Nghệ thuật gia kỳ tài – Leonardo da Vinci (P.5): ‘Sự tôn thờ của các đạo sĩ’
Tiếp theo Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4.
Mặc dù vụ ám sát của Pazzi đã củng cố địa vị của gia tộc Medici, nhưng lại gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng có ở Florence. Bởi vì vụ việc có liên quan đến Giáo hoàng Sixtus IV (1414-1484, trước đây gọi là Francesco della Rovere) và các quốc gia xung quanh khác, cho nên Florence phải đối mặt với sự trả đũa của Giáo hoàng.
Giáo hoàng yêu cầu quân đồng minh Naples tấn công Florence, khi đó Lorenzo bất lực đành phải giải quyết bằng ngoại giao. Ông một mình đơn thương độc mã đi đến Naples, dùng trí tuệ và lòng dũng cảm để thuyết phục quân đội Naples, đồng thời hướng tới Đức Giáo hoàng xin cầu hòa. Để xoa dịu Giáo hoàng, Lorenzo đã cử một số họa sĩ giỏi nhất của Florence đến Rome để vẽ những bức bích họa cho Nhà nguyện Sistine vừa mới được xây dựng. Trong số các họa sĩ đó có đồng nghiệp và là đối thủ của Leonardo da Vinci, bao gồm Perugino, Botticelli, Domenico Ghirlandaio… [1], nhưng không có Leonardo da Vinci.
Lý do là gì? Có một số khả năng xảy ra, đầu tiên là Leonardo da Vinci dính vào một vụ bê bối tình dục đồng giới vào năm 1476. Dù sau đó ông được tuyên trắng án nhưng điều đó chắc chắn đã ảnh hưởng đến danh tiếng và các mối quan hệ cá nhân. Ngoài ra, Da Vinci thường gặp những rắc rối không đầu không đuôi cho nên không thể hoàn thành công việc của mình đúng thời hạn, bởi vậy cũng khó được tin tưởng; cộng với việc gia tộc Medici ưa chuộng thẩm mỹ tân Platon, đánh giá cao tinh thần thử nghiệm và phong cách hiện thực của Botticelli hơn là của Da Vinci.
Dù thế nào đi nữa, một số sự việc trong thời kỳ này rõ ràng đã gây ra một nỗi ám ảnh trong trái tim Da Vinci. Ông cảm thấy cô độc, không có bạn bè. Leonardo da Vinci rời xưởng vẽ của Verrocchio vào năm 1477 và làm việc độc lập, nhưng được cho là có “công việc kinh doanh rất tệ”. Khi đó, cha của ông, ngài Ser Piero đã sử dụng các mối quan hệ của mình với tư cách là công chứng viên để giúp con trai có cơ hội.
Năm 1481, tu viện Augustinian ở San Donato (Augustinian convent of San Donato) đã ủy quyền cho ông vẽ bức “Adoration of the Magi” (Sự tôn thờ của các đạo sĩ), và cha ông đã ở giữa thúc giục ông; bao gồm một hợp đồng để Da Vinci hoàn thành công việc trong vòng 30 tháng [2]. Tuy nhiên, bức tranh vẫn chưa hoàn thành, giống như hầu hết các tác phẩm của Da Vinci. Nhưng điều này không có nghĩa là Da Vinci không nghiêm túc và chuyên tâm, ngược lại, trong tác phẩm còn dang dở này, sự nghiên cứu của ông đối với hội họa còn sâu sắc hơn bất kỳ bậc thầy nào vào thời điểm đó.
Bức tranh “Adoration of the Magi” (Sự tôn thờ của các đạo sĩ) kể rằng khi Chúa Jesus ra đời, ba vị trưởng lão đến từ phương Đông [3] đã quan sát thấy dị tượng – một ngôi sao mới lóe sáng trên bầu trời, và biết rằng Thánh giả đã xuất thế. Họ đi theo hướng của ngôi sao, đi đến Thánh gia Bethlehem, dâng lên món quà bằng vàng, myrrh và nhũ hương cho Chúa Hài đồng. Trong Cơ đốc giáo thời cổ đại, chủ đề này thể hiện sự chờ mong và kính ngưỡng của nhân loại đối với Đấng Cứu Thế.
