Báo cáo: ĐCSTQ sử dụng dữ liệu lớn để tước đoạt quyền tự do của các học viên Pháp Luân Công
‘ĐCSTQ muốn theo dõi nhất cử nhất động của những người này mọi nơi mọi lúc’
Theo các báo cáo trên Minghui.org, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có một lịch sử lâu dài trong việc sử dụng và khai thác công nghệ phân tích dữ liệu lớn và công nghệ điện toán đám mây để theo dõi, rình mò, giám sát, và hạn chế quyền tự do cá nhân của các học viên Pháp Luân Công.
Minghui đưa tin, nhà cầm quyền cộng sản đã gắn các thiết bị điện tử định vị và theo dõi toàn cầu vào xe hơi, xe đạp, điện thoại di động, và thậm chí trong túi của các học viên Pháp Luân Công.
Các biện pháp theo dõi khác bao gồm lắp đặt camera giám sát xung quanh nhà của các học viên Pháp Luân Công; thu thập dữ liệu cá nhân về khuôn mặt, dấu vân tay, dáng đi, và giọng nói; không cho họ sở hữu sổ thông hành; và cấm họ rời khỏi Trung Quốc.
Là một nền tảng thông tin dành cho các học viên Pháp Luân Công, Minghui đã công bố các báo cáo về cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công bên trong Trung Quốc, phơi bày nhiều biện pháp đàn áp tàn bạo khác nhau mà ĐCSTQ đang áp đặt lên các học viên Pháp Luân Công, chẳng hạn như sách nhiễu tùy tiện, theo dõi, giam giữ, bắt bớ, tra tấn, và thậm chí sát hại họ để lấy nội tạng.
Ông Ngô Thiệu Bình (Wu Shaoping), một cựu luật sư nhân quyền ở Trung Quốc hiện đang cư ngụ tại Hoa Kỳ, nói rằng ĐCSTQ đã thực hiện “hình thức giám sát lâu dài” đối với tất cả những người mà họ xem là “mối đe dọa” đối với quyền cai trị của mình, bao gồm các nhà bất đồng chính kiến, nhà hoạt động, các nhóm dân tộc thiểu số, và học viên Pháp Luân Công.
Ông Ngô cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times: “ĐCSTQ muốn theo dõi nhất cử nhất động của những người này mọi lúc mọi nơi, không chỉ theo dõi hành tung của họ mà còn giám sát điện thoại, hoạt động trên mạng, và mọi hoạt động khác của họ.”
Một luật sư Trung Quốc khác muốn được ẩn danh vì lo ngại chế độ sẽ trả thù đã lên án gay gắt hành vi giám sát của ĐCSTQ là “bất hợp pháp.” Theo luật sư này, các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc không khác nào đang sống trong “một dạng thức khác của nhà tù.”
Gắn thiết bị định vị và theo dõi trên xe cộ
Theo những gì được ghi nhận, các học viên Pháp Luân Công đã phát hiện ra các thiết bị điện tử dùng để theo dõi và định vị được gắn vào trên xe, điện thoại di động, và thậm chí được bỏ vào trong túi quần áo của họ.
Vào ngày 10/08/2022, ông Trương Minh (Zhang Ming), 64 tuổi, một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh phía đông bắc Trung Quốc, đã bị năm công an địa phương bắt cóc ngay trước nhà riêng của ông. Minghui đưa tin rằng một trong những viên công an đó đã nói với ông rằng họ biết nơi ở của ông vì họ đã gắn thiết bị theo dõi trên xe đạp của ông.
Hồi tháng 09/2022, ba học viên Pháp Luân Công ở Chư Thành, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, đã phát hiện xe máy điện của họ bị “hết điện” và không thể khởi động được. Họ đã mang xe đến tiệm sửa chữa để bảo trì.
Người thợ sửa xe đã phát hiện một thiết bị theo dõi nhỏ có nam châm đã được gắn bên dưới ghế sau của cả ba chiếc xe này.
Cùng tháng đó, công an thành phố Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, đã sử dụng một thiết bị theo dõi tương tự để theo dõi các học viên Pháp Luân Công và bắt cóc nhiều người trong số họ.
Hồi năm 2019, tại thành phố Thâm Quyến phía nam Trung Quốc, ông Lý Viễn Cường (Li Yuanqiang), một học viên Pháp Luân Công địa phương, khi rửa xe đã phát hiện ra một thiết bị theo dõi được lắp bên dưới xe hơi của ông.
Vào tháng Năm và tháng Sáu năm 2015, nhiều học viên Pháp Luân Công ở thành phố Ân Bình, tỉnh Quảng Đông được cho là đã tìm thấy các thiết bị theo dõi trên xe hơi, xe đạp, và xe máy điện của họ.
Hồi tháng 09/2015, một học viên Pháp Luân Công ở Yên Đài, tỉnh Sơn Đông phía đông Trung Quốc, đã tìm thấy một hệ thống định vị toàn cầu gắn phía sau xe hơi của anh gần nơi để bình xăng.
