Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng lên mức cao kỷ lục trước mối đe dọa từ Trung Quốc
Hôm thứ Sáu (23/12), Nội các Nhật Bản đã thông qua ngân sách cao kỷ lục với 114.5 ngàn tỷ Yên (khoảng 862 tỷ USD) cho năm tài khóa 2023, với một phần lớn dành cho chi tiêu phúc lợi và quốc phòng trong bối cảnh các thách thức an ninh khu vực gia tăng từ Trung Quốc.
Hãng thông tấn Kyodo News đưa tin, ngân sách này bao gồm 36.9 ngàn tỷ Yên (277.6 tỷ USD) cho an sinh xã hội và 6.8 ngàn tỷ Yên (51 tỷ USD) cho quốc phòng, tăng 26.3% so với 5.4 ngàn tỷ Yên (40.6 tỷ USD) trong ngân sách quốc phòng hiện tại.
Ngân sách quốc phòng này bao gồm các khoản chi cho việc cải tiến và sản xuất hàng loạt hỏa tiễn dẫn đường đất đối hạm của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất, vốn được cho là một thành phần chính trong các khả năng phản công của Nhật Bản.
Các mặt hàng khác trong danh sách ngân sách quốc phòng của Nhật Bản trong 5 năm tới bao gồm vũ khí lượn tốc độ cao, hỏa tiễn siêu thanh, phi cơ giám sát không người lái, và hỏa tiễn Tomahawk do Hoa Kỳ sản xuất.
Theo các bản tin địa phương, ngân sách này cũng tính đến các chi phí liên quan đến việc tổ chức các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ.
Việc tăng ngân sách này được đưa ra khi Thủ tướng Fumio Kishida cam kết tăng ngân sách quốc phòng lên 2% tổng sản phẩm quốc nội trong 5 năm tới để tăng cường khả năng phòng thủ của Nhật Bản.
Để tài trợ ngân sách quốc phòng Nhật Bản, chính phủ đã dự trù thực hiện tăng thuế doanh nghiệp, thuốc lá, và thuế thu nhập nhưng chưa quyết định khi nào biện pháp này sẽ có hiệu lực.
Doanh thu thuế ước tính đạt 69.4 ngàn tỷ Yên (522 tỷ USD). Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ phát hành 434.3 tỷ Yên (khoảng 3.3 tỷ USD) trái phiếu xây dựng để tài trợ ngân chi tiêu cho các cơ sở quân sự.
Cảnh giác với Trung Quốc
Nhật Bản tìm cách để sở hữu khả năng phản công khi đối phó với các thách thức an ninh khu vực từ Trung Quốc, Bắc Hàn, và Nga. Hồi tuần trước (12-18/12), chính phủ này đã phê chuẩn ba văn bản quốc phòng quan trọng, trong đó có Chiến lược An ninh Quốc gia đề cập Trung Quốc là “thách thức lớn nhất” của Nhật Bản.
Hành động này được nhiều người xem là một biến chuyển so với Hiến Pháp thời hậu chiến của Nhật Bản, trong đó quy định không tham gia chiến tranh hay sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Nhưng ông Kishida cho biết Nhật Bản sẽ duy trì chính sách chỉ tập trung vào phòng thủ, trong đó nêu rõ rằng lực lượng phòng thủ chỉ có thể được điều động trong trường hợp bị tấn công.
“Chúng tôi đã soạn thảo chi tiết về các khả năng phản công mà chúng tôi quyết định sở hữu, bao gồm định nghĩa của các khả năng này và các trường hợp có thể được sử dụng, trong Chiến lược An ninh Quốc gia này,” ông Kishida nói với các phóng viên hôm 16/12.
Nhật Bản lo ngại về nhược điểm của họ khi Trung Quốc mở rộng sự hiện diện quân sự gần Đài Loan và Biển Hoa Đông. Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để kiểm soát Đài Loan.
Các quốc gia khác, trong đó có Philippines, cũng lên tiếng lo ngại về các hoạt động quân sự của ĐCSTQ. Bộ Quốc phòng Philippines kêu gọi quân đội tăng cường hiện diện để ngăn chặn chính quyền ĐCSTQ xâm phạm lãnh thổ của họ ở Biển Đông đang tranh chấp mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền.
Hoa Kỳ và Úc kêu gọi Nhật Bản hợp tác
Hôm 06/12, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Llyod Austin cho biết Hoa Kỳ sẽ tăng cường sự hiện diện luân phiên của các lực lượng đặc nhiệm oanh tạc cơ, chiến đấu cơ, cũng như hải quân và lục quân của họ tại Úc, trong bối cảnh các mối đe dọa từ Trung Quốc.
“Hoa Kỳ và Úc có một tầm nhìn chung về một khu vực mà các quốc gia có thể tự quyết định tương lai của mình và họ có thể tìm kiếm an ninh, sự thịnh vượng không bị cưỡng bách – và thịnh vượng không bị cưỡng bách hay uy hiếp. Thật không may, ngày nay tầm nhìn đó đang bị thách thức,” ông Austin cho biết tại một hội nghị chung.
“China’s dangerous and coercive actions throughout the Indo-Pacific, including around Taiwan, and toward the Pacific Island countries and in the East and South China Seas threaten regional peace and stability,” he added.
Ông nói thêm, “Các hành động nguy hiểm và mang tính cưỡng bách của Trung Quốc trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm xung quanh Đài Loan, đối với các quốc đảo Thái Bình Dương và ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực.”
Ông Austin cho biết cả hai quốc gia này đã đồng ý “tăng cường hợp tác quốc phòng ba bên và mời Nhật Bản tham gia vào các sáng kiến bố trí lực lượng của chúng tôi tại Úc.”
Ông Richard Marles, Bộ trưởng Quốc phòng Úc, tuyên bố rằng vị thế phòng thủ được tăng cường của họ sẽ dẫn đến sự gia tăng hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực và họ cũng đang xem xét tăng cường hợp tác bố trí lực lượng để nâng cao năng lực của các cơ sở ở Úc.
“Điều thực sự quan trọng là chúng tôi đang làm điều này từ quan điểm mang lại sự cân bằng trong khu vực của chúng tôi và bao gồm các quốc gia khác trong khu vực của chúng tôi. Và chúng tôi mong muốn có thể tham gia nhiều hơn với Nhật Bản về mặt hợp tác bố trí lực lượng đó,” ông Marles nói.
Phương Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times