Ở Florence vào thời Leonardo da Vinci, lễ hội này (Lễ Hiển Linh, Epiphany) [4] được tổ chức cả ngày vào tháng Giêng hàng năm, với các cuộc diễu hành diễn giải câu chuyện đi tìm Thánh giả của các nhà tiên tri phương Đông. Đặc biệt là vào năm 1468, ngày lễ này đặc biệt lộng lẫy và hoành tráng, và cậu học việc 15 tuổi Da Vinci cũng tham gia vào buổi biểu diễn xa hoa của gia đình Medici. Cả thành phố giống như một sân khấu, và có gần 700 kỵ sĩ trong cuộc diễu hành.
Khi các họa sĩ Florence vẽ chủ đề này, họ chắc chắn bị ảnh hưởng bởi các hoạt động khánh điển. Một số vẽ trang phục của các nhân vật vào thời điểm đó, một số vẽ đám rước kéo dài đằng sau ba đạo sĩ. Botticelli thậm chí còn vẽ trực tiếp các thành viên của gia tộc Medici làm nhân vật.
Mặc dù Da Vinci cũng rất ấn tượng về cuộc diễu hành, nhưng bố cục của ông rất khác so với các họa sĩ trong quá khứ [5]. Trong các bức tranh tường thuật từ thời Trung cổ đến đầu thời kỳ Phục hưng, các tình tiết khác nhau của câu chuyện thường được ghép lại với nhau thành một bức tranh, dẫn đến các nhân vật bị lặp lại hoặc chuyển cảnh không tự nhiên. Leonardo da Vinci đã đưa ra một giải pháp cho vấn đề này.
Trước hết, ông sử dụng lý thuyết về phối cảnh không gian của Abetti trong các bức tranh lịch sử, lý thuyết này kết hợp một cách kỳ diệu và tự nhiên hai sự kiện có mối quan hệ nhân quả [6] – “Sự tôn thờ của ba vị đạo sĩ” và “thảm cảnh thảm sát trẻ nhỏ sau này” – [7]. Khoảng cách không gian do phương pháp phối cảnh tạo ra vừa làm nới rộng sự khác biệt về thời gian và không gian của các sự kiện, lại vừa được thống nhất hợp lý trong một bức tranh, đồng thời khắc phục tình trạng chủ đề tản mạn và không gian không rõ ràng trong tranh ở thế kỷ 15.
Trước khi vẽ tranh, đầu tiên Leonardo da Vinci vẽ trên một mảnh giấy nháp. Ông dựa theo phương pháp của Brunelleschi và Abetti, vẽ các đường phối cảnh chính xác bằng thước kẻ để xây dựng chiều sâu của không gian, sau đó vẽ các tòa nhà trên cơ sở này và nhanh chóng liệt kê các động tác của nhân vật, ngựa, và các cảnh hỗn loạn khác…
Việc này giống như khi sân khấu được dựng lên, trang trí dàn dựng, và sau đó các diễn viên được đưa lên sân khấu. Trong bản thảo, trí tưởng tượng không bị kiềm chế của tác giả và cấu trúc toán học chặt chẽ mang tính chiết trung.
