Người cuối thời nhà Thanh đến Âm phủ làm việc, qua lại giữa hai giới Âm – Dương tiết lộ thiên cơ
Cho dù con người có tin hay không, thì Thiên Quốc, Âm Phủ, Địa Ngục đều thực sự tồn tại. Đã có Âm Phủ, vậy đương nhiên sẽ có các quan và sai dịch Âm Phủ. Thỉnh thoảng người của Âm Phủ bận quá, cũng sẽ tìm một số cao tăng đắc đạo hoặc người có khả năng đặc biệt qua lại được Âm Dương ở dương gian, hoặc người bình thường có đức hạnh tương đối cao mà lại có cơ duyên đến Âm Phủ làm việc.
Thông thường là vào ban đêm sau khi những người này đã ngủ say, để cho nguyên thần của họ ly thể đi đến Địa Phủ. Bởi vì những người này sau khi làm xong việc quay trở lại dương gian, họ có thể nhớ được những việc ở âm gian, thỉnh thoảng sẽ tiết lộ một ít sự việc mà người đời không biết được.
Cuốn “U minh vấn đáp lục” được xuất bản thời Dân Quốc đã ghi lại hết thảy những gì mà Lê Chú, từng là sĩ quan giảng dạy tại đại học Lục quân, đã chứng kiến trong khi làm quan tại Địa Phủ, hơn nữa những trường hợp về người sống thời Dân Quốc cuối triều Thanh làm quan ở Âm Phủ cũng không ít.
Biết trước giờ chết của người khác và hỏa hoạn xảy ra
Diêu Cận Hàn, tự là Nhược Thoái, người vùng Tiền Đường, đỗ tiến sĩ vào năm Canh Tý, Đạo Quang triều Thanh, từ quan Nội các trung thư đến Hà Nam làm quan quản lý lương thực và muối hạt, nhận chức lâu nhất trong Cục Thiện Hậu nơi giải quyết các công việc đặc biệt. Tương truyền ông còn kiêm nhiệm chức quan Âm Phủ, cách vài ngày ông sẽ đến Âm Phủ, mà biểu hiện ở dương gian là ngủ mê mấy ngày không tỉnh, vì vậy ông thường xin nghỉ bệnh.
Mỗi khi có người dò hỏi chuyện ở Âm giới, Diêu Cận Hàn thường thường không nói, dù có tiết lộ một vài điều, cũng là chọn dùng cách nói bóng gió. Lúc ấy mọi người đều không hiểu là có ý gì, cho đến về sau khi ứng nghiệm mới bừng tỉnh hiểu ra.
Châu Miễn Dân từng cùng làm quan ở Biện Lương, Hà Nam với ông, một hôm đến ngày sinh nhật của Châu, các đồng liêu hẹn nhau đến hội quán để chúc mừng. Khi chủ khách đều đến chuẩn bị khai tiệc, mọi người phát hiện duy chỉ có Hậu bổ đạo tổng lương đài là Chu Quang Vũ chưa đến. Mọi người nhao nhao trách cứ ông không đúng giờ, nhưng Diêu Cận Hàn lại nói: “Ông ta có việc cần phải xử lý.”
Chu Quang Vũ cuối cùng cũng đến, Diêu hỏi rằng: “Việc của ông đều làm xong xuôi rồi sao?” Chu không để ý lắm chỉ thuận miệng trả lời cho qua. Tiệc rượu vừa xong, Chu liền định cáo từ, mọi người đều giữ lại, Diêu cũng khuyên rằng: “Mới vừa đến giờ Hợi, thời gian còn sớm. Đời người hiếm khi gặp nhau, cớ sao không ở lại thêm chút nữa.” Vì vậy Chu lại đợi thêm một lúc nữa. Sau đó lần nữa đứng dậy cáo từ, mọi người vẫn muốn mời ở lại, Diêu lại nói “Đến lúc đi rồi.” Lúc chia tay, mọi người đều nói với Chu Quang Vũ rằng “ngày mai gặp lại,” chỉ có Diêu Cận Hàn làm động tác vái chào thật sâu, rồi nói “tạm biệt”.
Đến khuya, mọi người cũng ra về, nhưng đến sáng hôm sau đều nhận được tin tức Chu Quang Vũ qua đời. Ngày kế đó, mọi người đi tới Chu phủ phúng viếng, lén thảo luận với nhau và đều hoài nghi rằng Diêu Cận Hàn đã sớm biết được việc Chu chết, bèn dò hỏi ông. Diêu Cận Hàn nói: “Một tháng trước đã gặp Chu đại nhân ở Âm ty, nhưng lúc đó không biết là ông ấy.”
