Nhật Bản, Pháp hợp tác trước những thách thức ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Hôm thứ Hai (09/01), các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Pháp đã đạt được đồng thuận về việc tăng cường hợp tác an ninh song phương ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong bối cảnh nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc ngày càng đặt ra những thách thức về an ninh.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã gặp gỡ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris hôm thứ Hai (09/01) khi ông bắt đầu chuyến công du kéo dài một tuần tới các quốc gia G-7, bao gồm Ý, Anh, Canada, và Hoa Kỳ.
Trình bày tại một cuộc họp báo chung, ông Kishida đã gọi Pháp là “đối tác hàng đầu” trong nỗ lực đạt được một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, đồng thời bày tỏ ý định rằng Nhật Bản sẽ tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung với Pháp.
Theo AFP, ông Kishida nói: “Khi các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở Biển Hoa Đông và Biển Đông ngày càng gia tăng và môi trường an ninh ngày càng trở nên căng thẳng, chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với Pháp.”
Ông Kishida cho biết các quốc gia G-7 sẽ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga để gây áp lực lên Moscow nhằm chấm dứt cuộc xâm lược Ukraine, vốn đã và đang diễn ra kể từ tháng Hai năm ngoái.
PM Kishida: I express deep gratitude for warm welcome by President Macron. I will sincerely look forward to welcoming you at G7 Hiroshima Summit. Merci, Emmanuel! 🇯🇵🤝🇫🇷 (Jan. 10) @EmmanuelMacron pic.twitter.com/G85lXlKheo
— PM's Office of Japan (@JPN_PMO) January 10, 2023
Ông tuyên bố: “Đối mặt với cuộc xâm lăng của Nga, G-7 sẽ tập hợp lại nhằm tiếp tục và củng cố các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga đồng thời duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Ukraine.”
Về phía mình, ông Macron tái khẳng định sự ủng hộ của Pháp đối với Nhật Bản về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời thừa nhận rằng chương trình phát triển hạt nhân và hỏa tiễn bất hợp pháp của Bắc Hàn đặt ra mối đe dọa đối với an ninh trong khu vực.
Ông nói với các phóng viên, đề cập đến thủ đô của Bắc Hàn, “Nhật Bản có thể tin tưởng vào sự ủng hộ không ngừng của chúng tôi để đối mặt với việc Bình Nhưỡng vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế.”
Ông Macron đã cảm ơn Nhật Bản vì sự trợ giúp về kinh tế và nhân đạo cho Ukraine, đồng thời cho biết cả hai nước sẽ cùng hợp tác để đối mặt với những hậu quả toàn cầu từ cuộc xâm lược của Nga, đặc biệt là các vấn đề an ninh năng lượng và lương thực.
Cả hai nhà lãnh đạo cũng cam kết tăng cường hợp tác song phương, trong đó có những lĩnh vực về năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo, sản xuất xe hơi, và quốc phòng.
Ông Kishida sẽ tiến hành các buổi hội đàm với Tổng thống Joe Biden tại Hoa Thịnh Đốn vào ngày 13/01. Hai nhà lãnh đạo này dự kiến sẽ thảo luận về các vấn đề khu vực và toàn cầu, bao gồm các chương trình hỏa tiễn bất hợp pháp của Bắc Hàn, cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine, và những căng thẳng của Trung Quốc với Đài Loan.
Mối đe dọa của Trung Quốc
Hồi tháng Mười Hai, Nhật Bản đã thông qua ba văn kiện quốc phòng quan trọng, bao gồm Chiến lược An ninh Quốc gia, trong đó đề cập đến Trung Quốc là “thách thức lớn nhất” của Nhật Bản. Nhật Bản tìm cách đạt được năng lực phản công, một bước đi được nhiều người xem là khác biệt so với Hiến Pháp thời hậu chiến của quốc gia này.
Nhật Bản lo ngại về điểm yếu của mình trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng sự hiện diện quân sự của họ gần Đài Loan và Biển Hoa Đông. Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để kiểm soát Đài Loan.
Hôm 02/01, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết trong hai tuần qua, họ đã cho các chiến đấu cơ cất cánh, điều động phi cơ và chiến hạm nhằm theo dõi hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của ĐCSTQ và năm chiến hạm vốn đang tiến hành các cuộc diễn tập hải quân cũng như các hoạt động cất cánh và hạ cánh trên hàng không mẫu hạm này ở Thái Bình Dương.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press và Reuters
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times