Lĩnh ngộ của học viên Pháp Luân Công sau khi trở về Trung Quốc và thoát hiểm
Sau khi phi cơ cất cánh từ Bắc Kinh, thì chỉ mất hơn một giờ để hạ cánh xuống phi trường Đại Liên. Thời tiết tháng Tám ở Đại Liên, ban đêm cũng không nóng lắm. Cô Lý Lợi bước ra khỏi khoang phi cơ. Sau 15 năm xa cách, cô cảm giác như hình ảnh quê hương thân thương đang dần hiện lên trước mắt. Ba hôm trước, cô Lý đáp chuyến bay từ Mỹ quốc đến Bắc Kinh, đây là lần đầu tiên cô trở lại Trung Quốc sau 15 năm.
Vừa xuống khỏi cầu thang phi cơ thì có một người phụ nữ trung niên cầm một bó hoa đi về phía cô Lý. “Cô là Lý Lợi?” Người phụ nữ này hỏi. Sau khi nhận được câu trả lời khẳng định, cô ấy nói: “Nhân dân tổ quốc chào đón cô.”
Trong đầu cô Lý lập tức cảnh giác: “Tôi không biết chị. Chị là ai?”
Đây là một màn xảy ra tại phi trường Đại Liên vào buổi tối ngày 08/08/2014. Đêm đó và ngày hôm sau, cô Lý Lợi đã trải qua những gì? Sau đây là diễn biến sự việc được đích thân cô Lý kể lại.
Ủy ban Chính trị và Pháp luật theo dõi phi trường Đại Liên
Người phụ nữ kia không lên tiếng mà quay lại nhìn. Tôi dõi theo ánh mắt của cô ấy và phát hiện có khoảng chục người đang đứng xung quanh. Thoạt nhìn, họ trông như những người đã trải qua huấn luyện đặc biệt. Họ đã “vô tình” bao vây tôi.
“Cuối cùng thì cũng đã xảy ra,” tôi nói trong tâm.
Hai người đàn ông trung niên đi tới. Khi tôi hỏi, họ tự giới thiệu mình là thành viên của Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố Đại Liên và đưa ra giấy chứng nhận công tác. Một người họ Bồ, giọng Hồ Bắc; một người họ Vương, còn người nữ họ Lý, hai người này nói giọng vùng Đại Liên.
Tôi hỏi họ: “Tôi có phạm pháp không?”
“Không.”
Tôi hỏi: “Nếu không thì các anh tìm tôi làm gì?”
“Chúng tôi chỉ muốn tìm một chỗ để nói chuyện với chị.”
Tôi nói: “Không được, người nhà tôi đang đợi tôi ở ngoài. Họ không nhìn thấy tôi sẽ lo lắng”.
Lúc ấy, người của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Đại Liên cứ khăng khăng đòi nói chuyện. Sau đó, tôi nói phải gọi điện thoại: “Nếu các anh không cho tôi gọi điện, các anh phải khiêng tôi đi.”
Sau đó, họ lấy điện thoại của người họ Vương để gọi xin chỉ thị. Khi gọi điện cho người nhà, tôi cố tình nói thật to, gần như đang hét lên. Tôi nói tôi đã đến phi trường Đại Liên nhưng bị người của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Đại Liên chặn lại, họ yêu cầu tôi đi đến một nơi khác để nói chuyện. Tôi nói nếu tối nay người nhà không gặp được tôi, thì hãy gửi ngay tin tức của tôi cho chồng tôi ở Mỹ quốc, anh ấy sẽ biết cách giải quyết sự việc này.
Sau khi tôi lên xe cùng họ, xe từ phi trường Chu Thủy Tử ở Đại Liên chạy khoảng 15 phút, chúng tôi đến một khách sạn. Khách sạn này cao hơn mười tầng, tối om, chỉ có một phòng còn sáng đèn. Bước vào đại sảnh, không có chút hơi người và hoàn toàn u ám. Tôi nghĩ họ cố tình tạo ra bầu không khí đáng sợ này để hù dọa tôi.
Tất nhiên tôi biết tại sao họ tìm thấy tôi. Tôi là một học viên Pháp Luân Công. Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, tôi là trạm trưởng trạm phụ đạo Pháp Luân Công quận La Hồ, thành phố Thâm Quyến …
Ở khách sạn u ám này, những trải nghiệm trong quá khứ hiện lên trong tâm trí tôi như một bộ phim có tiết tấu nhanh.