Năm 2004, một học viên Pháp Luân Công vô tình tìm thấy một thiết bị điện tử nhỏ có kích thước bằng móng tay út trong túi áo khoác mà anh nghi ngờ là thiết bị nghe lén hoặc theo dõi. Minghui đã ban hành thông tri kêu gọi học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc chú ý vấn đề an toàn.
Các học viên Pháp Luân Công bị buộc phải đeo vòng tay điện tử
Các học viên Pháp Luân Công được cho là bị buộc phải đeo vòng tay theo dõi ngay cả khi họ ở nhà.
Vào nửa cuối năm 2021, ông Tư Đức Lợi (Si Deli), cựu nghệ sĩ và giáo sư tại một bảo tàng ở thành phố Tín Dương, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, đã bị nhân viên Phòng 610 địa phương bắt phải đeo vòng tay giám sát điện tử.
Ông Tư đã bị bắt cóc nhiều lần kể từ khi ĐCSTQ bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, họ đột kích nhà của ông và thu giữ nhiều tài sản khác.
Ông đã bị giam trong các trại lao động cưỡng bức ba lần và bị bỏ tù ba lần, với tổng cộng hơn 17 năm bị giam cầm trong các nhà tù và trại tạm giam ở Trung Quốc. Ông được trả tự do vào năm 2021 sau khi thụ án ba năm rưỡi tù giam, nhưng Phòng 610 địa phương vẫn buộc ông phải đeo một thiết bị điện tử, khóa chắc lại, và đe dọa rằng ông sẽ “gặp rắc rối” nếu tháo thiết bị này ra.
Bà Thạch Xảo Vân (Shi Qiaoyun), một học viên Pháp Luân Công 79 tuổi ở huyện Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam, phía nam Trung Quốc, đã bị buộc phải đeo đồng hồ theo dõi điện tử từ ngày 26/05 đến ngày 25/08/2020. Bà đã bị Phòng 610 địa phương tước đoạt hầu hết các khoản phúc lợi xã hội của mình chỉ được cấp 14 USD một tháng để sinh sống. Công an địa phương và các quan chức chính quyền liên tục sách nhiễu và đột kích nhà bà. Bà đã qua đời vì suy dinh dưỡng vào ngày 23/06/2022.
Vào tháng 08/2015, ông Lã Hồng Quần (Lui Hongqun) và bà Bành Nguyệt Anh (Peng Yueying), các học viên Pháp Luân Công ở huyện Nhân Thọ, tỉnh Tứ Xuyên phía tây nam Trung Quốc, bị buộc phải đeo thiết bị theo dõi điện tử mỗi ngày. Công an địa phương đe dọa sẽ bỏ tù họ nếu họ tháo thiết bị này.
Phòng 610 là một lực lượng bí mật “ngoài pháp luật” được thành lập vào năm 1999 để thực hiện mệnh lệnh từ lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm “xóa sổ” các học viên Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần bao gồm một bộ công pháp tĩnh tại và các bài giảng đạo đức dựa trên chân, thiện, và nhẫn. Vì đem lại lợi ích sức khỏe đáng kể cho người tập, nên Pháp Luân Công rất phổ biến vào những năm 1990 sau khi được giới thiệu ra công chúng. Người ta ước tính có khoảng 70 triệu đến 100 triệu người thực hành Pháp Luân Công vào cuối thập niên này.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết hệ thống dữ liệu lớn của chính quyền Trung Quốc và hệ thống đám mây của lực lượng công an “vi phạm quyền riêng tư” và “Trung Quốc không có biện pháp bảo vệ quyền riêng tư nào có thể thực thi để chống lại sự giám sát của nhà nước.”
Tổ chức nhân quyền này cho biết vào năm 2017, “Công an không cần phải có bất kỳ lệnh nào của tòa án để tiến hành giám sát, hoặc cung cấp bất kỳ bằng chứng nào cho thấy những người mà họ đang thu thập dữ liệu có dính líu hoặc liên quan đến hoạt động tội phạm. Cơ quan công an không bắt buộc phải báo cáo các hoạt động giám sát cho bất kỳ cơ quan công quyền nào khác hoặc tiết lộ công khai thông tin này. Trên thực tế, không có biện pháp bảo vệ quyền riêng tư hiệu quả nào để chống lại sự giám sát của chính quyền.”
Các biện pháp giám sát khác
Theo Minghui, ĐCSTQ đã và đang thực hiện nhiều biện pháp giám sát khác nhau để hạn chế quyền tự do của các học viên Pháp Luân Công.
