hoài nghi, và nói thêm, “chắc chắn là có hoạt động bất chính nào đó đang diễn ra.”
Ông Geddes đoán là các hoạt động không chính thức như thế này có khả năng bị bắt theo luật gián điệp ngoại quốc vì bất kể mẩu thông tin nào được thu thập về các tội phạm bị cáo buộc hay những người bất đồng chính kiến, đó chắc chắn là “một hoạt động thu thập thông tin tình báo.”
Khi được hỏi liệu việc thuyết phục các cá nhân quay trở lại Trung Quốc bằng cách đe dọa thân nhân ở Trung Quốc có vi phạm luật pháp của Anh hay không, ông Lowe cho biết những trường hợp đó sẽ không rõ ràng.
“Chắc chắn có rất nhiều sự đe dọa ở đây,” và cảnh sát sẽ cần phải xem xét “những mối đe dọa khác mà chính phủ đang thực hiện đối với cá nhân đó,” ông Lowe cho biết và nói thêm, “đây là một mối lo ngại lớn.”
Sau đó, ông nói thêm rằng cảnh sát Anh cũng sẽ gặp khó khăn khi phỏng vấn nghi phạm/nhân chứng và thu thập bằng chứng vì “thông tin sẽ không đến như những gì quý vị sẽ nhận được trong hầu hết các cuộc điều tra thông thường.”
Đồn cảnh sát trực tuyến
Một số quốc gia đã tiến hành điều tra cái gọi là đồn cảnh sát “110 ở Hải ngoại”, được đặt tên theo số điện thoại khẩn cấp của cảnh sát Trung Quốc.
Cho đến nay, chính phủ Ireland và Hà Lan đã ra lệnh cho các đại sứ Trung Quốc đóng cửa các đồn cảnh sát này.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Dublin đã không phúc đáp đề nghị bình luận trước đó của The Epoch Times, nhưng theo The Irish Times, đại sứ quán cho biết trong một tuyên bố rằng đồn cảnh sát đó đã được thành lập trong đại dịch COVID-19 để cung cấp dịch vụ gia hạn giấy phép lái xe và rằng dịch vụ này đã chuyển sang trực tuyến.
Trang web trực tuyến của 110 ở Hải ngoại, được biết đã ra mắt hồi tháng Sáu, cung cấp quyền truy cập để gia hạn giấy tờ cũng như tố giác tội phạm bị cáo buộc qua điện thoại, thư điện tử, và ứng dụng truyền thông xã hội WeChat của Trung Quốc.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times