Chuyến du ngoạn Nhật Bản theo bước chân của thi sĩ Basho
Đi bộ chiêm ngưỡng phong cảnh đẹp, các bài học lịch sử và tìm hiểu sâu xa nền văn hóa địa phương
Leo 2.446 bậc thang đòi hỏi phải có một sức bền nhất định. Trên chặng đường tìm những hình vẽ Đức Phật được cho là khắc trên các bậc đá, tôi bắt đầu suy nghĩ về việc tại sao thi sĩ Basho (1644–1694), bậc thầy người Nhật về thơ haiku ở thế kỷ 17 đã thực hiện một chuyến đi bộ từ ngoại ô Tokyo đến đây. Tôi đã ở trên núi Haguro, một trong ba ngọn núi thiêng của Dewa ở miền bắc Nhật Bản.
Đây là một trong những điểm dừng trong tour đi bộ 10 ngày được Walk Japan, một công ty du lịch chuyên khám phá các vùng đất xa xôi của đất nước tổ chức, chủ yếu là đi bộ. Hướng dẫn viên của nhóm chúng tôi (gồm một người Mỹ, hai người Anh, một người Úc và một cặp vợ chồng người Phần Lan) là một anh chàng người Mỹ, đã dành hơn một thập kỷ sống ở Nhật Bản. Chúng tôi đã lần lại hành trình năm 1689 của Basho – chuyến đi cuối cùng trong đời ông – qua miền bắc vùng Honshu, hòn đảo lớn nhất ở Nhật Bản.
Lời kể của nhà thơ Basho về hành trình của ông trong bài thơ Haiku “Con đường hẹp đến phương Bắc xa xôi” đã hướng dẫn chúng tôi lần theo dấu vết ấy. Nhà thơ khởi hành từ túp lều của mình ở Edo (ngày nay là Tokyo), đi lên bờ biển phía đông của Honshu, sau đó đi dọc theo bờ biển phía tây và dừng chân ở Ogaki. Chúng tôi cũng đi theo một tuyến đường tương tự, nhưng kết thúc ở cố đô Kyoto của Nhật Bản.
Nhà thơ Basho đã chuẩn bị sẵn sàng để không bao giờ trở lại sau chuyến đi gian nan này. Tại sao ông lại muốn trải nghiệm những khó khăn như vậy?
Trước khi tôi lên đến đỉnh, cánh cổng trời torii màu cam cao chót vót đã ở trong tầm mắt, thì tôi bắt đầu hiểu ra rằng: việc chịu đựng được vất vả là rất tốt – điều đó sẽ làm cho phần thưởng ngọt ngào hơn nhiều. Khi bạn tận lực để đi đến một nơi nào đó bằng chính đôi chân của mình thì vẻ đẹp của những gì bạn nhìn thấy ở điểm đến cuối cùng sẽ vô cùng tráng lệ.
Khi lên đến đỉnh núi ở độ cao 1,358 feet (414m), với những cây tuyết tùng Nhật Bản 600 năm tuổi bao quanh và bầu trời xanh thẳm thấp thoáng sau những tán cây trên cao, lòng tôi dâng lên niềm kính ngưỡng như Ngài Basho hẳn đã cảm thấy khi đặt chân đến ngôi đền thờ trên đỉnh núi này.
Kỳ quan của thiên nhiên
Sự tôn kính thiên nhiên là chủ đề phổ biến trong ký sự du hành của Basho. Ở Nikko, một thành phố cách Tokyo hai giờ lái xe về phía bắc, nổi tiếng với các đền thờ và hiện được coi là Di sản Thế giới của Liên Hợp Quốc, Basho đã miêu tả cảm xúc của mình khi nhìn thấy thác nước Urami-no-taki, dưới dạng thơ haiku như sau:
Trong một lúc tôi lắng nghe tiếng nước,
Ẩn sau thác nước,
Bỏ lại mọi suy nghĩ về thế giới bên ngoài,
Tôi cảm thấy như thể mình đang
Bắt đầu một khóa tu mùa hè.
Mưa như trút nước khi chúng tôi lướt trên những tảng đá phủ đầy rêu và những bậc thang gỗ nép mình giữa những tán cây. Khi chúng tôi đến được ngọn thác cuối cùng thì mưa đã thấm qua áo poncho và giày của tôi. Nhưng ngay khi ngẩng đầu lên, tôi cảm thấy vô cùng kinh ngạc vì đã nhìn thấy – và nghe được thanh âm – của dòng nước đang đổ xuống dường như được phun ra một cách kỳ diệu từ những tảng đá trong các hang động. Lúc này còn có điều gì quan trọng nữa, dù đó là đôi giày thể thao mới mua đang bơi trong nước hay bắp chân tôi đang đau nhức vì vừa phải đi bộ một đoạn đường hơn ba dặm (hơn 5km) đầu tiên trong đời.