Mừng gặp được sách quý, tìm thấy lời giải cho nhân sinh
Tôi từng làm việc cho một công ty ngoại thương ở tỉnh Liêu Ninh. Tôi nghỉ việc năm 1989 và chuyển đến thành phố Thâm Quyến. Đầu những năm 1990, tôi cùng chồng mở công ty tư nhân. Dần dần, công việc kinh doanh khởi phát và chúng tôi tiếp tục mở chi nhánh ở Nam Kinh, Đại Liên, Thành Đô, nhưng thân thể tôi lại ngày càng trở nên tệ hơn.
Mẹ tôi nói rằng tôi bị bệnh vẩy nến sau một cơn sốt cao vào năm ba tuổi. Vảy nến nổi khắp cánh tay và cơ thể, lúc nghiêm trọng còn lở loét. Năm nào bệnh cũng tái phát, tôi đã thử cả phương pháp Trung y và Tây y nhưng đều không khỏi. Về sau tôi nghe nói Bệnh viện Cảnh sát Vũ trang ở Thâm Quyến nhập cảng loại thuốc đặc trị bệnh này, một mũi chích giá 500 nhân dân tệ. Tôi cũng đã chích loại thuốc này, mấy ngày đầu thấy đỡ một chút, nhưng sau đó lại tái phát. Bác sĩ nói rằng bệnh vẩy nến là căn bệnh ung thư không chết người, và tôi đang bị hành hạ như thế.
Tôi cũng thường xuyên bị thiếu máu lên não. Văn phòng có ghế sofa, hàng ngày tôi phải nằm nghỉ lúc 11 giờ trưa. Sau này, dây thanh quản của tôi cũng xuất hiện những nốt sần đối xứng, nói chưa được 5 phút thì giọng tôi đã khàn hoàn toàn. Mẹ khuyên tôi đừng nghĩ đến việc kiếm tiền nữa mà về Đại Liên nghỉ ngơi dưỡng bệnh.
Tôi trở về Đại Liên vào cuối năm 1995. Một đồng nghiệp cũ ở công ty ngoại thương đã tặng tôi một cuốn sách của Pháp Luân Công – cuốn “Chuyển Pháp Luân.” Khi tôi về nhà vào buổi tối, tôi nâng cuốn Chuyển Pháp Luân lên và bắt đầu đọc một mạch từ lúc hơn 8 giờ đến khoảng 6 giờ sáng ngày hôm sau. Sau khi đọc xong, tôi tự nhủ: “Mình phải tu luyện thôi.” Đây thực sự là một cuốn sách quý, một cuốn Thiên thư! Tôi cảm thấy tất cả những vấn đề chưa được giải khai trong cuộc đời mình, thì nay toàn bộ đều đã có câu trả lời ở đây.
Vào tháng Tư ở Quảng Châu có hội chợ. Tôi đến Quảng Châu rồi quay lại Thâm Quyến. Nghe nói có điểm tập Pháp Luân Công miễn phí, nên sáng sớm tôi đã đến Công viên Hồng Hồ, điểm gần nhà tôi nhất. Khi ấy, có một phụ đạo viên đã dạy tôi các bài công pháp [của Pháp Luân Công] miễn phí.
Khi đó, hàng ngày lúc rảnh rỗi, tôi đều đọc “Chuyển Pháp Luân.” Dường như tôi không thể đặt cuốn sách này xuống được nữa. Cứ như vậy khoảng nửa tháng. Một ngày nọ, khi đang tắm, tôi chợt nhận ra tại sao cơ thể mình lại mịn màng đến vậy? Tại sao bệnh vẩy nến lại biến mất? Tôi nhận ra rằng đây là Sư phụ đang thanh lọc cơ thể cho tôi. Lập tức trong tôi tràn ngập lòng cảm ân.
Chồng tôi cũng bắt đầu tu luyện làm người tốt
Từ khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi đã chiểu theo nguyên lý “chân, thiện, nhẫn,” yêu cầu bản thân làm một người tốt. Bất kể khách hàng hay nhà máy, tôi đều đối đãi chân thành, nên mối quan hệ giữa chúng tôi đều rất tốt. Mỗi khi đến cuối năm, nhiều nhà máy dệt may rơi vào tình trạng khó khăn, các giám đốc nhà máy rất buồn phiền: Đến 30 Tết mà vẫn chưa có tiền trả lương cho công nhân thì sống làm sao? Có giám đốc nhà máy còn bị công nhân hành hung.
