Lo ngại gia tăng về việc Trung Quốc gần như độc quyền trong ngành công nghiệp tang lễ ở Tokyo
Nhật Bản đã trở thành một thị trường thích hợp cho các doanh nghiệp Trung Quốc muốn mở rộng thông qua các vụ mua lại tại đây. Bên cạnh việc mua lại cửa hàng thiết bị gia dụng lâu đời nhất Laox và biến nó thành cửa hàng miễn thuế phổ biến dành cho du khách, các nhà đầu tư Trung Quốc đã tranh thủ mua lại các khách sạn đang gặp khó khăn trong đại dịch và gần đây đã gần như độc quyền ngành dịch vụ chăm sóc người tử vong tại Tokyo. Việc này khiến cho các giám đốc điều hành nhà tang lễ chẳng hạn như ông Minoru Osugi nghi ngờ Trung Quốc có thể sử dụng mô hình kinh doanh này để mở rộng ảnh hưởng của ĐCSTQ.
Các lò hỏa táng ở Nhật Bản là các cơ sở công do chính quyền địa phương điều hành. Nhưng ở Tokyo, chính quyền địa phương chỉ vận hành hai trong tổng số chín lò hỏa táng. Các thực thể tư nhân sở hữu bảy lò còn lại. Trong số đó, Công ty TNHH Tokyohakuzen sở hữu sáu lò, chiếm 70% hoạt động kinh doanh tang lễ tại Tokyo.
Tạp chí tin tức hàng tuần của Nhật Bản “Shukan Shincho” đã đưa tin hôm 13/10 rằng Công ty Tokyohakuzen đã trở thành công ty do Trung Quốc sở hữu từ mùa hè này. Công ty này chịu trách nhiệm phần lớn hoạt động kinh doanh tang lễ tại 23 quận ở Tokyo. Thi hài của cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng được hỏa táng tại Nhà hỏa táng Kirigaya thuộc Tokyohakuzen.
Thông qua sự phát triển của các giao dịch cổ phiếu từ năm 2004 và các khoản đầu tư vốn tăng kết thúc vào tháng Một năm nay, Tokyohakuzen và công ty mẹ, Công ty TNHH Kosaido, thuộc quyền kiểm soát của doanh nhân Trung Quốc, ông La Di Văn (Luo Yiwen).
Ở Nhật Bản, mọi người thường liên hệ với nhà tang lễ để nhận dịch vụ hỏa táng. Ông Minoru Osugi, chủ tịch của một công ty tang lễ, cho biết rằng công ty Tokyohakuzen bán những bức phù điêu khắc hình tượng Phật và giới thiệu dịch vụ nhà sư tại các lò hỏa táng. Điều tệ nhất là công ty đó thậm chí đã mở một nhà tang lễ.
Ông Osugi cho biết người Trung Quốc đã phá vỡ hoàn toàn chi phí hỏa táng tiêu chuẩn của Tokyo, chi phí này hiện đang biến động hàng tháng và bao gồm một khoản phụ phí nhiên liệu mới do giá dầu thô tăng. Phí hỏa táng của công ty đó từng ở mức khoảng 394 USD và sau đó là 528 USD. Hồi tháng 10, mức chi phí này là khoảng 680 USD.
The Epoch Times đã liên lạc với Tokyohakuzen để đề nghị bình luận.
Người dân không hài lòng
Lợi nhuận áp đảo của ông La đối với công ty Tokyohakuzen đã cho phép Trung Quốc gần như độc chiếm ngành tang lễ tại Tokyo. Khi được The Epoch Times phỏng vấn, người dân Tokyo cho biết rằng họ không hài lòng với thực tế trên.
Một người dân, bà Fukuda, chỉ trích chính phủ Tokyo vì đã nhẫn tâm và vô trách nhiệm đối với những người nộp thuế của Nhật Bản. Bà tin rằng người Nhật Bản đáng lẽ nên chịu trách nhiệm quản lý các tổ chức tang lễ trang nghiêm của riêng mình, chứ không phải người Trung Quốc.
Ông Tanaka, một công chức, cho biết sự độc quyền gần như hoàn toàn của Tokyohakuzen là điều vô cùng đáng hổ thẹn. Điều này đã biến những gì lẽ ra là một lò hỏa táng công cộng thành một công ty kinh doanh và hơn thế nữa là tổ chức độc quyền nhóm, và chính quyền Tokyo phải chịu trách nhiệm cho tình trạng tại các lò hỏa táng.
Bà Hirayama, làm việc trong ngành thẩm mỹ ở Tokyo, lo ngại rằng trừ phi chính phủ Nhật Bản can thiệp, nếu không việc Trung Quốc tiếp tục mua lại có thể tạo ra sự độc quyền bổ sung có thể khiến nền kinh tế và nguồn lực của Nhật Bản rơi vào hỗn loạn.
Bà Hanata, một giáo viên đã về hưu, lưu ý rằng Nhật Bản đã là một xã hội già hóa, điều này có nghĩa là ngành công nghiệp tang lễ có thể sẽ phát triển đáng kể trong những năm tới. Việc chuyển đổi cơ sở hạ tầng công sang cho các nhà khai thác tư nhân ở Tokyo chắc chắn sẽ dẫn đến tình huống hiện tại.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times