Nhật Bản công bố kế hoạch xây dựng quân đội lớn nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến
TOKYO — Hôm thứ Sáu (16/12), Nhật Bản đã công bố kế hoạch xây dựng quân đội lớn nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến với tổng trị giá 320 tỷ USD. Gói này sẽ dùng để mua các hỏa tiễn có khả năng tấn công Trung Quốc và giúp Nhật Bản sẵn sàng cho xung đột kéo dài, trong bối cảnh căng thẳng khu vực cũng như cuộc xâm lược Ukraine của Nga gây ra các lo ngại về chiến tranh.
Kế hoạch năm năm sâu rộng này, từng là điều không tưởng đối với đất nước Nhật Bản theo chủ nghĩa hòa bình, sẽ biến nước này trở thành quốc gia chi tiêu quân sự đứng thứ ba thế giới sau Hoa Kỳ và Trung Quốc tính theo ngân sách hiện tại.
Thủ tướng Fumio Kishida, người đã miêu tả rằng Nhật Bản và người dân nước này là đang ở một “bước ngoặt trong lịch sử,” cho biết đợt tăng cường này là “câu trả lời của tôi cho những thách thức an ninh khác nhau mà chúng ta phải đối mặt.”
Chính phủ của ông lo ngại rằng Nga đã tạo ra một tiền lệ mà sẽ khuyến khích Trung Quốc tấn công Đài Loan, đe dọa các đảo lân cận của Nhật Bản, làm gián đoạn nguồn cung cấp vi mạch bán dẫn tân tiến và có khả năng tạo ra một vòng kiềm tỏa các tuyến đường biển cung cấp dầu từ Trung Đông.
Ông Yoji Koda, cựu đô đốc Lực lượng Tự vệ Hàng hải, người chỉ huy hạm đội Nhật Bản hồi năm 2008, cho biết, “Kế hoạch này đang đặt ra một hướng đi mới cho Nhật Bản. Nếu tiến hành một cách phù hợp, các Lực lượng Tự vệ sẽ là một lực lượng thực sự, hiệu quả mang tầm thế giới.”
Chính phủ Nhật Bản cho biết họ cũng sẽ dự trữ các linh kiện thay thế và các loại đạn dược khác, mở rộng năng lực vận chuyển và phát triển các năng lực chiến tranh mạng. Trong bản Hiến Pháp thời hậu chiến do Mỹ soạn thảo cho Nhật Bản, nước này đã từ bỏ quyền tiến hành chiến tranh và các phương tiện để làm như vậy.
Tài liệu chiến lược nói trên cho biết, “Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine là sự vi phạm nghiêm trọng các luật cấm sử dụng vũ lực và đã làm lung lay nền tảng trật tự quốc tế.”
“Thách thức chiến lược do Trung Quốc đặt ra là thách thức lớn nhất mà Nhật Bản từng phải đối mặt,” tài liệu này nói thêm, đồng thời lưu ý rằng Bắc Kinh không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để kiểm soát Đài Loan.
Một tài liệu chiến lược an ninh quốc gia riêng biệt khác nói về Trung Quốc, Nga, và Bắc Hàn, đã hứa hẹn hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ và các quốc gia cùng chung chí hướng khác để ngăn chặn các mối đe dọa đối với trật tự quốc tế đã được thiết lập.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản Rahm Emanuel cho biết trong một tuyên bố, “Thủ tướng đang đưa ra một tuyên bố chiến lược rõ ràng, phân minh về vai trò của Nhật Bản với tư cách là một quốc gia mang đến an ninh cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.” Ông cho biết thêm, “Ông ấy đã viết hoa chữ ‘D’ bên cạnh cụm từ chỉ sự răn đe của Nhật Bản.”
Hôm thứ Sáu, trong cuộc gặp với Chủ tịch Hiệp hội Trao đổi Nhật Bản-Đài Loan Mitsuo Ohashi tại Đài Bắc, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cho biết bà mong đợi hợp tác quốc phòng nhiều hơn với Nhật Bản.
Văn phòng tổng thống dẫn lời bà Thái nói, “Chúng tôi mong muốn Đài Loan và Nhật Bản tiếp tục tạo ra những thành tựu hợp tác mới trong nhiều lĩnh vực như quốc phòng cũng như an ninh, kinh tế, thương mại, và chuyển đổi công nghiệp.”
Theo một tuyên bố từ đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản, chính quyền cộng sản đã cáo buộc Nhật Bản đưa ra những tuyên bố sai sự thật về các hoạt động quân sự của Trung Quốc trong chiến lược an ninh mới này.
Bài học từ Ukraine
Ông Toshimichi Nagaiwa, một vị tướng đã về hưu của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản, cho biết: “Cuộc chiến Ukraine đã cho chúng ta thấy việc sở hữu khả năng chống trả trong một cuộc chiến là cần thiết như thế nào, và đó là điều mà Nhật Bản cho đến nay vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng.” Ông nói thêm: “Nhật Bản đang xuất phát muộn, giống như chúng tôi đang bị tụt lại phía sau 200 mét trong cuộc chạy nước rút 400 mét.
Kế hoạch của ông Kishida sẽ tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội trong vòng năm năm, vượt qua giới hạn chi tiêu 1% mà nước này tự áp đặt cho mình kể từ năm 1976.
Kế hoạch này sẽ tăng ngân sách của Bộ Quốc phòng lên khoảng 1/10 tổng chi tiêu công ở mức hiện tại và sẽ đưa Nhật Bản trở thành nước chi tiêu quân sự đứng thứ ba thế giới sau Hoa Kỳ và Trung Quốc, tính theo ngân sách hiện tại.
Hành động chi tiêu mạnh tay đó sẽ mang lại công ăn việc làm cho các nhà sản xuất thiết bị quân sự Nhật Bản như Mitsubishi Heavy Industries (MHI), công ty dự kiến sẽ dẫn đầu việc phát triển ba trong số các hỏa tiễn tầm xa sẽ là một phần của lực lượng hỏa tiễn mới của Nhật Bản.
Cùng với BAE Systems PLC và Leonardo SPA, MHI cũng sẽ chế tạo chiến đấu cơ phản lực thế hệ tiếp theo cho Nhật Bản, trong một dự án chung giữa Nhật Bản, Anh, và Ý được công bố hồi tuần trước (05-11/12).
Tokyo đã phân bổ 5.6 tỷ USD cho chương trình phòng thủ năm năm này.
Các công ty ngoại quốc cũng sẽ được hưởng lợi. Nhật Bản cho biết họ muốn các hỏa tiễn hành trình Tomahawk của Hoa Kỳ phóng từ tàu do Raytheon Technologies chế tạo trở thành một phần trong lực lượng răn đe mới của mình.
Các mặt hàng khác trong danh sách mua sắm quân sự của Nhật Bản trong năm năm tới bao gồm hỏa tiễn đánh chặn để phòng thủ hỏa tiễn đạn đạo, phi cơ tấn công và trinh sát cơ không người lái, thiết bị liên lạc vệ tinh, chiến đấu cơ tàng hình Lockheed Martin F-35, trực thăng, tàu ngầm, chiến hạm, và vận tải cơ hạng nặng.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times