Khủng hoảng Ukraine được thảo luận rộng rãi tại Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu
Các nhà lãnh đạo của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã nhóm họp tại Samarkand, Uzbekistan hôm 15 và 16/09 để thảo luận về quỹ đạo chính trị, kinh tế, và an ninh hiện tại của khu vực Á-Âu.
Nga đóng một vai trò quan trọng trong SCO – một tổ chức vốn ban đầu do Moscow và Bắc Kinh thành lập với hy vọng cân bằng ảnh hưởng toàn cầu của Hoa Kỳ.
Cuộc xung đột ở Ukraine, vốn đã làm trầm trọng thêm đường rạn nứt giữa Đông và Tây, đã xuất hiện nhiều lần trong các cuộc hội đàm giữa những nhà lãnh đạo này.
Giáo sư Cem Karadeli, cố vấn trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Khủng hoảng Ankara, nói với The Epoch Times: “Đã có một số cuộc thảo luận về Ukraine, nhưng điều này không làm sao nhãng khỏi mục tiêu của hội nghị thượng đỉnh này, vốn tìm kiếm hợp tác kinh tế, văn hóa, và chính trị của khu vực Á-Âu.”
Cùng với Nga và Trung Quốc, các thành viên hiện tại của SCO bao gồm Ấn Độ, Pakistan, Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan, Kyrgyzstan, và Iran. Tổng hợp lại, các quốc gia này chiếm khoảng 40% dân số thế giới, 60% diện tích đất đai khu vực Âu-Á và một phần ba tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.
Thủ tướng Modi của Ấn Độ: ‘Chúng ta có thể thảo luận về vấn đề này’
Trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết: “Thời đại ngày nay không phải là thời đại của chiến tranh. Chúng tôi đã thảo luận điều này với ngài qua điện thoại vài lần.”
Lời nhận định này đã được trích dẫn rộng rãi trên báo chí phương Tây, vốn mô tả điều này như một lời quở trách của thủ tướng Ấn Độ đối với nhà lãnh đạo Nga.
Hôm 21/09, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan nói với các phóng viên: “Những gì Thủ tướng Modi đã nói — một tuyên bố mang tính nguyên tắc thay mặt cho những gì ông ấy tin là công bằng và chính nghĩa — đã được Hoa Kỳ rất hoan nghênh.”
Tuy nhiên, cuộc gặp ở Samarkand dường như diễn ra thân thiện, trong đó ông Modi nói với ông Putin rằng: “Cần phải đạt được hòa bình trong tương lai, và tôi chắc chắn rằng chúng ta có thể thảo luận về điều này.:
“Tôi hoan nghênh cơ hội để hiểu rõ hơn quan điểm của ngài.”
Về phần mình, ông Putin nói với ông Modi: “Tôi biết lập trường của ngài về cuộc xung đột ở Ukraine và những lo ngại mà ngài đã nhiều lần lên tiếng. Chúng ta sẽ làm tất cả những gì có thể để kết thúc cuộc khủng hoảng này nhanh nhất có thể.”
Bất chấp những điều được cho là nghi ngại từ phía Ấn Độ, New Delhi đã từ chối lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, cũng như không ủng hộ các biện pháp trừng phạt đối với Moscow mà phương Tây hiện đang dẫn đầu.
Ngược lại, Ấn Độ vẫn là một trong những khách hàng hàng đầu của Nga, đặc biệt là về năng lượng. Nga hiện là nhà cung cấp dầu lớn thứ hai của Ấn Độ, sau Iraq.
Theo ông Karadeli, ông Modi “rõ ràng đã yêu cầu chấm dứt sớm các hành động thù địch ở Ukraine, cũng như sử dụng đối thoại và ngoại giao để chấm dứt cuộc khủng hoảng này.”
“Nhưng tôi không tin rằng những yêu cầu này là đủ để tạo ra căng thẳng lớn giữa Nga và Ấn Độ,” ông nói. “Truyền thông phương Tây chủ yếu cam kết với lợi ích của người Ukraine — hoặc người Mỹ — trong vấn đề này. Họ đang tìm kiếm những điểm mâu thuẫn giữa Nga và bất kỳ quốc gia nào không trực tiếp lên án các hoạt động của Nga ở Ukraine.”
Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc: Hỗ trợ cho ‘các lợi ích cốt lõi’
Trong cuộc hội đàm với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh, ông Putin đã đánh giá cao điều mà ông mô tả là “cách tiếp cận cân bằng” của Bắc Kinh đối với cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong một nhận xét khác được lan truyền trên các phương tiện truyền thông phương Tây, ông Putin đã tuyên bố sẽ giải quyết những “mối lo ngại” của Bắc Kinh — mà ông không nói cụ thể — liên quan đến cuộc khủng hoảng này.
Về phần mình, ông Tập đã lảng tránh vấn đề này, ít nhất là trước công chúng.