Khi biết nhà máy nào gặp khó khăn, vợ chồng tôi liền đến trợ giúp. Trước tiên, chúng tôi sẽ đưa tiền cho họ, đến sau Tết Nguyên Đán họ mới gửi lại tiền hoặc giao hàng hóa cho chúng tôi, luôn là như vậy. Công việc kinh doanh của chúng tôi ngày càng phát triển, và tôi luôn nói với mọi người rằng “Đại Pháp là tốt” khi tôi gặp họ.
Chồng tôi đã tận mắt chứng kiến việc tôi khỏi bệnh và rất ủng hộ tôi tu luyện. Anh ấy học ngành kỹ thuật truyền hình và làm việc trong một đài truyền hình. Sau sự kiện Lục Tứ ngày 04/06/1989, anh ấy rời đài truyền hình và đến Thâm Quyến. Chúng tôi cùng nhau kinh doanh, và dần dần anh ấy đã bước vào tu luyện.
Cuộc bức hại của ĐCSTQ, mưu đồ lừa gạt đã có từ lâu
Trước năm 1999, ở Thâm Quyến có 63 điểm luyện công tập thể; dù là công viên hay chỗ đất trống bên đường phố, thì hầu như đều có người luyện Pháp Luân Công. Lúc đó có 100 triệu người trên toàn quốc đang học và luyện Pháp Luân Công, chính phủ cũng ủng hộ.
Bởi vì Pháp Luân Công yêu cầu “chân, thiện, nhẫn,” còn điều ĐCSTQ làm là “giả, ác, đấu,” và vào thời điểm đó, số lượng 100 triệu học viên Pháp Luân Công đã vượt quá 70 triệu đảng viên của ĐCSTQ, cho nên ĐCSTQ bắt đầu lên kế hoạch đàn áp Pháp Luân Công.
Tôi nhớ vào một buổi sáng năm 1998, khoảng hơn 7 giờ, lúc chúng tôi luyện công xong thì có bốn, năm thanh niên đi đến. Họ nói rằng họ là sinh viên thực tập của Học viện Chính trị và Pháp Luật, đến khảo sát tình hình trừ bệnh khỏe thân của việc tu luyện Pháp Luân Công. Mỗi người chúng tôi được phát một biểu mẫu lớn bằng tờ giấy A4, trên đó có ghi họ tên, địa chỉ nhà ở, nơi làm việc, số điện thoại nơi làm việc và thông tin sức khỏe, rất chi tiết. Lúc đó, chúng tôi không biết rằng chính quyền lại có thể đê tiện đến vậy, nên mọi người đều điền vào. Chỉ sau này tôi mới biết rằng điều tương tự cũng xảy ra ở mọi điểm luyện công ở Thâm Quyến trong vài ngày đó. Do đó, khi ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công vào ngày 20/07/1999, họ đã đến từng nhà để bắt giữ người.
Những điều kỳ lạ cũng xảy ra với tôi vào thời điểm đó. Sau ngày 25/04, tôi đưa con gái đến nhà một đồng tu để học Pháp hàng ngày. Khi tôi trở về lúc 10 giờ tối, vừa về đến nhà thì có tiếng gõ cửa. Một người đàn ông tự giới thiệu là trưởng phòng họ Lý ở Đội 5 của Cục công an Thâm Quyến. Tôi tưởng rằng anh ấy muốn tìm hiểu về Pháp Luân Công. Vì vậy, tôi vẫn nói với anh ấy về Pháp Luân Công. Cho đến một hôm, chị tôi nhắc nhở rằng tôi đang bị theo dõi. Nếu không, làm sao ngay khi tôi vừa về nhà thì anh ta đã đến cửa nhà tôi rồi chứ?
Ngày 20/07/1999, đến Mỹ quốc và trở thành “trọng án Thâm Quyến”
Ngày 20/07/1999, tôi đến Hoa Kỳ để tham dự buổi triển lãm cửa hàng bách hóa tại Trung tâm Javits ở New York. Năm nào tôi cũng đến đây và vé phi cơ đã được đặt cách đây hai tháng. Chồng tôi đã đến New York vào tháng Tư năm đó và thành lập một công ty ở New York.
