Đi tàu ở Nhật Bản – ngao du đất nước và đắm chìm trong lịch sử
Tôi đang ở Nhật Bản, đang trên tàu hỏa. Là một người yêu thích tàu hỏa cả đời, tôi đã đi dọc nước Nga trên tuyến tàu xuyên Siberia và nước Úc trên Ấn Độ Dương, còn giờ đây tôi đang băng ngang qua quốc gia Á Châu này, tận hưởng chuyến đi có lẽ còn hơn cả địa điểm tôi đến.
Chuyến tàu đến đúng giờ — vì tàu ở đây luôn đúng giờ. Và tôi không có chỗ ngồi.
Chuyến tàu từ Hiroshima đưa tôi đến đây trong vội vã, tôi xuống tàu và đang loay hoay để tìm cách chuyển tàu. Chạy nhanh vào đúng sân ga cần đi, tôi nghe thấy tiếng ầm ầm và leng keng của đoàn tàu lớn Sonic – Nichirin đang lăn bánh. Những hành khách chờ lên tàu đứng xếp hàng rất ngay ngắn như thường lệ, những đường kẻ đơn gọn gàng dọc theo các sọc có đánh số được sơn trên sàn. Trong giây lát, toa xe sẽ dừng lại và các cánh cửa những toa tàu được đánh số đó sẽ trượt mở ra, chính xác đúng vị trí.
Nhưng tôi không biết toa tàu nào — hoặc chỗ vạch sọc để xếp hàng đợi lên tàu tương ứng nào — là của tôi. Tôi đã đến hơi muộn để đặt chỗ ngồi, vì vậy tôi chỉ còn có thể thử vận may của mình trên một số ít toa “không đặt trước”. Tôi hỏi một hành khách ngẫu nhiên, người đứng gần tôi nhất, xem tìm những toa đó ở đâu. Tôi hy vọng anh ấy sẽ chỉ hoặc đọc nhanh một con số, nhưng anh ấy cũng không biết.
Vô tư bỏ lại đống hành lý của mình trên sàn, anh chạy cùng tôi, vội vàng hỏi mọi người bằng tiếng Nhật rằng người phương Tây bị lạc này nên lên tàu chỗ nào. Vài giây sau tôi cũng có câu trả lời chắc chắn, và tôi xếp hàng ở vạch lên tàu của mình. Một phút sau đó, tôi đã ngồi bên cửa sổ của con tàu Sonic. Dải băng thép lách cách nhịp nhàng, tiến sâu vào đất nước núi lửa, phía trước là suối nước nóng trên đảo Kyushu.
Vì tình yêu du lịch bằng tàu hỏa
Tôi đang ở Nhật Bản, đang trên tàu hỏa. Là một người yêu thích tàu hỏa cả đời, tôi đã đi dọc nước Nga trên tuyến tàu xuyên Siberia và nước Úc trên Ấn Độ Dương, còn giờ đây tôi đang băng ngang qua quốc gia Á Châu này, tận hưởng chuyến đi có lẽ còn hơn cả địa điểm tôi đến. Lịch sử thế kỷ 20 của đất nước Nhật Bản gắn bó chặt chẽ với những đường ray này, và nó sẽ vận chuyển rất nhiều hành khách trong Thế vận hội Olympic Tokyo sắp tới. Trong khi phần còn lại của thế giới đầu tư vào đường bộ, Nhật Bản đã đầu tư vào đường sắt. Và ngày nay, số lượt hành khách sử dụng dịch vụ hàng năm là hơn 10 tỷ lượt người (ngay cả Đức, một quốc gia khác tiên tiến về tàu hoả, cũng chỉ có 2 tỷ lượt người).