Tại thành phố Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh phía bắc Trung Quốc, văn phòng tư pháp địa phương tiến hành quay video, thu thập dấu vân tay, và ghi âm giọng nói của các học viên Pháp Luân Công, sử dụng các kỹ thuật [thu thập] dữ liệu lớn như nhận dạng khuôn mặt, dáng đi, và giọng nói. Các nhà chức trách buộc các học viên Pháp Luân Công phải sử dụng điện thoại di động do chính quyền địa phương cung cấp, vốn được kết nối với hệ thống của họ. Các học viên Pháp Luân Công không được phép rời khỏi khu vực sinh sống sở tại và phải đến văn phòng tư pháp địa phương để báo cáo nơi ở của họ ít nhất mỗi tháng một lần, viết tờ khai, in dấu vân tay và nộp lại cho chính quyền.
Vào cuối năm 2021, cơ quan tư pháp địa phương đã nâng cấp hệ thống điện thoại di động, hiện hiển thị thông tin cá nhân chi tiết như giới tính và độ tuổi. Họ cũng buộc các học viên Pháp Luân Công gửi một bức ảnh của chính mình, chụp vào ngày hôm đó, qua điện thoại di động. Trong trường hợp bị chính quyền cấp trên kiểm tra hoặc vào những ngày mà cơ quan tư pháp cho là nhạy cảm, thì cả cơ quan tư pháp lẫn công an địa phương đều buộc các học viên Pháp Luân Công phải gửi ảnh của họ hai lần một ngày và đến thăm nhà họ trong một hoạt động gọi là “kiểm tra tình hình.”
Anh Chu Hướng Dương, một học viên Pháp Luân Công làm việc tại thành phố Thiên Tân phía đông Trung Quốc, được trả tự do vào năm 2022 sau khi thụ án bảy năm tù. Anh trở về nhà cha mẹ ở làng Ma Đà, huyện Xương Lê, tỉnh Hà Bắc, miền trung Trung Quốc.
Đây không phải là lần đầu tiên anh bị cầm tù vì đức tin vào Pháp Luân Công. Năm 2004, anh bị kết án 9 năm tù. Trước đó, từ năm 1999 trở đi, anh đã bị giam giữ trong các trại lao động nhiều lần trong nhiều năm. Anh phải chịu đựng sự tra tấn vô nhân đạo trong nhà tù và các trại lao động.
Anh Chu lại bị tra tấn dã man trong khi bị giam ở Nhà tù Tân Hải Thiên Tân đến nỗi anh chỉ nặng chưa đến 90 pound (40kg) khi được trả tự do vào năm 2022. Anh đã về sống cùng với cha mẹ để được giúp đỡ và chăm sóc.
Khi anh Chu về đến nhà, chính quyền địa phương đã chi hơn 22,000 USD để lắp đặt 12 camera giám sát xung quanh nhà của cha mẹ anh, gần nhà của anh trai và bố mẹ vợ anh.
Chính quyền thôn cũng điều động ba đến bốn người dân đứng canh ở cổng làng để ngăn chặn anh Chu rời đi và không cho người vào thăm ông Chu.
Cô Thái Xảo Linh (Cai Qiaoling), một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, đã nộp đơn xin cấp sổ thông hành (passport) hai lần vào tháng 01/2023 và đều bị từ chối. Vào ngày 02/08, cơ quan quản lý nhập cư Trung Quốc tại địa phương đã thông báo cho cô Thái rằng cô đã bị cấm rời khỏi đất nước. Sau đó, họ lắp một camera giám sát gần nhà cô và từ đó cô luôn bị theo dõi.
Cựu luật sư Trung Quốc: Hãy ngừng bán vi mạch cho ĐCSTQ
Theo Minghui, từ tháng 01 đến tháng 10/2023, 1,008 học viên Pháp Luân Công đã bị kết án tù; từ tháng Một đến tháng Chín, 166 học viên đã bị bức hại đến tử vong. Minghui cho hay vì ĐCSTQ kiểm duyệt rất nghiêm ngặt, nên con số được báo cáo ít hơn nhiều so với con số thực tế.
Ông Lương Thiếu Hoa (Liang Shaohua), một cựu luật sư Trung Quốc hiện đang sống tại Hoa Kỳ, nói rằng việc ĐCSTQ bắt cóc, giam giữ, khiếu kiện, hoặc tra tấn các học viên Pháp Luân Công trong nhà tù là bất hợp pháp và những người có liên quan đến các tội ác này đều phải chịu trách nhiệm.
“ĐCSTQ kiểm soát đất nước giống như những gì được mô tả trong tiểu thuyết ‘1984’ của tác giả George Orwell,” ông Lương nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Ông nói rằng Pháp Luân Công là một “môn tu luyện rất hòa ái” và những người sống và hành xử theo các nguyên lý đạo đức chân, thiện, nhẫn đáng lẽ không nên bị bức hại như vậy.
Ông Ngô Thiệu Bình kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ cấm mọi hoạt động bán vi mạch bán dẫn sang Trung Quốc.
Bản tin có sự đóng góp của Kiều Tùng, Lý Khiết Tư, và Frank Fang
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times