Khi chồng tôi đón tôi ở phi trường, anh ấy nói với tôi rằng Pháp Luân Công đang bị đàn áp ở Trung Quốc. Tôi không tin và hỏi làm sao điều đó có thể xảy ra? Sau khi kiểm chứng, tôi cảm thấy rất tức giận. Một môn công pháp tốt như vậy, tại sao có thể đàn áp chứ? Tôi lập tức gọi điện về nhà ở Thâm Quyến. Chị tôi nói rằng vào ngày 20/07, cảnh sát đã đến nhà tôi ba lần, lục soát và tịch thu tài sản. Lúc đầu, họ tưởng tôi trốn đâu đó trong phòng nên lục soát khắp nơi. Ngày hôm sau, từ hồ sơ hải quan thì họ mới biết tôi đã xuất ngoại. Tôi bị buộc tội “cấu kết với thế lực nước ngoài, nhận được thông tin trước rồi bỏ trốn.” Vụ án của tôi đã trở thành “trọng án Thâm Quyến.”
Trong thời gian đó, Cục Công an thường xuyên đến công ty của tôi để sách nhiễu. Lúc đầu, họ đến cơ quan vào ban ngày để kiểm tra chứng minh thư nhân dân của nhân viên. Đến nửa đêm, họ đến khu nhà trọ của công nhân viên, lấy cớ kiểm tra chứng minh thư nhân dân để quấy rối nhân viên. Hơn nữa, do chúng tôi đi vắng nên công ty đã sớm không thể tiếp tục hoạt động được nữa.
Bởi vì cô con gái năm tuổi vẫn còn ở Thâm Quyến, nên chồng tôi đã quay lại Trung Quốc để đón con. Chúng tôi cũng chọn một ngày đặc biệt, ngày 01/10, vì vào ngày này thì tất cả các ban ngành trong cả nước đều được nghỉ lễ dài ngày. Tuy nhiên, sáng hôm sau khi chồng tôi về đến nhà, người của Cục Công an lại đến. Chồng tôi bị buộc phải đến đồn công an để trình báo hàng ngày. Hai tuần sau, mọi chuyện vẫn không có gì thay đổi. Chồng tôi để chị tôi về quê, còn anh tự mình chăm sóc con. Anh nghĩ, lẽ nào cũng bắt tôi đưa con đến đồn công an sao? Nhưng sự thật là công an vẫn ép chồng tôi hàng ngày đưa con gái đi trình báo công an mà không hề buông lỏng chút nào. Bất đắc dĩ, chồng tôi đành nhờ bố mẹ anh ấy đến Thâm Quyến chăm sóc cháu gái. Sau đó, anh bỏ điện thoại di động và lái xe cả đêm đến Thượng Hải để trốn.
Khi đó, gia đình chúng tôi có ba người, tôi ở Mỹ quốc, con tôi ở Thâm Quyến, còn chồng tôi ở Thượng Hải. Những ngày đó thật khó khăn với tôi, nhưng tôi đã vượt qua được nhờ cuốn sách “Chuyển Pháp Luân.” Đại Pháp giống như một ngọn đèn sáng soi rọi cho tôi.
Đầu năm 2001, cuối cùng gia đình chúng tôi cũng đoàn tụ ở New York. Lúc đầu, chúng tôi muốn kinh doanh hàng dệt may, nhưng do không thể về Trung Quốc và không có người giám sát hàng hóa tại các nhà máy trong nước nên hàng gửi đi thường xuyên gặp vấn đề. Hàng hóa ở Mỹ quốc không bán được suôn sẻ nên trở thành hàng tồn kho. Không lâu sau, chồng tôi toàn lực tham gia công việc chuẩn bị cho Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTD). Tôi cũng đưa con gái đi tham gia các hoạt động giảng chân tướng [về Pháp Luân Công]. Cuối tuần, hai vợ chồng tôi lại dẫn con gái đi dựng sạp hàng ven đường, đổi hàng tồn kho lấy tiền để mua sắm đồ gia dụng. Kể từ đó, gia đình chúng tôi sống nhờ số tiền lúc đầu mang theo để mở chi nhánh ở Mỹ quốc.
Tìm quảng cáo cho tạp chí và hồ đồ trở về nước
Năm 2014, tôi đang làm việc cho một tạp chí thời trang có tên là “Thượng” (尚). Nhờ nội dung hay nên tạp chí này được xếp đứng đầu các tạp chí thời trang Hoa ngữ ở Bắc Mỹ. Khi đó, một công ty quảng cáo lớn của Hoa kiều ở Mỹ quốc đã để ý đến chúng tôi. Họ muốn mở rộng nền tảng hoạt động quảng cáo và dự định đến Bắc Kinh để thành lập liên minh với một số công ty công nghệ lớn. Công ty quảng cáo này đã mời tôi đi cùng.