Phía sau chỗ ở của Diêu có một tiểu đội lính Cục Thiện Hậu (Cục khắc phục hậu quả) do Sáo quan chỉ huy (chú thích: Sáo quan là tên chức quan thời nhà Thanh, một Sáo là một trăm người). Một hôm sau bữa tối, không biết tại sao, ông đột nhiên hạ lệnh cho người của tiểu đội lính Cục Thiện Hậu đi tới Tổng cục. Người hầu của Diêu nói năm mới không có chuyện lớn gì, làm gì phải điều động lúc đêm hôm vậy. Diêu Cận Hàm nghe xong giận dữ: “Ta lệnh cho bọn họ đi, ngươi thế mà lại dám ngăn cản!” Nói rồi liền đi ra ngoài tự mình truyền mệnh lệnh, kỳ quái hơn nữa chính là, cả đêm ông ngồi đọc sách không ngủ.
Đến nửa đêm, Diêu Cận Hàn hạ lệnh chuẩn bị xe đi Tổng cục, khi sắp đến nơi thì phát hiện vùng lân cận nổi lên lửa lớn, Diêu lẩm bẩm nói: “Không đúng, hỏa hoạn hẳn là ở phía nam, làm sao lại ở phía bắc?!” Ông phái người kiểm tra xem có phải hỏa hoạn do xưởng pháo phát cháy hay không? Sau khi kiểm tra, quả đúng là như thế, mà nguyên do xảy ra ở phía bắc là bởi vì chủ xưởng tế Thần ở chỗ này, vì thế đã gây ra hỏa hoạn.
Người của Cục Thiện Hậu lo sợ đám cháy lan rộng, đều muốn rời đi, nhưng Diêu Cận Hàn lại bảo mọi người không nên lo sợ, không cần chạy đi. Đêm đó, vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi 40, 50 căn nhà, phía bắc chỉ còn lại cửa hàng trà Tùng Mậu, phía nam chỉ dư lại Cục Thiện Hậu. Mặc dù cửa chính của Cục Thiện Hậu bị đốt trụi, nhưng phía bên trong cửa chính lại không bị ảnh hưởng gì.
Rõ ràng, Diêu Cận Hàn đã biết trước nửa đêm có hỏa hoạn, mà Cục Thiện Hậu sẽ không bị ảnh hưởng, vậy điều này có lẽ có liên quan tới việc ông làm quan ở Âm Phủ.
Âm Phủ coi trọng trung hiếu tiết nghĩa
Ở huyện Cố Thủy tỉnh Hà Nam có một vị hương thân họ Ngô, đã từng làm quan Âm Phủ, thường cách vài ngày sẽ đến Âm Phủ xử án. Theo ông kể, mỗi lần thẩm vấn phạm nhân, với sự thật trước mặt, phạm nhân đều trực tiếp nhận tội, nên không có nghi ngờ thắc mắc, gặp phải phạm nhân là bạn bè thân thích cũng không có chuyện vì tình riêng mà làm sai luật.
Ông nói cho thế nhân biết, Âm Ty coi trọng nhất người trung hiếu tiết nghĩa, những người như vậy khi đến Âm Ty, cho dù là quan Âm Phủ, cũng phải chào họ một cách tôn kính. Những kẻ giả danh trung nghĩa, hiếu tiết, mặc dù ở nhân gian được tuyên dương ca ngợi, nhưng ở Âm Ty lại bị xem thường.
Tổng thống thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc Từ Thế Xương đã từng đi theo Ngô tiên sinh học tập, biết ông làm quan Âm Phủ, bèn hỏi lộc tịch (con đường bổng lộc) của một người phải chăng đã được định trước. Ngô tiên sinh trả lời: “Đâu chỉ lộc tịch là đã được định trước, mà ngay cả vòng sơ khảo bước vào quan trường cũng là như thế. Tôi từng thấy cuốn sổ được chia ra cuốn thi đỗ, cuốn thi rớt, xem xem cuốn thi đỗ, thì chữ viết bên trong kỳ lạ lại không thể đọc. Tôi nhớ được một hai người trong đó, về sau quả nhiên đều thi đỗ cả.”
Biết trước việc thi đỗ
Năm Đồng Trị triều nhà Thanh ở huyện Sơn Âm tỉnh Sơn Tây có một người họ Nghê, thời trẻ từng tham gia kỳ thi đồng tử, sau khi không trúng đã từ bỏ con đường khoa cử. Bởi vì giỏi kinh doanh, gia cảnh lại giàu có, ông đối đãi với mọi người cực kỳ nhân hậu, người trong thôn đều gọi ông là “Thiện nhân”.
