Làm điều thiện là vui nhất: Tú tài nghèo nhận nuôi hơn 100 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi
Người xưa nói: “Vi thiện tối lạc” (Làm điều thiện là vui nhất). Vì sao như vậy? Liệu có kết quả thực tế nào không? Phần nhiều những người làm việc thiện thì đời sau tất đều thịnh vượng, kẻ làm việc ác thì đời sau tất suy tàn, đây là lẽ thường tình của nhân gian. Tiền Vịnh thời nhà Thanh, tác giả của “Lý viên tùng thoại” cho rằng: làm việc thiện cũng giống như tích lũy của cải, tích lũy lâu dài thì tất sẽ giàu có, làm việc ác tức là đang đùa giỡn với đao kiếm binh khí, thời gian lâu dài tất sẽ bị thương.
Làm việc thiện là vui nhất, nhận nuôi trẻ sơ sinh bị bỏ rơi
Trở về thời đại nhà Thanh, ở huyện Đào Nguyên có một vị tú tài tên gọi là Trần Tông Lạc, tính tình lương thiện, tuy nhiên gia cảnh lại rất bần hàn. Ở quê nhà của ông từ trước vốn dĩ có một cô nhi viện, nơi này được dùng để nhận nuôi những đứa trẻ mồ côi, nhưng vì lí do hao hụt tiền vốn nên bị bỏ phế lâu nay. Trần Tông Lạc muốn quyên góp tiền của và vật tư để sửa sang lại cô nhi viện, vì vậy liền vào trong làng để kêu gọi quyên góp.
Một ngày kia, ông đi đến một nhà giàu nọ trong làng, vị này là một người rất keo kiệt bủn xỉn, không những không quyên góp tương trợ mà còn rủa Trần Tông Lạc rằng: “Một tú tài nghèo kiết xác không biết tự lượng sức. Tiền của ta không phải từ trộm cướp mà có, lẽ nào có thể cho các người đem đi làm những việc nhỏ đó được?”
Trần Tông Lạc tức giận quay trở về nhà, triệu tập người nhà lại rồi nói rằng: “Tôi rất lấy làm hổ thẹn vì chí hướng của mình không thể thực hiện ngay tại quê nhà, nhưng tôi hi vọng rằng cả nhà chúng ta từ lớn đến bé, từ vợ con cho đến em trai và cháu, mọi người đều có thể hiểu được tâm nguyện của tôi, chúng ta cùng nhau sửa sang lại cô nhi viện này”. Mọi người đều tán đồng với lí tưởng và tâm nguyện của ông, đều nguyện ý phối hợp cùng làm.
Trần Tông Lạc lại tiếp tục bàn về cách làm cụ thể: “Bắt đầu từ bây giờ, trong gia tộc chúng ta bất luận là nam hay nữ, đời đời kiếp kiếp đều cùng tuân thủ lời thề hôm nay: phàm là nhìn thấy bé gái bị bỏ rơi thì nhất định phải nhận nuôi rồi giao cho những phụ nữ có sữa trong tộc để nuôi dưỡng. Nếu bên cạnh người phụ nữ đó đã có quá nhiều con thì bất đắc dĩ phải giao cho người phụ nữ không có sữa, dùng bánh mật được làm từ bột gạo và mật để nuôi chúng.”
“Nuôi từ lúc còn bé cho đến năm 23 tuổi, nếu có nhà nghèo nào muốn thu nhận làm con dâu nuôi từ bé thì chỉ cần chủ nhà là người trung thực phúc hậu thì có thể giao bé gái cho họ. Lúc giao cho họ chỉ cần trong họ của chúng thêm một chữ Trần, gọi là “Trần… Thị”, như thể là được sinh ra bởi họ Trần nhà chúng ta. Đồng thời ước định rằng đứa bé gái này sau khi trưởng thành cũng phải có trách nhiệm nhận nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi khác, chia sữa để nuôi dưỡng những trẻ đó. Cứ như vậy thì có thể phát triển lâu dài và cứu được càng nhiều hơn sinh mệnh của những đứa trẻ bị bỏ rơi.
Trần Tông Lạc lúc đó 36 tuổi, sống thọ đến năm 90 tuổi, con cháu đầy nhà, phú quý song toàn. Những người có tên họ là “Trần… Thị” được nhà họ Trần nhận nuôi mỗi năm đều đến chúc thọ, giống như người thân họ hàng vậy. Tính toán lại thì có tổng cộng 176 người.
Trong bữa tiệc, Trần Tông Lạc tràn ngập vui sướng mà nói rằng: “Cổ nhân nói làm việc thiện là vui nhất, không tin sao? Người khác thích nhận con trai con gái nuôi, không biết so với “Trần… Thị” của nhà chúng ta thì thế nào? Đáng tiếc là người giàu có mắng ta năm đó đã qua đời cách đây hơn 30 năm rồi, ta muốn cảm tạ sự kích động của ông ta năm đó, nhờ vậy đã thôi thúc việc làm thiện này, chỉ tiếc rằng không thể được nữa rồi” .