Để chính thức tạo ra tác phẩm, Leonardo da Vinci đã sử dụng những tấm ván gỗ bạch dương tạo thành một bảng vẽ hình vuông rộng 8 foot vuông, được tráng sẵn bằng đá phấn trắng. Tuy nhiên, ông không sao chép trực tiếp bản thảo phối cảnh kia lên bảng gỗ bằng cách đục lỗ. Thay vào đó, ông bắt đầu một bản nháp mới trực tiếp trên bảng gỗ – Có thể là vì những thay đổi trong ý tưởng, ví dụ như con lạc đà trong bản phác thảo đã bị hủy bỏ, và tỷ lệ của bối cảnh về sau cũng được phóng to hơn…
Theo nghiên cứu kỹ thuật hiện đại [8], đầu tiên, Leonardo da Vinci đã dùng đinh để xác định điểm biến mất. Sau đó, dọc theo đường kẻ đã vẽ, ông dùng bút đầu nhọn để vẽ các đường phối cảnh trên nền trắng, tiếp theo vẽ các tòa nhà, con người, ngựa và các cảnh khác…
Bối cảnh tàn tích của La Mã được sử dụng để tượng trưng cho sự băng hoại của các tín ngưỡng dị giáo thời cổ đại; Các chủ đề về sự bạo loạn của con người và giết chóc bừa bãi cũng làm nổi bật rằng con người đã sa đọa, thế giới cũ sụp đổ, và một vị Chúa cứu thế mới là cấp thiết lúc bấy giờ để xây dựng một thế giới mới.
(Còn tiếp)
Chú thích:
[1] Đầu tiên, Perugino đến Rome để hoàn thành một số bức bích họa theo yêu cầu của Giáo hoàng, và sau đó, ông đến Florence để nhờ Lorenzo hỗ trợ. Các họa sĩ được Lorenzo cử đi vào năm 1480 bao gồm: Botticelli, Pietro Perugino, Pinturicchio, Domenico Ghirlandaio, Luca Signorelli, Piero di Cosimo e altri).
[2] Hợp đồng rất phức tạp, nhưng chế độ đãi ngộ tốt. Trong đó ghi chú rõ rằng nếu công việc không thể hoàn thành đúng hạn thì sẽ bị rút lại.
[3] Những người nghiên cứu văn hóa tôn giáo Ba Tư cổ đại đã chỉ ra rằng “MAGI” là danh hiệu của các linh mục hoặc giáo sĩ Zoroastrian, tương tự như các linh mục hoặc giám mục trong Công giáo, linh mục hoặc trưởng lão trong Cơ đốc giáo.
[4] Lễ Hiển Linh của Công giáo và Chính thống giáo được tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng hàng năm. Epiphany là một lễ hội để kỷ niệm thần tính đầu tiên của Chúa Jesus sau khi giáng sinh và hiển lộ cho người dân ngoại (ám chỉ ba vị đạo sĩ phương Đông).
[5] Trước Leonardo da Vinci, Fra Angelico, Filippo Lippi và Botticelli đều vẽ cùng một chủ đề. Hình ảnh chủ yếu là đoàn người diễu hành được sắp xếp xa gần tuyến tính để thu hút người xem.
[6] Về cách kết hợp tự nhiên các cảnh từ thời gian và không gian khác nhau trên cùng một bức tranh, Leonardo da Vinci đã đề cập trong cuốn “A Treatise on Painting” rằng: “Làm thế nào để vẽ trải nghiệm cuộc sống tại nhiều giai đoạn khác nhau của một Thánh đồ trên cùng một bức tường? Tôi trả lời, bạn nên đặt điểm nhìn của tiền cảnh ngang tầm mắt của người xem, phóng to câu chuyện đầu tiên, sau đó thu nhỏ dần các ngọn núi và cánh đồng cũng như các tòa nhà và nhân vật tương ứng. Bằng cách đó, bạn có thể vẽ toàn bộ tình tiết của câu chuyện… “
[7] Vua Do Thái nghe nhà tiên tri nói rằng “Vua của dân Do Thái” trong tương lai đã được sinh ra. Và để bảo vệ ngai vàng của mình, ông ta đã ra lệnh giết những đứa trẻ sơ sinh dưới hai tuổi.
[8] Năm 2002, Phòng trưng bày Uffizi đã yêu cầu nhà phân tích nghệ thuật Maurizio Seracini sử dụng tính năng quét và siêu âm, phát hiện tia hồng ngoại và tia cực tím có độ phân giải cao để xác định tiến trình sáng tác của Leonardo da Vinci.