Trước khi khởi hành, tôi đã mua thẻ Japan Rail Pass (JR), thẻ này chỉ được bán cho người nước ngoài. Nhằm mục đích quảng bá du lịch, các thẻ này được bán với thời hạn 7, 14 hoặc 21 ngày, với giá vé đi lại trong một tuần là hơn 33,000 yên một chút (khoảng 300 USD). Chúng cho phép đi tất cả các chuyến tàu trên các tuyến JR, bao gồm cả Shinkansen, thường được người nói tiếng Anh gọi là “tàu cao tốc”, và các chuyến đi lại trong các thành phố lớn. Bạn chỉ có thể dùng thẻ trong số ngày liên tiếp đó, vì vậy, điều quan trọng để chiếc thẻ đáng tiền là đi lại bằng tàu càng nhiều càng tốt.
Và tôi đi tàu, rất nhiều. Vấn đề đi lại quả thực rất đơn giản. Ở một đất nước công nghệ cao – đôi khi rô-bốt thực hiện dịch vụ phòng – thẻ JR chỉ là một tấm giấy, tôi dùng để lên hết tàu này đến tàu khác.
Ấn tượng đầu tiên của tôi: tốc độ vượt trội. Shinkansen (có nghĩa là “đường chính mới”) đứng đầu với tốc độ hơn 200 dặm một giờ, vận chuyển tối đa là 1,300 người trong 16 chiếc toa tàu, lao qua các đường hầm và lượn quanh các khúc cua. Trải nghiệm giống như du ngoạn trên một tấm thảm thần kỳ hơn là chạy rầm rầm trên đường ray tàu hỏa.
Và nó cũng rất hiệu quả: Người Nhật rất coi trọng việc đúng giờ. Các chuyến tàu đến và đi chính xác đúng giờ, một phần là do hành khách tuân thủ các quy trình lên tàu chính xác. Một vài năm trước, có một vụ nổi tiếng, Công ty Đường sắt Tây Nhật Bản buộc phải đưa ra lời xin lỗi chính thức, được phát đi trên các hãng thông tấn quốc gia, khi một trong các chuyến tàu của họ rời ga sớm 25 giây và một người bị lỡ chuyến tàu.
Việc bảo đảm các chuyến tàu đúng giờ cần một nỗ lực chung, sự phối hợp kỹ càng và sự nghiêm ngặt về giờ giấc. Ví dụ, khi tàu Shinkansen đến ga Tokyo, nó chỉ có thời gian quay đầu 12 phút. Chỉ có 7 phút để nhân viên xoay tất cả các ghế ngồi theo hướng ngược lại và dọn dẹp ở trong tàu. 5 phút còn lại dành cho hành khách — 2 phút để họ xuống tàu khi đến ga, 3 phút sau đó, ngay trước khi tàu khởi hành, dành cho hành khách mới lên tàu.
Tôi trải nghiệm sự chính xác này, lặp đi lặp lại. Ví dụ, tại ga Kobe, tôi có ít hơn 10 phút để chuyển tàu. Tôi lo rằng mình sẽ không làm được, dù cho tôi không phải chuyển ga. Tôi lẽ ra không nên lo lắng như vậy. Chuyến tàu thả tôi xuống, sau đó một chuyến tàu khác sử dụng cùng một sân ga, đổi hành khách, và sau đó chuyến tàu của tôi đến. Giống như kim đồng hồ.
Lịch sử tàu hỏa của Nhật Bản
Trong chuyến thăm Bảo tàng Đường sắt Kyoto, một xứ sở thần tiên đối với bất kỳ người hâm mộ đường sắt nào, tôi hiểu thêm về lịch sử của nó. Tuyến đường sắt đầu tiên được xây dựng từ Tokyo đến Yokohama từ năm 1870 đến năm 1872; sau đó, đường sắt nhanh chóng trở thành nhân tố quan trọng cho sự phát triển quốc gia và được xây dựng lại sau Chiến tranh Thế giới thứ II.
