Ngũ Giác Đài: Khí cầu do thám của Trung Quốc có năng lực điều hướng, sẽ ở lại Hoa Kỳ trong ‘vài ngày’
Hôm thứ Sáu (03/02), một quan chức cao cấp của Ngũ Giác Đài nói với các phóng viên rằng khinh khí cầu do thám đang lơ lửng trên không phận Hoa Kỳ của Trung Quốc có thể điều động được và hiện đang ở miền trung Hoa Kỳ.
Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng, Chuẩn tướng Pat Ryder, khinh khí cầu này đã bay lơ lửng trên bầu trời tiểu bang Montana, nơi đặt các hầm chứa hạt nhân, và có “trọng tải lớn bên dưới bộ phận giám sát” của khí cầu.
Ông Ryder cho biết khinh khí cầu hiện đang hướng về phía đông ở độ cao khoảng 60,000 feet (18,288 m), đồng thời cho biết thêm rằng ông cũng cho là khí cầu này sẽ tiếp tục hiện diện ở Hoa Kỳ trong vài ngày tới.
Ông không cung cấp vị trí cụ thể của khinh khí cầu, nói rằng vị trí đang thay đổi theo từng giờ.
“Chúng tôi biết khinh khí cầu này đã vi phạm không phận Hoa Kỳ và luật pháp quốc tế, vốn là điều không thể chấp nhận được,” ông Ryder nói trong một cuộc họp báo. “Chúng tôi đã truyền đạt trực tiếp điều này đến CHND Trung Hoa ở nhiều cấp độ, và về các địa điểm cụ thể, tôi sẽ không thể đi sâu vào các địa điểm cụ thể ngoài việc nói rằng nó đang di chuyển về phía đông vào thời điểm này,” ông nói, sử dụng tên viết tắt của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Ông cho biết khinh khí cầu “có thể điều khiển được” và “đã thay đổi hướng đi, đó là lý do tại sao chúng tôi đang theo dõi nó,” nhưng đã từ chối cho biết chi tiết về thời điểm của việc chuyển hướng hoặc cách thức mà Ngũ Giác Đài đang theo dõi khinh khí cầu này khi bị các phóng viên hỏi.
“Chúng tôi biết đây là khinh khí cầu của Trung Quốc và nó có khả năng cơ động,” ông Ryder nói. “Chúng tôi đánh giá khinh khí cầu này không gây ra mối đe dọa quân sự hay vật chất nào đối với những người trên mặt đất. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và cân nhắc các lựa chọn.”
Theo báo cáo, khinh khí cầu này bay từ Trung Quốc, sau đó đến Quần đảo Aleutian của Alaska, rồi qua phía tây bắc Canada trước khi đến một nơi nào đó ở Montana vào thứ Tư (01/02).
Theo ông Ryder, khinh khí cầu này có một thiết bị giám sát bên dưới “đủ lớn để lo ngại nếu có một trường mảnh vỡ.” Ông cho biết bộ phận của ông đang theo dõi “chặt chẽ” khinh khí cầu này và xem xét các lựa chọn.
Ngũ Giác Đài trước đó cho biết họ đã cân nhắc bắn hạ khinh khí cầu này nhưng cuối cùng đã quyết định bác bỏ ý tưởng đó do nguy cơ tiềm ẩn đối với người dân trên mặt đất do mảnh vỡ gây ra.
Ông Ryder từ chối cho biết liệu một hành động như thế có còn đang được xem xét hay không, khẳng định rằng đây là thông tin mật.
Một quan chức quốc phòng cũng cho biết Ngũ Giác Đài cảm thấy khinh khí cầu có giá trị “hạn chế” về mặt cung cấp những thông tin tình báo không thể thu được thông qua các công nghệ khác, chẳng hạn như vệ tinh do thám. Ngũ Giác Đài cũng đã đưa ra các biện pháp giảm thiểu không xác định, vị quan chức này cho biết.
Hiện vẫn chưa rõ khinh khí cầu này đã thu thập được bao nhiêu hoặc đạt được những thông tin nhạy cảm nào. Hôm thứ Sáu (03/01), chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng thiết bị này là một khinh khí cầu dân sự đang nghiên cứu khí tượng đã “đi lệch hướng so với kế hoạch dự kiến” do các lực ngoài tầm kiểm soát của họ.
Ông Ryder cho biết: “Sau khi phát hiện ra khinh khí cầu này, chúng tôi đã hành động ngay lập tức để bảo vệ chống lại thu thập thông tin nhạy cảm.”
Sáng hôm thứ Sáu, Hoa Thịnh Đốn đã hoãn chuyến công du dự kiến tới Bắc Kinh của Ngoại trưởng Antony Blinken để phản ứng với việc phát hiện ra khinh khí cầu này. Tại cuộc họp báo sáng hôm thứ Sáu, Tổng thống Joe Biden đã tập trung vào nền kinh tế Hoa Kỳ và phớt lờ một câu hỏi về việc hoãn chuyến công du này.
“Sự hiện diện của khinh khí cầu này trong không phận của chúng ta rõ ràng là vi phạm chủ quyền của chúng ta cũng như luật pháp quốc tế, và việc điều này xảy ra là không thể chấp nhận được,” một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với các phóng viên.
Về phần ông Ryder, khi được hỏi về tuyên bố của Bắc Kinh, ông đã nhắc lại quan điểm tương tự.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times