Tôi biết rằng vì tôi tham gia các hoạt động phản đối cuộc bức hại của ĐCSTQ, nên nếu tôi trở về Trung Quốc thì có thể sẽ bị bắt. Thế nhưng lúc đó tạp chí không có nhiều thu nhập, và sẽ đóng cửa nếu không còn thu hút được quảng cáo. Khi đó tôi có tâm lý cầu may, cho rằng: chiến dịch đả hổ diệt ruồi đã hạ bệ những người của Ủy ban Chính trị và Pháp luật, ví như Chu Vĩnh Khang. Thế nên, phải chăng cả hệ thống đã có thay đổi gì rồi?
Tôi cứ ôm giữ tâm lý cầu may này, cho rằng nếu lấy được thị thực thì chứng minh rằng có thể trở về nước, không lấy được thì thôi vì tôi là công dân Mỹ quốc mà.
Thật kỳ lạ, ngày hôm đó, tôi đến Lãnh sự quán Trung Quốc ở New York để xin thị thực. Tôi đã đợi rất lâu, người ở lãnh sự quán đã hỏi tôi nhiều lần mới cấp thị thực cho tôi. Có lẽ những người ở lãnh sự quán cũng biết tôi là học viên Pháp Luân Công và cố ý để tôi trở về nước. Vì trước đây tôi từng được bầu làm phó chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị New York-Thượng Hải nên Lãnh sự quán Trung Quốc cũng biết tôi tu luyện Pháp Luân Công.
Tôi đến Bắc Kinh vào ngày 05/08/2014, khi làm thủ tục hải quan thì không xảy ra vấn đề gì. Ngày hôm sau, tôi bắt đầu các cuộc họp chuyên sâu với các bộ phận vận hành của các công ty công nghệ như Baidu, Tudou, Tencent, Sohu, Youku, v.v. Đến ngày thứ ba, lẽ ra buổi chiều tôi phải gặp một công ty khác nhưng lại bị chuyển sang gặp “Nhân dân nhật báo.” “Nhân dân nhật báo” là cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, tôi nghĩ họ là cơ quan đặc vụ, nên tôi không muốn đi. Mọi người vây quanh khích lệ tôi đi. Vì nể tình cảm của mọi người, nên tôi đã đồng ý.
Tối hôm sau, tôi đáp chuyến bay muộn nhất từ Bắc Kinh về quê hương Đại Liên, và người của Ủy ban Chính trị và Pháp luật ĐCSTQ đã theo tôi đến đó.
Lần đầu đối mặt với Ủy ban Chính trị và Pháp luật, hữu kinh vô hiểm
Tôi phải đối mặt với họ. Tuy rằng có chút chuẩn bị tâm lý, nhưng thực ra tôi vẫn rất lo lắng.
Đầu tiên, người đàn ông họ Bồ hỏi tôi đang làm gì ở Mỹ quốc? Tôi nói tôi làm những công việc lặt vặt, kinh doanh nhỏ và phụ giúp gia đình. Anh ta lại hỏi, chồng chị làm công việc gì? Tôi nói chồng tôi đã về hưu. Sau một hồi vòng vo, cuối cùng anh ta cũng nói đến Pháp Luân Công.
Anh ta hỏi: “Chị luyện Pháp Luân Công phải không?”
Tôi đáp: “Đúng vậy.”
Anh ta nói: “Trung Quốc không cho phép luyện Pháp Luân Công.”
Tôi hỏi: “Tôi hỏi lại các vị một câu: tôi có vi phạm pháp luật không?”
Anh ta nói: “Không.”
Tôi nói: “Vậy thì các anh không nên hỏi vấn đề này nữa.”
Sau đó, anh ta lại nói: “Chồng chị làm gì, chúng tôi đều biết hết.”
Tôi đáp: “Nếu chồng tôi làm gì các anh đều biết, thì sao anh còn muốn hỏi tôi chứ?”
Sau đó, anh ta bắt đầu nói bóng gió, nói xa nói gần. Tôi không muốn theo dòng suy nghĩ của anh ta nên đổi chủ đề và nói: “Tôi là công dân Hoa Kỳ. Các anh thừa nhận rằng tôi không vi phạm pháp luật khi đến Trung Quốc. Bây giờ hành vi của các anh đã ảnh hưởng đến lịch trình du lịch bình thường của công dân Mỹ quốc. Anh đã quấy nhiễu cuộc sống bình thường của tôi.”