Ông Karadeli nói: “Việc ông Tập không đề cập đến Ukraine tại những cuộc họp này có thể cho thấy một số vấn đề căng thẳng. Nhưng hiện nay khi Trung Quốc đang mua nhiều năng lượng hơn từ Nga, và ông Putin ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về Đài Loan, có vẻ như những lo ngại đó không ảnh hưởng đến mối liên hệ của họ.”
Trung Quốc cũng đã kiềm chế không lên án cái mà Nga gọi là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine và vẫn là nước chỉ trích mạnh mẽ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow. Nga hiện là nhà cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc, gần đây đã tước lấy danh hiệu đó từ Arab Saudi.
Sau cuộc họp, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov được dẫn lời nói rằng quan điểm của Nga và Trung Quốc về các sự kiện hiện tại “hoàn toàn trùng khớp”.
Một tuyên bố của chính phủ Trung Quốc được đưa ra sau cuộc họp đã hứa sẽ “hỗ trợ mạnh mẽ” cho “các lợi ích cốt lõi” của Nga.
Hoa Thịnh Đốn tiếp tục bày tỏ lo ngại về sự tâm đầu ý hợp rõ ràng giữa Moscow và Bắc Kinh.
Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre cho biết: “Chúng tôi đã nói rõ những lo ngại của mình về chiều sâu của sự ủng hộ và mối liên hệ của Trung Quốc với Nga”.
Sau đó bà gọi cuộc gặp Putin-Tập ở Samarkand là “một ví dụ về sự ủng hộ đó”.
Tổng thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ: Nghiêng về phía Moscow?
Một trong những cuộc gặp được theo dõi sát sao nhất ở Samarkand là giữa ông Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ không phải là thành viên đầy đủ tư cách của SCO, nhưng nước này đã tham gia hội nghị thượng đỉnh tuần trước với tư cách là một “đối tác đối thoại”.
Mặc dù là thành viên NATO lâu năm, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì mối bang giao tương đối tốt với Nga. Hai quốc gia này có đường biên giới trên biển ở Hắc Hải.
Ngay từ đầu, ông Ankara đã lên án cuộc xâm lược của Nga và cung cấp cho Ukraine các phi cơ không người lái Bayraktar tân tiến. Nhưng giống như Ấn Độ và Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ cũng hạn chế ủng hộ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow.
Thổ Nhĩ Kỳ là nước tiêu thụ lượng lớn khí đốt tự nhiên của Nga, chiếm gần một nửa tổng lượng khí đốt nhập cảng của nước này và hy vọng sẽ được giảm giá đáng kể từ các nhà cung cấp của Nga.
Hồi tháng Tám, một cuộc gặp mặt thân mật giữa ông Putin và ông Erdogan tại thành phố Sochi của Nga đã làm dấy lên lo ngại của phương Tây về việc Thổ Nhĩ Kỳ nghiêng về Moscow. Vào đầu tháng Chín, ông Erdogan thậm chí còn chế nhạo việc các nước phương Tây hiệp đồng với nhau về “các chính sách dựa trên sự khiêu khích” của họ đối với Nga.
Trao đổi với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ tại Samarkand, ông Putin ca ngợi “đóng góp đáng kể” của ông Ankara trong các nỗ lực hòa giải giữa Nga và Ukraine.
Hôm 21/09, Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp đàm phán về việc hoán đổi tù nhân giữa hai nước. Hồi tháng Bảy, họ đã giúp môi giới một thỏa thuận giữa các bên tham chiến cho phép nối lại các chuyến hàng ngũ cốc của Ukraine qua Hắc Hải.
Tại cuộc họp này, ông Putin nói với ông Erdogan: “Sau các cuộc điện đàm của chúng ta, sau cuộc thảo luận trực tiếp của chúng ta ở Sochi … tình hình đang tiến triển rất nhanh ở cấp độ song phương cũng như đa phương.”
Có thể chơi trò tung hứng với hy vọng của Thổ Nhĩ Kỳ về một ngày nào đó sẽ trở thành một trung tâm năng lượng của khu vực, ông Putin tiếp tục mô tả đất nước này là “một trong những tuyến đường cung cấp đáng tin cậy nhất cho các nguồn năng lượng của chúng tôi”.
Ngày hôm sau, ông Erdogan nói lên ý định đưa Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập SCO với tư cách là thành viên chính thức. Một bước đi như vậy có nghĩa là “mối bang giao của chúng tôi với [các quốc gia thành viên SCO] sẽ chuyển sang một vị thế khác nhiều,” Reuters dẫn lời ông cho biết.
Theo ông Karadeli, hành động như vậy của Thổ Nhĩ Kỳ không nhất thiết có nghĩa là họ “cắt đứt liên hệ với thế giới phương Tây”.
Ông nói: “Thổ Nhĩ Kỳ không thay đổi trục chính sách ngoại giao của mình. Họ chỉ hướng tới việc tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác mới trong một thế giới toàn cầu hóa.”
Chỉ vài ngày sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo phe ly khai ở bốn tỉnh Ukraine do Nga chiếm đóng đã công bố kế hoạch tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Nga. Ngay sau đó, ông Putin đã ra lệnh huy động một phần quân đội Nga.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times