Không hẹn mà gặp, chiêm ngưỡng bức tượng David ở Florence
Từ việc tìm hiểu bức tượng David và đọc về lịch sử Florence, cho đến việc tìm hiểu về lịch sử của thời kỳ Văn nghệ Phục hưng, đối với tôi đây là sự thu hoạch ngoài sức tưởng tượng. Buổi đầu tiên của bài học phác họa cơ thể con người, các bạn học đã phấn khích hỏi tôi: “Bạn đã đi xem tượng David rồi à?” Đúng vậy, đã đến thành phố này thì dường như không có lý do gì mà không đi tham quan pho tượng David, cho dù không đi xem thì ông ấy cũng sẽ xuất hiện một cách bất ngờ.
Trong ánh chiều tà lúc hoàng hôn, sông Arno giống như một dải lụa uốn quanh thành phố Florence, thỉnh thoảng lại lấp lánh những sắc vàng bàng bạc rực rỡ.
Mỗi một thành phố sinh ra đều có một con sông chảy qua. Nó tưới tắm, bồi đắp phù sa, khiến cho thành phố tràn đầy sinh lực. Sông Arno xuyên qua thành phố Florence – nơi khởi nguồn của Văn nghệ Phục hưng, chia thành phố thành hai bờ Nam Bắc. Trên mảnh đất màu mỡ này, những mầm mống nhân văn đã làm nảy nở biết bao tài năng, để lại cho nhân loại một di sản nghệ thuật phong phú và chói lọi.
Lối đi trên sông với hàng ngàn bức tranh nổi tiếng
Trong những cây cầu lớn nhỏ bắc qua sông Arno để nối liền giao thông giữa hai bờ, nổi tiếng nhất là cây Cầu Cũ (Ponte Vecchio). Lần đầu bước lên cây cầu này, tôi không hề cảm thấy là mình đang đi trên cầu, bởi vì con đường lát đá dưới chân cứ thế dẫn tôi tiến lên. Hai bên cầu là những cửa hàng trang sức vàng bạc châu báu mọc lên san sát. Mặt cầu không rộng không hẹp, làm cho người ta lầm tưởng đây là một con đường, mãi đến khi đứng ở giữa cầu, mới hiểu được đây là một cái “Hẻm cầu” rất thú vị. Trên cầu có tượng bán thân của nhà điêu khắc Benvenuto Cellini, ở phía sau bức tượng có thể ngắm nhìn phong cảnh trên sông Arno tuyệt đẹp.
Du khách đi lại trên cầu rất nhiều. Có người dừng chân ở tủ kính trước cửa hàng vàng bạc để xem những món trang sức rực rỡ loá mắt. Có mấy tốp ba người, năm người tụ tập hai bên cầu để thưởng thức phong cảnh ven sông. Tiếng rao bán đồ lưu niệm của người bán hàng rong lúc lớn lúc nhỏ, vô cùng náo nhiệt. Các cửa hàng này cao hai hoặc ba tầng, được xây dựng trên các trụ cầu, lối đi trên tầng thượng của các cửa hàng được che phủ bởi mái nhà màu đỏ thẫm, tạo thành một dãy hành lang vòm dài, có một đoạn ngoặt rồi chạy dọc theo bờ sông đến Phòng trưng bày nghệ thuật Uffizi.
Hành lang này được Công tước Cosimo I ủy quyền cho ông Giorgio Vasari (1511~1574) tạo lối đi riêng từ tòa nhà Thị chính cũ (Palazzo Vecchio) đến Cung điện Pitti (Palazzo Pitti), và chỉ mất năm tháng để xây dựng xong.
Những lối đi trên cao như vậy là một nét kiến trúc đặc sắc của Florence vào thời Trung cổ và thời Văn nghệ Phục hưng. Trên hành lang có rất nhiều cửa sổ, qua đó quý vị có thể nhìn thấy phong cảnh đường phố, các cây cầu và những ngọn đồi của Florence. Người ta ước tính có gần một nghìn bức tranh được cất giữ ở đây. “Muốn vào tham quan phải xin phép rất lâu, và phải do người chuyên trách hướng dẫn đi. Thế nhưng, một số hướng dẫn viên ở đây luôn phải đối mặt với đơn xin tham quan của du khách đến từ khắp nơi trên thế giới bất cứ lúc nào. Khối lượng công việc mà họ phụ trách rất lớn. Thêm nữa vào mùa du lịch họ cũng muốn dành cho bản thân một kỳ nghỉ dài. Vì vậy cơ hội để có thể vào tham quan bên trong quả thật đã ít lại càng ít.” Thầy giáo giải thích với tôi như vậy.