Nghe vậy, mấy người của Ủy ban Chính trị và Pháp luật không nói nên lời, chỉ có thể tiếp tục im lặng. Thấy tình hình này, tôi liền nói: “Mẹ tôi vẫn đang đợi tôi ở nhà, tôi phải đi rồi.” Tôi đứng dậy rời đi, họ không thể làm gì khác hơn là theo tôi ra ngoài. Trong lúc này, người họ Vương đi ra ngoài hai lần, có lẽ là để báo cáo với cấp trên.
Sau khi tôi lên xe của gia đình, họ liền phái một chiếc xe hơi đi theo chúng tôi. Xe của chúng tôi không thể chạy thoát khỏi họ, không còn cách nào khác. Cuối cùng, tôi cũng về tới nhà. Về đến nhà thì đã quá nửa đêm, đã 3 giờ 30 phút rồi.
Cuộc phỏng vấn thứ hai, Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỏ ra hung hiểm
Khoảng ba, bốn giờ chiều ngày hôm sau, họ gọi điện cho tôi và nói ngày mai sẽ gặp tôi cùng uống trà. Tôi nghĩ nếu tôi không đi, họ sẽ đến nhà và quấy rối. Mẹ tôi đã 84 tuổi, tôi không muốn họ tới nhà nên tôi đến nhà hàng mà họ chỉ định.
Phòng riêng của nhà hàng này cũng tối tăm, rất u ám, tạo cảm giác rất áp lực. Vẫn là ba người đó. Do bị lệch múi giờ và trò chuyện với người nhà, nên tôi gần như đã thức trọn một ngày một đêm. Tôi tự nhủ không nên nói nhiều, chỉ giữ im lặng, để tránh bị họ dùi vào sơ hở.
Đầu tiên, người đàn ông họ Bồ nói với tôi về “bách thiện hiếu vi tiên” [trăm điều thiện thì hiếu đứng đầu]: “Mẹ già của chị nhiều tuổi thế rồi, nghe nói cha già của chị đã qua đời và chị cũng không về. Cho dù như thế nào thì chị cũng phải làm tròn đạo hiếu chứ? Chị phải túc trực bên giường chứ.” Tôi nói: “Tôi muốn làm tròn đạo hiếu, nhưng các anh không cho tôi làm. Nếu tôi không trở về đây thì làm tròn ra sao? Giờ các anh lại nói với tôi như vậy.”
Sau đó, anh ta thay đổi chủ đề và nói: “Nếu như chị ‘hợp tác’ với chúng tôi, thì chị muốn kinh doanh lớn bao nhiêu thì cho chị kinh doanh lớn bấy nhiêu. Chúng tôi có năng lực và quyền lực đó.”
Tôi nói: “Trước đây tôi đã từng kinh doanh lớn và cũng từng có nhiều tiền.”
Anh ta thấy tôi như vậy, lập tức thay đổi thái độ, hung tợn nhảy lên đập bàn: “Nếu chị không hợp tác với chúng tôi, thì từ nay trở đi chị sẽ không thể vào đất nước này, kể cả khi mẹ già của chị qua đời. Công ty của chị ở Đại Liên sẽ bị cấm ngay tại chỗ.”
Tôi cũng đứng dậy: “Tôi hỏi các anh một lần nữa, tôi có vi phạm pháp luật không? Tôi đến Trung Quốc, từ hôm qua đến hôm nay tôi có vi phạm pháp luật không?”
Ba người họ đều im lặng.
Tôi nói tiếp: “Tôi là công dân Mỹ quốc. Nếu các anh quấy rối tôi như thế này nữa, tôi sẽ báo cáo với Đại sứ quán Mỹ.”
Sau đó tôi nói: “Xin lỗi, chị tôi đã đợi bên ngoài hơn một tiếng rồi. Tôi muốn quay lại với chị ấy.” Nói xong, tôi liền rời đi. Về đến nhà, tôi kể với mọi người trong gia đình rằng họ muốn tôi làm gián điệp và cung cấp cho họ thông tin về Pháp Luân Công. Người nhà tôi đều nói tôi không thể làm loại việc đó, và khuyên tôi nhanh chóng mua vé phi cơ rời đi. Vì vậy, tôi đã trở lại Hoa Kỳ vào ngày 13/08.
Sau này tôi mới biết, ông chủ của công ty quảng cáo tổ chức chuyến trở về Trung Quốc, cũng bị cảnh sát quấy rối tại khách sạn. Cuối cùng, chuyến đi đó chẳng thu được kết quả gì.
Thủ đoạn dơ bẩn của ĐCSTQ gây chia rẽ
Tuy nhiên, những việc của Ủy ban Chính trị và Pháp luật vẫn chưa kết thúc.
