Luật sư: Lệnh bịt miệng đang nhắm vào hành động của người khác, chứ không phải là ông Trump
Các luật sư viết rằng việc kiểm duyệt như vậy đối với một ứng cử viên chính trị là một hành động theo ‘quyền phủ quyết của người chất vấn.’
Các luật sư của cựu Tổng thống (TT) Donald Trump lập luận rằng lệnh bịt miệng do thẩm phán liên bang ở Hoa Thịnh Đốn ban hành là không “hẹp” và cũng không “phù hợp,” lập luận rằng lệnh này đang viện dẫn lý do về những hành động của người khác hơn là bất kỳ tổn hại nào mà bản thân cựu tổng thống có thể gây ra.
Hôm thứ Bảy (28/10), bản tóm tắt đã được đệ trình để đáp lại sự phản đối của Bộ Tư pháp đối với việc tạm thời dỡ bỏ lệnh bịt miệng trong khi cựu TT Trump kháng cáo lệnh này.
Hồ sơ mới cho biết, “Lệnh này sử dụng các nhóm từ không xác định, mơ hồ như ‘mục tiêu’ mà có thể lập luận là về cơ bản (và một cách vi hiến) bao hàm tất cả các tuyên bố liên quan đến vụ án này, bất kể vô hại đến mức nào, trừ phi những tuyên bố đó nằm trong ba khu vực an toàn hẹp (và không kém phần mơ hồ).”
Biện lý Đặc biệt Jack Smith đang khởi tố một vụ án chống lại cựu tổng thống, cáo buộc ông tìm cách can thiệp bất hợp pháp vào cuộc bầu cử năm 2020 qua các phương thức “không trung thực” và “lừa dối.”
Văn phòng biện lý đặc biệt này đã đề nghị lệnh bịt miệng nhằm hạn chế những nhận xét “kích động,” bao gồm cả tuyên bố của cựu TT Trump rằng cuộc truy tố có động cơ chính trị, mang tính đảng phái, và được thực hiện theo lệnh của TT Joe Biden. Họ cho rằng điều đó là cần thiết vì cựu TT Trump có khả năng gây ảnh hưởng đến công chúng, và do đó là gây ảnh hưởng đến các bồi thẩm đoàn tiềm năng, để có lợi cho ông.
Sau một phiên điều trần, Thẩm phán Tanya Chutkan thực sự đã ban hành lệnh bịt miệng, nhưng các luật sư của cựu TT Trump hiện đang cho rằng lối lập luận của thẩm phán đã được chứng minh là vi hiến trong các phán quyết của Tối cao Pháp viện.
Họ lập luận: “Tối cao Pháp viện đã hết lần này đến lần khác tuyên bố rằng một người không thể bị cấm nói vì những hành động tự phát của người khác,” họ lập luận và nói thêm rằng lời nói chỉ bị cấm khi lời nói đó được “nhắm đến mục đích” để tạo ra hoạt động tội phạm.
“Ngay cả khi một người nghe ‘có thể phản ứng một cách hỗn loạn hoặc bạo lực’ trước những phát ngôn của người nói, thì Tối cao Pháp viện vẫn đã liên tục bác bỏ những nỗ lực kiểm duyệt của chính phủ.”
Các luật sư viết rằng việc kiểm duyệt như vậy đối với một ứng cử viên chính trị đã tạo ra hành động theo “quyền phủ quyết của người chất vấn.” Đây là một quan điểm pháp lý gây tranh cãi được các quan chức chấp pháp áp dụng dựa trên quyền hạn chế tự do ngôn luận khi mà một phát ngôn như vậy có thể tạo ra hỗn loạn hoặc kích động bạo lực.
Họ lưu ý thêm rằng các công tố viên tiết lộ trong thư trả lời rằng họ không đề nghị một lệnh bịt miệng vì e sợ bạo lực mà là vì “mô hình rõ ràng trong đó một bộ phận khán giả đồng ý với mong muốn ngầm của bị cáo.”
Họ nói thêm: “Phát ngôn của cựu Tổng thống Trump không tạo thành sự kích động, và bên công tố cũng chưa bao giờ tranh cãi rằng điều đó tạo ra sự kích động.”
Lời hồi đáp mới kể trên cũng nhắc lại lập luận rằng không có bằng chứng nào cho thấy cựu TT Trump đe dọa các nhân chứng.
“Suy đoán của cơ quan công tố rằng một số người có thể cảm thấy bị sách nhiễu hoặc bị đe dọa hầu như không phải là một lý do hợp hiến để biện minh cho việc hạn chế quyền tự do ngôn luận,” hồ sơ viết. “Nếu không có ‘mối nguy hiểm rõ ràng và có thực’ có thể được chứng minh, … hoặc thậm chí là ‘có thể gây tổn hại đáng kể về vật chất’ thì Lệnh Bịt Miệng sẽ không được giữ nguyên trong lúc kháng cáo.”
Thanh Nguyên lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times