Thánh địa của những người yêu nghệ thuật
Nhắc đến bản thân Vasari, ông đã trở nên nổi tiếng nhờ tác phẩm “Lives of the Artists” (Tạm dịch: “Cuộc sống của các nghệ sĩ”). Ông nhìn các tác phẩm nghệ thuật cổ điển bằng con mắt hoàn toàn mới, đặt cho chúng một danh từ mới bằng ngôn ngữ của mình – “Nghệ thuật Phục hưng.” Thuật ngữ này có ảnh hưởng rất lớn đến lý luận lịch sử nghệ thuật của các thế hệ sau. Phòng trưng bày Uffizi cũng do đích thân ông chủ trì thiết kế. Đây là Phòng trưng bày nghệ thuật lâu đời nhất và nổi tiếng nhất phương Tây, cất giữ một lượng lớn các tác phẩm thời kỳ Văn nghệ Phục hưng, chẳng hạn như “Mùa xuân” (Primavera) và “Sự ra đời của Thần Vệ Nữ” (The Birth of Venus) của Sandro Botticelli, “Thiên sứ truyền tin” (Annunciation) và “Sự tôn thờ của các đạo sĩ” (Adoration of the Mag) của Leonardo da Vinci, ngoài ra còn có những tác phẩm kiệt xuất của Michelangelo, Raphael, Titian, Caravaggio .v.v. Phòng trưng bày Uffizi là Thánh địa cho những người yêu nghệ thuật tìm đến. Hàng năm có hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây và luôn luôn có một hàng dài người xếp hàng ở lối vào.
Ở ngay gần Phòng trưng bày Uffizi là Quảng trường Lãnh chúa (Piazza della Signoria), đây từ lâu đã luôn là trung tâm hoạt động chính trị của Florence. Xung quanh quảng trường có tòa nhà Thị chính cũ và tòa nhà Loggia dei Lanzi. Trước tòa nhà Thị chính cũ là bản sao bức tượng David của Michelangelo, bản gốc được lưu giữ trong Học viện Nghệ thuật. Trên hành lang mát mẻ của Loggia dei Lanzi có một số tác phẩm điêu khắc, có cảnh vệ thay phiên nhau canh gác, đề phòng có người trèo lên tùy tiện phá hủy. Đối với những người yêu thích vẽ tả thực, những tác phẩm điêu khắc này là những mẫu hình tốt nhất. Trong quảng trường có một đài phun nước Hải Thần (Neptune), bức tượng thần Neptune cao lớn vượt lên trên tất cả các tác phẩm điêu khắc ở đây. Người dân Florence dường như có một số ý kiến về nó, cho rằng nó “quá trắng.” Dòng người qua lại trên quảng trường không dứt. Những nhóm tượng điêu khắc đó đã đứng ở đây năm này qua năm khác không nói một lời, lặng lẽ chào đón từng đoàn người, cũng dõi theo từng nhóm từng nhóm lữ khách.
Hành lang trong Viện bảo tàng Mỹ thuật Bargello là thiết kế mái vòm điển hình của Ý.