Sau khi trở về Hoa Kỳ, có một hôm, một học viên Pháp Luân Công đã gọi cho tôi và nói rằng: “Chúng tôi đã nhận được một thư điện tử nói rằng chị đã trở về Trung Quốc, Ủy ban Chính trị và Pháp luật Đại Liên đã ‘nói chuyện’ với chị. Nhưng nội dung ‘nói chuyện’ như thế nào, thì họ không nói gì cả.”
Rõ ràng đây là kế ly gián của ĐCSTQ, muốn các học viên Pháp Luân Công nghi kỵ lẫn nhau, từ đó khiến nguồn nhân lực hạn hẹp của chúng tôi càng trở nên thiếu hụt.
Tôi giải thích với học viên này rằng nếu tôi đồng ý trở thành đặc vụ của ĐCSTQ, thì đúng ra họ phải bảo vệ tôi, làm sao họ có thể phơi bày tôi chứ? Tôi nói rằng nếu cần thiết, tôi sẽ báo cáo với FBI và điều tra xem đặc vụ nào của Trung Cộng đã làm việc đó.
Nếu nói về can nhiễu của đặc vụ ĐCSTQ đối với học viên Pháp Luân Công ở hải ngoại, thì chồng tôi đã trải qua rất nhiều. Hơn mười năm trước, ĐCSTQ đã sách nhiễu em trai của chồng tôi và thường mời cậu ấy đi “uống trà,” đặc biệt là vào những ngày lễ tết. Có một lần, Cục An ninh Quốc gia tỉnh Giang Tây đã hỏi cậu ấy, rằng anh trai cậu thế nào. Cậu ấy nói không liên lạc, họ liền dùng máy phát hiện nói dối để kiểm tra cậu ấy. Để tránh cho em trai khỏi bị sách nhiễu vô cớ, nhiều năm nay chồng tôi đã không liên lạc với em trai.
Còn có một người bạn học của chồng tôi bị Cục An ninh Quốc gia mua chuộc, trở thành thuyết khách cho họ. Điều kiện mà An ninh Quốc gia đề nghị là cho chồng tôi sang nước thứ ba để nói chuyện, ví như Việt Nam, Thái Lan, Hồng Kông, chồng tôi có thể tùy ý đưa ra điều kiện, họ đều sẽ đáp ứng. Năm 2017, một đoàn 16 bạn học cùng lớp sang Mỹ thăm chồng tôi, trong đó cũng có người bạn cùng lớp này. Chồng tôi đến khách sạn thăm hỏi họ, người bạn cùng lớp kia kéo chồng tôi sang một bên và nói: “Lần này tôi đến đây để làm thuyết khách. Lộ phí đi Mỹ của tôi đều do Cục An ninh Quốc gia chi trả. Tôi chỉ muốn thuyết phục cậu trở về.” Chồng tôi lập tức từ chối.
Cảm thấy hối hận và áy náy vô cùng
Mấy năm sau lần trở về Trung Quốc hồi năm 2014 và bị Ủy ban Chính trị Pháp luật “nói chuyện,” tôi đã trải qua một thời gian dài cảm thấy như có một ngọn núi lớn đè nặng lên đầu. Tôi vốn là người dũng mãnh tiến lên, nhưng thời gian ấy lại trở nên thụt lùi, lùi từng bước.
Cho đến một hôm, ngọn núi trên đầu tôi chợt biến thành một nỗi hối hận khắc cốt minh tâm.
Mặc dù nhìn bề ngoài, tôi không khuất phục trước Trung Cộng hay bị dụ dỗ trở thành đặc vụ, nhưng việc tôi trở lại Trung Quốc có thể sẽ có tác động tiêu cực đến các học viên Pháp Luân Công đang nỗ lực giảng chân tướng. Bởi vì ngay cả khi tôi không khuất phục và trở về Mỹ quốc thành công, thì điều đó có thể tạo ra ảo tưởng rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ không nghiêm trọng, hoặc thậm chí không có cuộc đàn áp nào cả. ĐCSTQ cố ý đưa tin cho Pháp Luân Công rằng học viên này đã trở về Trung Quốc và được “nói chuyện,” làm tăng sự nghi kỵ và gây chia rẽ trong nội bộ học viên Pháp Luân Công.
