Vương quốc Anh cấm lắp mới camera an ninh Trung Quốc trong các khu vực nhạy cảm của chính phủ
Hôm thứ Năm (24/11), một bộ trưởng Nội các cho biết các cơ quan chính phủ của Vương quốc Anh đã được yêu cầu ngừng lắp đặt camera giám sát do các công ty Trung Quốc sản xuất và được khuyên nên thay thế những camera hiện có.
Trong một tuyên bố bằng văn bản trước Nghị viện, Tướng quốc Lãnh địa Công tước Lancaster Oliver Dowden, người giám sát các chính sách của Văn phòng Nội các, cho biết quyết định này được đưa ra “do mối đe dọa đối với Vương quốc Anh cũng như khả năng kết nối ngày càng tăng của các hệ thống này.”
Sự việc xảy ra sau khi Ủy viên về Sinh trắc học và Camera giám sát Fraser Sampson cảnh báo chính phủ không nên sử dụng camera do các công ty Trung Quốc Hikvision và Dahua sản xuất.
Ông Dowden nói về một đánh giá của Nhóm An ninh Chính phủ đã kết luận rằng cần có các biện pháp kiểm soát bổ sung đối với việc lắp đặt các hệ thống giám sát hình ảnh trong khuôn viên của chính phủ.
“Do đó, các cơ quan đã được chỉ thị ngừng khai triển các thiết bị như vậy trên các địa điểm nhạy cảm, khi các thiết bị này được sản xuất bởi các công ty tuân theo Luật Tình báo Quốc gia của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,” tuyên bố này viết.
Trên thực tế, quyết định này cấm các thiết bị giám sát từ bất kỳ nhà sản xuất nào của Trung Quốc vì Luật Tình báo Quốc gia yêu cầu tất cả các tổ chức và công dân phải “ủng hộ, hỗ trợ, và hợp tác với các nỗ lực tình báo quốc gia” [của chính quyền Trung Quốc].
Ông Dowden cho biết lệnh cấm này là để “ngăn chặn bất kỳ rủi ro bảo mật nào trở thành hiện thực” bởi vì việc cân nhắc bảo mật “luôn là điều tối quan trọng đối với các địa điểm này.”
“Ngoài ra, các cơ quan đã được khuyến cáo rằng không nên kết nối các thiết bị như vậy với mạng lõi của cơ quan và họ nên xem xét liệu họ có nên loại bỏ và thay thế các thiết bị đó ở những nơi chúng được khai triển tại các địa điểm nhạy cảm hay không, thay vì chờ đợi bất kỳ nâng cấp theo lịch trình nào,” ông nói thêm.
Ông Dowden cho biết các cơ quan cũng đã được khuyến cáo xem xét làm điều tương tự tại các địa điểm không nhạy cảm và chính phủ sẽ “thực hiện các bước tiếp theo nếu và khi các bước đó trở nên cần thiết.”
Hikvision và Dahua
Hồi tháng Tư, ông Sampson đã viết thư cho các bộ trưởng chính phủ sau khi The Telegraph đưa tin rằng Bộ trưởng Y tế đương thời Sajid Javid đã cấm cơ quan của mình mua camera an ninh Hikvision vì “những lo ngại về đạo đức,” nói rằng quyết định này “phải được áp dụng như nhau trên tất cả các cơ quan chính phủ, các cơ quan hành chính có thẩm quyền, và chính phủ địa phương.”
Hồi tháng Sáu, ủy viên này đã cảnh báo chính phủ một lần nữa sau khi nhóm tự do dân sự Big Brother Watch công bố báo cáo cho biết 60% cơ quan công quyền trả lời cuộc khảo sát của họ nói rằng họ đang sử dụng camera của hãng Hikvision và hãng Dahua, hai trong số các nhà sản xuất camera giám sát hàng đầu thế giới đều do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát.
Cả hai công ty trên đều đã bị Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen vì gây ra một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ.
Trong một báo cáo tạm thời được công bố hồi đầu tháng Mười Một, ông Sampson cho biết ít nhất 11 lực lượng cảnh sát Anh đang sử dụng camera Hikvision trong khi 26 lực lượng đang sử dụng phi cơ không người lái của DJI, một công ty Trung Quốc đã bị Ngũ Giác Đài đưa vào danh sách đen hồi tháng Mười vì là một trong những “công ty quân sự.”
Theo ông Conor Healy, giám đốc nghiên cứu chính phủ tại nhóm nghiên cứu ngành công nghiệp giám sát và an ninh IPVM, có những rủi ro “đáng kể” khi sử dụng camera do Hikvision và Dahua sản xuất, cả hai loại thiết bị đều có cửa hậu và lỗ hổng bảo mật có thể được sử dụng để truy cập các bản ghi, lưu trữ, và cài đặt, và xâm nhập vào các mạng an toàn được kết nối.
Cả hai công ty trên cũng được biết đến là nơi cung cấp thiết bị giám sát đã được sử dụng để nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở vùng Tân Cương của Trung Quốc.
Các công ty trước đây đã phủ nhận việc đồng lõa trong các vụ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương mà một số cơ quan lập pháp gọi là “diệt chủng,” nhưng ông Healy đã nói với The Epoch Times hồi đầu tháng Mười Một rằng mặc dù các nhà cung cấp khác có thể tranh luận rằng họ không biết sản phẩm của họ đang được sử dụng như thế nào, nhưng “không hề quá lời khi nói rằng bản thân Hikvision và Dahua chịu trách nhiệm trực tiếp về quy mô lớn phi thường của những gì đã xảy ra ở Tân Cương.”
Trích dẫn lời khai của một cựu tù nhân trong trại tập trung, ông Healy cho biết lính canh trại có thể giám sát “toàn bộ tầng trong các trại tập trung này bằng cách sử dụng công nghệ Hikvision tinh vi được xây dựng riêng cho những nơi đó.”
Cả hai công ty đều không phúc đáp yêu cầu bình luận của The Epoch Times tại thời điểm đó.
Hồi tháng Ba, đáp lại một yêu cầu tự do thông tin, chính phủ Scotland đã tiết lộ rằng họ có “một số mặt hàng kế thừa do Hikvision sản xuất đang được loại bỏ dần như một phần của chương trình cải tiến bảo mật đang diễn ra.”
Khi được hỏi liệu điều này có bao gồm bất kỳ thiết bị nào do Dahua hoặc các nhà sản xuất Trung Quốc khác sản xuất hay không, một phát ngôn viên của chính phủ Scotland đã nói với The Epoch Times trong một thư điện tử hôm thứ Hai (21/11) rằng, “Tất cả các dụng cụ và thiết bị CCTV hiện có, bao gồm cả Hikvision và các sản phẩm của các công ty khác, đang được thay thế bằng một hệ thống tích hợp mới để cải thiện và bảo đảm an ninh cho khuôn viên của Chính phủ Scotland trong tương lai.”
Cũng đang có một xu hướng quay lưng lại với Hikvison trong ngành bảo mật.
Theo báo The Times of London, ông Paul Connelly, giám đốc điều hành của Connelly Security Systems, một trong những nhà cung cấp thiết bị báo động và camera giám sát lớn nhất ở Scotland, đã viết cho các khách hàng của mình hồi tuần trước, nói rằng công ty sẽ cung cấp các sản phẩm đắt tiền hơn nhưng “có nguồn gốc đạo đức” vào năm sau vì “những lời bao biện của Hikvision xuất phát từ Trung Quốc không thể gột rửa được.”
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times