Nếu muốn tìm hiểu các tác phẩm sơ kỳ thời Văn nghệ Phục hưng thì nhất định không thể bỏ qua Viện Bảo tàng Mỹ thuật Bargello (Museo Nazionaledel Bargello). Nó đã trải qua mấy giai đoạn biến đổi lịch sử: Thời kỳ đầu là trụ sở của văn phòng Tổng đốc, sau đó là nơi ở của quan chấp chính tối cao; vào thế kỷ 15 được sử dụng làm tòa án, nhà tù và phòng hành quyết; đến năm 1865, nó được chuyển đổi thành Viện bảo tàng. Kiến trúc ở tầng một là Hành lang vòm uốn khúc tuyệt đẹp và giếng trời, đây là kiểu kiến trúc cổ điển tiêu chuẩn của Ý. Bên trên bức tường của giếng trời có treo phù hiệu của các đời quý tộc. Bên ngoài bức tường có thể nhìn thấy rất nhiều vòng sắt to và thô. Đây là nơi các quý tộc hoặc kị sĩ buộc ngựa của họ khi đến thăm. Bộ sưu tập của bảo tàng này rất phong phú và đa dạng. Ngoài các bức tranh và đồ gốm hoa Ý, còn có rất nhiều tác phẩm điêu khắc quan trọng, chẳng hạn như các tác phẩm của Donatello, Michelangelo và Giambologna .v.v. Ngoài ra, ở đây còn giữ được tấm khảm do hai nghệ thuật gia là Lorenzo Ghiberti và Filippo Brunelleschi thiết kế cho cánh cổng nhà rửa tội ở Florence.
Tượng David – Biểu tượng của thành phố
Cùng với việc tìm hiểu về bức tượng David, đồng thời cũng tìm đọc về lịch sử Florence, rồi tiến thêm một bước tìm hiểu về lịch sử thời kỳ Văn nghệ Phục hưng, đối với tôi đây là sự thu hoạch ngoài mong đợi. Trong buổi đầu tiên của bài học phác họa cơ thể con người, các bạn học phấn khích hỏi tôi: “Bạn đã đi xem tượng David rồi à?” Đúng vậy, đã đến thành phố này thì dường như không có lý do gì mà không đi xem tượng David. Cho dù không đi xem thì ông ấy cũng sẽ đột nhiên xuất hiện bất ngờ ở một vị trí nổi bật nào đó trong thành phố, bởi vì tượng David đã sớm là biểu tượng của thành phố Florence.
Ở Florence vào thời kỳ Văn nghệ Phục hưng, các nhà lãnh đạo và thị dân hàng ngày đều sống trong một môi trường được bao quanh bởi các tiêu chí của nền Cộng hòa. Những tiêu chí này tô điểm cho các công trình kiến trúc hoặc được đúc rõ ràng trên các đồng xu. Hình thức chính trị của Florence vào thế kỷ 13 là Chính thể Cộng hòa. Biểu tượng của chính thể đương thời là sư tử và hoa loa kèn, tượng trưng cho uy quyền của quân chủ. Vào thế kỷ 14, lúc mới đầu, bức tượng David có khuôn mặt trẻ trung, đại biểu cho nền Cộng hòa vui vẻ phồn vinh, tràn trề sinh lực. Vậy nên, nó đã gia nhập vào hàng ngũ của hoa loa kèn và sư tử, trở thành biểu tượng của Florence trong thời kỳ Phục hưng.
David đến từ câu chuyện trong “Kinh Thánh.” Câu chuyện về David trong cuốn “Kinh Thánh” là hoàn chỉnh nhất. David là người nhỏ tuổi nhất trong gia tộc, không ngờ chàng lại là người chiến đấu chống lại gã khổng lồ Goliath và là Quốc Vương của Israel trong tương lai. Đặc điểm này của chàng khiến người Florence vô cùng thích thú. Sự tự tin của chàng về tuổi trẻ và sinh lực tràn trề đại biểu cho tinh thần của chính thể Cộng hòa. Vào thời điểm đó, Nhà nước Cộng hòa do một nhóm quân đội mỏng yếu tổ hợp thành, còn hình ảnh của David thể hiện trước mặt mọi người dường như mong manh yếu đuối, nhưng lại là một người dũng cảm chống lại gã khổng lồ. Chàng cũng đồng thời là một nhạc sĩ, nhà văn, nghệ sĩ đàn hạc và người viết Thánh ca nổi tiếng, tập hợp trên thân nhiều tài nghệ. Do đó, Florence xem chàng là biểu tượng của thành phố. Hình tượng của chàng có thể được nhìn thấy ở khắp nơi trong thành phố hiện nay.