Buổi sáng hôm đó, tôi đã đến trung tâm thành phố Tokyo rộng lớn. Tôi đã sống cả đời ở thành phố New York sầm uất, náo nhiệt. Không làm gì khác ngoài việc đi bộ hàng giờ liên tục giữa rừng và dọc theo các con đường nông thôn sẽ khiến bạn tức thời phấn chấn, yên hòa và vui vẻ.
Những vần thơ của Basho đã trường tồn vượt thời gian; lòng nhiệt thành của ông về các chuyến hành hương vẫn còn vang vọng đối với du khách thời nay. Khi đi qua Vịnh Matsushima với những hòn đảo phủ đầy các cây thông được coi là một trong những cảnh thơ mộng nhất ở Nhật Bản, Basho đã viết: “Không ai có thể dùng cọ vẽ hoặc bút để mô tả tác phẩm tuyệt vời này của các vị thần.”
Khi chúng tôi lướt qua vịnh trên một chiếc thuyền từ Shiogama đến Matsushima, ngắm nhìn mặt trời và những đám mây đổ bóng mê hoặc trên những cây thông giống như những chiếc ô, chúng tôi chỉ có thể lặng lẽ quan sát những thành quả này của thiên nhiên, như thể chúng tôi đang di chuyển qua một bức tranh.
Khám phá lịch sử
Nhật Bản rất coi trọng việc bảo tồn di sản của mình, cho dù đó chỉ là những con đường mòn xưa cũ mà những du khách như Basho đã đi bộ hay là những di tích của một thành phố cổ xưa.
Lịch sử hiện diện ở bất cứ nơi nào chúng tôi đã đi qua. Giống như Basho, chúng tôi du hành đến thành cổ Hiraizumi, được gia tộc Fujiwara ở phía bắc xây dựng vào năm 1100 (hiện giờ là Di sản Thế giới của Liên Hiệp Quốc). Thành phố cùng với gia đình cầm quyền đã bị diệt vong trong một cuộc xung đột cuối thế kỷ 12. Khi ngắm nhìn sảnh Golden Hall rực rỡ của ngôi đền Chuson-ji, được phủ toàn bằng vàng lá, Basho đã sáng tác nên bài thơ haiku giàu sức gợi cảm nhất trong số các tác phẩm của ông:
Cỏ mùa hè
là tất cả những gì còn lại
Từ những giấc mơ của chiến binh cổ đại
Khi đến khuôn viên chùa, chúng tôi đã dừng bước trước tảng đá khắc bài thơ này. Suy ngẫm thông điệp của Basho về sự vô thường sẽ giúp bạn ngộ ra một điều rất rõ ràng rằng: Nhìn thấy những kỷ vật (dấu vết) của quá khứ sẽ giúp thay đổi quan điểm về hiện tại. Thời gian cứ trôi hoài trôi mãi; Những rắc rối và lo lắng của cuộc sống đột nhiên dường như không còn gì đáng kể nữa khi so với chiều dài của lịch sử.
Đắm chìm trong văn hóa
Chuyến hành trình xuyên Nhật Bản đường bộ và đôi khi bằng tàu hỏa đã cho chúng tôi thời gian để đắm mình vào [những thắng cảnh] của đất nước. Với sự đồng hành của người hướng dẫn viên thành thạo đường đi nước bước, bất cứ điều gì chúng tôi nhìn thấy qua chuyến du ngoạn đều trở thành cơ hội giúp chúng tôi hiểu thêm về xã hội và văn hóa Nhật Bản. Quý ông Phần Lan là một nhiếp ảnh gia đang viết một cuốn sách về Basho, luôn hiếu kỳ về những bước chân của thi sĩ, trong khi đó, một trong những bạn đồng hành người Anh của chúng tôi, người đã trải qua một phần thời thơ ấu ở Nhật Bản rất muốn biết thêm về cách người Nhật đã sinh sống.
Khi đi ngang qua những cánh đồng lúa – sẽ được gặt vào cuối tháng 9 và bó lại thành từng bó – nhóm chúng tôi lập tức trao đổi về tập tục thờ kính tổ tiên của con người đã ăn sâu vào nếp sống như thế nào. Những mảnh ruộng này được thừa kế qua nhiều thế hệ và ngay cả khi các gia đình không còn sống bằng nghề nông nữa thì họ vẫn từ chối bán đất – để không bất kính với tổ tiên.
Trong chuyến hành trình của mình, ở những đền đài và điện thờ, chúng tôi đã thưởng lãm các tác phẩm biểu tượng khái quát sơ lược về lịch sử tôn giáo và chính trị đan xen ở Nhật Bản. Khi chúng tôi du hành đến các thành phố lớn và ghé thăm các kiến trúc cùng những khu vườn đặc sắc, anh hướng dẫn viên đã giải thích về bối cảnh [xây dựng] đằng sau để chúng tôi có thể hiểu rõ giá trị thực sự chứ không chỉ là nét đẹp bên ngoài của [công trình].