Có quan khách hỏi rằng: “Người giàu có mắng ông năm đó chắc hẳn là một người giàu có khư khư cất giữ bảo vệ tiền của, không biết con cháu đời sau của ông ta ngày nay như thế nào? Vẫn duy trì được sự giàu có chăng?”
Trần Tông Lạc đáp rằng: “Nói đến người đó thì cũng thật đáng thương, lúc ông ta hơn 50 tuổi thì 3 người con trai của ông ta đều chết trẻ. Bệnh tật, tử vong, kiện tụng trộm cắp lũ lượt kéo đến, gia cảnh khánh kiệt, nghèo đến mức chẳng thể tự sinh tồn. Một năm nọ, tôi đang dạy học ở một trường tư thục trên núi Lục La, ông ta muốn tìm một công việc để làm trong viện, tôi cũng không tính toán chuyện cũ, thương xót ông ta tuổi đã cao lại ko có chỗ nương tựa, lại là đồng hương, do vậy mà thu nhận ông ta. Cuối cùng ông ta không cam chịu cảnh ăn nhờ ở đậu, 10 tháng sau thì bỏ đi. Sau đó trở thành ăn xin dọc đường.”
Người khách lại nói: “Nếu ban đầu ông ta chịu giúp người làm việc thiện thì kết quả có lẽ không đến nỗi thê lương như vậy”. Trần Tông Lạc gật đầu nói rằng: “Lại chẳng phải ư, trời cho con người của cải, vốn là để con người thuận theo ý trời mà hành thiện tạo phúc, nếu có thể lấy tiền tài giúp người thì ông trời sẽ không lấy đi của cải của ông ta, càng sẽ không khiến ông ta bị phá sản!”.
Người khách đáp rằng: “Chỉ mong rằng người người đều có thể hiểu đạo lí này, cố gắng noi theo tấm gương “tuy nghèo mà giàu” của Trần huynh, không nên học theo người đã mắng Trần huynh, “tuy giàu mà lại nghèo”. (Nguồn tư liệu: “Bắc Đông Viên Bút Lục”)
Làm việc thiện là vui nhất, giúp người giữ mộ phần tổ tiên
Câu chuyện tiếp theo xảy ra dưới triều đại nhà Tống, một thầy giáo ở trường tư thục giúp người giữ mộ phần tổ tiên, ông cũng nhận được phúc báo ngay trong đời này, chuyện này xảy ra như thế nào?
Tôn Văn Tường là người tỉnh Phúc Kiến, dạy học tại một trường tư thục. Vào những năm triều đại Tống Khai Hi, trong kì nghỉ phép ông từ Phổ Thành (ở phía cực Bắc của tỉnh Phúc Kiến) trở về nhà, giữa đường lúc ngang qua Hoắc Đồng Hương thì trời đã tối, ông nhìn xung quanh để tìm một nơi nghỉ lại qua đêm, vừa hay nhìn thấy bên núi có một căn nhà tranh, bèn đi đến xin tá túc.
Vào lúc đêm khuya, ông nghe thấy trong nhà có tiếng khóc, cảm thấy kì quái liền ngồi dậy tìm kiếm, thì nhìn thấy hai vợ chồng chủ nhà đang khóc lóc. Chủ nhà nói: “Con trai của tôi thật chẳng có tiền đồ, nó muốn bán căn nhà này đi, ngày mai chúng tôi bắt buộc phải chuyển đi nơi khác ở, vì vậy mà không kiềm chế được sự đau lòng”, Tôn Văn Tường đáp lại 2 người rằng: “Hai người đừng buồn phiền nữa, chuyện này tôi sẽ giúp hai người nghĩ cách giải quyết” .
Sáng ngày hôm sau, khi Tôn mổ tỉnh giấc thì phát hiện nơi mà mình nằm ngủ tối hôm qua hóa ra lại là một ngôi mộ, trong lòng cảm thấy kinh sợ. Nhưng nhớ lại sự việc đã đồng ý khi tối thì ông liền đứng chờ ngay bên cạnh ngôi mộ. Đến trưa thì trông thấy một người mặc một áo bào dài đi đến, trên tay cầm xẻng và gầu. Tôn mổ hỏi anh ta muốn làm gì? Người kia đáp rằng: “Bởi nhà tôi nghèo, do vậy mà muốn di dời mộ phần tổ tiên đến an táng nơi khác, phần đất này đem bán cho người khác, để nuôi sống gia đình.”
Tôn Văn Tường đem tiền lương và số ngân lượng còn lại của mình toàn bộ tặng hết cho người kia, sau đó liền rời đi mà không để lại danh tính gì. Mấy ngày sau, Tôn Văn Tường nằm mộng thấy cặp vợ chồng đến bái tạ rồi nói rằng: “Nhận ân lớn của ngài, không gì báo đáp; nay xin được tặng 2 tiểu phụng hoàng để cảm tạ ngài”.
Cổ Dung biên tập
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại Epoch Times Hoa ngữ