Vào lúc ông hơn 50 tuổi, hàng xóm của ông là Trương tiên sinh làm chức Huyện thừa của một huyện ở Quảng Đông, vì bị bệnh nên từ chức quan trở về quê hương. Sau khi trở về, thỉnh thoảng lại kể một ít chuyện lúc ông ấy làm quan Âm Phủ. Ông Nghê chỉ nghe cho vui mà thôi, cũng không cho là thật.
Đầu mùa xuân năm đó, Trương tiên sinh khuyên ông Nghê tham gia thi Hương, ông Nghê lấy lý do đã lớn tuổi để từ chối. Theo ông thì, việc này khác nào chuyện hoang đường, mình làm sao có thể trúng cử được đây? Thế nhưng, Trương tiên sinh vẫn kiên trì, còn năm lần bảy lượt khuyên ông ta tham gia thi Hương. Thấy không khuyên được Nghê mỗ, một hôm Trương tiên sinh nói nhỏ với Nghê mỗ rằng: “Ông đã quên chuyện 15 năm trước rồi sao? Ông danh tiết toàn mỹ, được Trời cao coi trọng, nên đã ban cho ông công danh. Ông nhất định phải tham gia thi Hương, không nên bỏ lỡ đường công danh của bản thân.”
Nghê mỗ lúc này mới nhớ tới chuyện 15 năm trước, có một thiếu phụ là người họ hàng với ông, sau khi phu quân của nàng qua đời đã sống thủ tiết, huynh trưởng của phu quân nàng lấy chuyện “có lẽ có” (bịa đặt không căn cứ) để gièm pha nói xấu nàng, muốn đuổi nàng ra khỏi nhà nhằm đoạt tài sản. Mà lúc ấy ông Nghê đã đứng ra, tranh luận giúp thiếu phụ, giúp cho danh tiết của thiếu phụ được bảo toàn.
Sau đó ông Nghê không hề kể sự việc này với bất cứ ai, tất nhiên Trương tiên sinh hẳn là không biết được mới đúng, vì thế ông Nghê rốt cuộc cũng động lòng, bắt đầu chuẩn bị cho đợt khảo thí. Bởi vì đã nhiều năm không viết văn, ông viết trước mười mấy bài, sau đó mời người giỏi sửa chữa. Đến khi ông nhập trường thi, trong bốn đề thi đưa ra, có ba đề ông đã chuẩn bị trước. Sau đó quả nhiên trúng cử, ông Nghê cảm thán nói: “Trương quân quả đúng là làm quan Âm Phủ, không hề lừa dối ta.”
Kiếp trước làm người xuất gia kiếp này làm quan Âm Phủ
Lý Vân Khánh đỗ tiến sĩ Đệ Nhị giáp khoa Nhâm Thìn năm Quang Tự thứ 18 (năm 1892) triều Thanh, đồng bảng với Thái Nguyên Bồi, người sau này làm Hiệu trưởng trường đại học Bắc Kinh, và Diệp Đức Huy, một hương thân nổi danh ở Hồ Nam. Ông từng nhận chức Thứ cát sĩ Hàn Lâm Viện, dự bị Chủ sự Binh bộ, về sau nhận chức tại Lễ chế quán, là đồng liêu với Quách Tắc Vân tác giả của “Động Linh tiểu chí”.
Theo Lý Vân Khánh kể, kiếp trước ông là tăng nhân của một ngôi chùa ở núi Kê Minh (ngọn núi ở thành phố Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc), Giang sơn danh sĩ Giang Bích là bạn thâm giao của ông. Giang Bích, tự là Nam Xuân, người vùng Cam Tuyền tỉnh Giang Tô, đỗ tiến sĩ năm Ất Sửu Đồng Trị, làm quan Tri huyện Vũ Ninh, có tập thơ “Hoàng diệp sơn tiều thi sao”.
Thời ấy nghe đồn Giang Bích bị bắt và bị áp giải, vừa lúc vị tăng nhân núi Kê Minh này vân du đến Lâm An, bái phỏng Trụ trì chùa Linh Ẩn. Trong lúc chuyện trò ông hỏi đến chuyện của Giang Bích. Làm một người xuất gia lại quan tâm chuyện của trần tục, Trụ trì rất lo lắng, bèn hỏi: “Giang Bích và ngươi có quan hệ như thế nào? Ông ta bị bắt với ngươi lại có liên quan gì? Nên mới nén lòng không được phải không? Chỉ bằng một tâm niệm này, e là ngươi phải rớt xuống mất thôi.” Nén lòng không được, là chỉ thói quen cũ chưa dứt, nhìn thấy sự vật mà mình yêu thích thì không nén được vui mừng.