Chúng tôi cũng tham gia các nghi lễ độc đáo như cùng nhau tắm chung trong suối nước nóng tự nhiên (tiếng Nhật gọi là “onsen”), như nhắc nhở chúng tôi rằng du lịch mang đến nhiều niềm vui giống như vừa trút bỏ những nỗi sợ hãi. Đối với một số người, tắm onsen (trong trường hợp phụ nữ và nam giới tắm ở các khu vực riêng biệt) là cơ hội để loại bỏ sự bất an về hình thể của con người, vì mọi người phải cởi hết xiêm y trước khi tắm.
Các nhà nghỉ truyền thống đặc trưng của người Nhật được gọi là ryokan thường được xây dựng xung quanh các suối nước nóng. Về ẩm thực, các du khách được phục vụ những bữa tiệc thịnh soạn với các món đặc sản của vùng (như món lưỡi bò nướng ở vùng Sendai hoặc thạch dai làm từ cây konjac ở tỉnh Yamagata) và các món ăn được chế biến từ các nguyên liệu theo mùa.
Nấm Matsutake được nhiều người ưa chuộng mọc nhiều nhất vào mùa thu. Vì vậy, chúng tôi đã thưởng thức món nấm thanh đạm nấu với nước dùng umami tinh tế cùng hạt bạch quả, thịt gà và tôm tại nhà nghỉ ở Hiraizumi. Ở thị trấn khác, chúng tôi được phục vụ món trứng sữa hấp chawanmushi hấp dẫn với một ít nấm matsutake, hạt dẻ và bánh cá. Hàng tối, chúng tôi vui vẻ đi thưởng thức các món cá và thịt của địa phương, các loại rau dại – một số loại chúng tôi đã nhìn thấy mọc dọc theo những con đường mòn trong rừng – và lúa được trồng trong khu vực đó.
Cách thức nấu ăn của người Nhật là làm nổi bật hương vị tự nhiên của các nguyên liệu. Trên núi Haguro, chúng tôi ở tại khu nhà nghỉ của đền thờ và được chiêu đãi những bữa ăn chay do các nhà sư chuẩn bị. Họ đã đi hái các loại rau trồng trên núi và chế biến theo nhiều cách khác nhau như: trộn tinh bột củ dong thành món đậu phụ xốt mè ‘xốp mềm’; nấm maitake tẩm bột tempura chiên giòn; nước sốt từ cánh hoa cúc có vị nhạt; biến các mầm cây shiso thành những hạt mằn mặn, giòn tan trong miệng. Được bổ sung năng lượng từ [nguồn thực phẩm] trên núi, sáng hôm sau, chúng tôi lại tiếp tục khởi hành.
Suy ngẫm
Ờ thời của Basho vẫn có những tên cướp đi săn lùng các du khách. Còn thời nay, mặc dù con đường không còn hiểm trở nữa nhưng thỉnh thoảng chúng tôi vẫn phải đi bộ qua xứ sở của các chú gấu. Khi đang đi trên một con đường mòn trong rừng, một người trong chúng tôi đã phát hiện có một bóng đen chạy ngang qua. Đó có phải là một con gấu không? Cô không chắc chắn lắm vì sinh vật này đã di chuyển quá nhanh.
Các con thú chưa bao giờ xuất hiện, nhưng trong suốt chuyến đi, bất cứ lúc nào có người đi chậm lại phía sau là chúng tôi đều phải quan tâm để ý. Chúng tôi tự gọi đùa bảy người là bảy samurai, sẵn sàng chống lại bất kỳ con vật đói nào. Thật là buồn vui lẫn lộn khi chuyến tham quan kết thúc ở Kyoto; chúng tôi đã hứa sẽ gặp lại nhau vào tối hôm sau để chúc mừng cho sự thành công của chuyến đi.
Tại một cửa hàng yakitori ở Gion – khu vui chơi giải trí nổi tiếng với những geiko (geisha) duyên dáng đang vội vã đến các cuộc hẹn – chúng tôi hồi tưởng về chuyến đi của mình.
Tôi hồi tưởng về hành trình dài của Basho. Trong cuốn sách viết về chuyến du hành của mình, ông đã không biểu lộ rõ ràng về những gì ông đã thu hoạch được sau chuyến đi. Tại khu di tích lịch sử dành riêng cho Basho, tôi đã hỏi một nhân viên ở đó xem anh ấy có biết tại sao một nhà thơ thực hiện chuyến đi này không. Anh ấy nói với tôi rằng Basho tin rằng để sáng tác ra những vần thơ hay thì ông phải ngao du.
Có lẽ tình cảm đó cũng đang ngân vang trong tim chúng tôi: Để được sống trọn vẹn cuộc đời mình, chúng tôi phải trải qua cả những niềm vui và thử thách khi lang thang ở những nẻo đường xa xôi.
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times.