Kỳ thực, cuộc đàn áp của ĐCSTQ có rất nhiều hình thức. Ngoài những thủ đoạn tàn ác như tra tấn, thu hoạch nội tạng, đảng này còn sử dụng những thủ đoạn bẩn thỉu mềm mỏng như đe dọa, ly gián, thâm nhập, dụ dỗ v.v. Họ sẽ thông qua tất cả các biện pháp, tất cả các cơ hội mà có thể lợi dụng.
Vì sự hồ đồ của mình, tôi đã trở thành công cụ để họ lợi dụng, thậm chí có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nghĩ tới đây, đột nhiên tôi cảm thấy hối hận xé lòng!
Thủ đoạn dơ bẩn của ĐCSTQ, mưu đồ dụ dỗ học viên Pháp Luân Công ở ngoại quốc
Kỳ thực, The Epoch Times đã nhiều lần đưa tin về các thủ đoạn tương tự của ĐCSTQ. Để đàn áp Pháp Luân Công, ĐCSTQ đã trù tính một chính sách đặc biệt: sử dụng các loại cơ hội khác nhau như mối quan hệ gia đình, kinh doanh, học thuật, công việc, bằng hữu, v.v., để dụ dỗ các học viên Pháp Luân Công ở ngoại quốc quay trở lại Trung Quốc, sau đó đe dọa và dụ dỗ các học viên Pháp Luân Công trở thành đặc vụ của ĐCSTQ.
Ngay cả khi dự định này thất bại, thì ĐCSTQ vẫn sẽ là người thắng. Bởi vì đảng này sẽ gửi thông tin cũng như các cuộc gặp gỡ của các học viên Pháp Luân Công trở về Trung Quốc tới các học viên Pháp Luân Công ở ngoại quốc, Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp, hoặc các nhân viên liên quan, gây ra sự nghi kỵ và mất lòng tin trong nội bộ, mục đích là làm suy yếu nguồn nhân lực giảng chân tướng của các học viên Pháp Luân Công.
Một nhóm các nhà tâm lý học và bác sĩ tâm lý cao cấp của ĐCSTQ đã tham gia xây dựng kế hoạch hành động “Triệu tập các học viên Pháp Luân Công ở ngoại quốc trở về Trung Quốc.” Hệ thống Phòng 610 các nơi và ngành an ninh quốc gia sẽ thông qua liên lạc với thân nhân, bằng hữu, bạn học, đồng sự của các học viên Pháp Luân Công ở ngoại quốc v.v. Sau đó, họ sử dụng các loại phương thức như lời lẽ ngọt ngào và giả dối, những chuyến thăm quê hương thân thiện, để truyền tải những thông điệp đến các học viên Pháp Luân Công ở ngoại quốc như: “Hy vọng các học viên Pháp Luân Công trở về Trung Quốc để thăm người thân, tham quan và thăm bằng hữu. Quốc gia cam đoan sẽ bảo đảm an toàn cho họ.”
Nhưng trên thực tế, tất cả các học viên Pháp Luân Công trở về Trung Quốc khi hối hận thì đã quá muộn.
Hơn mười năm trước, học viên Pháp Luân Công và là kỹ sư máy điện toán người Hồng Kông Vương Nham (Wang Yan) trở về Hoa lục đã bị ĐCSTQ đe dọa. Anh đã bị khuất phục và đồng ý làm đặc vụ cho ĐCSTQ. Nhưng sau khi trở về Hồng Kông, mỗi ngày anh Vương phải sống trong áp lực tinh thần tột độ, cảm thấy cả đời sẽ không cách nào giải thoát. Cuối cùng, anh lấy dũng khí, chủ động phơi bày sự cám dỗ của ĐCSTQ, một lần nữa quay trở lại thế giới của những người lương thiện.
Cô Tôn Thiến (Sun Qian), một doanh nhân giàu có người Canada và là học viên Pháp Luân Công, đã bị ĐCSTQ bắt cóc phi pháp ở Bắc Kinh vào ngày 19/02/2017. Trong thời gian bị giam giữ, cô bị xịt hơi cay vào mặt, đeo cùm cả ngày suốt hai tuần liên tục và bị cực hình cưỡng bức tẩy não. Ngày 30/06/2020, cô bị Tòa án Triều Dương Bắc Kinh kết án 8 năm tù, và đến nay vẫn đang bị tù oan.
Vì vậy, tôi hy vọng các học viên Pháp Luân Công ở ngoại quốc tuyệt đối không nên trở về Trung Quốc cho đến khi cuộc đàn áp của ĐCSTQ chấm dứt, và đừng tạo bất kỳ cơ hội nào cho cuộc bức hại tàn ác của ĐCSTQ.
La Nhị biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