Tăng nhân trở về không bao lâu thì viên tịch, chuyển sinh làm Lý Vân Khánh, vừa sinh ra liền hỏi việc của Giang Bích, người nhà cho là sinh ra yêu quái nên đã quát mắng ông, ông bèn không dám nói nữa. Chờ lớn lên một chút, ông đem việc bản thân mình trải qua chuyển sinh kể cho phụ thân là Lý Đình Tiêu giữ chức Bố chính sử nghe.
Lý Vân Khánh từ nhỏ đã thông minh, Lý Đình Tiêu chưa từng đích thân giám sát việc học của con trai. Có người đối với việc này bày tỏ thắc mắc, Lý Đình Tiêu cười nói: “Đứa con trai này của tôi là vì công danh khoa cử mà đến, nào còn cần tôi đốc thúc?” Quả nhiên, năm Lý Vân Khánh 20 tuổi đã tiến vào Viện Hàn Lâm, đến lúc tuổi già lại yêu thích Thiền học.
Nghe nói ông còn đảm nhiệm Minh quan của Âm Ty, mỗi lần ông đi ra khỏi nhà thì nhắm mắt phải lại, hoặc là nói mắt phải mở ra liền nhìn thấy quỷ thần. Lông mi bên phải của ông rất dài, phủ xuống che mắt, khác với người bình thường. Khi có người hỏi ông chuyện Âm Phủ, Lý Khánh Vân thường trầm mặc không nói. Bất quá cũng có ngoại lệ. Khi con trai của tiến sĩ triều Thanh Hứa Tại Hành là Hứa Trọng Thanh bị bệnh nặng, em trai của Trọng Thanh là Hứa Quý Tương khăng khăng nhờ ông tra giúp tuổi thọ của anh trai mình, ông nói: “Trước mắt không cần lo lắng, nhưng cũng sẽ không quá lâu.” Hơn một tháng sau, Hứa Trọng Thanh qua đời.
Hình phạt ở Âm gian nghiêm khốc
Cư sĩ Từ Úy Như ở thời Dân Quốc cuối triều Thanh đã kể một chuyện như sau: Thời biến pháp năm Mậu Tuất (phong trào pháp cải cách chính trị – xã hội năm Mậu Tuất 1898), có một người ở Chiết Giang đến kinh thành du ngoạn, vì cho là đồng đảng biến pháp nên người này bị bắt giữ, giam lỏng trong một tòa nhà lớn. Tòa nhà này xưa nay có tiếng có nhiều chuyện quái dị xảy ra.
Vào buổi tối bị giam ở đó, người Chiết Giang này đã nằm mộng thấy một sai dịch cầm danh thiếp của một trọng thần thời kỳ Gia Tĩnh triều Minh là Vương Ngao đến mời, ông bèn cùng đi với sai dịch. Đi không lâu, đến trước một tòa cung điện, trong điện có năm chỗ ngồi, bốn chỗ trong đó đã có người ngồi, họ mặc áo bào dài tay cầm thẻ chầu, hoặc là đội mũ quan có gắn lông công. Thấy người tới, người ngồi tại chỗ đầu tiên đứng dậy đón chào, đồng thời bảo người Chiết Giang ngồi vào vị trí thấp nhất. Sau đó, một quan sai nâng một chồng hồ sơ xét xử cao một thước để năm người xét xử, sau khi xét xử xong lại lấy về.
Đến khi trời sáng, nguyên thần người Chiết Giang quay lại tòa nhà. Ông biết mình vừa xử án ở Âm Phủ. Mỗi ngày đến buổi tối đều là như thế. Một tối, ông nhỏ giọng hỏi viên lại Âm Phủ rằng làm thế nào để không đến, viên lại Âm Phủ nói cho ông biết rằng, trước khi ngủ viết hai chữ “xin nghỉ” rồi đốt đi là được rồi. Người Chiết Giang theo lời mà làm, quả nhiên đêm đó không nằm mộng, ngủ một giấc ngon. Nhưng là, vào đêm hôm sau, khi người Chiết Giang đến Âm Phủ thì phát hiện, vì một đêm không đến, hồ sơ xét xử dồn lại nhiều gấp đôi, ông không dám xin nghỉ nữa.
Theo người Chiết Giang kể, hồ sơ xét xử khi ông xử án không khác gì mấy so với hồ sơ xét xử ở nhân gian, hình phạt cũng cực kỳ nghiêm khắc, hình phạt có loại ở tù và đi đày, tội tù thường kéo dài một hai trăm năm, cũng có ngắn thì vài chục năm.
Bị nhốt ba tháng, sau khi chứng minh không phải đồng đảng biến pháp, người Chiết Giang được thả ra, ông lập tức trở về quê nhà, trải nghiệm làm quan Âm Phủ của ông cũng dừng lại ở đây.
Tư liệu tham khảo:
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