Ban đầu, Nhật Bản sử dụng đầu máy xe lửa của Anh, sau đó đất nước này đã tìm cách giảm sự phụ thuộc vào các cường quốc nước ngoài và bắt đầu tự sản xuất đầu máy vào đầu những năm 1900. Đến năm 1938, họ lập kế hoạch cho những chuyến tàu cao tốc đầu tiên nhưng đã bị tạm ngừng do chiến tranh. Bắt đầu trở lại vào cuối những năm 1950, tàu Shinkansen đầu tiên đã lăn bánh trên tuyến Tokaido chính vào năm 1964, nó được chế tạo kịp thời cho Thế vận hội Tokyo đầu tiên. Chuyến tàu đó đã cắt giảm thời gian di chuyển từ Tokyo đến Osaka từ sáu giờ xuống còn bốn giờ. Tàu Nozomi Shinkansen hiện đã thực hiện hành trình dài 340 dặm đó trong 2 giờ 16 phút.
Bảo tàng bao gồm 53 cái đầu máy tàu hỏa, bao gồm một nhà “roundhouse” có 20 đường ray được xây dựng vào năm 1914 chứa các đầu máy xe lửa có niên đại từ năm 1880. Tại sảnh chính, lối đi dạo và Twilight Plaza, tôi ngạc nhiên trước các toa tàu, toa xe chở hàng, và các đầu máy xe lửa khác, bao gồm một số tàu Shinkansen đầu tiên từ những năm 1960. Thú vị là, trong nhiều trường hợp, bạn thực sự có thể leo vào bên trong và đi bộ xung quanh đầu máy tàu hỏa, và tôi dành gần cả ngày để leo qua những toa xe này.
Đi qua ba hòn đảo chính của Nhật Bản Honshu, Kyushu và Hokkaido hàng nghìn dặm, tôi có các lựa chọn cho chuyến đi của mình. Tôi dành vô số giờ để mỉm cười nhìn ra phía ngoài cửa sổ, đi qua những địa danh như đỉnh núi Phú Sĩ cao vút, phủ tuyết. Tôi lang thang trên các nhà ga, ngạc nhiên trước hàng trăm nhà hàng trong “các hốc tường” và những chiếc máy bán hàng tự động phân phối mọi thứ, từ rượu sake đến những cái áo sơ mi. Một vài lần, tôi thậm chí còn được nâng cấp lên Toa màu Xanh lá cây, đi ngang qua hình cỏ bốn lá bên cạnh cửa – nơi đánh dấu sự may mắn của hành khách bên trong, và ngồi vào một chiếc ghế màu xanh lá cây cực kỳ thoải mái để tận hưởng những lợi ích của khoang hạng nhất.
Thị trấn Spa ở Beppu
Và tôi đến suối nước nóng. Sau khi hoàn thành chuyến đi vội vã của mình trên chuyến tàu Shinkansen từ Hiroshima đến Fukuoka, và chuyển sang tàu Sonic hiện đại hơn, tôi dành những ngày tiếp theo ở thị trấn spa Beppu. Tôi ngâm mình trong suối nước nóng truyền thống, được gọi là tắm onsen, và thậm chí ghé thăm một nhà hàng nấu bữa tối bằng hơi nước từ lõi trái đất. Tôi cố gắng thư giãn trong một bồn tắm cát, vùi lấp trong đất núi lửa đến tận cổ.
Nhưng ngay sau đó, tàu hỏa sẽ vẫy gọi tôi trở lại. Thẻ đi lại của tôi vẫn còn vài ngày nữa, và tôi muốn sử dụng hết nó. Đường ray trải dài trước mắt tôi, cả một đất nước đầy tiềm năng ở phía trước, và cũng có nhiều cách siêu nhanh để đến nơi đó.
Nhà văn Tim Johnson ở Toronto luôn đi du lịch để tìm kiếm những câu chuyện tuyệt vời tiếp theo. Ông đã đến thăm 140 quốc gia trên khắp 7 lục địa, theo dõi những con sư tử đi bộ ở Botswana, đào xương khủng long ở Mông Cổ, và đi dạo giữa nửa triệu con chim cánh cụt trên Đảo Nam Georgia. Ông đóng góp cho một số tạp chí lớn nhất của Bắc Mỹ, bao gồm CNN Travel , Bloomberg, và The Globe and Mail.
Tim Johnson
Lý Bình biên dịch
Xem thêm: