Hậu quả của hội nghị SCO: Ông Putin hiện ở dưới trướng của ông Tập Cận Bình
Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải được tổ chức tại Samarkand, Uzbekistan trong tháng này, rất đáng chú ý vì hai lý do. Thứ nhất, đây là chuyến công du hải ngoại đầu tiên của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Thứ hai, hội nghị này cho thấy nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin đang ở dưới trướng, hay nói cách khác là phục tùng Trung Quốc. Cả hai điều này đều có ý nghĩa quan trọng và cho thấy ông Tập ngày càng tự tin ở vị thế của mình trong việc tạo ra một liên minh các quốc gia chống Tây phương cũng như là đầu tàu trong liên kết đối tác Trung-Nga.
Tại cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh, lần đầu tiên kể từ khi họ gặp nhau tại Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh hồi tháng Hai, ông Tập đã bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Ngoài ra còn cam kết thúc đẩy “lợi ích căn bản” của họ và đề nghị thành lập một “mặt trận thống nhất” để chống lại Tây phương. Nga cũng đưa ra sự ủng hộ của mình đối với tuyên bố chủ quyền của ĐCSTQ ở Đài Loan. Trung Quốc đang tăng cường mua dầu từ Nga trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy nền kinh tế Nga trong bối cảnh quốc gia này phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế của Tây phương. Không còn nghi ngờ gì nữa, họ đã tiến hành đánh giá mối bang giao của mình, cũng như bí mật thảo luận về các mục tiêu và kế hoạch trong tương lai.
Thật không may cho ông Putin, giờ đây ông ta là người “dưới trướng” trong mối bang giao này. Nga ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc và Ấn Độ trong các thương vụ mua bán năng lượng. Ông Putin đã gia nhập vào liên minh chống lại Tây phương của ông Tập, điều này khiến ông ta mất đi quyền tự chủ. Ông Tập chống lại Tây phương bởi vì ông ta đang tìm cách lật đổ quyền lực và vị thế của Hoa Kỳ trên thế giới và trói buộc thế giới này vào tham vọng của ĐCSTQ. Ông Putin lẽ ra có thể đạt được nhiều lợi ích hơn nếu xuất hiện như một bên thứ ba hưởng lợi từ cuộc xung đột giữa hai quốc gia đó. Bằng cách nghiêng về một phía, bên được coi là bên yếu thế hơn, ông ta có thể tối đa hóa lợi ích và quyền tự do hành động của Nga.
Giờ đây, khi ông Putin gắn liền lợi ích của Nga với Trung Quốc, ông ta sẽ đi trên con đường mà ông Tập yêu cầu. Điều này đòi hỏi Nga phải chấp nhận sự suy giảm ảnh hưởng khi lợi ích của Moscow xung đột với Bắc Kinh, chẳng hạn như ở Trung Á, và trở thành công cụ đánh lạc hướng Hoa Kỳ và các đồng minh NATO trong khi Trung Quốc mở rộng sức mạnh quân sự và tham vọng chiến lược của mình. Một khi ông Putin phục vụ cho lợi ích của riêng mình, ông Tập sẽ lật đổ ông ta.
May mắn cho ông Tập là ông ta đang chiếm thế thượng phong trong mối bang giao này, vốn là điều có lợi cho Trung Quốc. Ông Tập để ông Putin phụ thuộc vào ông ấy và do đó ảnh hưởng đến chính sách của Nga. Ông Putin cũng đóng vai trò như một cột thu lôi, thu hút sự thù hận của thế giới vì các hành động của ông ta, trong khi tội ác diệt chủng của ông Tập ở Tân Cương vẫn thường xuyên không được chú ý và chỉ làm nền đằng sau. Một suy nghĩ muộn màng trong lương tri của người dân thế giới. Kết quả là, ông Tập đã giành được sườn phía bắc của mình. Sức mạnh quân sự về vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường của Nga hiện là một công cụ dù được sử dụng chung hay độc lập với quân đội Trung Quốc thì mục đích vẫn là để phục vụ lợi ích của Bắc Kinh.
Hoa Kỳ đang phải đương đầu với một vấn đề có “hai mặt”. Hội nghị của SCO cũng chứng tỏ rằng Trung Quốc là thế lực thống trị trong khu vực. Ảnh hưởng của Hoa Kỳ đã suy yếu kể từ khi chính phủ cựu Tổng thông George W. Bush rời căn cứ không quân K-2 (Karshi-Khanabad) ở Uzbekistan, và chính phủ ông Biden bỏ rơi chính phủ và người dân Afghanistan cho Taliban.
Ảnh hưởng của Nga hiện cũng suy yếu khi các quốc gia Trung Á coi Nga là mối đe dọa sau cuộc xâm lược Ukraine của nước này, và coi Moscow là đối tác dưới trướng trong mối bang giao Trung-Nga. Đối với ông Tập, đây là một sự kiện đáng chú ý xảy ra cùng lúc Trung Quốc đang tiến hành cuộc diệt chủng chống lại người Hồi giáo Kazakh, Kyrgyzstanm, và Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương hoặc Đông Turkistan. Như đã thấy ở Samarkand, sườn phía tây của Trung Quốc vẫn an toàn như những năm gần đây.
Với sườn phía tây và phía bắc được bảo đảm và sự mở rộng khả năng phóng chiếu sức mạnh của ông Tập, Hoa Kỳ và các nước đồng minh có thể đoán trước được là ĐCSTQ sẽ dồn trọng tâm xâm lược của mình sang sườn phía nam và sườn phía đông của họ. Cuộc xâm lược này có thể là [chiến tranh] hỏa lực — thực sự, tại một số thời điểm, nó sẽ là như vậy — chống lại Ấn Độ ở sườn phía nam của Trung Quốc hoặc chống lại Đài Loan ở sườn phía đông. Nhưng áp lực của Trung Quốc sẽ tiếp tục sử dụng tất cả các công cụ trị quốc để phát huy sức mạnh của mình tạo ra sự thay đổi mà họ mong muốn.
Vì vậy, thế giới có thể tiên liệu về áp lực ngoại giao, hệ tư tưởng, và kinh tế sẽ được áp đặt để chống lại cả hai phía, đồng thời Trung Quốc cũng tìm cách làm suy yếu chính phủ Ấn Độ và chính phủ Đài Loan. Chúng ta cũng nên dự đoán việc tiếp tục mở rộng ảnh hưởng trong nước của ĐCSTQ ở các quốc gia đó thông qua mặt trận thống nhất cũng như các nỗ lực công khai và bí mật khác.
Đó là một thế giới mới. Sự thống trị của Liên Xô đối với Trung Quốc trong Chiến tranh Lạnh giờ đã bị đảo ngược. ĐCSTQ trở thành quân Át chủ trong mối bang giao này là do sự ngu ngốc trong chiến lược của ông Putin. Việc bảo đảm an toàn cho sườn phía bắc và sườn phía tây của Trung Quốc là một bước quan trọng dẫn đến sự hiếu chiến lớn hơn của ông Tập. Nếu ông Tập thành công tại Đại hội Đảng lần thứ 20, rất có khả năng ông ta sẽ giành được quyền kiểm soát Đảng, và sau đó, trận chiến đông-nam của họ sẽ bắt đầu.
Do đó, Hoa Kỳ, các nước đồng minh và đối tác của họ phải bước ra ngoài vòng ngờ vực về cuộc xâm lược đó, và công nhận tính chắc chắn của hành động này. Điều này buộc Đài Loan phải tăng cường khả năng ngăn chặn Trung Quốc bằng một biện pháp răn đe thông thường được lực lượng răn đe mở rộng hỗ trợ, kết hợp các lực lượng thông thường và hạt nhân từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, và các nước đồng minh NATO.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times