Tượng David dưới bàn tay tài hoa của những nhà điêu khắc nổi tiếng
Bức tượng David đầu tiên xuất hiện ở phương Tây do bàn tay khéo léo của Donatello (1384~1466) sáng tác. Tượng David đúc bằng đồng của ông không có bất kỳ vật chống đỡ nào, không giống như kỹ thuật phù điêu của La Mã cổ đại, người xem có thể ngắm nhìn bức tượng David ở 360 độ. Tượng David do Donatello khắc họa với nụ cười trên khuôn mặt rất khó giải thích, mái tóc chạm vai, trên đầu đội một chiếc mũ được trang trí bằng những cành nguyệt quế, chân đi ủng, một chân đạp trên cái đầu mới bị chặt của Goliath khổng lồ, một tay chống eo và tay kia cầm thanh bảo kiếm. Khuôn mặt và cơ thể không quá cường tráng, gần giống như một đứa trẻ mới trưởng thành.
Tượng David bằng đồng của Andrea del Verrocchio được hoàn thành trong thời gian từ năm 1473 đến năm 1475 theo yêu cầu của gia tộc Medici. Điều khiến người ta thích thú về bức tượng David này là do Verrocchio đã chú thích rằng, ông lấy chàng trai trẻ Leonardo da Vinci, khi đó đang học việc trong xưởng của ông làm nguyên mẫu.
Bức tượng David của Michelangelo được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ thuật Florence (Galleria dell’Accademia), ban đầu nó vốn được đặt trước sảnh tòa thị chính cũ. Vào năm 1527, người dân nổi loạn xông vào quảng trường, đánh gãy tay trái của bức tượng. Trong thế kỷ 19, khi nước Ý hoàn thành đại nghiệp thống nhất, các chuyên gia đã kêu gọi tìm kiếm một ngôi nhà mới cho bức tượng David để tránh nguy cơ bị nứt vỡ. Thế là Bảo tàng Nghệ thuật Florence đã trở thành ngôi nhà mới của bức tượng.
Michelangelo đã đi tiên phong trong việc thể hiện tinh thần của David, khiến người xem kinh ngạc và kính sợ, và đó là lý do tại sao danh tiếng của Michelangelo được lan truyền rộng rãi. Bức tượng không giống với hình tượng David mà các nghệ thuật gia trước đây đã khắc họa, với đôi chân đặt trên đầu Goliath và thân hình trẻ trung. Tượng David của Michelangelo có thân thể cường tráng toát lên sự dũng mãnh, hừng hực khí phách, tư thế duy ngã độc tôn, thể hiện phong thái của một vị Quân vương, David mà ông khắc họa là trạng thái tâm lý trước khi đối mặt với người khổng lồ. Chàng đứng dang rộng hai chân (tư thế truyền thống cổ điển), vai hơi vặn, đầu không nhìn thẳng mà quay chếch về bên trái. Sự sắp xếp này tạo ra nhiều chuyển động thị giác hơn, tạo cảm giác như chàng đang còn sống, rất sinh động. Chàng nhíu chặt lông mày, toát ra sự uy nghiêm, ánh mắt sáng ngời nhìn xa xăm, bàn tay to lớn dường như có thể chống trời; gân xanh và kinh mạch trên cánh tay ẩn hiện, tựa như chuẩn bị cho một trận đấu kịch liệt. Dòng người xem như thủy triều tràn đến vây quanh bức tượng thành từng vòng từng vòng. Tôi chỉ dám đứng nhìn từ xa mà không dám tiến lại gần.
Đến Florence, chỉ cần chiêm ngưỡng những kiệt tác của Michelangelo tại Bảo tàng Nghệ thuật Florence thì cũng đáng giá vé vào cửa rồi. Ngoài tượng David, còn có bốn tác phẩm điêu khắc của Michelangelo được đặt trong phòng triển lãm phía trước tượng David, họ là những “nô lệ,” cũng có thể gọi là “tù nhân” chưa hoàn thành. Họ ở tư thế vặn người hết cỡ, khác hẳn đặc điểm tạo tượng thường thấy của Michelangelo. Mặc dù là những tác phẩm “dở dang”, nhưng về hình thái đã chuyển tải mạnh mẽ sự dằn vặt nội tâm của nghệ thuật gia. Họ như bị giam cầm trong đá hoa cương, khi gần đến hồi kết của cuộc đời vẫn muốn cố gắng thoát khỏi gông cùm đang giam cầm họ cả về thể xác lẫn tinh thần.
Lâm Lệ Quyên thực hiện
Vương Cận biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý độc giả tham khảo bản gốc tại Epoch Times Hoa ngữ